chương 36/ 66

LÀM THẾ NÀO SỐNG ĐÀNG HOÀNG KHÔNG MỘT ĐỒNG LỢI TỨC

Có lẽ Hội chợ phù hoa này làm gì có ai thờ ơ đến nỗi không thỉnh thoảng nhòm ngó tí chút đến việc làm ăn của người quen kẻ thuộc, hoặc quá từ bi đến mức không buồn ngạc nhiên tự hỏi mấy bác Jones và Smith hàng xóm làm sao vẫn cứ vắt mũi đủ đút miệng quanh năm? Mặc dầu rất kính trọng gia đình Jenkins (vì tôi đã có dịp ăn tiệc trong gia đình này đôi ba lần), tôi vẫn phải thú thật rằng từ nay cho đến chết tôi không thể quên được sự kinh ngạc khi thấy bầu đàn nhà Jenkins xuất hiện tại công viên trên một chiếc xe ngựa đồ sộ, kẻ hầu đầy tớ dập dìu; bởi lẽ dẫu tôi thừa biết rằng xe ngựa là đồ cũ mua lại, mà bọn đầy tớ chỉ được nơi ăn chốn ở, chứ không có tiền lương, nhưng nguyên ba thằng hầu và cái xe ấy cũng phải tiêu tốn ít nhất là sáu trăm đồng hằng năm... Thế mà còn tiệc tùng sang trọng, lại hai đứa con trai nội trú ở trường trung học Iton; mấy cô con gái thì đủ cả cô giáo và thầy giáo dạy riêng. Mùa thu họ đi chơi ở Eastbourne hay Worthing; thỉnh thoảng họ lại ra ngoại quốc du lịch một chuyến; mỗi năm một lần, họ còn tổ chức một buổi dạ hội, có tiệc ăn đêm đặt tại nhà hàng Gunter (nhân tiện xin nói thêm, nhà này quen thầu những thứ bữa tiệc loại thượng hạng của gia đình Jenkins; tôi biết rõ điều này vì có lần được mời đến để lấp một chỗ trống, thì thấy ngay rằng một bữa ăn như thế vượt xa những bữa tiệc kẻ tầm thường này vẫn được dự). Người hiền lành đến đâu cũng đánh một dấu hỏi rằng gia đình Jenkins làm thế nào mà sống kiểu ông hoàng như vậy được? Jenkins là cái gì? Còn ai lạ gì anh ta nữa... Một nhân viên quèn tòng sự tại ngự tiền văn phòng, lương đồng niên 1.200 đồng. Hay là chị vợ có của riêng? Úi dà!... Cô Flint là một trong số mười một đứa con của nhà quý tộc quèn vùng BuckingHampshire . Suốt năm những thứ cô được gia đình cho chỉ là một con gà tây vào ngày lễ Giáng sinh! Bù lại, cô phải nuôi ba cô em trong suốt mấy tháng nghỉ hè, và còn phải tiếp mấy ông anh trai mỗi khi họ ra tỉnh chơi nữa cơ chứ. Thế thì Jenkins giữ thăng bằng ngân sách bằng cách nào nhỉ? Tôi cũng như bất cứ người bạn nào của anh ta đều phải tự hỏi không hiểu tại sao Jenkins chưa bị truy tố trước pháp luật từ lâu. Mà làm sao năm ngoái anh ta vẫn còn dám vác mặt về Boulogne. (Thiên hạ lấy làm kinh ngạc về điều này lắm).

Tiếng “tôi” ở đây có nghĩa là tất cả mọi người... nghĩa là bà Grundy () trong một độc giả như vậy...Mỗi người đều có thể chỉ ra trong đám thân bằng cố hữu một gia đình nào đó vẫn sống đàng hoàng không biết bằng cách nào. Chắc hẳn chúng ta cũng đã từng nâng nhiều cốc rượu mà gật gù thù tạc với chủ nhân, đồng thời ngạc nhiên tự hỏi không rõ lão này xoay đâu ra tiền mà mua rượu.

Khoảng ba bốn năm sau, sau khi ở Pariss trở về nước, hai vợ chồng Rawdon Crawley sống trong một căn nhà nhỏ rất đầy đủ tiện nghi tại phố Curzon trong khu May; đám bạn bè thường được họ thết tiệc, không mấy ai không tự đặt câu hỏi trên về họ. Ở trên tôi đã có dịp nói rằng nhà tiểu thuyết có con mắt thấu suốt mọi sự, cho nên tôi cũng có đủ thẩm quyền tiết lộ với bạn đọc tại sao vợ chồng Crawley không một xu dính túi mà vẫn sống đàng hoàng. Nhưng tôi có thể yêu cầu các báo chí có thói quen trích bài đăng trong các tuần báo khác đừng in lại những chuyện tôi kể dưới đây được không?... Bởi lẽ tư cách là kẻ đã khám phá ra sự thực (mà cũng có tốn kém đôi chút đấy), tôi muốn được hưởng chút lợi lộc. Ví phỏng trời cho tôi có được một mụn con trai, tôi sẽ bảo họ rằng: “Con ơi, con nên chịu khó đi lại giao thiệp luôn luôn với anh ta thì mới học được cách sống ung dung mà quanh năm không mất xu nào. Nhưng tốt nhất là đừng có quá thân mật với các ông sang trọng loại này, nên nhờ người khác tính toán hộ mình vì giống như bảng tính lôgarít, nếu ta phải làm lấy những con toán thì sẽ tổn phí khá nhiều công sức”.

Về chuyện không mất một xu mà trong khoảng hai ba năm, Crawley và vợ sống một đời sống hết sức thoải mái và hạnh phúc ở Pariss, chúng tôi chỉ có thể kể lại rất sơ lược. Chính trong thời gian này, anh ta bán lại lon trung tá của mình, từ giã đội ngự lâm quân.

Khi chúng ta gặp lại thì chỉ còn nhận thấy dấu vết cái nghề trận mạc cũ của anh ta ở bộ ria mép và cái danh hiệu trung tá in trên tấm danh thiếp.

Ở trên đã nói, vừa đến Paris, Rebecca đã chiếm một vị trí nổi bật trong giới thượng lưu của kinh đô nước Pháp; cô ta còn được vài gia đình nổi tiếng nhất thuộc giới quý tộc Pháp mới khôi phục lại uy thế tiếp đón rất long trọng. Bọn người Anh sang trọng ở Paris cũng săn đón Rebecca làm cho các bà vợ tức lộn ruột; họ không thể chịu nổi con người bon chen ấy. Trong mấy tháng liền, Rebecca quen đi lại những phòng khách chính ở khu ngoại ô St. Germain và thường xuyên ra vào chỗ triều đình lộng lẫy huy hoàng; được tiếp đón hết sức long trọng; cô ta sung sướng quá và dễ thường hơi bị choáng váng trong thời kỳ khoái hoạt ấy thì phải, cho nên mới có ý muốn coi thường đám bè bạn của chồng mình hầu hết là những quân nhân trẻ tuổi trung thực.

Phải ngồi cạnh những bà quận chúa và các bậc mệnh phụ trong triều, viên trung tá thấy buồn quá; anh ta cứ ngáp ngắn ngáp dài. Mấy bà cụ chơi bài cãi nhau ồn cả lên vì một đồng năm frăng; thấy thế, trung tá Crawley chán ngấy, chẳng buồn ngồi vào chiếu bạc nữa. Anh không thưởng thức nổi cái tế nhị trong câu chuyện họ nói với nhau, vì không biết tiếng Pháp. Anh ta tự hỏi không hiểu vì sao đêm nào vợ mình cũng chịu khó cong lưng chào hàng tá những bà hoàng bà chúa để làm gì. Bây giờ Rawdon mặc Rebecca đến dự những buổi tiếp tân này một mình; anh ta trở lại với những thú chơi riêng bình dị mà anh ta thích giữa đám bạn hữu tự mình chọn lấy.

Thực ra, khi chúng tôi nói rằng một ông sang trọng sống đàng hoàng mà quanh năm không một xu lợi tức, ấy là chúng tôi muốn nói ông ta có những nguồn lợi ta không biết rõ - nghĩa là không rõ ông ta bù đắp việc chi tiêu trong nhà ra sao. Riêng ông bạn trung tá của chúng ta thì vốn có biệt tài trong các trò chơi may rủi. Anh ta lại chịu khó tập luyện thường xuyên trong các món đánh bài xì, chơi xúc xắc, hoặc bi-a, cho nên so với kẻ thỉnh thoảng mới giải trí, dĩ nhiên anh ta “tài nghệ” hơn. Biết cầm một cái gậy bi-a cho khéo cũng công phu chẳng khác gì người cầm bút vẽ, thổi sáo, hoặc đánh kiếm... mới đầu không thể thắng được ai, nhưng hễ chịu cần cù học hỏi, lại có chút năng khiếu là tự nhiên người ta có thể trở thành xuất sắc. Cho nên từ chỗ chỉ là một tay chơi tài tử khéo tay, Crawley leo lên địa vị một nhà lão luyện trong nghề bi-a. Y như một viên tướng, thường thường thiên tài của anh ta phát triển song song với những sự nguy hiểm; mỗi khi thần may mắn suốt buổi quay lưng lại với anh ta, hễ đặt tiền là y như rằng mất hút, anh ta chỉ cần chơi vài “cú” thật táo bạo và tài tình, là đủ lấy lại được ưu thế, cuối cùng lại được như thường, và thiên hạ lấy làm ngạc nhiên vô cùng - thiên hạ đây tức là những anh không rõ ngón chơi của Crawley; còn những tay quen thuộc thì rất dè dặt mỗi khi đặt tiền để thi tài với người đã thạo nghề lại giàu mánh khoé như vậy.

Trong môn đánh bài, Rawdon cũng không phải là tay kém cạnh. Bước vào mỗi cuộc chơi, anh ta thường thua lúc đầu vì chơi thiếu thận trọng và vụng về; thế là bọn mới đến coi thường tài nghệ của anh ta; cho đến lúc bị mất liên tiếp những món tiền nho nhỏ, anh ta mới hăng máu, thận trọng hơn. Ta để ý sẽ thấy Crawley đổi hẳn lối chơi và chắc chắn chưa hết canh bạc anh ta đã đánh cho kẻ thù những đòn thất điên bát đảo. Quả thật rất ít người dám nói là có lần mình đã hạ được Rawdon.

Vì Rawdon luôn luôn được bạc cho nên bọn ghen ghét và bọn mất tiền hay nói xấu anh ta, điều đó cũng không lạ. Cũng như người Pháp thường nói về con người không bao giờ chịu thất trận là Quận công Wellington rằng chẳng qua ông ta bách chiến bách thắng cũng nhờ những sự may mắn lạ kỳ liên tiếp nhau giúp đỡ mà thôi; họ còn đồn rằng quận công đã chơi một nước bạc bịp ở Waterloo để nắm chắc phần thắng về mình. Tóm lại ở nước Anh, người ta thì thào rằng trung tá Crawley cứ được bạc luôn hẳn có chuyện bịp bợm chi đây.

Hồi ấy ở Paris có hai sòng bạc lớn là “Frascati” và “Salon”, nhưng người ta mê đánh bạc quá, thành ra, những sòng bạc công khai không đủ thoả mãn “máu mê” của thiên hạ; người ta đánh bạc ngay cả trong phòng khách ở nhà riêng. Trong những cuộc họp mặt buổi tối thân mật êm đềm tại nhà trung tá Crawley, chủ và khách không ai thoát khỏi cái trò giải trí tai hại này... Và cái bà Crawley nhỏ bé tốt bụng kia lấy làm phiền lòng lắm lắm. Bà nói về chuyện chồng mê chơi xúc xắc bằng một giọng vô cùng buồn nản; bà kêu rên với mọi khách khứa đến nhà chơi về chuyện này. Bà yêu cầu những người bạn trẻ tuổi tuyệt đối đừng bao giờ mó vào cái ống đổ xúc xắc. Cái lần anh chàng Green trẻ tuổi thuộc đội khinh binh bị thua một món tiền lớn, suốt đêm hôm ấy bà khóc mãi, và quỳ xuống mà cầu xin chồng huỷ bỏ khoản nợ, đốt tờ văn tự đi; ấy là theo lời người đầy tớ kể lại về anh chàng trẻ tuổi bất hạnh.

Rawdon biết làm thế nào được? Chính anh ta cũng vừa thua món tiền lớn về tay lão Blackstone, thuộc đội khinh kỵ binh, và lão bà trước Punter thuộc đội kỵ binh Hanover. Green sẽ được hưởng một thời hạn rộng rãi; nhưng còn chuyện trả tiền?...Dĩ nhiên là phải trả...

Đốt văn tự nợ, có hoạ là chuyện trẻ con.

Nhiều sĩ quan khác, đặc biệt là bọn còn ít tuổi (vì bọn trai trẻ ưa xúm xít quanh bà Crawley lúc tan buổi họp ra về), mặt anh nào anh ấy buồn rười rượi, vì ít nhiều đã để lại một số tiền trên mặt cái bàn đánh bài tai hại kia. Bắt đầu có tiếng đồn đại không hay về căn nhà của bà chủ, những tay già đời báo cho bọn còn non nớt về sự nguy hiểm. Trung tá O’Dowd thuộc trung đoàn thứ... là một trong những trung đoàn chiếm đóng Paris thời đó cũng cảnh báo trung uý Spooney về việc này. Hai vợ chồng viên trung tá bộ binh và hai vợ chồng trung tá Crawley đã cãi nhau một trận ầm ĩ ngay giữa nhà hàng cà phê Paris, nơi họ đến dùng bữa cơm trưa. Hai bà vợ cùng tham gia tích cực vào cuộc đấu khẩu. Bà O’Dowd tát vào mặt bà Crawley và gọi chồng bà này là đồ lừa đảo; trung tá Crawley thách trung tá O’Dowd đấu súng. Viên tổng chỉ huy hay tin bèn gọi trung tá Crawley đến hỏi chuyện và ngăn không cho cuộc đọ súng xảy ra; lúc này Crawley đã sửa soạn sẵn đôi súng lục “đã dùng để bắn chết tươi đại uý Marker”. Giá Rebecca không đích thân quỳ xuống mà van xin trung tướng Tufto có lẽ Crawley đã bị tống về Anh rồi; suốt mấy tuần lễ sau anh ta đành chỉ đánh bạc với bọn dân thường.

Tuy nhiên Rebecca vẫn thấy rõ rằng dù cho ông chồng có tài mấy và có được bạc luôn đi nữa thì tình thế vẫn cứ bấp bênh lắm.

Dù rằng ít khi hai vợ chồng chịu trả tiền ai, nhưng vốn nhỏ mọn của họ rồi cũng có một ngày mòn đi thành con số không. Cô ta vẫn bảo: “Mình ơi, đánh bạc có thể giúp mình tăng thêm số thu hoạch thật đấy, nhưng bản thân nó không phải là một số thu hoạch chắc chắn. Rồi có ngày thiên hạ chán đánh bạc, lúc ấy vợ chồng mình xoay xở ra sao?” Rawdon công nhận vợ nói có lý; quả thật anh ta đã nhận thấy rằng sau mấy buổi tổ chức ăn đêm tại nhà và v.v. bọn đàn ông đã tỏ ra chán không muốn đánh bạc với anh ta thực, và cái sức quyến rũ của Rebecca cũng không thể khuyến khích họ tham dự một cách hào hứng như trước.

Cuộc sống thoải mái vui vẻ của đôi vợ chồng ở Paris chẳng qua cũng là một trò giải trí vô nghĩa cho qua ngày; Rebecca hiểu rằng muốn giúp cho chồng làm nên thì phải về nước. Cô phải kiếm cho chồng một chức vụ nào đó ở nước Anh hoặc ở các thuộc địa; cho nên cô ta quyết định hễ có cơ hội là trở về Anh. Biện pháp đầu tiên của Rebecca là xui chồng bán phăng cấp bậc trung tá và chịu ăn nửa lương vậy. Ít lâu nay, anh ta đã thôi không đảm nhiệm chức vụ sĩ quan phụ tá của tướng Tufto nữa rồi. Đi đâu Rebecca cũng giễu cợt lão sĩ quan già này về mớ tóc giả lão đeo khi đến Paris, về tấm áo gi lê, về bộ răng giả, nhất là về chuyện lão cứ nhất định tự cho mình là một tay chim gái cừ khôi, và đàn bà con gái ai đến gần lão cũng phải mê tít. Hồi này, lão trung tướng đang xun xoe quanh bà Brent - vợ viên cao uỷ Brent; bà này có bộ lông mày rậm như chổi sể; lão tốn vô khối hoa, cơm thết tại khách sạn, vé mời ghế “lô” rạp hát và các thứ đồ chơi vặt. Bà Tufto đáng thương cũng vẫn không sung sướng hơn mấy tí, vẫn đành ngồi suốt những buổi tối dài đằng đẵng với mấy cô con gái; bà hiểu rằng ông trung tướng nhà bà còn đang bận túc trực sau ghế bà Brent ở rạp hát, râu tóc uốn quăn, xức nước hoa thơm lừng. Mất lão trung tướng, Rebecca đã có hàng tá đàn ông cảm lăn cảm lóc thế chân; kể ra khôn ngoan lanh lợi như cô ta thì đánh gục tình địch dễ như bỡn, nhưng ta đã rõ, Rebecca cảm thấy chán ngán cuộc sống thù tiếp vô vị; những “lô” ghế ở rạp hát, những bữa tiệc ở khách sạn cô thấy ngấy lắm rồi. Những bó hoa thơm không dành làm vốn cho tương lai được, mà các thứ đồ chơi lặt vặt, khăn tay thêu hoa và bao tay bằng da dê nào có gặm ra mà ăn được đâu. Cô thấy sự vui chơi vô nghĩa quá, phải kiếm những món lợi nào chắc chắn hơn mới được Đúng lúc ấy, có tin đồn lan ra trong đám chủ nợ của viên trung tá ở Paris, khiến họ bằng lòng quá. Bà Crawley, bà cô giầu có mà viên trung tá vẫn hy vọng hưởng gia tài sắp chết rồi, viên trung tá cần có mặt ngay bên giường bệnh của bà. “Bà trung tá” và con trai ở lại Paris, khi nào ông chồng sang đón sẽ về nước sau. Trung tá lên đường đi Calais và đến đó an toàn; có lẽ sau đó sẽ đi Dover; thật ra, Rawdon đi xe ngựa đến Dunkirk rồi chuồn một mạch sang Brussels, nơi mà từ trước anh ta vẫn trú. Thì ra ở Luân đôn, Rawdon nợ còn nhiều hơn cả ở Paris, cho nên anh ta thấy cuộc sống ở cái thành phố Bỉ lặng lẽ kia đẹp hơn những nơi kinh đô quá ồn ào.

Bà cô chết thực rồi. Rebecca đặt may một bộ đồ tang thật long trọng cho mình và con trai. Ngài trung tá còn đang bận thu xếp vấn đề thừa kế gia sản. Bây giờ họ có thể thuê buồng ở tầng thứ nhất không phải sống trong tầng hầm của khách sạn như trước nữa. Trung tá phu nhân và ông chủ khách sạn có một buổi hội ý với nhau về việc sắm thảm mới để trang hoàng trên tường và trải trên mặt sàn. Hai bên đồng ý với nhau về mọi thứ. Riêng về khoản giá cả thì không thoả thuận được. Rồi Rebecca lên xe đi, chị vú nuôi người Pháp bế thằng con trai ngồi cạnh. Hai vợ chồng ông chủ khách sạn mỉm cười theo ra tận cổng để tiễn. Nghe tin Rebecca lên đường, trung tướng Tufto nổi lôi đình; thấy lão nổi lôi đình, bà Brent bèn nổi lôi đình với lão. Trung uý Spooney thấy trái tim như vỡ ra từng manh. Còn ông chủ khách sạn thì sửa soạn sẵn phòng trọ đẹp nhất, chờ hai vợ chồng bà khách xinh đẹp trở lại, ông ta cẩn thận xiết lại () dây buộc những chiếc vali đồ sộ mà khách đã yêu cầu ông giữ gìn chu đáo hộ. Bà Trung tá đã đặc biệt căn dặn ông về việc này. Ít lâu sau, mở ra thì ở trong chả thấy có cái quái gì đáng tiền cả.

Trước khi sang thủ đô nước Bỉ với chồng, Rebecca cũng ghé qua nước Anh, để đứa con lại lục địa cho chị vú nuôi người Pháp trông nom.

Cuộc chia tay giữa Rebecca và thằng con trai cũng không khiến cả hai mẹ con đau lòng lắm. Nói cho đúng thì từ khi sinh con đến giờ cô ta cũng ít khi nhìn đến thằng bé. Theo lối nuôi con của các bà mẹ Pháp, cô ta gửi con cho một bà vú nuôi tại một làng gần khu ngoại ô thành Paris. Ở đây, thằng bé Rawdy đi guốc gỗ, sống chung trong cái gia đình đông đúc gồm các trẻ em được gửi bà vú, cũng không phải là không có hạnh phúc. Bố nó cưỡi ngựa đến thăm con trai luôn; thấy con bẩn thỉu nhưng hồng hào, bi bô hò hét, nặn đất cát một cách thú vị dưới con mắt coi sóc của bà vú nuôi là vợ người làm vườn, ông bố vui vẻ lắm.

Rebecca không ưa đến thăm con trai. Đã một lần thằng bé làm bẩn tấm áo lông mới màu cổ vịt của cô ta. Chính nó cũng ưa được bà vú nuôi nâng niu hơn được mẹ bế, và khi phải từ biệt người vú nuôi tốt bụng đã săn sóc mình như con đẻ, thằng bé gào khóc hàng mấy giờ liền; mẹ nó phải nói dối rằng hôm sau sẽ được về với bà vú nuôi tốt bụng, nó mới tin.

Lúc chia tay, bà vú nuôi cũng buồn, nghe nói thằng bé sẽ trở lại ngay, bà này cứ ngóng ngóng chờ mãi.

Có thể nói hai vợ chồng Rawdon là tiền bối của cả một thế hệ những tay giang hồ táo bạo người Anh, sau này đã tràn vào lục địa và làm nghề lừa đảo mà sống tại khắp các kinh đô Âu châu. Trong thời kỳ 1817-1818, người ta rất kính trọng danh dự và sự giàu có của người Anh. Hồi đó, họ chưa biết quỵt tiền một cách trắng trợn, như ta thấy bây giờ. Hồi ấy những thành phố lớn của châu Âu cũng chưa mở cửa đón bọn lưu manh người Anh. Bây giờ thì khó lòng mà thấy một tỉnh nào ở Pháp, ở Ý mà không có mặt vài đồng bào quý báu của chúng ta với cái điệu bộ nghênh ngang khệnh khạng rất Anh cát lợi nhận ra được ngay ở bất cứ đâu. Họ quỵt tiền các chủ quán, đổi ngân phiếu giả cho các ông chủ nhà băng cả tin, ăn cắp xe ngựa của các chủ xe, lừa đồ trang sức của các hiệu kim hoàn, chơi bạc bịp để lừa tiền của các khách du lịch, nẫng túi, thậm chí cuỗm cả sách ở các thư viện công cộng... Ba mươi năm trước, chỉ cần là một “quý ông” người Anh đi xe ngựa riêng là đến đâu cũng được tín nhiệm; và đáng lẽ lừa thiên hạ như bây giờ thì hồi ấy họ lại bị thiên hạ lừa. Vợ chồng Crawley bỏ đi được vài tuần thì ông chủ khách sạn ở Paris mới biết mình vừa bị một vố đau: bà Marabou chủ hiệu trang sức, vác hoá đơn đứng tên bà Rawdon Crawley đến đòi tiền xoành xoạch; ông Didelot, chủ hiệu “Thỏi Vàng” ở phố Hoàng Cung năm sáu bận đến thăm xem cái bà phu nhân xinh đẹp mua chịu đồng hồ và xuyến kia đi vắng đã về chưa?() Cả bà vợ người làm vườn đã săn sóc cậu con trai của bà “phu nhân” cũng không hề được trả tiền công sáu tháng nay về việc cho cậu bé Rawdy bụ bẫm khoẻ mạnh kia bú sữa. Vợ chồng ông Rawdon Crawley vội vàng quá, cũng không kịp nghĩ đến cái món nợ nhỏ mọn ấy nữa. Còn ông chủ khách sạn thì từ bữa ấy cho đến chết cứ ra sức mà chửi tàn tệ cả cái giống Anh cát lợi. Ông ta gặp khách du lịch nào cũng hỏi thăm có biết một lão trung tá Crawley nào đó... và vợ lão... một người đàn bà nhỏ nhắn, rất dí dỏm không? Ông nói thêm: “Ngài ơi ! Chúng nó lừa tôi một cách khốn nạn quá (). Giọng ông than thở khi kể lại tai hoạ trên nghe thật ảo não.

Rebecca về thăm Luân đôn nhằm mục đích thương lượng với bọn chủ nợ của chồng, định đề nghị chịu khoảng 4% hoặc 5% với điều kiện để cho chồng được yên ổn trở về nước. Ta không cần phải tả lại những cuộc thương lượng gay go này làm gì. Cuối cùng Rebecca làm cho họ hể hả tin rằng món tiền cô ta đưa ra là tất cả vốn liếng của chồng và Crawley thì thà sống suốt đời ở ngoại quốc còn hơn về nước để bị chủ nợ giày vò. Cô ta trình bày với họ rằng chồng mình không còn trông mong vào khoản tiền nào khác, và họ cũng đừng hy vọng hưởng một tỷ lệ lãi cao hơn; cuối cùng toàn thể đám chủ nợ đồng tình ưng thuận; thế là với một vạn năm nghìn đồng tiền mặt, Rebecca đã thanh toán được một món nợ gấp hơn chục lần số tiền này.

Rebecca không cần nhờ luật sư thu xếp hộ mình. Xem cách cô ta trình bày với thầy kiện của chủ nợ thì sự việc đơn giản quá; chỉ có một là thuận, hai là mất nợ, thế là họ đành chịu, cho nên thầy cò Lewis đại diện ông Davids ở công viên Sư tử đỏ, và thầy cò Moss thay mặt ông Manasseh ở phố Cursitor (ông này là chủ nợ chính của viên trung tá), cả hai phải khen bà Rawdon lo việc tài tình quá, những tay nhà nghề cũng không bằng.

Rebecca khiêm tốn nhận lời khen; cô gọi mang một chai rượu mạnh và bánh ngọt đến chỗ ở là cái quán trọ tồi tàn, nơi thương lượng công việc, để thết đãi mấy lão thầy kiện của chủ nợ; đoạn cô ta hết sức vui vẻ bắt tay từ biệt họ, rồi lập tức quay về lục địa với chồng con và báo cho chồng biết tin anh ta hoàn toàn được giải phóng. Trong thời gian mẹ đi vắng, thằng con trai bị cô Genevieve, tức là chị vú nuôi người Pháp, bỏ lơ là không săn sóc đến. Chị ta mải chấp chới với một thầy quyền trong trại lính ở Calais, quên khuấy mất nhiệm vụ của mình. Thằng bé Rawdy đã bị chị vú bỏ quên trên bãi biển, bị lạc, suýt nữa thì chết đuối.

Thế là trung tá Crawley và vợ về Luân đôn. Chính trong toà nhà ở phố Curzon, khu May Fair, họ đã thi thố tài năng trong cách sinh sống bằng mọi mánh khoé như đã nói ở trên.

Bình luận





Chi tiết truyện