chương 47/ 66

LÂU ĐÀI GAUNT

Ai cũng biết rằng lâu đài của hầu tước Steyne dựng trước công viên Gaunt, ăn thẳng ra phố Great Gaunt; hồi sinh tiền cụ Pitt Crawley, lần đầu tiên chúng ta đã có dịp dẫn Rebecca đến phố này. Nếu ta ngó qua hàng rào thì sẽ thấy sau hàng cây đen ngòm trong công viên thấp thoáng bóng vài cô giáo dạy trẻ tiều tụy dẫn mấy đứa bé mặt xanh xao đi chơi loanh quanh trong công viên, và đi vòng quanh bồn hoa ở giữa vườn; chính giữa bồn hoa có dựng một pho tượng, tức là tượng hầu tước Gaunt, xưa đã tham gia chiến đấu ở Minden; ngài đội mớ tóc giả tết thành ba khóm, bận áo theo lối hoàng đế La mã. Toà lâu đài Gaunt chiếm gần hết chiều dài của công viên. Ba mặt kia là những tòa nhà thuộc quyền sở hữu của các bà nhà giàu ở góa...đó là những ngôi nhà đồ sộ âm u, các khung cửa sổ đều xây bằng đá xám hoặc bằng gạch màu đỏ nhạt. Bây giờ những kiểu nhà ấy đã trở thành bất tiện vì ánh sáng khó lòng lọt được vào trong. Hình như ta cũng thôi không còn tiếp khách nữa kể từ khi sau cánh cửa vắng bóng những thằng hầu bận chế phục lộng lẫy vẫn mang đuốc cắm vào những chân đèn bằng sắt ở hai bên cầu thang. Bây giờ xung quanh công viên thấy dựng vô khối biển bằng đồng...“bác sĩ”, “Ngân hàng Diddlesex, chi nhánh khu Tây”..., “Hội hợp tác Anh quốc và Âu châu v.v. nom mà phát chán, mà toà nhà dài của hầu tước Steyne trông cũng không tươi tắn gì hơn. Mé chính diện là một bức tường mênh mông điểm một dãy cột hoen rỉ nơi cổng ra vào... Một lão gác cổng có tuổi béo phệ, mặt đỏ, vẻ rầu rĩ, thỉnh thoảng lại thò cổ ngó ra đường... Phía trên tường lộ ra những cửa sổ phòng ngủ và những ống khói lò sưởi, nhưng ít khi có khói toả ra vì hiện nay hầu tước Steyne ở Naples; lão ưa cảnh bờ biển vịnh Capri và ngọn núi Vesuvius hơn ngôi nhà rầu rĩ ở công viên Gaunt này.

Cách dăm chục thước về mặt phố New Gaunt có một cửa hậu nhỏ đơn giản ăn thông vào chuồng ngựa của lâu đài Gaunt; trông nó cũng không có gì khác những cái cổng chuồng ngựa thông thường, ấy thế mà đã có vô khối xe ngựa cửa đóng kín mít đỗ cạnh cổng này đấy; anh chàng Tom Eaves chuyện gì cũng biết đã dẫn tôi đến xem và mách với tôi như thế. Anh ta bảo:

- Ông ạ, Hoàng tử và Quận chúa Perdita vẫn ra vào cửa này luôn...cả cô Marianne Clarke cùng đi với quận công...Cổng này ăn thông vào dãy phòng riêng () khét tiếng của hầu tước Steyne; có một phòng toàn bằng ngà voi và sa-tanh trắng, một căn phòng khác lại toàn gỗ mun và nhung đen. Có một gian phòng tiệc xây dựng theo kiểu của Sallust ở Pompeii, do Cosway trình bày; lại có một gian bếp nhỏ dùng riêng, trong đó xoong chảo đều bằng bạc. Chính trong gian bếp này, Hoàng thân Philip bình đẳng() nước Pháp đã tự tay quay lấy mấy con gà gô nhân dịp người cùng hầu tước Steyne được bạc mười vạn đồng của một vị quan to tại Ombre. Một phần số tiền này tiêu vào cuộc cách mạng Pháp, còn một phần, hầu tước Steyne dùng để mua tước hầu và tước Tuỳ Giá Trị Thần cho mình...Tom Eaves biết đủ mọi thứ chuyện, có thể kể cho ta nghe về từng hào một trong việc chi tiêu phần tiền còn lại nhưng việc đó chẳng ăn nhập gì với chuyện của chúng ta.

Ngài hầu tước còn có nhiều lâu đài khác rải rác ở mọi nơi khắp ba nước, ta có thể thấy liệt kê trong các sách hướng dẫn khách du lịch... Lâu đài Strongbow có rừng bao quanh ở vùng bờ bể Shannon, lâu đài Gaunt ở Carmarthenshire, nơi xưa kia vua Richard đệ nhị bị cầm tù, lâu đài Gauntly Hall ở Yorkshire, nghe nói trong lâu đài này có tới hai trăm bình pha trà bằng bạc kèm đủ mọi đồ dùng sang trọng tương tự dùng để tiếp khách, lâu đài Stillbrook ở Hampshire , thuộc khu trang trại của hầu tước, “tệ xá” của ngài. Tuy thế người ta vẫn chưa quên được những bộ bàn ghế đẹp tuyệt mang bán đấu giá mới rồi, sau khi ngài tạ thế, hầu tước phu nhân Steyne thuộc dòng dõi một gia đình quý tộc lâu đời tức là dòng họ Caerlyons hầu tước Camelot. Dòng họ này kế tục ngay từ trước khi nhà vua Brute () đặt chân tới Anh quốc, mặc dầu ngài Brute đáng kính là ông tổ họ đã cải theo tôn giáo Anh quốc, cả họ vẫn giữ tôn giáo cũ.

Người con trưởng trong dòng họ có biệt hiệu là Pendragon những người con thứ từ cổ đến giờ vẫn gọi là Arthur, Uther, và Caradoc. Đầu họ đã bị rơi trong nhiều cuộc âm mưu khởi loạn. Nữ hoàng Elizabeth đã chém đầu một ngài Arthur đương thời về tội là thị vệ đại thần của Phillip và Mary, lại đem một lá thư của Nữ hoàng xứ Scots cho quận công Guises. Gia đình có một người con thứ làm võ quan thân cận của ngài quận công nổi tiếng này, và đã đóng góp một phần quan trọng trong vụ âm mưu Saint Bartholomew. Suốt trong thời gian Nữ hoàng Mary bị giam giữ, dòng họ Camelot không ngớt âm mưu khởi loạn để ủng hộ. Tài sản của họ bị Nữ hoàng Elizabeth ra lệnh tịch thu khá nhiều để lấy tiền tổ chức một đội thuỷ quân chống lại đội hải thuyền Acmada vô địch của Tây Ban Nha, cũng như vì họ phạm tội che giấu các giáo sĩ Thiên chúa giáo và cương quyết bợ đỡ các hành động sai trái của giáo hoàng. Dưới triều vua Jemes đệ nhất cũng có một người trưởng tộc đã cải đạo vì nhất thời bị quyến rũ bởi những lý lẽ của nhà thần đại học danh; sự yếu đuối ấy cũng tạm thời giúp cho tài sản của dòng họ được khôi phục phần nào. Nhưng đến triều vua Charles thì hầu tước Camelot lại trở về truyền thống tín ngưỡng ấy chừng nào dòng họ Stuart còn có người lãnh đạo những cuộc khởi loạn.

Công nương Mary Caerlyon được nuôi dưỡng trong một nhà tu kín ở Paris, được Quận chúa Marie Antoinette nhận làm mẹ đỡ đầu. Đang tuổi hương trời sắc nước, công nương được gả - thiên hạ thì bảo là bán - cho hầu tước Gaunt khi ấy sống ở Paris, lão đánh bạc được một món tiền lớn của anh trai công nương trong một bữa tiệc do Philip Orleans tổ chức. Người ta đồn rằng vì nhan sắc chim sa cá lặn của công nương Mary Caerlyon mà hầu tước Gaunt đã đấu kiếm với bá tước de la Marche thuộc đội ngự lâm pháo thủ (ông này mới đầu chỉ là quân hầu, về sau trở thành cận thần của bà chúa).

Công nương lấy hầu tước Gaunt ngay khi vết thương của lão chưa lành, hai vợ chồng ở lâu đài Gaunt một hồi vẫn ra vào triều đình của hoàng tử xứ Wales.

Fox tiên sinh chết mê chết mệt vì công nương. Morris and Sheridan đã từng làm vô khối thơ tình vì người đẹp.

Malmesbury cũng mắc bệnh tương tư. Walpole cho công nương là giai nhân tuyệt thế, còn nữ bá tước Devonshire thì ghen lồng ghen lộn lên. Nhưng sau một thời lăn vào cuộc sống đầy những thú vui xô bồ mãnh liệt của giới thượng lưu, công nương thấy sợ hãi, cho nên khi đã sinh hạ được hai đứa con trai, công nương lui về cuộc sống ẩn dật, mộ đạo. Do đó, ta không nên lấy làm lạ khi thấy hầu tước Steyne, con người vốn ưa khoái lạc ồn ào, không mấy khi có mặt bên người vợ lặng lẽ, luôn luôn run rẩy mê tín và đau khổ này.

Anh chàng Tom Eaves kể trên còn biết vô khối chuyện khác về Steyne phu nhân; những chuyện ấy có thể sai mà cũng có thể đúng sự thật (anh ta không đóng một vai trò gì trong truyện này, chỉ là người biết khắp các vị tai to mặt lớn ở thành Luân đôn và hiểu chân tơ kẽ tóc về những chuyện bí mật của họ). Tom Eaves vẫn bảo: “Người đàn bà ấy bị đối xử một cách nhục nhã không thể tưởng tượng được ngay trong nhà mình. Hầu tước Steyne bắt bà ta ngồi ăn cơm với bọn đàn bà mà tôi thà chết chứ không đời nào tôi chịu cho vợ tôi đánh bạn... Thí dụ: Crackenbury phu nhân, bà Chippenham, bà de la Cruchecassee tức là vợ viên thư ký toà đại sứ Pháp”. Nói thế, nhưng Tom Eaves cũng sẵn sàng hy sinh cả vợ để được làm quen với bọn này và cũng chả mong gì hơn là được mỗi người trong bọn họ chào lại và được họ mời ăn tiệc. Vẫn lời Tom nói tiếp: “ So với họ nhà vợ, gia đình Steyne chỉ đáng làm đầy tớ: nhà bà này cũng mới làm nên được ít lâu, nói cho cùng thì cũng không phải thuộc ngành trưởng dòng họ Gaunt có từ lâu đời, mà chỉ là một ngành thứ nào đó thôi. Ông thử tưởng tượng hộ nếu không có một nguyên nhân nào khác thì một người đàn bà dòng dõi cao quý không kém gì dòng họ Bourbonnhư hầu tước Steyne phu nhân, người phụ nữ kiêu kỳ nhất nước Anh hồ dễ chịu ép mình một bề mà phục tùng chồng đến như thế. Xì! Thưa với ông rằng “Ở trong còn lắm điều hay” đấy ạ! Xin ông biết cho rằng hồi giới quý tộc Pháp lưu vong sang Anh, có một viên linh mục de la Marche nào đó cũng sống ở đây đã cùng nhúng tay vào vụ Quiberoon cùng với Puisaye và Tinteniac, thì chính lại là viên đại tá trong đội ngự lâm pháo thủ đã đấu kiếm với Steyne năm 1886... thành ra hầu tước phu nhân mới được tái ngộ với cố nhân.

Từ sau khi viên linh mục đại tá bị bắn chết ở Anh, Steyne phu nhân mới bắt đầu lui vào cuộc sống vô cùng mộ đạo đến thế đấy chứ. Từ hồi ấy, ngày nào phu nhân cũng chỉ sống với đức cha săn sóc linh hồn cho mình, sáng nào cũng đi dự lễ nhà thờ ở quảng trường Tây Ban Nha; tôi vẫn trông thấy... nghĩa là ngẫu nhiên mà tôi gặp thôi... Phải có chuyện gì thì mới thành tâm mà lễ bái đến thế chứ?

Người ta không có điều gì phải hối hận sao mà phải đau khổ quá đáng như vậy”. Tom Eaves gật gù cái đầu, ranh mãnh tiếp: “Vậy là đủ rõ rằng nếu ngài hầu tước không có sẵn một lưỡi gươm treo lủng lẳng trên đầu vợ thì không đời nào phu nhân chịu ngoan ngoãn như con cừu. Vậy thì nếu Tom Eaves nói đúng, rất có thể người đàn bà địa vị cao sang này phải chịu lắm điều khổ nhục trong đời tư và sau nét mặt bình thản kia, chắc giấu nhiều nỗi uất hận. Chúng ta, những kẻ không được vinh dự nêu tên trong cuốn “Sách Đỏ” () hãy tự an ủi rằng những người sung sướng hơn chúng ta rất có thể đang sống đau khổ mà ta không biết, và đang khi Damocles () ngồi trên đệm bọc sa-tanh dự tiệc, bát đĩa toàn bằng vàng, thì trên đầu vẫn treo lủng lẳng một thanh gươm trần, nghĩa là một bác công sai, một căn bệnh gia truyền, hoặc một chuyện bí mật nào đó của gia đình... Mũi nhọn ấy thòi ra một cách ghê sợ qua mặt thảm thêu rực rỡ và nhất định sẽ có ngày rơi xuống đúng chỗ cần rơi.

Vẫn theo ý kiến của Eaves thì, ta so sánh địa vị của những người sang với đời sống của kẻ hèn, ta vẫn thấy kẻ nghèo khó có điều an ủi. Ông không có gia tài nào để hưởng, hoặc để lại cho con cái chứ gì? Vậy thì ông có thể sống hoà thuận với cụ thân sinh ra ông hoặc với con ông được đấy; trong khi ấy kẻ thừa kế của một quý tộc đại gia, thí dụ như gia đình hầu tước Steyne chẳng hạn, lúc nào cũng cáu bẳn vì chưa sờ được vào cái gia tài, cứ ngó người đang nắm quyền chi thu với con mắt không lấy gì làm hiền lành lắm.

Anh chàng Eaves hay châm biếm nói tiếp: “Xin nhớ hộ cho nguyên tắc này: trong các gia đình giàu có lớn, bao giờ ông bố và anh con trưởng cũng thù ghét nhau. Vị hoàng tử nắm ngôi trừ nhị bao giờ cũng đứng về phe đối lập với triều đình hoặc khởi loạn chống lại.

Shakespeare tiên sinh am hiểu việc đời lắm, thưa ngài; cho nên khi tiên sinh miêu tả hoàng tử Hal âm mưu cướp ngôi cha (gia đình Gaunt cũng tự cho là bắt nguồn từ dòng họ hoàng tử này, tuy rằng thực ra họ cũng như ông, chẳng hề có chút liên lạc gì về huyết thống với gia đình Gaunt hết) thì tiên sinh đã chỉ nói lên sự thực của mọi ông hoàng thái tử khác. Nếu ông có quyền thừa kế tước vị quận công và món lợi tức hằng ngày một ngàn đồng, ông có định bảo rằng không thèm khao khát được hưởng không? úi dào! Cứ suy rộng ra, các vị tai mặt đã từng có tình cảm trên đối với họ. Vậy thì họ luôn luôn ngờ vực nhau, ghen ghét nhau, đó là lẽ dĩ nhiên. Bây giờ mới nói đến thái độ của các ông anh cả đối với bọn đàn em trong nhà. Thưa quý ông, xin nhớ hộ rằng người anh cả nào trong gia đình cũng coi các em mình là kẻ thù không đội trời chung, bởi lẽ họ nẫng mất của hắn ta một số tiền mặt lẽ ra hắn được hưởng. Đã mấy lần tôi nghe George Mac Turk là con trưởng của bá tước Bajazet nói rằng ví thử hắn có quyền thì, ngay sau khi được thừa kế tước vị của cha, hắn sẽ hành động như các ông sultans (), nghĩa là chặt phăng cổ bọn đàn em trong nhà cho đỡ bận. Đại khái đứa hơn, đứa kém, nhưng cùng một giuộc cả, trong thâm tâm chúng nó cũng chỉ là một bọn Thổ Nhĩ Kỳ. Chao ôi, thưa ngài, thế mà chúng lại am hiểu việc đời cơ đấy! Đúng lúc ấy một vị tai mặt tình cờ đi qua, chiếc mũ trên đầu Tom Eaves suýt rơi xuống đất, anh ta chồm ra nhe răng cười, cúi rạp xuống chào, để tỏ rằng mình cũng am hiểu việc đời lắm lắm, nghĩa là hiểu theo kiểu Tom Eaves, tất nhiên. Tom đã đem đặt mua “niên kim chung thân” đến đồng xu chót của tài sản mình, không có lý do gì để thù ghét bọn cháu trai, cháu gái nữa, cho nên anh ta không ước ao gì hơn là được họ mời thết một bữa cơm.

Hầu tước phu nhân không sao có được tấm tình mẫu tử nồng nàn, vì giữa bà và các con có một hàng rào ngăn cách về tín ngưỡng. Càng yêu con bao nhiêu, người đàn bà rụt rè mộ đạo này càng cảm thấy sợ sệt, đau khổ bấy nhiêu. Hố sâu ngăn cách mẹ con không sao mà vượt qua được. Bà không thể nào vươn cánh tay yếu đuối của mình qua vực thẳm để kéo hai con ra khỏi con đường tín ngưỡng mà bà biết rất tai hại cho họ, hầu tước Steynevẫn là một tay học giả uyên bác, lại sẵn tài nguỵ biện; hồi các con còn nhỏ, lão vẫn có cái thú sau bữa ăn trưa, vừa uống rượu vang vừa nói khích cho ông giáo dạy các con là mục sư Trail - bây giờ đã là giám mục Ealing - cãi nhau với đức cha săn sóc linh hồn của phu nhân là cha Mole, lão đối lập Oxford với St. Acheul (). chốc chốc lão lại reo lên:

- Hoan hô Latimer () Được lắm Loyola ().Lão hứa nếu cha Mole thắng sẽ chạy cho chức giám mục, và nếu mục sư Trail được, lão sẽ không tiếc công vận động cho một chân giáo chủ. Hai ông thầy tu liền không ai chịu nhường ai. Người mẹ muốn rằng đứa con thứ ba là đứa được bà cưng hơn sẽ theo tôn giáo của bà, nhưng bà đã thất vọng đau đớn... Bà coi đó là sự trừng phạt đối với mình vì đã phạm tội lấy một người theo đạo Tin Lành làm chồng.

Hầu tước Gaunt () cưới công nương Blanche Thistlewood, một người con gái thuộc dòng họ quý tộc Bareacre làm vợ, ai có đọc qua cuốn “danh bạ quý tộc” đều biết điều đó. Hai vợ chồng được ở một gian riêng trong lâu đài Gaunt, vì ông chủ gia đình muốn được tự cai quản lấy việc nhà để đảm bảo uy quyền tuyệt đối của mình. Tuy vậy, cậu con trưởng cũng không mấy khi có mặt ở nhà vì hai vợ chồng tính tình xung khắc. Anh ta vay nợ bừa bãi, hứa bao giờ bố chết, được hưởng gia tài sẽ trả, vì số tiền trợ cấp của bố quá ít ỏi không đủ tiêu pha. Con trai nợ ai đồng nào, lão hầu tước biết hết.

Lúc con chết, tự nhiên lão trở thành con nợ của vô khối người, lão bèn bỏ tiền ra chuộc lại hết văn tự nợ rồi chuyển phần gia tài của con cả cho lũ cháu nội, con người con thứ. Bá tước George Gaunt () đang ở Vienna để khiêu vũ và làm việc ngoại giao thì được bố gọi về để đính hôn với công nương Joan, con gái duy nhất của ngài John Johnes, đệ nhất nam tước Helvellyn và là người cầm đầu công ty ngân hàng Jones, Brown, and Robinson ở phố Threadneedle. Anh con cả là hầu tước Gaunt rất bực mình, về chuyện này, còn kẻ thù không đội trời chung của anh ta là ông bố - vì vợ hầu tước Gaunt không đẻ con thì khoái trá vô cùng. Hai vợ chồng người con thứ sinh hạ được một lũ con vừa trai vừa gái, nhưng họ không có liên quan gì đến chuyện này.

Mới đầu cặp vợ chồng ăn ở với nhau hoà thuận êm đẹp đáo để. Bá tước George Gaunt không những biết đọc, lại biết viết khá đúng ngữ pháp. Anh ta nói tiếng Pháp tạm trôi chảy; riêng về khoa khiêu vũ thì tài nhất châu Âu. Tài năng như thế lại có lắm khoản lợi tức ở nước nhà, ai cũng yên trí rằng anh ta sẽ leo lên đến địa vị tột đỉnh trong nghề ngoại giao. Cô vợ thì cảm thấy rằng cuộc sống trong các triều đình rất hợp với sở thích; vả lại công nương cũng sẵn tiền, nên được tiếp đón rất nồng nhiệt tại khắp các tỉnh trên lục địa, những nơi anh chồng phải có mặt vì nhiệm vụ. Đã có tin đồn George Gaunt được cử làm tổng trưởng, lại có nhiều người đánh cuộc với nhau rằng anh ta sắp được làm đại sứ, thì bỗng xảy ra một chuyện kỳ quái trong cách cư xử của viên bí thư sứ quán này. Giữa một bữa tiệc long trọng do đại sứ Anh tổ chức, tự nhiên anh ta đứng phăng lên tuyên bố rằng món pa tê gan () có thuốc độc. Lại một lần đến dự một buổi dạ hội do sứ thần Bavie là bá tước Springbock-Hohenlaufen tổ chức, anh ta cạo đầu trọc tếu, mặc giả làm một tu sĩ Capuchin. Hôm ấy không phải là một buổi dạ hội trá hình như nhiều người cứ nhất định cam kết. Thiên hạ xì xào với nhau rằng có lẽ anh ta điên; ông nội anh ta ngày xưa cũng thế. Đó là một cái dớp trong gia đình.

Vợ anh ta và các con bèn trở về nước Anh, ngụ trong lâu đài Gaunt. Bá tước George từ giã nhiệm vụ ngoại giao tại Âu châu và người ta đăng lên công báo là anh ta được cử sang nước Brazil.

Nhưng thiên hạ biết thừa rằng anh ta sẽ không bao giờ trở về...nghĩa là không bao giờ anh ta chết ở Brazil..., không sống ở đấy mà cũng chưa hề đến đấy bao giờ. Anh ta không ở đâu cả, mà cũng vẫn ở tất cả mọi nơi. Họ vừa cười vừa rỉ vào tai nhau rằng “Brazil à? Brazil tức là rừng St. John, còn Rio de Janeiro là một ngôi nhà có tường bao quanh kín mít. George được cử trình quốc thư cho một bác cai tù, bác này sẽ ban cho anh ta tước vị hiệp sĩ dòng áo bó (). Đó là những lời bia miệng của đám người trong Hội chợ phù hoa.

Mỗi tuần, độ hai ba lần, mới sớm tinh sương, bà mẹ đã đi thăm đứa con điên dại của mình, bà lấy hành động ấy để chuộc lại tội lỗi cũ. Có khi thấy mặt mẹ, anh ta phá lên cười (nghe anh ta cười, còn đáng thương hơn là nghe anh ta khóc); có khi người mẹ thấy nhà ngoại giao lịch sự lỗi lạc đã từng tham dự Hội nghị thành viên trước kia đang kéo lê một món đồ chơi trẻ con đi khắp phòng, hoặc vuốt ve con búp bê của đứa con người gác cổng, cũng có khi anh ta nhận được ra mẹ và đức cha Mole cùng đi, nhưng thường thường anh ta quên mặt họ, cũng như anh ta đã quên vợ, quên con, quên ái tình, cao vọng, kiêu hãnh, quên hết. Duy có một chuyện anh ta vẫn nhớ, đó là giờ ăn, hễ ly rượu vang pha nước lã không đủ nồng độ là anh ta khóc rưng rức.

Thì ra đó là một căn bệnh bí hiểm vẫn lưu truyền lâu đời trong dòng máu bên họ nhà mẹ. Tai hoạ đã một hai lần giáng xuống gia đình Caerlyon trước khi hầu tước phu nhân phạm tội, trước khi bà khóc lóc nhịn đói tự trừng phạt để tỏ ý hối cải. Niềm kiêu hãnh về huyết thống đã bị bôi nhọ, không khác gì đứa con đầu lòng của Vua Pharaoh khi xưa.

Số mệnh ác nghiệt đã đóng con dấu ghê rợn trên khung cửa của gia đình này, trên chiếc khung cửa đồ sộ có trạm trổ hình huy hiệu quý tộc và những chiếc mũ miện.

Hai đứa con của vị hầu tước “đi vắng” vẫn hồn nhiên lớn như thổi, nào biết rằng số mệnh đang giơ cao bàn tay trên đầu chúng. Mới đầu chúng vẫn còn nhắc đến bố và dự định với nhau sẽ làm gì để đón bố về; dần dần tên tuổi con người sống cũng như chết ấy không còn được chúng nhắc đến luôn nữa...và cuối cùng thì chúng quên hẳn. Bà nội chúng vẫn run rẩy lo rằng không khéo rồi hai đứa cháu được thừa hưởng những vinh quang của bố chúng sẽ thừa hưởng luôn cả sự nhục nhã nữa. Bà khắc khoải chờ đợi ngày tai họa truyền kiếp sẽ giáng xuống đầu chúng.

Hầu tước Steyne cũng bị những nỗi lo âu ấy ám ảnh. Lão cố tìm cách dìm cái bóng ma khủng khiếp vẫn đứng kè kè bên giường vào trong men rượu và những trận cười thâu đêm suốt sáng.

Nhưng khi lão ngồi một mình cái bóng ma lại trở lại, mỗi năm một thêm vẻ đe doạ. Nó như nói với lão rằng: “Ta đã bắt con trai của mi đi, tại sao lại không thể đến lượt mi? Một ngày kia, ta rất có thể giam mi vào trong một nhà tù như George, con trai mi. Ngay ngày mai, ta có thể đóng ngay dấu ấn của ta lên trán mi; thế là hết cả mọi thứ danh vọng, khoái lạc, tiệc tùng, mỹ nhân, bọn hầu, bọn nịnh, đầu bếp Pháp, ngựa quý và lâu đài... mi sẽ chỉ có một gian nhà tù, một người gác và một chiếc đệm rơm như George Gaunt”.

Ngài hầu tước tỏ ra bất cần lời đe doạ của cái bóng ma vì lão sẵn mánh khoé thần diệu để làm cho kẻ thù phải thất vọng. Vì vậy sau những cái cổng đồ sộ đầy những hình trạm cổ kính của lâu đài Gaunt, sự giàu sang lộng lẫy tuy sẵn, nhưng hạnh phúc thì hình như cũng không có nhiều. Ở đây mở tiệc sang nhất thành Luân đôn, nhưng có lẽ chỉ những thực khách được hầu tước mời ăn là thỏa mãn. Ví thử lão không có địa vị cao sang như một ông hoàng. Vị tất đã có nhiều người đến chơi với lão; nhưng trong Hội chợ phù hoa, người ta vẫn quen nhìn tội lỗi của các bậc tai to mặt lớn với con mắt thông cảm... Một người đàn bà Pháp nói: “Trước khi lên án một nhân vật địa vị cao quý như hầu tước đây, ta hãy suy đi nghĩ lại cho chín chắn đã ()”. Có thể vài nhà luân lý nổi tiếng khe khắt nào đó tỏ ra không bằng lòng hầu tước Steyne, nhưng giá được lão mời ăn tiệc, chắc chắn họ cũng thú ra phết.

Slingstone phu nhân bảo: “Quả thật hầu tước Steyne tồi quá lắm, nhưng mà ai cũng đến dự tiệc cả. Tôi sẽ chú ý giữ gìn cho các con gái của tôi khỏi gặp điều không may”. Mục sư Trail nói: “Ngài hầu tước là người tôi chịu ơn về mọi phương tiện”. Ông mục sư thấy rằng đức tổng giám mục đang mệt nặng, nhưng bà Trail và các con gái thà nhịn đi lễ nhà thờ còn hơn vắng mặt trong một buổi tiếp tân của hầu tước. Cô em gái bá tước Southdown nghe mẹ kể lại những giai thoại gớm ghiếc trong lâu đài Gaunt thì hết vía, mới rụt rè hỏi lại anh trai, ông anh bèn bảo: “Tư cách lão ta bần tiện lắm, nhưng kệ mẹ nó, lão có những thứ rượu ngon nhất châu Âu đấy”.

Còn tôn ông Crawley nam tước?... Tôn ông Pitt, con người lịch thiệp mẫu mực, con người vẫn chủ toạ những buổi hội họp về tôn giáo...thì chính anh ta có chịu vắng mặt một lần nào đâu! Ngài nam tước vẫn bảo vợ: “Này Jane, nơi nào có mặt những người như giám mục Ealing và bá tước Slingstone phu nhân, mình có thể yên trí mà đến; chúng tôi xét người không bao giờ có thể lầm. Hầu tước Steyne ở địa vị cao quý như thể dĩ nhiên xứng đáng làm mẫu mực về cách xử thế cho giới chúng ta. Mình nên nhớ rằng một vị hầu tước đứng đầu một quận nhất định phải là người đáng kính. Vả lại, hồi còn trẻ, tôi và George Gaunt chơi với nhau rất thân. Anh ấy dưới quyền tôi hồi cùng làm tuỳ viên tại đại sứ quán ở Pumpernickel”.

Tóm lại, ai cũng thích đến bợ đỡ con người có thế lực kia, hễ lão gọi một tiếng là răm rắp có mặt; cả tôi là người viết truyện, và ngài là độc giả (thôi đừng chối đi). Ví thử được mời, chúng ta cũng đến.

Bình luận





Chi tiết truyện