chương 46/ 294

Khánh Kỵ sau khi bố trí ổn thỏa ở Nhã Uyển xong, trước tiên tắm rửa một chút, thân mình nhẹ nhàng khoan khoái trở về phòng, rồi tinh tế cân nhắc những dự tính sau này. Trải qua nhiều ngày suy xét, hắn càng cảm thấy việc có được liên hệ với Lỗ quốc là vô cùng trọng yếu, muốn đánh trở lại Ngô quốc, đặt cứ điểm ở Lỗ quốc là lựa chọn tốt nhất của hắn.

Vệ quốc mặc dù cũng được, nhưng dựa theo tốc độ giao thông lúc này, cách Ngô quốc thật sự quá xa, nằm xa tầm với, ảnh hưởng đối với Ngô quốc là cực kỳ nhỏ bé. Hắn biết rằng trong lịch sử Hạp Lư soán vị không tới vài năm đã dần dần cường đại lên, bắt đầu đánh Đông dẹp Bắc thiết lập sự thống trị. Nói cách khác, nếu không phải do Khánh Kỵ hắn hiện tại kỳ diệu mà còn sống, như vậy Hạp Lư hẳn chỉ mất từ ba tới năm năm là có thể giải quyết tất cả mâu thuẫn trong quốc nội, nắm chặt chẽ quyền lực trong tay.

Hắn hiện tại tuy rằng còn sống, nhưng nếu căn cứ địa lại thiết lập ở địa phương cách xa Ngô quốc, như vậy lực ảnh hưởng của hắn tất yếu sẽ từ từ biến mất, chờ tới khi lực lượng của hắn gom đủ, địa vị của Hạp Lư cũng đã không thể lay chuyển. Khi đó, ở thời kỳ Xuân Thu loạn thế này, một công tử mất nước như hắn cũng chẳng còn ảnh hưởng gì đến đại cục, hết thảy đều cứ dựa theo quỹ tích vốn có mà đi thôi.

Muốn đối phó Hạp Lư, phải thành lập một đội ngũ phản kháng ở ngay trong tầm mắt Ngô quốc, lúc này mới có khả năng bảo trì ảnh hưởng của Tiên Vương cùng Khánh Kỵ hắn với Ngô quốc, làm cho những thế lực bên trong Ngô quốc còn đang xem xét sẽ không mất hy vọng mà quy phục Hạp Lư. Ngô quốc một mặt giáp biển, ba mặt còn lại giáp ranh với Lỗ quốc, Sở quốc, Việt quốc. Việt quốc thực lực quá yếu, cho dù sau này Câu Tiễn diệt Ngô, đều là trước tiên dùng quỷ kế lừa gạt Phù Sai Nam chinh Bắc chiến, hao mòn thực lực của quốc gia, sau đó lại đánh lén Cô Tô thành, lúc này mới đoạt được thắng lợi. Ở tình hình bình thường, Việt quốc nho nhỏ so sánh với Ngô quốc, thật sự là kém xa, nếu xét theo quốc lực mà nói, Việt quốc không thể nhờ cậy được.

Hơn nữa Việt quốc tuy nhỏ, Việt Vương Duẫn Thường (cha của Câu Tiễn) lại có dã tâm bừng bừng, luôn không ngừng khiêu khích Ngô quốc, mỗi lần khiêu khích thất bại liền cúi đầu cam chịu bái làm tiểu đệ, sau đó giao tiền giao nữ nhân giao vũ phí gọi là phí hao tổn. Nhưng người này không có trí nhớ, qua hai năm hẳn đã quên nỗi đau lúc trước, tin tưởng rằng một khi bành trướng, sẽ lại vươn cánh tay sang tiếp tục khiêu khích. Một kẻ vô lại như thế, làm cho Ngô quốc chịu rối loạn vô cùng, trên dưới Ngô quốc đối với nước lân cận này thực sự rất căm thù, nếu đầu nhập vào tiểu quốc này, chẳng phải tạo cơ hội cho Hạp Lư mời gọi dân tâm sao. Giả sử mà Hạp Lư dẫn quân đến tấn công, với cái tính thấy gió là chạy của Duẫn Thường, co được giãn được, chỉ sợ sau khi bị đánh bại, lại mang hắn ra mà cấp lễ cho Hạp Lư. Mà Lỗ quốc chí ít cũng lấy nhân nghĩa ra mà phô trương chính mình, loại chuyện vô sỉ này bọn họ không làm được.

Sở quốc và Ngô quốc thường tranh dâu tranh ruộng, bởi vì thường xảy ra chiến tranh nơi biên cảnh, bọn họ hẳn là vui vẻ mà nhìn Ngô quốc nội loạn, càng loạn càng tốt, chỉ có điều muốn dưới mắt Sở quốc mà thành lập một chính phủ lưu vong thì dễ dàng, nhưng muốn thành lập một đội quân đủ để làm đảo điên một quốc gia, thì lại đặc biệt khó khăn.

Sở quốc đối với việc tập trung Vương quyền cực kỳ coi trọng, Ngũ Tử Tư, Bá Dĩ hai đại thế gia bị diệt, mặt ngoài là do quyền thần Sở quốc hãm hại, kỳ thật nguyên nhân sâu xa là vì tập trung quyền lực về Vương thất. Ngũ gia bốn đời quyền thần, binh uy nặng gây nguy hiểm cho Vương thất, gia chủ đời này có thể trung thành, ai biết gia chủ tiếp theo của nhà hắn có dã tâm hay không? Ngươi vẫn còn lưu luyến quyền lực mà không hiểu sao? Vậy chỉ còn tìm cơ hội mà diệt ngươi, ở trong giang sơn xã tắc, sự tồn tại của một nhà một họ có coi là cái gì đâu.

Bá Dĩ hai nhà cũng là như vậy, Bá gia là công khanh nhiều thế hệ ở Sở quốc, mà lão Bá Khích Uyển ở Sở quốc lại có hiền danh nhất, được nhân dân vô cùng trọng vọng, nào xây cầu sửa đường, khai khẩn đất hoang, cùng với mấy việc tốt khác lão làm cả sọt, khiến cho dân chúng vô cùng kính yêu. Nếu có ai ở trên đường mà dám nói một câu không phải với lão, lập tức có thể có một đám người nhảy ra dí tận mũi mà chửi, một vài kẻ tính tình bất hảo có thể tại đương trường đập ngươi bẹp như con gián, đức vọng còn cao trên cả Sở Vương, cái mầm mống diệt tộc này cũng phải chôn xuống thôi.

Sở quốc luôn cảnh giác đối với những thế lực cường đại xuất hiện trong nội bộ, làm sao có thể trong quốc nội bồi dưỡng một lực lượng quân sự không phải do Sở Vương nắm giữ, cho nên duy nhất chỉ có thể trông cậy vào, chỉ có Lỗ quốc. Lỗ quốc 'nhẫn nhịn vì nước', nhân nghĩa lễ giáo, khiến cho quốc sách của Lỗ quốc chưa bao giờ nghĩ đến việc phát triển ra bên ngoài, sử dụng bá quyền và vũ lực. Kết lân bang tốt, láng giềng hoà thuận cùng tồn tại, thi hành đạo nhân nghĩa, là biện pháp nhất quán mà bọn họ sử dụng. Cái này là ưu điểm, mà cũng là khuyết điểm, nhưng mà không phải là hắn hoàn toàn không có cơ hội, sau khi Hạp Lư đăng vị đã đưa cho hắn một cơ hội.

Hạp Lư vừa mới đăng vị, liền phát ra lời nói hùng hồn, muốn làm lớn mạnh Ngô quốc, phạt Sở, phạt Lỗ, thậm chí phạt Tề để xây dựng sự thống trị. Hắn lúc ấy nói như vậy, một là vừa mới đi lên đại vị, trong lòng kích động, cả người xúc động, những lời như thế từ đáy lòng chưa suy xét đã thốt ra. Về phương diện khác cũng là bởi vì ủng hộ hắn đăng vị đều là tướng lãnh trong quân, tướng lãnh trong quân nếu muốn thăng chức chỉ có thể là quân công, loại chí hướng thế này mới có thể hấp dẫn bọn họ sẵn sàng xin chết vì hắn mà dốc sức.

Không ngờ lúc ấy những kẻ đối lập còn chưa diệt trừ sạch sẽ, có người đã đem tư tưởng vĩ đại của hắn ở "Quân sự hội nghị" tiết lộ ra ngoài, Tề quốc cường đại, lại ở phương xa, chỉ coi Hạp Lư như người mê nói mộng, nhất thời cũng không để ý tới, Lỗ quốc lại tự biết từ trước tới nay không có xem trọng vũ trang, trong quân không có danh tướng, nếu thật sự mà chiến tranh, thật đúng là đánh không lại Ngô quốc, đây là một cơ hội cho Khánh Kỵ. Hơn nữa Lỗ quốc luôn luôn rêu rao về nhân nghĩa, Hạp Lư là soán vị tự lên, nếu trợ giúp chính mình, đó chính là 'nghĩa', chỉ cần hứa nhất định cấp cho Lỗ quốc vài chỗ tốt, như vậy nhóm sĩ phu Lỗ quốc hẳn là sẽ tán thành viện trợ cho hắn đi.

Cho dù không thể đoạt được sự trợ giúp của Lỗ quốc, nhưng ở chỗ này hoạt động càng lâu, lại càng dễ dàng khiến cho Ngô quốc cùng Lỗ quốc đối địch, Ngô quốc có thêm một địch nhân, đối với nghiệp lớn phục quốc của hắn coi như là một trợ giúp lớn. Chính là bởi vì căn cứ vào những nguyên nhân này, cho nên Khánh Kỵ sau khi trải qua suy nghĩ tường tận, cũng quyết định phải hết sức nỗ lực tranh thủ Lỗ quốc.

Trong Lỗ quốc ba nhà, Quý Tôn Ý Như có tâm tương trợ, sẽ không phản đối mục đích của hắn, hắn tin tưởng, trong vòng hai ngày Dương Hổ sẽ tìm đến nhà hắn lật bài ngửa, việc hắn phải làm bây giờ, chính là kiên nhẫn chờ đợi. Khánh Kỵ có thể kiên nhẫn chờ đợi, Thúc Tôn Thị cùng Mạnh Tôn Thị lại một khắc cũng không thể chờ, Quý Tôn Ý Như hung hăng gây sự, mục đích độc tài quyền hành ngày càng rõ ràng, bọn họ không thể đợi cho sau khi mất hết quyền hành mới khởi xướng phản công, vì thế, sau khi yến hội chấm dứt, hai vị gia chủ liền chân trước chân sau bước vào gia môn của Thúc Tôn Thị.

Trang viên mỗi nhà trong ba đại thế gia đều thập phần khổng lồ, bên ngoài dựng tường cao chòi gác, bên trong không chỉ có người trong gia tộc và đầy tớ nữ tỳ, còn đóng quân vài trăm thậm chí hơn ngàn binh sĩ, nghiễm nhiên là một tòa thành bên trong thành. Lúc này, ở một dải đất trống sau hậu viện Thúc Tôn gia, đang chỉnh tề đứng nghiêm hơn năm trăm sĩ tốt khỏe mạnh hữu lực, ở phía trước quân trận, là một nữ tử dáng người cao gầy khỏe đẹp, nàng mặc một thân võ phục, những đường cong thướt tha của thân thể lộ ra không thể nghi ngờ.

Giờ phút này, nàng đang mặt đối mặt với nhóm sĩ tốt, bên cạnh là một đại hán vạm vỡ như hổ gấu. Hai tay ở nàng đặt ở sau lưng, nói:

- Ngưu Bát Lang, từ trong năm trăm người này, chọn ra cho ta một đội cường tráng hữu lực, cuộc đua thuyền rồng tế thần năm này, chúng ta Thúc Tôn gia nhất định không thể lại mặt xám mày tro được.

Ngưu Bát Lang chắp tay trước ngực nói:

- Tiểu thư, lực sĩ thì rất dễ có, nhưng thông thạo chèo thuyền thì lại ít, khi thi đấu đua thuyền, nếu chèo thuyền không bằng người, cũng khó mà giành được đại thắng.

Nữ tử kia vẫn để tay sau lưng, nói:

- Ta biết, trước cứ chọn lực sĩ, sáng sớm mai, ngươi cùng ta đi tìm người giỏi chèo thuyền đến làm người dạy.

- Rõ!

Ngưu Bát Lang trả lời một tiếng, rồi từ trong quân trận chọn lựa lực sĩ.

Cuộc đua thuyền rồng tế thần trong lời của bọn họ, kỳ thật chính là tết Đoan Ngọ (1). Âm lịch tính tháng theo địa chi (2), tháng giêng là Dần, tháng hai là Mão, lần lượt tới tháng năm là Ngọ, bởi vậy gọi tháng năm là tháng Ngọ, "Ngũ" giống với "Ngọ", "Ngũ' lại là số đếm, nên có khi gọi Đoan Ngọ là Đoan Ngũ, ngày hội tế tự thần long này ở thời kỳ Xuân Thu chính là một ngày hội trọng yếu, bởi vì dân tộc Hoa Hạ lấy rồng là vật tổ.

Tới đầu tháng năm tết Đoan Ngọ, ném bánh ú, đua thuyền rồng, đều có liên quan đến rồng. Ném bánh ú vào nước là để phụng dưỡng giao long, mà đua thuyền phải dùng đúng thuyền rồng. Lúc đó còn có tập tục đạp cỏ, đấu cỏ, ngắt cây thuốc, treo cây xương bồ, uống rượu Hùng Hoàng chờ Đoan Ngọ, những cái này đều có liên quan đến rồng, rắn, chứ không có quan hệ tới việc tưởng niệm Khuất Nguyên mà sau này hay nói. (Nếu không rõ, bạn nên đọc phần chú giải tết Đoan Ngọ rồi đọc tiếp)

Khuất Nguyên chính là Sở quốc đại phu, ông ta có trung trinh như thế nào, cũng chỉ trung với Sở quốc, ông ta sau khi đã khuất, những chư hầu khác cũng không có khả năng đi tế tự một đại phu trung thành với Sở quốc. Huống chi ngay lúc đó Sở Vương còn không cho ghi ông ta vào sổ sách, ngay cả dân chúng Sở quốc muốn vì ông mà cử hành những hoạt động kỷ niệm thanh thế lớn còn không được, huống hồ là toàn bộ thiên hạ.

Chỉ có tế tự thần long - một vật tổ chung của dân tộc Hoa Hạ, mới khiến cho các quốc gia một khối tuân theo truyền thống này. Người đời sau lại xuyên tạc đi, có người nói là tưởng niệm Ngũ Tử Tư, có người nói là tưởng niệm Khuất Nguyên, có người lại nói là tưởng niệm cô gái hiếu thuận Tào Nga, chẳng qua là do cố sự của Khuất Nguyên ảnh hưởng rộng khắp, hơn nữa loại tư tưởng trung với vua của ông còn được những kẻ thống trị đời sau tán thưởng, cố ý đề cao lên, dần dần về sau một ngày hội cổ để tế tự thần long lại đặc biệt chỉ dành cho ông ta.

Tế tự thần long là một việc đại sự trang nghiêm thần thánh, nhưng mà theo thực tế thì, đó là một ngày hội long trọng để dân chúng cùng nhau vui vẻ, ba nhà thế gia đều muốn đoạt giải quán quân của cuộc đua thuyền rồng, áp chế sự kiêu ngạo của hai nhà kia, đương nhiên là không tiếc tiền vốn.

Thúc Tôn gia Đại tiểu thư ở hậu viện chọn lựa lực sĩ chuẩn bị dự thi, ở tiền viện, Thúc Tôn, Mạnh Tôn hai vị gia chủ cũng đã đi vào một căn phòng nhỏ, đối mặt ngồi xuống, bắt đầu thương nghị về đối sách ứng phó với Quý Thị và Khánh Kỵ.

------------------------2954

Tiêu đề: Các tự bị chiến - Mỗi nhà đều tự chuẩn bị

(1) Tết Đoan Ngọ: Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả hai bài thơ Ly tao và Sở từ, nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được,lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh,lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày tết Đoan Ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.

Ở Việt Nam tết Đoan Ngọ được đổi thành ngày giết sâu bọ, người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết.

(2) Địa chi: gồm 12 chi, tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi

Bình luận





Chi tiết truyện