chương 122/ 294

Khánh Kỵ vẫn đang chuyên tâm suy nghĩ về vấn đề của hắn, trong những nước láng giềng của Ngô quốc, ba nước Tống, Trần, Thái không đủ sức để khiêu chiến với Ngô, cũng không có lý do gì để làm vậy. Thế nhưng có thể cố thuyết phục cho những nước đó duy trì vị thế trung lập, điều này không khó lắm. Còn về Việt quốc..., Khánh Kỵ chỉ hơi suy nghĩ rồi tạm gác chuyện đó lại. Tuy nói rằng kẻ thù của kẻ thù chính là bằng hữu, thế nhưng hắn chẳng có chút ấn tượng tốt đẹp nào với đất nước lưu manh đó, nhất là cái tên Câu Tiễn chó chết kia. Có lẽ bởi vì đã biết rõ mối quan hệ trong lịch sử nên hắn có chút kiêng kị đối với tên "đàn bà" vẫn chưa được làm đại vương kia. Cái cảm giác đó giống như là thà đương đầu với hổ dữ, còn hơn phải đối mặt với độc xà vậy.

Còn về nội bộ phía Ngô quốc, cũng cần phải dốc sức tranh thủ toàn bộ lực lượng, Nhâm gia đang gấp rút thiết lập quan hệ với đại quyền thần các nước lớn, xem ra điều này không có lợi chút nào đối với tình cảnh của Ngô quốc. Có lẽ nên phái người đến tiếp xúc với họ, nói không chừng Nhâm gia sẽ trở thành một trợ thủ đắc lực của mình ở Ngô quốc. Còn có Quý Tử, danh tiếng của Quý Tử tương đương với một đội quân hùng mạnh. Tuy rằng hiện tại hắn giận dỗi mà bế tỏa đất phong, ảnh hưởng không còn lớn như trước, nhưng điều đó cũng chỉ là tương đối. Với quá khứ của hắn mà nói, chỉ cần hắn khởi xướng, như vậy có thể hiệu triệu rất nhiều lão thần Ngô quốc hùa theo hưởng ứng. Nhưng quân cờ này chưa đến thời thì không có cách nào sử dụng được. Trong lòng Quý Tử, sự ổn định của toàn thể Ngô quốc vượt xa so với những ân oán thị phi. Nếu như không có thế lực to lớn hậu thuẫn đằng sau, khiến cho Quý Tử nhận ra rằng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, bản thân tuyệt đối không dễ dàng bị thua cuộc, thì hắn sẽ không bao giờ chịu xuất đầu lộ diện.

Cơn mưa dường như đang tạnh dần, những âm thanh rào rào khiến lòng người bất giác cảm thấy lạnh lẽo, Khánh Kỵ như đang tỉnh táo lại giữa dòng nước triều dâng, khẽ thở dài một tiếng, càng nghĩ tới những quy hoạch và phát triển cho tương lai sau này, hắn càng cảm thấy hiện tại mình đang thiếu hụt nhân tài đến thế nào. Liên hệ với các nước cần phải có một người giỏi năng ngôn thiện biện (ăn nói khéo léo); Huấn luyện sĩ tốt, cần một tướng lĩnh tài năng trác tuyệt, thế nhưng đám thuộc hạ hiện tại của mình lại chẳng có ai đảm đương nổi trọng trách đó.

Anh Đào có thể bồi dưỡng được, nhưng hiện tại hắn vẫn chỉ đang ở dạng tiềm lực. Kinh nghiệm của hắn còn quá ít, còn đám Lương Hổ Tử và Đông Cẩu thì chỉ có thể làm được chuyện xông pha chém giết, tuyệt đối không có tài làm đại tướng. Người mà hắn cần phải là một nhân tài kiệt xuất lên ngựa quản quân xuống ngựa quản dân, thế nhưng với hoàn cảnh của mình hiện tại, trừ phi là người khác chủ động tới tìm, chuyện "khai quật" nhân tài đâu phải nói dễ dàng như vậy được. Cái khác không nói, ngay cả Khổng Khâu đang nuôi chí làm quan phục vụ triều đình, hơn nữa còn là bằng hữu tốt của mình nữa, nếu như muốn kéo hắn vào phò tá cho mình, e rằng hắn cũng sẽ chẳng chịu đồng ý đâu.

Còn có quân đội, việc kiến thiết quân đội là cực kỳ quan trọng, thắng làm vua thua làm giặc, đánh thắng vài trận rồi hãy nhắc đến mấy chuyện này. Trên chiến trường nhân tố có vai trò quyết định rốt cuộc vẫn là sự mạnh yếu của binh lực, bản thân mình đã hiểu được những phép luyện binh gì? Có lẽ chỉ quay quanh việc tập luyện đội hình để tăng cường cảm giác phục tùng của binh sĩ, nhưng đó là việc cấp bách lúc này sao?

Hơn nữa những nhóm quân này cũng không thể để cho họ luyện binh cả ngày được, thể chế kinh tế hiện tại chính là một quốc gia không thể nuôi dưỡng được toàn bộ những binh sĩ dự bị. Những người được tuyển mộ đều cần một thời gian dài dành cho việc làm ruộng buôn bán, tự cung tự túc. Với tài lực của mình, có lẽ cũng có thể huấn luyện được một đội quân tinh nhuệ, số lượng không phải nhiều lắm, nhiều nhất khoảng hơn ngàn người, đến lúc cấp bách dùng làm tiên phong tả xung hữu đột trên trận tuyến.

Khánh Kỵ tuy không phải là một tín đồ chỉ biết đến "vũ khí luận", lúc này cũng không khỏi vắt óc cân nhắc về việc cải tiến vũ khí. Đáng tiếc a, hắn không rành kiến thức trong lĩnh vực này. Thứ đầu tiên hắn nghĩ tới chính là thuốc nổ, nhưng hồi ở Tất Thành hắn đã hỏi dò những thợ thủ công Lỗ quốc rồi, ở thời đại này còn chưa phát minh ra lưu huỳnh (diêm sinh, nguyên liệu tạo thuốc nổ), hắn không biết làm cách nào tinh chế ra lưu huỳnh. Ở niên đại của hắn, những nguyên liệu cơ bản này đều chỉ là có sẵn lấy ra mà dùng, có bao giờ chuyên tâm nghiên cứu về nguyên lý của nó đâu.

Hơn nữa cho dù có biết cách tinh luyện lưu huỳnh thì hắn vẫn chỉ là một người ngoại đạo. Chỉ dựa vào chút ít kiến thức mà hắn biết được mà muốn phát minh ra thuốc nổ quả là điều không dễ dàng chút nào. Tất cả đều phải bắt đầu từ con số 0: chiết xuất, pha chế, thí nghiệm, sản xuất quy mô, kiểm nghiệm, tích trữ, vận chuyển...vân vân...Nói chung là vô số vấn đề, lại còn cả quản lý tương ứng, bảo đảm an toàn...Toàn bộ những công đoạn này được tạo dựng nên, vẫn chỉ là ở việc phát minh ra thuốc nổ, vẫn chưa nói đến chế tác vũ khí. Những thứ vũ khí được sử dụng chính thức trên chiến trường là một đống hỗn độn các vấn đề đang chờ hắn giải quyết.

Đợi đến khi hắn xử lý được những chuyện đó, thứ có được sợ rằng cũng chỉ là một hộp hắc hỏa dược (thuốc nổ màu đen), còn xa mới bằng được hình thức sơ khai của một công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại. Hắn có làm nổi không? Cho dù làm được, vậy thì cần bao nhiêu năm nữa? Hơn nữa uy lực lúc đó cũng khó nói lắm. Còn nhớ, từ khi thuốc nổ được phát minh ra, nhà Tống đã bắt đầu vận dụng vào trong quân sự, không ngừng cải tiến, hoàn thiện. Nhưng cho đến tận thời Minh Mạt (cuối đời nhà Minh), binh khí chủ lực trên chiến trường vẫn chỉ là binh khí lạnh (giáo, mác, gươm, đao... nói chung là vũ khí bằng kim loại thô sơ). Cần phải suy xét về tính thực dụng a, không thể chọn thứ tiên tiến nhất được. Chỉ cần chọn ra thứ vũ khí chế tạo dễ dàng nhất, dễ dàng sử dụng nhất là được.

Sản phẩm đi trước thời đại càng hiện đại dĩ nhiên tai hại cũng càng lớn, đặc biệt là ở thời cổ đại. Bởi vì xu hướng khoa học kỹ thuật hiện đại thiên về phát triển ứng dụng kỹ thuật, tức là trước tiên tìm ra ý tưởng phát minh, chế tạo, sau đó ứng dụng. Điều này có quy hoạch, có mục đích, cho nên có trình tự rõ ràng. Còn ở thời cổ đại là ứng dụng phát triển kỹ thuật, cũng chính là trước tiên ứng dụng trong thực tiễn vật dụng nào đó, sau đó mới có người nghiên cứu xem nó được tạo thành như thế nào, nguyên lý của nó ra sao.

Khánh Kỵ nghĩ tới đó thì âm thầm thở dài, tạm thời gác lại nỗi phiền muộn trong lòng. Lúc này hắn mới phát hiện cơn mưa tí ta tí tách, càng lúc càng nhỏ, hơn nữa bên Thành Bích phu nhân cũng chẳng có động tĩnh gì cả. Khánh Kỵ tò mò hỏi:

- Phu nhân?

- Hả? - Âm thanh yếu ớt, có chút trầm mặc.

Khánh Kỵ hỏi:

- Phu nhân, sao lại sầu cảm như vậy, đang nghĩ gì thế?

Thành Bích phu nhân chán nản thở dài một tiếng, trầm giọng nói:

- Đang nghĩ sự tình.

Khánh Kỵ trêu chọc nàng nói:

- Nghĩ gì cơ, có phải là đang nghĩ kiếm tiền thế nào không?

Thành Bích không đáp, một hồi lâu mới nhẹ nhàng cất tiếng nói:

- Hồi còn nhỏ, gia cảnh rất bần hàn, thường xuyên không có cơm ăn...

Khánh Kỵ thôi không trêu chọc nữa, lẳng lặng ngồi nghe, Thành Bích tựa hồ như chìm đắm vào trong dòng hồi tưởng, dùng giọng điệu như nói mơ:

- Có một năm, biên giới Tề Lỗ nổ ra chiến tranh, phụ thân bị bắt đi đánh giặc, lúc đó tiết trời đang vào mùa thu, ngoài trời đang mưa rất to, giống như ngày hôm nay vậy, có hơi khác là cơn mưa đó nửa ngày cũng không thấy tạnh... Mẫu thân lo lắng hoa mầu bị hủy hoại, đó là khẩu phần lương thực một năm của nhà ta, còn phải nộp lên Quý Thị phân nửa. Nếu như bị hỏng hết thì cả nhà chẳng biết sống thế nào nữa, cho nên lội mưa đi ra ngoài gặt gấp lương thực.

Ai, ta ở nhà đói lắm, trên trời sấm chớp giật đùng đùng, sợ đến chết đi được. Trong nhà chỉ có ta, còn có đệ đệ mới đầy tháng, ta cũng chỉ mới khoảng sáu bảy tuổi mà thôi, ôm lấy đệ đệ, ta chỉ biết khóc mãi không thôi, khóc đến nỗi khàn cả cổ họng, mẹ vẫn chưa quay về. Ta sợ hãi tột độ, liền trùm chăn lên người, bởi vì không có quần áo mặc... Ta để đệ đệ lại ở nhà, chạy ra ngoài, một mình dầm dãi trong cơn mưa, chạy, chạy mãi không thôi, chỉ muốn tìm được mẫu thân.

Cách nhà ta không xa có một con suối nhỏ, ngày thường nước chỉ ngập đến mắt cá chân, nhưng hôm đó, nước dâng lên, dòng nước đó rất lạnh, khi ta lội đến giữa suối, hai chân lạnh cóng đến nỗi như không còn cảm giác nữa, không dám bước thêm nữa. Cơn mưa vẫn không ngừng đổ xuống, nước suối từ từ dâng cao, ta cảm thấy mình đã là một người chết, toàn thân mất hết tri giác. Ha ha... suy cho cùng cũng chỉ là một đứa trẻ, lúc đó đâu có nghĩ tới việc bị chết đuối, mà chỉ nghĩ... đi ra ngoài lâu như vậy mà không tìm thấy mẹ, đệ đệ lại không có người chăm nom, khi mẹ về mà thấy nhất định sẽ đánh chết mình mất...

- Vậy sau đó nàng làm thế nào mà...

- Chắc là do mệnh của ta vẫn chưa dứt, một người trong thôn cũng đi gặt gấp lương thực như mẹ ta trở về, trông thấy ta, lúc đó nước đã ngập đến bắp đùi. Hắn liền lao xuống dòng nước, ôm lấy ta rồi đưa vào bờ, cứu ta một mạng. Có điều kể từ sau hôm đó, mỗi khi trời nổi cơn mưa là chân của ta lại đau nhức khó chịu, đau đớn không thể nào chịu nổi, hận không thể bỏ vào lò lửa cho dễ chịu hơn. Hai năm nay mới bắt đầu thuyên giảm chút ít...

Khánh Kỵ nghe thấy vậy rất xúc động, không biết làm thế nào để an ủi khuyên giải cho nàng. Thành Bích phu nhân cười trầm mặc rồi nói:

- Vì nuôi nấng chúng ta mà mẹ chịu đựng không biết bao nhiêu khổ cực, còn cả cha ta, sau khi đánh trận trở về, đã bị cụt mất một chân, cho nên... về sau cha ta bán ta đi, ta không hận ông chút nào, ta biết nỗi khổ của ông...

Đôi mắt Khánh Kỵ hơi rơm rớm nước mắt, hắn yên lặng đứng lên, đi qua đó, chỉ trông thấy Thành Bích phu nhân mềm yếu ngồi trên rễ cây đại thụ, lưng dựa vào thân cây, một khuôn mặt thanh tú, nhắm mắt lại, tư thế ngồi đó đẹp như tranh vẽ, khiến người ta cảm nhận được một nét đẹp bi thương. Trên khuôn mặt tinh thuần trắng muốt của nàng đọng lại mấy giọt nước. Không biết đó là nước mưa rơi từ ngọn cây xuống, hay là nước mắt của nàng.

Tạnh mưa, trong rừng bốc lên hương vị ẩm thấp của những chiếc lá rừng mục nát, ánh mặt trời lại nở nụ cười rạng rỡ, trải ánh nắng vàng rực khắp khu rừng. Khánh Kỵ hít một hơi thật sâu, duỗi tay ra đưa về phía nàng, ôn nhu nói:

- Tạnh mưa rồi, ánh nắng cũng ló dạng rồi, chúng ta xuống núi thôi.

Thành Bích mở to đôi mắt long lanh, trong mắt còn hiện lên vẻ đau thương không thể che giấu đi được. Thế nhưng Khánh Kỵ chỉ nói một câu, nàng liền khúc khích cười, khuôn mặt xinh đẹp mê hồn giống như bông hoa nhài sau cơn mưa đón ánh mặt trời rạng rỡ nở hoa vậy.

Khánh Kỵ lại nói:

- Còn lần thần đứng đó làm gì, chẳng nhẽ tưởng mình đang ở trong khuê phòng giường ấm nệm êm ư? Cùng lắm thì, để ca ca cõng nàng xuống núi.

Bình luận





Chi tiết truyện