chương 38/ 66

MỘT GIA ĐÌNH LÂM VÀO CẢNH KHÓ KHĂN

Chú bé George Osborne được cưỡi ngựa từ Knightsbridge về Fullham. Ta hãy dừng lại nơi này một chút để hỏi thăm về mấy người bạn cũ. Sau cơn bão táp Waterloo, Amelia hiện giờ ra sao? Không biết cô có còn sống và làm ăn có khá không? Còn thiếu tá Dobbin nữa, hằng ngày có còn giong xe ngựa đến nhà Amelia nữa không? Họ có nhận được tin tức gì về ngài cựu uỷ viên thu nhập quận Boggley Wollah không? Xin kể tóm tắt về anh chàng này một chút:

Sau ngày trốn khỏi Brussels một thời gian ngắn, anh bạn Joseph Sedley bị thịt của chúng ta trở lại Ấn Độ, vì thời hạn nghỉ phép đã hết, hoặc vì anh chàng không muốn gặp lại đám bạn biết tỏng câu chuyện chiến đấu của mình ở Waterloo thì không rõ, chỉ biết rằng anh ta trở lại làm việc tại Bengal, ngay sau khi Napoléon bị đày ra đảo St. Helena. Trên đường đi, Joe có ghé vào đảo thăm vị cựu hoàng đế. Cứ lời anh ta kể lại trên tàu thì không phải đây là lần đầu anh ta gặp tên dân đảo Corse mà thực ra thì anh ta đã có dịp đương đầu với hắn trên đỉnh đồi St. John rồi. Anh ta có hàng kho chuyện về những trận đánh lịch sử kia, lại biết tỉ mỉ vị trí đóng quân và những tổn thất của từng trung đoàn; anh ta cũng không phủ nhận rằng mình quả có liên quan đến những trận đánh oanh liệt vì có ra trận với tư cách là liên lạc viên của quận công Wellington. Nghe Joe kể tỉ mỉ từng ý nghĩ, từng động tác của vị quận công trong trận Waterloo, ai cũng yên chí ngày hôm ấy anh ta đi sát vị tướng lãnh vĩ đại đó; có điều, vì không phải là quân nhân tham chiến nên anh ta không được nêu tên trong những tài liệu được công bố về trận đánh đấy thôi. Có lẽ lúc này anh ta đang cố tạo cho mình ảo tưởng rằng bản thân có liên quan đến chiến dịch đó thật. Có điều chắc chắn là Joe đã khiến thành phố Calcutta xôn xao một thời, và trong thời gian còn ngụ tại Bengal, ai cũng gọi anh ta là Waterloo Sedley.

Tờ văn tự Joe biên nhận mua cặp ngựa tai hại kia được thanh toán sòng phẳng. Không ai nghe thấy anh ta hé răng nói nửa lời về chuyện mua bán này, cũng không ai biết rõ rằng số phận cặp ngựa và thằng hầu Isidor người Bỉ về sau ra sao, chỉ biết rằng khoảng mùa thu năm 1815, nó mang bán một con ngựa xám ở Valenciennes, giống y như con ngựa Joe đã cưỡi đi trốn.

Các chi điếm của Joe ở Luân đôn được lệnh hằng năm gửi cho bố mẹ anh ta ở Fullham một trăm hai mươi đồng. Đó là món tiền trợ cấp chủ yếu gởi cho hai ông bà già, vì những việc làm ăn của ông lão sau vụ phá sản không ăn thua gì lắm. Ông cụ đã thử nhận những chân đại lý buôn rượu, đại lý buôn than, đại lý bán xổ số, v..v… Mỗi lần theo một nghề mới, ông lão đều gửi giấy báo cho các bạn hàng, treo một tấm biển đồng mới ngoài cửa và long trọng tuyên bố với mọi người rằng mình đang xây dựng lại cơ nghiệp.

Nhưng ông lão già nua, yếu đuối quá rồi, không còn hy vọng được Thần tài mỉm cười với mình nữa. Các bạn hàng xa lánh dần ông lão, vì phải mua than và rượu tồi của ông với giá đắt. Cuối cùng chỉ còn bà vợ là người duy nhất trên đời vẫn tin rằng chồng đang kinh doanh thương mại, vì sáng sáng bà thấy ông lão vẫn lảo đảo lần tới khu City, chiều đến, ông ta lủi thủi mò về nhà, và tối tối, ông vẫn hay đến ngồi ở cái quán rượu bé nhỏ để bàn cãi về tình hình tài chính trong nước. Nghe ông nói đến những tiền vạn, tiền triệu, tỷ giá hối đoái, tiền chiết khấu, Rothschild và anh em Barings đang tính toán làm ăn những gì, thì ai cũng phải kinh ngạc. Nghe ông nhắc đến những số tiền khổng lồ, mấy người thân thuộc (tức là ông lang thuốc, ông chủ đòn đám ma, bác thầu khoán, bác thư ký và ông Clapp) vẫn thậm thụt ra vào quán rượu này làm thán phục lắm lắm.

Ông lão thường bảo họ thế này: “Xưa kia, tôi làm ăn cũng oanh liệt lắm, thưa các vị. Thằng con trai tôi, thưa ngài, hiện là chánh án ở Ramgunge, trong ban quản trị tối cao khu Bengal, hàng tháng lĩnh lương bốn nghìn ru-pi cơ đấy. Nếu con gái tôi muốn làm bà đại tá thì được ngay. Tôi muốn bảo con trai tôi, đang làm chánh án ấy, cho tôi hai nghìn đồng ngay ngày mai cũng được. Lão Alexander sẽ đếm tiền mặt thanh toán ngay tắp lự. Gia đình Sedley chúng tôi vẫn đàng hoàng lắm, thưa ngài”.

Thưa bạn đọc, bạn và tôi đều có thể lâm vào hoàn cảnh tương tự; chẳng phải bạn bè chúng ta, khối người đã như thế rồi sao? Ta rất có thể gặp rủi ro mất hết thế lực; vai tuồng của ta trên sân khấu có thể bị những anh kép kẻ trung tài hoa hơn tranh mất..., thời cơ may mắn bỏ rơi chúng ta và rồi ta chỉ còn là mảnh giẻ rách vứt bên lề đường. Lúc ấy, gặp ta thiên hạ sẽ ngoảnh mặt làm ngơ...hoặc quá quắt hơn, họ sẽ chìa hai ngón tay ra cho ta bắt với thái độ thương hại của kẻ bề trên... và khi ta vừa quay lưng đi, họ sẽ bảo nhau: “Thằng cha đáng thương quá, không biết làm ăn dại dột thế nào mà đến nỗi thế. Dịp may hiếm có thể mà bỏ qua”. Phải lắm...món tiền lợi tức đồng niên ba ngàn đồng và chiếc xe ngựa chưa phải là phần thưởng tột đỉnh mà cũng không phải là lời phán định cuối cùng của Chúa trời đâu. Nếu như bọn khù khờ thành đạt, nếu bọn bất lương kiếm được lắm tiền, và nghiễm nhiên toạ hưởng những thứ lẽ ra dành riêng cho những kẻ tài năng và đạo đức nhất trong chúng ta thì ta cũng chẳng nên coi trọng những bổng lộc và thú vui trong Hội chợ phù hoa làm gì, và rất có thể...

Song, chúng ta hiện đang đi hơi xa câu chuyện.

Giá bà Sedley là người có nghị lực thì cũng giúp đỡ được ông chồng ít nhiều sau cơn hoạn nạn, thí dụ thuê một ngôi nhà lớn, rồi thổi cơm trọ chẳng hạn. ông Sedley sẽ đóng vai chồng bà chủ trọ, giữ chân quản lý, tiếp đãi khách khứa đỡ tay vợ. Tôi đã gặp vô khối người con nhà gia thế, khi còn vẻ đã từng thết đãi trong nhà toàn bè bạn sang trọng chơi bời, săn bắn cẩn thận, bây giờ ngoan ngoãn làm công việc cắt khoanh thịt cừu tiếp mấy mụ khách tã, cố gắng lấy bộ trịnh trọng chủ toạ những bữa ăn đạm bạc. Nhưng bà Sedley không có đủ tháo vát để mở một nhà trọ. Bà đành nhẫn nhục chịu đựng kết quả của cơn giông tố phũ phàng... nghiệp của đôi vợ chồng già có thể nói là hết hẳn rồi.

Nhưng không chắc họ đã đau khổ. Có khi trong cơn hoạn nạn, họ lại cảm thấy phần nào kiêu hãnh hơn lúc làm ăn thịnh vượng cũng nên: Thỉnh thoảng bà Sedley xuống căn hầm dưới nhà hoặc xuống bếp ngồi trò chuyện với bà Clapp, bà vẫn được kính trọng như một người bề trên. Bà Sedley cũng rất chú ý đến mũ áo và đăng ten của chị hầu gái Betty Flanagan người Ai len; thấy chị ta dơ dáng, lười biếng và rất phí phạm trong việc dùng nến, dùng trà và đường, bà lại bận rộn bảo ban y như xưa kia vẫn quan tâm đến việc gia đình, hồi còn mượn nào bác Sambo, nào bác xà ích, nào anh hầu ăn, nào anh hầu việc và hàng tá gia nhân khác... ngày nào bà cũng kể chuyện ngày trước thuê mướn đầy tớ ra sao có đến trăm lượt. Ngoài chị Betty Flanagan, bà Sedley còn chú ý cả đến các chị hầu gái trong phố. Bà biết rõ những chủ thuê nhà xung quanh trả tiền nhà sòng phẳng hay còn chịu. Thấy bà Rougemont làm nghề đào hát, mỗi khi bà ta và gia đình đi qua, bao giờ bà cũng lánh ra một bên.

Thấy bà Pestler vợ ông lang ngồi trên chiếc xe một ngựa của chồng, bà vênh mặt lên nhìn, bà cãi nhau với mụ bán rau quả về mấy xu củ cải là món ăn ông Sedley rất thích; bà theo dõi cẩn thận cả bác bán sữa và cậu bé bán bánh mì; bà đích thân đến cửa hàng thịt mua thức ăn; lão chủ hiệu bán được cho bà miếng thịt cừu còn vất vả gấp mấy lần bán hàng trăm con bò cho người khác. Ngày chủ nhật, bà đếm từng củ khoai dùng để nấu với thịt; hôm ấy bà mặc áo thật đẹp đến nhà thờ hai lần, đến tối lại đọc sách giảng đạo của Blair.

Những ngày khác trong tuần lễ, ông Sedley bận việc nên chỉ đến chủ nhật ông mới có thì giờ bế thằng cháu ngoại là Georgy đi chơi ở vườn hoa gần nhà hoặc ở vườn Kensington, xem lính tráng hoặc cho ngỗng ăn. Georgy thích những bộ quân phục màu đỏ lắm; ông ngoại nó bảo rằng bố nó trước cũng là một sĩ quan nổi danh; ông lão dắt nó đến làm quen với những viên trung sĩ có đeo huy chương Waterloo trên ngực, và trịnh trọng giới thiệu với họ rằng cháu ông là con trai của đại uý Osborne thuộc trung đoàn thứ... đã chết một cách vinh quang trong ngày 18 vinh quang ấy. Có bận ông lão còn thết mấy người kia mỗi người một cốc rượu. Mấy lần đầu đưa cháu đi chơi, ông chiều cháu, mua cho đủ thứ, nào táo, nào bánh ngọt, thằng bé ăn nhiều quá suýt phát ốm. Amelia phải tuyên bố ông còn cứ mua kẹo bánh cho cháu ăn thì nhất định không cho con đi chơi với ông nữa. Bà cụ Sedley và con gái có vẻ lạnh nhạt với nhau và ngấm ngầm ganh tỵ nhau về chuyện thằng bé. Hồi thằng Georgy mới được mấy tháng, mỗi buổi tối, Amelia ngồi khâu trong phòng khách, thoáng thấy bà lão bỏ ra ngoài phòng, rồi nghe tiếng thằng bé khóc, cô vội chạy lên gác, thì thấy mẹ đang giấu giếm cho cháu uống Daffy. Trước sự lạm quyền ấy, Amelia vốn là người dịu dàng, hiền hậu nhất đời tự nhiên thấy giận điên lên. Đôi má thường ngày vẫn nhợt nhạt bỗng đỏ tía lên như hồi cô mới mười hai tuổi. Cô giằng lấy thằng bé trong tay mẹ, với lấy chai thuốc; bà lão giận quá, cứ đứng há hốc mồm ra, tay vẫn còn cầm cái cùi dìa tang vật.

Amelia quăng chai thuốc vào trong lò sưởi vỡ tan, nói:

- Con không bằng lòng má đầu độc nó như thế.

Cô ôm chặt lấy thằng bé, rung tít lên, mắt đỏ ngầu nhìn mẹ.

Bà lão nói:

- Đầu độc nó, Amelia ? Cô nói thế mà nghe được à?

- Không phải là thuốc của ông Pestler, con không cho nó uống, ông ấy bảo thuốc Daffy là thuốc độc.

Bà Sedley đáp:

- Được lắm, thì ra cô bảo tôi giết con cô. Cô ăn nói với mẹ cô thế đấy! Tôi đã gặp nhiều tai hoạ, tôi đã sa sút thảm hại, trước kia tôi lên xe xuống ngựa, bây giờ phải đi bộ, nhưng tôi chưa hề biết mình lại đi giết con người khác đấy. Cảm ơn cô cho tôi rõ điều này nhé.

Cô con gái vốn mau nước mắt vội nói:

- Kìa má, má đừng nặng lời thế. Con có định... con nói rằng...con không định bảo rằng má làm hại gì cháu đâu, có điều...

- Thôi, cô ạ, tôi là con mụ giết người chứ gì. Thế này thì tôi đi ngồi tù mới phải. Nhưng hồi cô còn bé, tôi có đầu độc cho cô chết đâu, mà tôi lại tiêu phí bao nhiêu tiền mướn thầy cho cô ăn học tử tế. Vâng, tôi sinh năm đứa con, bỏ mất ba, còn lại cô là đứa tôi quý nhất, lo chữa cho qua khỏi đủ mọi thứ bệnh, nào lên sởi, nào ho gà, rồi thuê thầy dạy dỗ tốn bao nhiêu tiền cũng không tiếc, lại gửi trọ học ở trường bà Minerva. Hồi còn con gái, tôi có được học hành như cô đâu; tôi chỉ biết thờ cha kính mẹ, giúp đỡ công việc trong nhà, chứ có được cấm cung cả ngày trong buồng như bà lớn đâu; bây giờ cô bảo tôi là quân giết người! Ôi, bà Osborne ơi! Cầu trời sau này bà không phải muôi ong tay áo như thế nữa nhé.

- Kìa má, má ơi!

Cô con gái bối rối kêu lên, thằng bé đang nằm trong tay mẹ cũng khóc ầm ĩ.

- Mụ giết người. Đúng Hãy quỳ xuống cầu Chúa Trời tha thứ cho cô tội bất hiếu đi... Amelia.

Đoạn bà Sedley vùng vằng bước ra khỏi phòng, mồm vẫn còn rít lên mấy tiếng “thuốc độc” để kết thúc bài giảng về nhân nghĩa của mình. Cho đến chết bà Sedley vẫn không hết giận con gái. Câu chuyện xích mích này đem lại nhiều cái lợi mà bà luôn tranh thủ khai thác, nhờ bản năng trời phú cho và nhờ cái đức kiên nhẫn của giới phụ nữ. Thí dụ, có đến hàng mấy tuần lễ liền, bà không thèm nói năng gì với Amelia. Bà cấm bọn tôi tớ không được mó vào thằng bé, “sợ bà Osborne không bằng lòng”. Bà yêu cầu con gái xem xét cẩn thận cho chắc chắn rằng thức ăn hằng ngày của thằng Georgy là không có trộn thuốc độc. Hàng xóm láng giềng có hỏi thăm thằng bé, bà bảo ra hỏi mẹ nó, không bao giờ mó vào giường thằng cháu trai tuy bà vẫn quý nó như vàng; bà lấy cớ rằng chỉ sợ “mình không quen chăm sóc trẻ con và biết đâu lại không lỡ tay giết chết thằng bé mất”. Mỗi lần ông Pestler đến thăm sức khoẻ thằng bé, bà cụ tiếp ông ta với nụ cười mỉa mai khinh khỉnh; ông này tuyên bố rằng đã được hân hạnh chữa bệnh cho Thistlewood phu nhân mà cũng không thấy bà này kiêu kỳ quá đáng như bà Sedley; mà bà cụ có mất xu tiền thuốc nào đâu. Về phía Emmy thì cô cũng có ý ghen ghét với hết thảy ai vồ vập thằng bé, không biết có phải vì sợ họ giành mất quyền yêu thương của con trai mình không? Có điều chắc chắn là hễ thấy ai bế ẵm thằng bé, cô cũng cảm thấy khó chịu; cô không cho bà Clapp và chị hầu gái mặc quần áo hoặc săn sóc thằng bé, cũng như không bằng lòng để cho họ lau tấm chân dung của chồng vẫn treo trên đầu giường ngủ... vẫn chiếc giường cũ, cô đã từ giã nó để đi lấy chồng, và bây giờ quay lại với có để sống nốt những năm lặng lẽ dài đằng đẵng tuy đầy nước mắt những cũng là những năm hạnh phúc.

Căn phòng bé nhỏ này là nơi Amelia chứa đựng tất cả cuộc đời mình. Đó là nơi cô chăm sóc thằng con trai, lo cho nó qua khỏi bao nhiêu lần quặt quẹo, tình mẫu tử lúc nào cũng sôi nổi nồng nàn. Hình ảnh bố nó như sống lại trong gương mặt đứa trẻ, mà lại còn đẹp hơn lên, như thể anh từ Thượng giới trở về. Thằng bé giống bố như đúc, từ giọng nói, cái nhìn, cho tới dáng điệu; người đàn bà goá ôm con vào lòng mà tâm hồn dạt dào xúc động. Thấy thằng bé vẫn hỏi vì sao mẹ khóc, mẹ nó không ngần ngại đáp rằng vì nó giống bố nó quá. Amelia thường kể chuyện cho con nghe về bố nó hồi còn sống, về mối tình của mình đối với George, thằng bé còn ngây thơ nghe mà không hiểu ra sao. Ngay đối với George hay các bạn thân khác cũng chưa bao giờ Amelia nói những lời trìu mến đến thế. Cô không hề nói với ông bà Sedley những chuyện như vậy vì không muốn bộc lộ tâm tình với cha mẹ. Thằng Georgy xem ra cũng chẳng hiểu biết gì hơn, nhưng Amelia có thể bày tỏ với nó mọi điều thầm kín trong tâm tư không cần dè dặt, mà cô cũng chỉ bày tỏ với con mà thôi. Dường như niềm vui của người đàn bà ấy là sự sầu muộn, hoặc giả vì niềm vui ấy thiết tha quá, nên có biểu lộ ra bằng những dòng nước mắt chăng? Tình cảm Amelia vẫn quá yếu đuối và nhút nhát; có lẽ ta không nên nói dài về chuyện ấy làm gì. Bác sĩ Pestler (bây giờ đã là một thầy thuốc phụ khoa trứ danh, có một chiếc xe ngựa lộng lẫy sơn màu xanh thẫm, là chủ một ngôi nhà ở công viên Manchester, lại sắp được ban tước nam) bảo tôi rằng hồi bắt đầu cai sữa cho thằng bé Amelia khổ sở quá, đến nỗi Herod trông thấy cũng phải động tâm. Mấy chục năm sau, ông này vẫn chưa hết bệnh đa cảm, bà vợ còn cứ ghen lồng lên với Amelia mãi.

Vợ ông bác sĩ ghen tuông như vậy cũng có lý. Đám phụ nữ quen thuộc đi lại với Amelia cũng cảm thấy tức tối bực bội vì nỗi đàn ông lại cũng xoắn xuýt lấy cô ta. Hầu như tất cả đàn ông có dịp gần gũi Amelia đều yêu cô, tuy rằng hỏi họ vì sao thì họ cũng khó trả lời. Amelia không nổi bật, không thông minh cũng không khôn ngoan lắm, mà sắc đẹp cũng chưa phải là “chim sa cá lặn”, nhưng đi đến đâu cô cũng khiến được nam giới cảm động và bị hấp dẫn, đồng thời cũng gây ra sự ghen ghét tàn nhẫn trong giới phụ nữ. Theo ý tôi, sự yếu ớt của Amelia chính là cái mãnh lực thu hút con người... đó là thái độ phục tùng thuần thục, dịu dàng, nó như kêu gọi sự thông cảm và che chở nơi người đàn ông. Trong trung đoàn của George tuy Amelia chỉ có dịp tiếp xúc với một vài người bạn của chồng, nhưng tất cả các sĩ quan trẻ tuổi trong câu lạc bộ nhà binh đều sẵn sàng rút kiếm ra khỏi vỏ để chiến đấu bênh vực cô. Cho nên trong căn nhà nhỏ bé ở Fullham, ai cũng mến cô. Amelia không được bà Mango (hãng Mango, Plantain và Công ty) là chủ nhân trại Pineries ở Fullham; mùa hè hằng năm, bà này mở tiệc () đãi toàn các vị công tước và bá tước, đi đâu một bước cũng nào xe nào ngựa, nào kẻ hầu người hạ linh đình, sang hơn cả nghi trượng của nhà vua ở Kensington. Amelia cũng không được như con dâu của bà Mango, tức là phu nhân Mary Mango (con gái bá tước Castlemouldy, đã hạ mình lấy ông chủ hãng buôn lớn trên làm chồng). Nhưng các chủ hiệu buôn trong vùng gặp người đàn bà goá trẻ tuổi này trước cửa nhà hoặc lúc vào hiệu mua đồ vật còn kính nể hơn cả đối với những người đàn bà sang trọng kia nữa.

Không phải chỉ có ông thầy thuốc Pestler, mà cả ông Linton, người giúp việc trẻ tuổi hay ngồi đọc tờ “Thời báo” suốt ngày trong phòng khám bệnh, là người chuyên thăm bệnh cho bọn đầy tớ các gia đình và những người bán hàng vặt, cũng tuyên bố công khai rằng mình là một kẻ nô lệ của bà Osborne. Ông này người còn trẻ, mặt mũi khôi ngô, được gia đình bà Sedley tiếp đón nồng nhiệt hơn cả ông thầy thuốc chính. Thằng Georgy chỉ hơi nhức đầu xổ mũi, ông ta cũng đến thăm hai ba lần mỗi ngày, mà không hề nghĩ đến chuyện tiền nong. Ông ta hay lấy kẹo ho và nhiều thứ khác ở hiệu thuốc đến cho Georgy, lại pha những thứ thuốc nước ngọt lịm đi, làm cho thằng bé sinh ra thích ốm. Hồi nó lên sởi, hai thầy trò ông Pestler thức trọn hai đêm ngồi bên thằng bé. Cứ nhìn sự hốt hoảng của người mẹ, ta có thể ngờ rằng bệnh sởi là một bệnh kỳ lạ chưa xuất hiện trên trái đất bao giờ. Họ có săn sóc những bệnh nhân khác tận tình như thế không? Hồi Ralph Plantagenet, Gwendoline, và Guinever Mango bị lên sởi, họ có thức trọn đêm trong lâu đài Pineries không? Họ có thức trọn đêm để trông nom con bé Mary Clapp, con gái bà chủ nhà, bị lây bệnh thằng Georgy không? Sự thực bắt buộc ta phải trả lời: Không. Hai thầy trò cứ nằm nhà ngủ kỹ, bảo rằng con bé mắc bệnh thông thường quá, cứ mặc kệ rồi cũng khỏi; họ chỉ gửi lại gọi là có vài liều thuốc và khi đứa nhỏ bình phục thì họ gửi đến một gói ký ninh rồi cũng chẳng buồn xem thuốc có công hiệu hay không, chỉ biết là đã hoàn thành thủ tục.

Lại có một hiệp sĩ người Pháp ngụ ở căn nhà trước mặt, vẫn dạy tiếng Pháp trong các trường quanh vùng; đêm đêm ông ta vẫn chơi những bản nhạc cũ rích trên một cây vĩ cầm cổ lỗ sĩ. Không chủ nhật nào ông già đa tình đội tóc giả có rắc phấn này không đi lễ nhà thờ ở Hammersmith; về mọi phương diện, từ dáng điệu, cử chỉ đến ý nghĩ, ông ta hoàn toàn khác hẳn đồng bào của mình, tức là nhưng người man rợ râu ria xồm xoàm suốt ngày chửi thằng Albion () phản bội, mồm ngậm xì gà cứ gườm gườm nhìn thiên hạ dưới vòm cổng Quadrant; mỗi khi ông hiệp sĩ già de Talonrouge nhắc đến bà Osborne, trước tiên ông ta phải hít nốt nhúm thuốc lá bột đã, đoạn vứt chỗ thuốc còn lại trong tay đi, khoa khoa bàn tay đưa lên mồm vừa hôn vừa thổi phù một cái và xoè ra, nói: “Chao ôi! Con người mới thần tiên làm sao”() Ông ta nhất định thề rằng khi Amelia đi dạo chơi ở đường Brompton thì dưới gót cô, hoa đua nhau nở. Ông ta gọi thằng Georgy là Georgy Cupid và hỏi thăm sức khoẻ của Thần Vệ Nữ là mẹ nó; ông lại bảo với chị Betty Flanagan rằng chị ta là một trong số ba cô tiên thị nữ ().

Và là người hầu hạ thân tín nhất của Bà chúa ái tình ().

Còn có thể kể nhiều thí dụ khác về chuyện Amelia được nhiều người yêu mến mà chính cô không hay biết. Ông Binny, viên mục sư hiền lành nhã nhặn cai quản giáo đường của khu phố, nơi gia đình Sedley vẫn đến dự lễ, cũng đến thăm người quả phụ rất chăm chỉ; ông ta đặt thằng Georgy ngồi lên đùi mình, ngỏ ý muốn dạy nó học tiếng La tinh; người chị ông ta, một người phụ nữ quá lứa nhỡ thì ở vậy trông nom nhà cửa cho em, thấy thế tức lắm. Bà này vẫn bảo em trai:

- Này cậu, bà ta vô vị chết đi ấy mà. Suốt buổi tối đến đây chơi uống trà, chả thấy nói năng gì. Theo tôi, bà ta chẳng qua cũng chỉ là một cô “tiểu thư” tầm thường nhạt nhẽo, chứ có tâm hồn gì đâu. Đàn ông các cậu cứ thấy ai có bộ mặt xinh xinh là mê tít. Theo ý tôi thì cô Grits tính tình còn bằng mấy, lại có năm nghìn đồng vốn riêng, tương lai chắc chắn. Ví thử mặt cô ấy cũng xinh đẹp, thì tôi chắc cậu phải cho là con người hoàn toàn.

Bà chị Binny nói thế cũng có lý lắm chứ? Bọn đàn ông xấu thói chúng ta chỉ thích bộ mặt xinh xinh thôi thật. Cho dù một người phụ nữ có khôn ngoan và trong trắng như Minerva đi nữa nếu mặt mũi tầm thường, chúng ta cũng ít thèm để ý. Trước đôi mắt sáng của người đẹp, hỏi có sự điên rồ nào ta không tha thứ được? Lời nói ngu ngốc nhất thốt ra từ đôi môi đỏ thắm với giọng nói dịu dàng cũng hoá ra dễ nghe. Cho nên các bà hễ đã có sắc đẹp lẽ tất nhiên phải ngốc nghếch. Chao ôi, thưa các bà, trong số các bà vô khối người đã không xinh đẹp lại cũng chẳng khôn ngoan tý nào đấy ạ. Trong đời Amelia chỉ xảy ra toàn những chuyện lặt vặt tương tự: chẳng có sự kiện phi thường nào; bạn đọc ắt cũng nhận thấy. Ví thử cô ta có viết một tập nhật ký suốt thời gian bảy năm trời sau ngày sinh con, thì cũng chả có mấy việc đáng chú ý hơn chuyện con trai lên sởi như vừa kể trên. À, cũng có một lần Amelia ngạc nhiên quá vì thấy ông mục sư Binny xin cô đổi tên Osborne để mang tên mình, Amelia đỏ bừng mặt; giọng nói đẫm nước mắt, cô cảm ơn ông ta có lòng thương đến hai mẹ con cô, nhưng ngỏ ý sẽ không bao giờ, không bao giờ yêu được ai ngoài người chồng đã khuất núi.

Ngày 25 tháng tư và ngày 18 tháng sáu hằng năm, tức là ngày kỷ niệm lập gia đình và ngày chồng chết, Amelia đóng cửa ngồi trong phòng cả ngày để tưởng nhớ người chồng đã mất (chưa kể hàng bao nhiêu giờ trằn trọc thâu đêm cạnh đứa con trai nằm ngủ trong nôi bên giường). Ban ngày cô bận rộn hơn. Cô dạy thằng Georgy đọc, viết và vẽ đôi chút. Cô đọc truyện để kể lại cho con nghe. Thằng bé càng hiểu biết, trí khôn cũng phát triển do ảnh hưởng của cuộc sống xung quanh; cô cố gắng dùng kiến thức ít ỏi của mình dạy cho con hiểu thế nào là Đấng Tạo hoá. Sớm sớm, chiều chiều, hai mẹ con cùng cầu khẩn Đức cha cao cả; người mẹ đọc kinh và đứa con nhắc theo, ai trông thấy cũng phải cảm động.

Lần nào hai mẹ con cũng cầu Thượng đế ban phúc lành cho người bố, dường như George cũng có mặt trong phòng và đang cầu kinh với họ.

Buổi sáng, việc tắm rửa mặc quần áo cho con trai cũng mất khá nhiều thì giờ, kéo dài cho tới lúc ăn sáng hoặc lúc ông ngoại nó đi lo công việc. Mỗi ngày, người đàn bà goá ấy dành mất khá nhiều thì giờ để phá tất cả những bộ áo đẹp cũ may từ hồi mới lấy chồng vẫn cất trong tủ áo, cắt thành những tấm áo rất xinh đủ kiểu lạ mắt cho con. Bản thân Amelia bao giờ cũng chỉ bận áo dài đen, đội một chiếc mũ rơm có băng đen: bà cụ thấy thế bực mình lắm, vì tính bà ưa ăn mặc đẹp, nhất là kể từ khi gia đình bị sa sút. Thì giờ còn lại Amelia dùng để giúp đỡ mẹ và ông bố già nua. Cô kỳ khu học đánh bài để cùng cha giải trí những tối ông Sedley không đến “câu lạc bộ”. Nếu ông lão ngỏ ý thích, cô hát cho cha nghe; cũng là việc hay, vì thường thường ông lão nghe nhạc rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Cô viết hộ cha bao nhiêu là hồi ký, thư từ, giấy giao hàng của ông lão mới kinh doanh. Nhờ tay cô nên bạn hàng của ông lão mới biết rằng ông đã trở thành đại lý cho Công ty kim cương đen chuyên sản xuất than không tàn thượng hạng bán mỗi “chaldron” ( ) có... đồng. Ông cụ chỉ việc ký ở dưới, chữ ký nguệch ngoạc, run run như chữ ký của một viên chức. Một tờ giấy giao hàng được gửi cho thiếu tá Dobbin, trung đoàn thứ... nhờ hãng Côx và Greenwood chuyển. Viên thiếu tá ở mãi tận Madras không dùng đến than làm gì. Nhưng anh ta biết rõ ai đã viết những dòng chữ giao hàng đó. Trời ơi? ước gì được nắm bàn tay người ấy trong tay mình, mất gì anh ta cũng không tiếc! Rồi tiếp theo là một tờ giấy giao hàng khác báo cho viên thiếu tá rõ hãng J.Sedley và Công ty đã đặt đại lý ở Oporto, Bordeaux, và St. Mary. Hãng có thể cung cấp các loại rượu thượng hảo hạng với giá phải chăng, kèm theo nhiều điều kiện thuận lợi. Dobbin nắm ngay lấy cơ hội cố sức vận động viên chủ tỉnh, viên tổng chỉ huy, các thẩm phán, các trung đoàn và tất cả mọi người quen biết xin bằng được mấy đơn đặt hàng rất quan trọng cho hãng “Sedley và Công ty” mới thôi, ông Sedley và ông Clapp (tức là cả công ty) ngạc nhiên hết sức. Ông Sedley đã hý hửng phen này sắp lại đứng đầu một hãng buôn lớn, mướn hàng chục nhân viên, có một kho hàng riêng và gửi đại diện đi khắp thế giới; nhưng chuyến hàng may mắn đầu tiên ấy cũng là chuyến cuối cùng. Ông già không còn rành rượu như xưa. Trong phòng ăn của nhà binh, ai cũng rủa thiếu tá Dobbin về tội tìm cách tống cho họ toàn những thứ rượu thổ tả. Anh ta đành mua lại một số lớn rượu cho đem bán rao, thiệt vô khối tiền túi. Hồi này, Joe đang giữ một địa vị quan trọng tại Phòng thuế khoá ở Calcutta; một bữa, nhà bưu điện gửi đến cho anh ta một xếp toàn những quảng cáo rao thứ hàng ma men kia, lại kèm theo một thư riêng của ông bố dặn rằng hy vọng rất nhiều vào sự giúp đỡ của con trai; ông lão báo tin đã dành riêng cho Joe rất nhiều rượu ngon và đã rút số tiền rượu trong ngân khoản của anh ở nhà băng bằng tín phiếu rồi; Joe cáu tưởng phát điên lên được. Anh ta không muốn thiên hạ nghĩ rằng cụ thân sinh ra ông Joe Sedley tòng sự tại Phòng thuế khoá lại là một ông lái rượu đi ngửa tay xin đơn đặt hàng; anh ta từ chối không nhận thanh toán những tín phiếu nói trên, lại viết một lá thư tồi tệ gửi về bảo bố hãy tự lo lấy công việc của mình. Nhân việc này, hãng Sedley và Công ty phải chịu bao nhiêu tiền phí tổn, món lời kiếm được trong chuyến hàng Madras và tiền dành dụm của Amelia thế là bay sạch.

Ngoài món trợ cấp hằng năm là năm mươi đồng, Amelia được người thực hiện di chúc của chồng cho biết rằng cô còn có quyền hưởng một món tiền khác là năm trăm đồng bảng vì lúc George chết đi, số tiền này do luật sư riêng của anh ta giữ. Với tư cách là người đỡ đầu cho Georgy, Dobbin đề nghị đem đặt lãi 8% tại một hãng buôn ở Ấn Độ. Ông Sedley ngờ Dobbin mưu đồ việc gì gian lậu về số tiền này bèn cực lực phản đối đề nghị nói trên. Ông đích thân tìm đến các luật sư để phản kháng, thì mới vỡ nhẽ ra rằng họ không hề giữ món tiền ấy bao giờ, và tất cả tiền nong viên đại uý đã quá cố để lại không vượt quá một trăm đồng bảng; vậy chắc số năm trăm đồng bảng kia lại là một khoản nào khác, chỉ riêng Dobbin rõ ở đâu ra. Ông lão càng nghi tợn, bèn đi tìm viên thiếu tá.

Lấy tư cách là thân nhân của Amelia, ông đòi xem xét các khoản chi tiêu của viên đại uý đã chết. Thấy Dobbin đỏ mặt, ông bèn lấy điệu bộ kiêu hãnh mà “nói toạc móng heo” ra rằng viên thiếu tá đã giữ tiền của con rể ông một cách bất hợp pháp.

Dobbin không nhịn được nữa, nếu ông lão không già nua yếu đuối thì giữa hai người ắt đã xảy ra một cuộc đấu khẩu gay go ngay tại quán cà phê Slaughters, chỗ hai bên gặp nhau. Viên thiếu tá nói:

- Xin mời cụ lên gác, thế nào cũng phải mời cụ lên gác để tôi trình bày cụ rõ xem ai bị thiệt thòi, tôi hay là anh George.

Đoạn anh ta kéo ông lão lên phòng ngủ, mở ngăn kéo lấy ra một tờ ghi những khoản chi tiêu của George kèm theo một mớ giấy biên nhận tiền của George - công bằng mà nói thì bao giờ George cũng sẵn sàng viết văn tự mượn tiền. Dobbin tiếp:

- Những chứng từ này đã được anh ấy thanh toán ngay tại nước Anh hết rồi; lúc chết chỉ còn chưa đầy một trăm đồng. Tôi cùng vài người bạn gom góp nhau được một món tiền nhỏ gọi là để giúp đỡ; thế mà cụ ngờ tôi lừa tiền của chị ấy và cháu.

Ông Sedley đờ người ra, có ý thẹn. Thật ra Dobbin đã nói dối, chính anh đã bỏ ra tất cả số tiền ấy, chính anh ta lo việc chôn cất cho bạn; cũng chính anh ta đã gánh vác tất cả mọi khoản chi tiêu trong việc bất hạnh xảy ra cũng như trong việc đưa Amelia về nước. Ông Sedley không hề nghĩ đến những món chi tiêu đó, cả họ hàng Amelia cũng như bản thân cô ta cũng thế. Amelia hoàn toàn tin Dobbin, mặc anh ta nói sao hay vậy, không hề ngờ rằng mình là kẻ mang nợ.

Mỗi năm đôi ba lần, Amelia giữ đúng lời hứa viết thư gửi đi Madrad cho Dobbin, trong thư toàn nói về chuyện thằng Georgy.

Dobbin trân trọng những lá thư ấy biết bao! Nhận được thư, anh ta trả lời ngay, và cũng không hề bao giờ tự nhiên viết thư cho thằng con đỡ đầu và mẹ nó. Anh lại mua một hộp khăn quàng cổ và một bộ quân cờ bằng ngà của Trung Quốc gửi về làm quà. Những quân tốt là những người lính mặc áo xanh và trắng, cầm gươm và khiên thật, tướng thì cưỡi ngựa, thành luỹ thì dựng trên lưng voi.

Ông Pestler bảo: “Bộ quân cờ của bà Mango ở Pineries cũng không đẹp bằng”. Georgy thích quá, lần đầu tiên viết thư cho ông bố đỡ đầu để cảm ơn. Dobbin còn gửi cho cả mứt và đồ gia vị; thằng bé mò ra tủ buýp-phê ăn vụng nhiều quá suýt chết vì bội thực; nó cho là mình bị trừng phạt vì tội ăn vụng. Emmy viết thư gửi cho viên thiếu tá kể lại câu chuyện buồn cười này; thấy cô đã khuây khoả, Dobbin cũng yên tâm. Anh ta gửi về làm quà thêm hai tấm khăn san, một cái màu trắng tặng Amelia, một cái màu đen có in hình lá cọ tặng bà Sedley; lại gửi hai chiếc khăn quàng cổ màu đỏ cho ông Sedley và thằng Georgy. Theo sự hiểu biết của bà Sedley thì mỗi tấm khăn giá đến năm mươi đồng ghi nê là ít. Bà quấn nó đi nhà thờ Brompton dự lễ, các bà bạn trông thấy cũng phải khen là đẹp. Chiếc khăn của Emmy cũng rất ăn ý với tấm áo đen giản dị cô vẫn mặc.

Bà Sedley bảo bà Clapp và các bà bạn ở Brơmtơn thế này:

“Rõ hoài của, con bé chả nghĩ đến ông ta. Thằng Joe có bao giờ biếu chúng tôi được những thứ này đâu, cho một tý gì nó cũng tiếc đứt ruột. Rõ ràng cái ông thiếu tá ấy mê con gái tôi như điếu đổ! Thế mà mỗi khi nhắc khéo chuyện ấy với nó, y như nó đỏ mặt lên, rồi khóc, rồi bỏ lên gác ngồi nhìn cái chân dung. Tôi mới phát ốm vì cái chân dung ấy chú! Tôi chỉ cầu Trời không bao giờ còn phải nhìn mặt cái giống Osborne hợm của ghê tởm nhà chúng nó.

Thằng Georgy lớn lên trong một bầu không khí bình dị như vậy, càng lớn tính nó càng trở thành ẻo lả dễ xúc động, hay vòi như những đứa trẻ được nuông chiều từ tấm bé... nó rất quý mẹ, nhưng cũng bắt nạt cả mẹ. Trong nhà, nó là ông tướng con; ai cũng phải sợ. Nó càng lớn, càng giống bố như đúc, từ mặt mũi cho đến cái tính khệnh khạng. Thấy cái gì nó cũng tò mò hỏi cho bằng được. Thấy cháu nói nhiều câu khôn như người lớn, ông ngoại nó cũng lấy làm lạ; ông lão đến quán rượu chỉ kể toàn những chuyện cháu mình thông minh, cháu mình hiểu biết như thần đồng, làm thiện hạ chán ngấy cả tai. Thấy bà ngoại bẳn tính, thằng bé cứ lờ đi, vui vẻ như không. Mọi người trong cái gia đình nhỏ ấy ai cũng tin trên đời không có đứa trẻ nào được bằng nó. Thằng Georgy thừa hưởng cả cái tính kiêu ngạo của bố, có lẽ nó cho rằng họ nhận xét không lầm.

Khi thằng Georgy lên sáu, Dobbin bắt đầu viết thư luôn cho nó. Viên thiếu tá ngỏ ý muốn nó đi học, và hy vọng rằng nó sẽ cố gắng chăm chỉ; nếu nó không đến trường thì có lẽ nên mướn một ông giáo kèm ở nhà, vì nó đã đến tuổi đi học; ông bố đỡ đầu còn hy vọng được đài thọ mọi phí tổn về việc học của thằng bé, vin cớ mẹ nó chỉ có một số tiền trợ cấp quá ít ỏi. Anh chàng thiếu tá lúc nào cũng nghĩ đến mẹ con Amelia; anh ta gửi cho thằng bé nhiều sách có tranh ảnh, một hộp thuốc vẽ, một cái bàn học cùng đủ mọi thứ dụng cụ khác dùng trong việc học và để giải trí. Còn ba ngày nữa thì thằng Georgy vừa đúng sáu tuổi, một người đi xe ngựa có người nhà theo hầu đến nhà ông Sedley, nói muốn gặp cậu Georgy Osborne. Đó là ông Woolsey, chuyên may quân phục ở phố Conduit, theo lệnh viên thiếu tá đến đo người thằng bé để may một bộ áo mới. Ông này đã có hân hạnh may quần áo cho viên đại uý sinh ra nó.

Thỉnh thoảng, có lẽ để chiều ý viên thiếu tá, hai chị em cô Dobbin cũng ngồi xe ngựa riêng của gia đình đến đón hai mẹ con Amelia đi chơi. Amelia cảm thấy khó chịu vì cái thái độ nhã nhặn kẻ cả của mấy cô này, nhưng cũng ngoan ngoãn chịu đựng cho qua, vì bản tính vẫn quen nhường nhịn, vả lại thằng Georgy được ngồi lên chiếc xe ngựa lộng lẫy thì có vẻ khoái lắm. Thỉnh thoảng, hai cô thiếu nữ lại xin cho thằng Georgy đến nhà mình chơi một ngày, thằng bé được đến ngôi nhà xinh đẹp của gia đình Dobbin ở Denmark Hill thì thích quá vì ở đó có vô số nho và đào, tha hồ ăn thoả thích.

Một bữa, hai chị em cô Dobbin đến báo cho Amelia biết một tin mà họ cho rằng chắc chắn cô phải mừng lắm... một tin có liên quan đến anh William thân yêu của họ. Mắt sáng ngời lên vì sung sướng. Amelia hỏi:

- Tin gì thế, anh ấy về thăm nhà phải không?

- Không phải... không phải đâu... nghe như anh ấy định lấy vợ lấy người có họ với một cô bạn của Amelia... cô Glorvina O’Dowd, em gái ông Michael O’Dowd ấy mà. Cô ta đã đến Madras với bà O’Dowd rồi. Đồn rằng cô ấy đẹp người lại đẹp cả nết.

Amelia thốt ra một tiếng “Ô!” đầy ngạc nhiên; thực tình cô cũng rất sung sướng. Nhưng cô cho rằng Glorvina chắc không thể giống bà bạn cũ của mình; bà ấy tốt lắm... nhưng mà... Amelia cảm thấy rất vui. Và không rõ vì sao, cố bế ngay thằng Georgy lên mà hôn rất âu yếm. Lúc đặt con xuống đất mắt cô rơm rớm có ngấn lệ; suốt buổi độ chơi hôm ấy, cô yên lặng, gần như không nói một lời...tuy trong lòng quả thật rất sung sướng.

Bình luận





Chi tiết truyện