chương 37/ 66

CÂU CHUYỆN TIẾP TỤC

Trước hết, chúng tôi cần trình bày cách thức kiếm một căn nhà ở mà không mất xu nào, vì đó là việc quan trọng nhất. Có những căn nhà cho thuê kê sẵn đồ đạc; nếu bạn được ông Gillows hoặc ông Bantings tinh tín nhiệm, bạn có thể thuê nhà trang hoàng theo sở thích. Nếu bạn ưng chọn một căn nhà có sẵn đồ đạc rồi thì tránh được nhiều chuyện phiền phức hơn. Hai vợ chồng Rawdon Crawley chọn cách thứ hai.

Trước khi bác Bowls đến lãnh nhiệm vụ quản lý trong gia đình bà Crawley ở đường Công Viên thì bà đã có một người quản lý khác tên là Raggles, bác này là con một người làm vườn ở trại Crawley Bà chúa. Nhờ có hạnh kiểm tốt, nhờ có dáng người chừng mực và bộ giò đẹp, điệu bộ lại trịnh trọng, Raggles leo từ địa vị hầu ăn lên địa vị hầu xe, rồi đến địa vị quản lý. Trong thời gian làm việc trong gia đình bà Crawley, Raggles được trả lương rất hậu, lại có tiền thưởng luôn luôn tha hồ có dịp để dành, ít lâu sau bác tuyên bố cưới chị làm bếp cũ của bà chủ làm vợ. Chị này hiện đương làm nghề giặt thuê, đồng thời mở một cửa hàng nhỏ bán rau cỏ ở gần đấy. Thực ra hôn lễ đã bí mật tiến hành từ mấy năm trước; sở dĩ bà Crawley biết tin Raggles lấy vợ vì có hai đứa trẻ, một trai một gái, khoảng bảy tám tuổi cứ quanh quẩn luôn trong bếp, làm cho bà Briggs phải chú ý tới. Raggles bèn xin thôi việc và đích thân quản lý cửa hàng bán rau của vợ. Bác dọn thêm vài mặt hàng mới như sữa, kem, trứng và thịt lợn muối, có vẻ tự bằng lòng với công việc quê mùa này, trong khi các bác quản lý khác thôi việc đều ra mở cửa hàng bán rượu. Vốn giao du rộng trong giới quản lý khắp vùng, hai vợ chồng Raggles thường tiếp đãi họ trong một phòng khách ấm áp nên anh em chiếu cố đến mua sữa, kem và trứng cũng đông, mỗi năm tiền lời lại tăng thêm. Bác lặng lẽ kín đáo dành dụm năm này qua năm khác. Cuối cùng, khi ngôi nhà xinh đẹp số … phố Curzon khu May Fair, trước kia là khu nhà riêng của ngài Frederick Deuceace vừa bỏ ra nước ngoài, bị mang bán đấu giá với tất cả đồ đạc sang trọng toàn do những tay thợ khéo nhất Luân đôn làm ra, thì ngoài Raggles ra còn ai là người đến mua cả nhà và đồ đạc? Bác có phải vay thêm của một người quản lý khác thật và chịu lãi khá nặng, nhưng phần lớn số tiền là vốn liếng có sẵn. Bác Raggles gái cũng có phần kiêu hãnh khi thấy mình được nằm trên một cái giường gỗ đào hoa tâm chạm nổi, lại có riềm màn bằng lụa, trước mặt đặt một tấm gương xoay to tướng, lại kê một cái tủ kếch xù, đút cả hai vợ chồng Raggles và con cái vào cũng lọt.

Dĩ nhiên, họ không định ở mãi mãi trong một căn nhà quá lộng lẫy như thế, Raggles mua nhà cốt để cho thuê lại. Khi tìm được người muốn thuê, bác lại dọn về ở chỗ cửa hàng thực phẩm cũ; bác ta có cái thú đi từ cửa hàng đến phố Curzon để ngắm ngôi nhà - ngôi nhà riêng của bác - có hoa phong lan trồng trên cửa sổ, lại có cái búa gõ cửa bằng đồng đen có chạm hình. Anh hầu thỉnh thoảng ra phất phơ ngoài hàng rào gặp Raggles, chào tỏ vẻ rất kính cẩn; chị làm bếp ra nhận rau của bác đem vào, luôn mồm một điều “thưa ông chủ”, hai điều “thưa ông chủ”, và nếu bác ta muốn biết thì không một cử chỉ nào, không món ăn nào của người thuê nhà lọt được mắt bác.

Raggles là một người hiền lành tốt bụng. Tiền cho thuê ngôi nhà hằng năm cũng khá, bác quyết định cho con đi học tử tế, không ngại tốn kém. Charles được gửi đến ngụ học tại trường ông Swishtail ở Sugar-cane Lodge; cô bé Matilda thì học trường bà Peckover, ở Laurentinum House, Clapham.

Raggles rất yêu quý và kính trọng gia đình Crawley, coi như gia đình này đã gây dựng cơ nghiệp cho mình. Bác treo ở mé trong cửa hàng tấm hình của bà chủ và bức tranh vẽ căn phòng người gác cổng trại Crawley Bà chúa do chính tay bà gái già vẽ bằng mực Tàu.

Bác chỉ thêm vào ngôi nhà ở phố Curzon một vật trang trí duy nhất là bức tranh trại Crawley Bà chúa ở Hampshire vẽ ngài nam tước Walpole Crawley ngồi trong xe ngựa mạ vàng thắng sáu con ngựa bạch, bên một cái hồ đầy những chim thiên nga, có nhiều bà mệnh phụ vận váy bồng bơi thuyền chơi, cùng một bọn nhạc công đội tóc giả có rắc phấn. Quả thật Raggles cho rằng khắp thế giới không đâu có toà nhà lộng lẫy và một gia đình đáng kính như thế.

Tình cờ làm sao, đúng lúc hai vợ chồng Rawdon từ Luân đôn về thì ngôi nhà ở phố Curzon cũng đang vắng người ở thuê. Viên trung tá biết rõ ngôi nhà này cùng chủ nhân của nó. Raggles vẫn giữ quan hệ với gia đình Crawley vì mỗi khi bà Crawley tiếp khách, bác vẫn sang giúp Bowls một tay. Bác không những thuận cho viên trung tá thuê nhà mà còn tự nguyện hứa khi nào có khách, bác sẽ sang tạm lãnh chân quản lý hộ. Bác Raggles gái làm việc dưới bếp, dọn những bữa cơm mà ngay bà Crawley cũng phải khen ngon. Ấy thế là Crawley thuê nhà không mất một xu nào. Raggles còn phải trả tiền thuê, tiền lãi nợ, tiền bảo hiểm sinh mệnh của mình, tiền trọ học của các con, tiền nuôi gia đình mình và đôi khi tiền nuôi cả gia đình Crawley nữa, nghĩa là bác Raggles tội nghiệp đang bị đe doạ phá sản, con cái có thể bị ném ra hè phố, bản thân có thể ngồi tù; nhưng phải có một người nào đó trả tiền thay cho những ông sang trọng sống đường hoàng không một xu dính túi chứ. Số mệnh đã bắt bác Raggles bất hạnh bù đắp vào cái túi tiền rỗng tuếch của trung tá Crawley vậy.

Không rõ đã có bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh phá sản và trộm cắp vì tay những tên đại bợm kiểu Crawley?... Đã bao nhiêu người quý tộc tai to mặt lớn ăn cắp của bọn bán hàng hèn mọn, và hạ mình lừa cả đám đầy tớ từng món tiền nhỏ, bịp họ từng hào một. Mỗi khi nghe tin có một bậc quý tộc như vậy bỏ trốn ra nước ngoài hoặc bị tịch ký phát mại gia sản, hoặc còn nợ sáu bảy triệu đồng không có tiền trả, chúng ta thấy sự phá sản ấy càng có vẻ oanh liệt, và chúng ta đâm ra kính trọng kẻ bất hạnh. Nhưng còn bác thợ cạo nghèo khó không được trả tiền rắc phấn tóc cho bọn đầy tớ, bác bán thảm đã sạt nghiệp vì trang hoàng phòng ăn cho quý bà, bác phó may tội nghiệp được lão quản lý giới thiệu đã cầm cố sạch mọi vật trong nhà để may chế phục cho đám gia nhân của quý ông và được cái vinh dự là quý ông bàn chuyện... Có ai thương tất cả những người ấy không? Một khi một gia đình có tiếng tăm sụp đổ, bọn người khốn khổ này cũng bị đè bẹp theo mà nào có ai để ý đến. Thật như chuyện cổ tích có nói: trước khi một người tự thân lăn vào móng vuốt của quỷ dữ, hắn đã xô đẩy vô khối linh hồn vào tay nó rồi.

Hai vợ chồng Rawdon sử dụng ngay những người bán hàng trước kia vẫn cung cấp cho bà Crawley để phục vụ mình. Một số, nhất là những người nghèo, lại tỏ ra khá sốt sắng. Có một bà giặt thuê cứ đúng lệ thứ bảy mỗi tuần là đẩy xe từ Tooting đến lấy quần áo mang về, tiền công thì chỉ lấy giấy biên nhận hết tuần này sang tuần khác. Chính bác Raggles cũng cung cấp rau và quả. Tập hoá đơn mua rượu cho đầy tớ tại nhà hàng “Chiến Thắng” cũng là một tài liệu kỳ cục trong nghề buôn rượu. Khắp mặt đầy tớ, không một ai được trả đầy đủ tiền công, vì thế họ buộc lòng vẫn phải ở lại hầu hạ trong nhà. Tóm lại, không một ai được thanh toán sòng phẳng, bác thợ rèn chữa khoá cũng như bác thợ kính hàn cửa kính vỡ, lão chủ cho thuê xe ngựa cũng như cậu xà ích giong xe, anh hàng thịt vẫn bán chịu đùi cừu cũng như bác bán than cung cấp than để quay đùi cừu, chị bếp cũng như tất cả gia nhân khác; và đây là chuyện thường tình trong giới người sống sang trọng mà không cần tốn kém xu nào.

Trong một tỉnh nhỏ, những việc như thế cũng khó lòng thoát khỏi mặt thiên hạ. Ở đây người ta biết rõ cả chuyện ông hàng xóm uống bao nhiêu sữa. Cho nên rất có thể hai ngôi nhà số 200 và 202 ở phố Curzon cũng nắm vững mọi việc xảy ra trong ngôi nhà ở giữa là nhà số 201, vì đã có bọn gia nhân truyền tin cho nhau biết qua hàng rào. Song hai vợ chồng Crawley cùng bè bạn của họ không hay biết gì về hai gia đình số 200 và 202. Mỗi khi ta đến chơi nhà số 201, ta vẫn thấy ông bà chủ ra đón chào đon đả, miệng cười tươi như hoa, lại được mời ăn trưa đường hoàng, tay bắt mặt mừng, như thể hàng năm họ phải có món lợi lớn không dưới ba bốn nghìn đồng. Họ có thật, nhưng không phải bằng tiền mặt mà bằng nhiều mánh khoé khác... Nếu không trả tiền họ vẫn có thịt cừu chén. Còn như họ có đem vàng nén ra đổi lấy rượu hay không, đố ai rõ. Chỉ biết bao giờ Rawdon cũng sẵn loại rượu thượng hảo hạng để thết khách, tiệc tùng phải sang trọng, kẻ hầu người hạ cẩn thận. Phòng khách của anh ta nom xinh xắn đẹp đẽ không thể tưởng tượng được, trang hoàng rất có mỹ thuật, lại bày vô số đồ chơi Rebecca mang từ Paris về. Cứ nghe cô ta chơi dương cầm, líu lo hát thoải mái như không, ai cũng cảm thấy mình ở trong một thiên đường của hạnh phúc gia đình, và đồng tình rằng anh chồng có hơi đần độn đôi chút, nhưng chị vợ thì xinh như mộng, và bữa tiệc thì ngon không chê vào đâu được.

Nhờ thông minh, duyên dáng và khôn ngoan, nên sau một thời gian ngắn, Rebecca được giới thượng lưu ở Luân- đôn rất chú ý.

Trước cửa nhà cô ta thường xuyên có nhiều xe ngựa đỗ, từ trong bước ra toàn những vị tai mặt. Ta lại gặp Rebecca ngồi xe ngựa riêng đi chơi trong công viên, vô khối công tử xúm xít xung quanh. “Lô” ghế của cô ta ở ban công thứ ba trong rạp Opera bao giờ cũng chật ních những khách, nay vị này mai vị khác. Nhưng phải thú thực rằng giới phụ nữ vẫn giữ thái độ xa lánh cô ta, nhất định không thèm mở cửa tiếp đón con người xảo quyệt.

Về cái thế giới phụ nữ sang trọng này cùng mọi phong tục riêng của họ, kẻ viết truyện chỉ nghe phong phanh mà biết. Đàn ông không ai có thể hiểu gì hơn về những bí mật của họ, ngoài những điều các bà nói ra mồm lên thang gác, sau bữa ăn. Chỉ có cách kiên nhẫn dò hỏi thì đôi khi họ mới thoáng để lộ ra đôi chút.

Kẻ thường mòn gót trên vỉa hè phố Pall Mall và lui tới các câu lạc bộ ở thủ đô này cũng thế, họ có thể đích thân tìm biết được hoặc nhờ các bạn chơi bời mách tin mà hiểu ít nhiều về đời sống của giới thượng lưu thành Luân đôn; họ sẽ thấy có những “quý ông” thuộc loại tương tự như Rawdon, trước con mắt của những kẻ ngờ nghệch mới được nếm mùi công viên, trông thật là có mẽ người chuyên giao du với những tay phong lưu công tử, và cũng sẽ gặp những “quý bà” xứng đáng là vợ của các “quý ông”, được mọi ông sang trọng hết sức thờ phụng, nhưng lại bị vợ các ông ghét cay ghét đắng. Bà Firebrace thuộc loại này, tức là người đàn bà sang trọng có mớ tóc quăn quăn xinh xinh, ngày nào ta cũng gặp ở công viên Hyde, xung quanh xúm xít toàn những tay ăn chơi phong lưu nổi tiếng nhất nước. Một bà khác tên là Rockwood luôn luôn đăng tin tiếp tân trên những tờ báo nổi tiếng nhất; khách dự tiệc có đủ mặt các vị đại sứ và các nhà quý tộc nổi danh. Ta còn dẫn được ra tên nhiều vị khác, nếu họ có liên quan đến chuyện này. Những người ngây thơ quen giao thiệp với giới thượng lưu và các bác ở tỉnh lẻ sính học làm sang đứng ngắm nhìn các “quý bà” nói trên mà thèm muốn vẻ huy hoàng bề ngoài của họ; nhưng kẻ am hiểu thực tế hơn có thể mách cho biết rằng các “quý bà” ấy không có hy vọng đứng vững được trong giới thượng lưu như bà vợ ngu si của ông quí tộc nhà quê ở Somersetshire đang theo dõi hành vi của họ trong báo “Tin tức buổi sáng”; đàn ông ở Luân đôn ai cũng rõ những sự thực ghê gớm này, nhiều bà có vẻ sang trọng giàu có ra phết, thế mà bị tống cổ ra khỏi giới này một cách tàn nhẫn. Ai từng quan tâm nghiên cứu đời sống của đồng loại mà không phải ngạc nhiên khi thấy các “quý bà” nói trên cố tìm trăm phương nghìn kế để len lỏi vào giới này, dùng cả đến những thủ đoạn bỉ ổi và chịu đựng bao điều khổ nhục.

Cuộc săn đuổi danh vọng rất gian khổ sẽ là một đề tài thú vị, ai có chút thông minh, có thì giờ rỗi rãi, lại am hiểu kha khá tiếng Anh cũng nên chú ý đến mà viết lại thành truyện.

Số ít ỏi các bà các cô bà Crawley quen thuộc tại ngoại quốc, không những chỉ từ chối đến thăm bà ta khi họ có dịp sang chơi bên này eo biển, mà còn ra mặt lờ tịt bà ta tại những nơi công cộng. Kể cũng lạ, tại sao các bà mệnh phụ kia lại quên được Rebecca nhỉ. Âu cũng là điều lý thú Rebecca cần suy nghĩ. Lần Bareacres phu nhân gặp cô ta trong phòng đợi ở rạp Opera, bà này lập tức kéo mấy cô con gái lại sát mình, tuồng như sợ bị Rebecca truyền bệnh dịch; đoạn bà ta lùi lại vài bước, đứng che mấy cô con gái và nhìn trừng trừng vào mặt kẻ thù. Nhưng đôi mắt hốt hoảng của bà già Bareacres lạnh lẽo kia không sao đủ sức khiến cho Rebecca phải bối rối. Khi phu nhân de la Mole, người đã từng cùng ngồi xe ngựa dạo chơi với Becky hàng chục lần ở Brussels, gặp lại cô ta ở công viên Hyde, bà ta đánh bài lờ ra mặt, làm như không hề quen thuộc bao giờ. Cả bà Blenkinsop là vợ ông chủ nhà băng cũng hay gặp cô ta ở nhà thờ lắm. Cô ta sánh đôi cùng Rawdon bước vào giáo đường, mỗi người cầm một cuốn kinh to tướng, bìa mạ vàng, và suốt buổi lễ, vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm trang, nom mộ đạo ra phết.

Mới đầu, thấy vợ bị sỉ nhục, Rawdon đau xót lắm, bộ mặt lúc nào cũng có vẻ rầu rầu hoặc dữ tợn. Anh ta định thách chồng hoặc anh em của tất cả những người đàn bà hỗn xược dám coi thường vợ anh ta đấu súng với mình. Cô vợ phải hết sức van xin, rồi bắt buộc, anh chồng mới nguôi giận. Cô ta khôi hài bảo chồng:

- Chẳng nhẽ anh dùng súng mà bắn em vào giới thượng lưu được à? Nhớ rằng em chỉ là một cô giáo dạy trẻ, còn anh, anh quỷ ơi, anh chỉ có thể nổi tiếng về nợ nần, bài bạc và đủ mọi thói xấu khác. Rồi chúng ta sẽ có vô khối bạn, bao nhiêu tuỳ thích, nghĩa là nếu anh biết ngoan ngoãn vâng lời cô giáo của anh. Cái hồi chúng mình nghe tin bà cô cho vợ chồng Pittt cả gia tài, anh chả nổi xung lên là gì? Không có em khuyên bảo có lẽ anh đã làm ầm lên khắp Paris; và không chừng anh đã nằm trong nhà lao St. Pelagie vì tội quỵt nợ rồi. Thế mà bây giờ anh lại được ở một ngôi nhà xinh đẹp, đầy đủ tiện nghi. Hồi ấy anh cáu quá, suýt nữa thì ám sát cả anh ruột mình; thật là đồ Cain () tồi tệ. Giận dữ mãi có ích lợi gì kia chứ? Cáu kỉnh đến mấy cũng không gặm được đồng xu nào của bà cô cơ mà. Tốt hơn là hãy bắt chước cái bọn Bute khốn kiếp ấy, làm thân với gia đình ông anh của chúng ta. Bao giờ ông cụ thân sinh ra anh chết, hằng năm vợ chồng mình sẽ về sống yên ấm ở trại Crawley Bà chúa qua mùa đông có thú hơn không? Nếu chúng mình bị phá sản, thì anh sẽ coi chuồng ngựa, còn em lại giữ chân cô giáo dạy con của công nương Jane! Phá sản! Nói chơi thế thôi: em sẽ lo cho anh một địa vị tử tế, không sợ. Hoặc giả Pitt và thằng con trai bé chết đi thì vợ chồng chúng mình lại hoá thành tôn ông Rawdon và phu nhân cũng chưa biết chừng. Còn sống là còn hy vọng; em sẽ gây dựng cho anh. Thử hỏi ai bán đôi ngựa của anh được giá? Ai trả nợ cho anh sòng phẳng?

Rawdon đành phải nhận rằng vợ mình khéo xoay sở ra tiền và sẵn sàng để vợ chỉ huy trong tương lai.

Khi bà Crawley giã từ cõi đời thì cái gia tài kếch xù đã khiến cho đám thân nhân của bà tranh nhau kịch liệt, cuối cùng rơi vào túi Pitt. Bute Crawley chắc mẩm mình phải được chia hai vạn đồng, nhưng chỉ được có năm nghìn; trong cơn bất như ý, lão phát khùng, chửi thằng cháu trai ầm lên. Thế là sự xích mích vẫn kéo dài lâu nay giữa hai bên kết thúc bằng một sự đoạn tuyệt hoàn toàn. Trái lại, tuy chỉ được có một trăm đồng, Rawdon Crawley vẫn giữ một thái độ khiến cho ông anh ruột phải ngạc nhiên, còn bà chị dâu thì phục lắm! Công nương Jane vẫn sẵn sàng thân thiết với mọi người trong gia đình nhà chồng. Từ Paris, Rawdon viết một bức thư gửi cho anh, lời lẽ thẳng thắn, cao thượng, vui vẻ. Anh ta nói rằng cũng biết vì chuyện vợ con nên mình mới bị bà cô ghét bỏ, và tuy có tiếc vì thái độ quá nghiệt ngã của bà cô nhưng vẫn mừng rằng, món gia tài không lọt ra người ngoài. Anh ta lại hồ hởi hỏi thăm chân thành tới chị dâu, và ngỏ ý mong chị dâu sẽ đối đãi tốt với vợ mình. Cuối lá thư lại có mấy câu do chính tay Rebecca viết về hỏi thăm Pitt. Cô ta lặp lại lời chúc tụng của chồng, lại nói thêm không đời nào quên được tấm lòng rộng lượng của bà Crawley đối với mình khi mình còn là một đứa con gái của Pitt, và cho đến bây giờ cô vẫn cầu chúc cho hai cô bé được sống hạnh phúc. Cô ta ngỏ ý hy vọng được phép mang con trai đến thăm “hai bác”, và thay mặt con, xin được “hai bác” che chở đùm bọc cho. Pitt Crawley nhận thư, tỏ ý hài lòng lắm, còn vui vẻ hơn cả bà Crawley khi đọc những bức thư của Rebecca cho Rawdon viết hồi nọ.

Công nương Jane đọc thư thích quá, khuyên chồng nên chia ngay gia tài vừa được hưởng ra làm hai phần bằng nhau, để gửi một nửa cho em trai ở Paris.

Nhưng cô rất ngạc nhiên vì Pitt không chịu gửi cho Rawdon một tấm ngân phiếu ba vạn đồng. Anh ta chỉ hứa bao giờ Rawdon về nước Anh nếu có cần gì sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Anh ta lại cảm tạ những lời Rebecca đã chúc tụng mình và vợ, ngỏ ý sẽ tìm mọi cơ hội để giúp đỡ thằng cháu bé.

Thế là sợi dây thân mật giữa hai anh em gần như đã được nối lại. Hồi Rebecca về Luân đôn, hai vợ chồng Pitt không có mặt tại đây. Nhiều bận cô ta cho giong xe đi ngang qua căn nhà của bà Crawley ở đường Công viên để xem vợ chồng Pitt đã dọn đến ở chưa, nhưng không thấy động tĩnh gì. May nhờ có Raggles, cô ta mới biết được hành động của đôi vợ chồng này... Thì ra bọn gia nhân của bà Crawley bị thải hết, nhưng được trả tiền công hậu hĩ; Pitt chỉ đến Luân đôn có một lần sống trong ngôi nhà có vài ngày để giải quyết công việc với bọn thầy kiện, và bán hết chỗ tiểu thuyết Pháp của bà cô cho một hiệu sách ở phố Bond. Becky khao khát chờ vợ chồng Pitt cũng có lý do riêng. Cô ta tính toán “Khi nào Jane về đây, mụ sẽ là người dẫn đường cho mình bước vào giới thượng lưu ở Luân đôn, còn bọn phụ nữ, thì, dào ôi! Bọn phụ nữ sẽ phải thân mật với mình khi nào họ thấy đàn ông ai cũng đeo theo mình”.

Trong hoàn cảnh này có một khoản cũng cần thiết cho các bà sang trọng như chiếc xe ngựa hoặc bó hoa tức là một người tỳ nữ.Tôi vẫn phải kính phục cái cách phụ nữ (tức là những con người thiếu tình cảm thì không sao sống được) thuê một người cũng là đàn bà nhưng hết sức vô vị, để luôn luôn đi sát mình. Cứ nhìn thấy người đàn bà không thể tránh được ấy bận bộ áo bạc màu, ngồi sau lưng người bạn của mình trong “lô” ghế ở tạp Opera, hoặc ngồi ở ghế hậu trên xe ngựa là tôi cảm thấy dễ chịu và hiểu đời hơn. Cảnh tượng ấy làm tôi nhớ tới chiếc đầu lâu bày trong bữa tiệc của những người Ai Cập ưa hành lạc () thời cổ, đó tức là biểu tượng kỳ quái và mỉa mai của Hội chợ phù hoa vậy Sao thế nhỉ? Thì cái bà Firebrace đang long sòng sọc kia, người thì đẹp, nhưng chẳng có chút tâm hồn, lương tâm nào, ông bố đã phải chết vì hổ nhục là gì? Lại bà Mantrap nữa. Con người thật duyên dáng và bạo dạn, cưỡi ngựa trông cực lịch sự, thường giong xe song mã đi chơi ở công viên, thế mà mẹ bà ta vẫn làm nghề bán hàng vặt ở Bath... Cứ ngỡ những người bạo gan đến thế thì có sợ gì ai, vậy mà họ cũng phải có một người bạn gái đi kèm mới dám ló mặt ra với thiên hạ. Phải có một người nào đó cho những con người ấy bấu víu mới được. Đố bạn gặp họ ở bất cứ nơi công cộng nào mà không thấy kè kè đằng sau một người tỳ nữ tiều tụy bận một tấm áo lụa nhuộm bạc màu.

*

Một bữa đêm đã khuya, trong nhà Becky, một đám khách đàn ông sang trọng đang ngồi quanh lò sưởi, củi cháy kêu lách tách; họ đến chơi đây tiêu nốt đêm hành lạc, được bà chủ nhà thết toàn kem và cà phê loại ngon nhất. Becky bảo chồng:

- Anh Rawdon, em cần một con chó chăn cừu.

Rawdon đang đánh bài, ngửa lên hỏi lại:

- Cần cái gì?

Anh chàng bá tước trẻ tuổi Southdown đáp hộ:

- Một con chó chăn cừu! Bà Crawley thân mến ơi, bà có ý kiến hay quá. Sao không mua lấy một con chó giống Đan-mạch? Tôi biết có một con to như con hươu cao cổ, cho kéo xe ngựa cũng được. Hay là tậu một con chó săn giống Ba Tư. Tùy bà đấy. Mua phăng loại chó lùn ấy, nó bé tí tẹo, bỏ vào trong hộp thuốc lá của hầu tước Steyne được đấy. Ở Bayswater có người mua được một con, bà có thể...tôi ra con Tây đây ạ... Bà có thể lấy mõm nó mà treo mũ được.

Rawdon trịnh trọng đáp:

- Tôi biết nước bài của anh rồi đấy...

Cũng như mọi lần, bao giờ anh ta cũng chỉ chú ý đến canh bạc, ít tham gia câu chuyện chung, trừ khi mọi người bàn đến chuyện đua ngựa và “đánh cá” thì không kể. Anh chàng Southdown bé nhỏ ranh mãnh hỏi lại:

- Làm gì mà bà phải dùng chó chăn cừu?

Becky cười, ngước nhìn hầu tước Steyne, đáp:

- Tôi muốn nói một con chó chăn cừu theo nghĩa bóng.

Vị hầu tước hỏi:

- Thế là nghĩa lý quái gì?

Becky đáp:

- Cần một con chó săn để đuổi chó sói cho tôi. Nghĩa là một tỳ nữ.

- Cô cừu non bé nhỏ thân yêu ơi, cô cần lắm thật đấy. Vị hầu tước đáp vậy, quai hàm lão banh ra, lão méo xệch mồm đi mà cười, rồi đôi mắt ty hý cứ liếc Rebecca mãi.

Vị hầu nước đại danh Steyne đang đứng nhấm nháp cà phê bên lò sưởi. Lửa trong lò sáng rực, củi cháy kêu tí tách, nghe rất vui tai. Trên mặt lò sưởi có đến nửa tá bạch lạp thắp sáng trưng gắn trên những chân đèn bằng đồng đen hoặc bằng sứ, hình thù lạ mắt. Ánh lửa chiếu hắt vào mặt Rebecca đang ngồi trên ghế xô fa có đệm bọc vải hoa mầu rực rỡ. Trong tấm áo màu hồng, trông cô ta tươi mát như một đoá hồng mơn mởn. Đôi vai và cánh tay để trần, trắng nõn nà, nửa kín nửa hở ẩn dưới một tấm khăn bằng sa mỏng tanh. Mớ tóc rủ xuống gáy thành những búp xoăn xoăn. Dưới những nếp áo lụa mới tinh ló ra một bàn chân nhỏ nhắn, một chiếc dép xinh xắn nhất ôm lấy một bàn chân đi tất lụa đẹp đẽ cũng xinh xắn nhất trên đời!

Ánh sáng nến soi vào cái trán hói bóng loáng của hầu tước Steyne có viền một hàng tóc đỏ quạch. Lão có bộ lông mày sâu róm, đôi mắt ti hí, hấp háy đầy những tia máu, xung quanh chi chít những vết nhăn. Mỗi lúc lão cười, cằm dưới bạnh to ra, để lộ hai chiếc răng nanh trắng nhởn dữ tợn như răng thú rừng. Lão vừa đi dự tiệc buổi tối với các quan to trong triều về, hãy còn khoác trên ngực tấm băng bội tinh “Nịt đùi!(). Hầu tước thân hình lùn thấp, ngực rộng, chân vòng kiềng, nhưng ngài rất kiêu hãnh có đôi bàn chân bé nhỏ, lúc nào cũng xoa xoa đầu gối có đeo nịt. Lão nói tiếp:

- Vậy ra chàng chăn cừu không đủ sức bênh vực con cừu non của anh ta sao?

Becky cười đáp:

- Chàng chăn cừu còn quá mải mê đánh bài và đàn đúm với bạn.

Vị hầu tước nói:

- Chết thật, anh chàng Corydon thật hư hỏng quá, chả để ý gì đến nhiệm vụ của mình.

Rawdon vẫn ngồi đánh bài, lên tiếng:

- Tôi ra hai chọi với ba của anh đấy.

Vị hầu tước quý báu nhếch mép cười:

- Trông bác Meliboeus kìa, công việc chăn nuôi của bác ta mới bận rộn làm sao! Bác đang lo gọt lông con cừu Southdown, một con cừu ngây thơ quá, hả? Cha mẹ ơi, bộ lông trắng nõn như tuyết vậy!

Đôi mắt Rebecca ánh ra những tia sáng đầy ý nghĩa châm chọc, khinh miệt:

- Thưa hầu tước, chính ngài là một Hiệp sĩ Bội tinh “Lông cừu vàng () đấy ạ.

Thực tế, ngài hầu tước đeo ở cổ chiếc băng đỏ của tước hiệu Hiệp sĩ Bội tinh lông cừu vàng là tặng vật của Hoàng gia Tây Ban Nha vừa mới phục hưng.

Hồi còn trẻ, lão hầu tước Steyne lừng lẫy tiếng tăm về sự táo bạo và may mắn trên chiếu bạc. Có lần lão đánh bài với Fox tiên sinh suốt hai ngày đêm liền không nghỉ. Lão đã được bạc của những tay bạc tai mắt nhất trong nước. Họ đồn rằng tước hầu của lão cũng mua ngay trên chiếu bạc, nhưng lão không ưa ai nhắc đến những chuyện ngông cuồng cũ. Rebecca thấy đôi lông mày sâu róm của lão cau lại. Cô ta đứng lên tiến lại, nhấc lấy tách cà phê trên tay lão vừa khẽ cúi chào, nói:

- Vâng, tôi cần một con chó săn thực, nhưng nó sẽ không sủa ngài đâu.

Đoạn bước sang phòng khách bên kia, cô ta ngồi xuống cạnh cây dương cầm, lên tiếng hát mấy bài hát tiếng Pháp, giọng hát thật du dương êm ái; lão quý tộc dịu hẳn nỗi bực mình, lập tức theo sang; người ta thấy lão gật gù cái đầu theo nhịp đàn.

Trong khi ấy, Rawdon và bạn vẫn tiếp tục đánh bài kỳ chán chê mới chịu thôi. Viên trung tá được bạc. Mặc dầu lần nào cũng được tiền, anh chàng cựu sĩ quan ngự lâm quân vẫn thấy chán những tối hội họp cuối tuần vài lần như thế này, vì trong khi chị vợ điều khiển câu chuyện được mọi người thán phục thì anh ta ngồi lầm lỳ một chỗ, nghe những câu bỡn cợt, những lời bóng gió đầy bí mật trao đi đổi lại, mù tịt chẳng hiểu lấy một tiếng. “Phu quân bà Crawley có mạnh khoẻ không?” Mỗi lần gặp mặt anh, hầu tước Steyne lại chào như vậy. Sự thật thì bây giờ đó chính là nghề nghiệp của Rawdon. Anh ta là chồng bà Crawley chứ không còn là trung tá Crawley nữa rồi.

Cho đến bây giờ chúng ta chưa có dịp nói nhiều về thằng bé Rawdy chính vì nó còn bị giấu kín trên một xó gác nào đó, hoặc nó còn đang bò lê la xuống nhà bếp để tìm bạn chơi. Mẹ nó chẳng mấy khi nhòm ngó đến con trai. Suốt thời gian còn nuôi chị vú người Pháp cả ngày nó chỉ chơi với chị này; đến khi chị ta thôi việc, thằng bé phải ngủ một mình, gào khóc suốt đêm; một chị hầu gái trong nhà thấy vậy thương quá, bèn tìm lên ngủ với nó trong căn gác xép. Lúc Rebecca và hầu tước Steyne cùng vài người nữa, ở rạp Opera về, vào phòng khách uống trà thì nghe tiếng thằng bé kêu la trên đầu. Ngồi uống trà trong phòng khách, Rebecca bảo: “Thằng bé nhà tôi nó gọi vú em đấy mà”. Cô ta cũng chẳng buồn đứng dậy xem con khóc ra sao nữa. Hầu tước Steyne mỉa mai: “Bà đừng ra nữa, nhìn thấy nó khéo mà phát ốm lên vì thương con mất.”

Rebecca hơi đỏ mặt đáp:

- Dào ôi! khóc chán mồm thì nó ngủ.

Đoạn cả bọn lại tiếp tục bàn chuyện Opera.

Rawdon đã lẻn ra ngoài xem con trai thế nào, thấy chị Dolly chân thật đang dỗ nó anh ta mới quay vào phòng khách. Phòng rửa mặt của viên trung tá ở trên gác, anh ta thường vẫn chơi với con trong phòng này. Sáng sáng lúc cạo râu anh ta chơi đùa với con. Thằng Rawdy ngồi trên cái hòm nhìn bố cạo mặt thích lắm, hai bố con rất mến nhau. Ông bố hay lấy bớt phần mứt tráng miệng sau bữa ăn đem giấu vào trong cái hộp đựng lon vai để cho con trai tìm. Thằng bé khám phá ra chỗ để mứt, thích quá cười vang lên; nhưng cấm không được cười to, vì mẹ nó đang ngủ dưới nhà, không được làm ồn. Rebecca hay thức khuya, hôm sau thường ngủ mãi đến chiều mới dậy.

Rawdon mua cho con rất nhiều sách có tranh vẽ, trong phòng của thằng bé ngổn ngang những đồ chơi. Trên tường la liệt toàn tranh là tranh, bố nó bỏ tiền ra mua về rồi tự tay dán lên cho con chơi. Lần nào không phải theo hầu vợ đi dạo ngoài công viên, anh ta ngồi chơi với con hàng mấy giờ liền; thằng bé cưỡi lên ngựa, hai bố con đùa với nhau suốt ngày đủ trò. Căn phòng này trần thấp lè tè; hồi thằng bé chưa đến năm tuổi, một bữa bố nó đùa tung nó lên cao, sọ thằng con trai va vào trần nhà một cái thật mạnh; anh ta hoảng quá, suýt đánh rơi thằng bé xuống đất.

Thằng bé Rawdy định hét rầm lên; kể ra nó cũng đau quá thật, nhưng bố nó dọa:

- Ngoan nào, Rawdy, đừng khóc mẹ dậy.

Thế là thằng bé mếu máo nhìn bố, mím môi lại, nắm chặt hai bàn tay, không khóc tý nào. Rawdon đem chuyện kể lại với tất cả mọi người ở câu lạc bộ và ở quán ăn. Anh ta bảo thế này: “Ông ạ, thằng bé nhà tôi cừ thật. Tôi làm nó va đầu suýt thủng cả trần nhà, thế mà nó sợ mẹ nó dậy, không khóc một tiếng nào, thế có tài không cơ chứ?”

Mỗi tuần lễ, mẹ nó chỉ lên gác thăm nó độ một hai lần. Vào thăm con mà trông cô ta như là người mẫu trong tiệm trưng bày áo phụ nữ (), miệng cười thật tươi, áo xống, bao tay và giầy mới tinh thật đẹp. Trên người cô ta đủ các thứ khăn đăng ten và đồ trang sức lấp lánh, mỗi lần vào thăm con, cô ta lại đội một cái mũ mới, bao giờ cũng có gài hoa, hoặc đính một túm lông đà điểu cao vút tuyệt đẹp, trắng muốt và mịn như hoa bạch trà. Thằng bé đang ăn hoặc đang vẽ hình thằng lính ngước lên. Cô ta gật gật đầu với con độ một hai cái, có vẻ chiếu cố đến nó. Lúc cô ta đi ra, trong phòng còn thoang thoảng mùi hoa hồng hoặc một thứ mùi hương huyền bí nào đó. Trước mắt thằng bé, mẹ nó là một nhân vật thần tiên, cao xa hơn bố nó nhiều, cao xa hơn tất cả mọi người... phải đứng xa xa mà chiêm ngưỡng và thờ phụng. Cùng ngồi xe đi chơi với một bà như thế là cả một nghi lễ. Nó ngồi ở ghế hậu, không dám nói năng gì, hai mắt cứ mở thao láo ra mà ngắm cái bà công chúa áo quần lộng lẫy ngồi trước mặt. Nhiều ông sang trọng cưỡi ngựa, áo quần thật đẹp tiến lại mỉm cười nói chuyện với mẹ nó. Nó thấy mắt mẹ nó sáng rực lên mỗi khi nhìn họ, khi họ đi qua xe, mẹ nó giơ tay lên vẫy vẫy thật mềm mại. Đi chơi với mẹ, bao giờ thằng bé cũng được mặc bộ áo đỏ mới. Ở nhà thì chỉ mặc bộ áo cũ nhàu cũng được. Thỉnh thoảng Rebecca đi vắng, thằng bé theo chị Dolly vào trải lại giường trong phòng mẹ. Thật là một cái động tiên...

Thằng bé thấy gian phòng toàn những đồ vật lộng lẫy kỳ lạ. Trong tủ áo treo bao nhiêu là áo màu, hồng xanh, hồ thuỷ và ngũ sắc, trên bàn trang điểm có một cánh tay bằng đồng đen đeo đến một trăm cái nhẫn óng ánh. Có cả một tấm gương xoay, một kiệt tác nghệ thuật; nhìn vào gương, thằng bé chỉ kịp thấy khuôn mặt ngơ ngác của mình lấp ló và bóng chị Dolly đang rũ gối cạnh giường (quái, trông chị ta méo mó và như treo lộn ngược lên trần nhà ấy nhỉ?). Đáng thương thay, thằng bé không người săn sóc. Trời sinh ra tiếng “mẹ” để dành cho đôi môi và trái tim của con trẻ, nhưng thằng Rawdy đã phải thờ phụng một cục đá!

Tính tình Rawdon Crawley tuy bạt mạng như thế nhưng anh cũng có những tình cảm cao thượng, quý vợ quý con ra phết. Anh ta vẫn giấu giếm nâng niu thằng Rawdy; việc này không thoát khỏi mắt Rebecca, tuy cô ta không hề nói với chồng; cũng không vì thế mà Rebecca bực mình, tính cô ta vẫn tốt. Có điều chuyện ấy khiến Rebecca khinh chồng hơn. Anh cảm thấy hơi xấu hổ về tình cảm bố con uỷ mị của mình, anh giấu vợ và chỉ dám âu yếm con khi vợ đi. Sáng sáng, Rawdon hay bế con đi chơi. Hai bố con dắt nhau ra chuồng ngựa rồi ra công viên. Anh chàng bá tước Southdown trẻ tuổi là người rất tốt bụng, có thể sẵn sàng lột mũ đang đội trên đầu ra cho người khác; suốt đời anh này chỉ có một công việc là đi mua đủ thứ đồ chơi về để dành biếu thiên hạ dần. Anh ta tậu cho thằng bé một con ngựa non, theo lời anh ta, “chỉ nhỉnh hơn con chuột một tý”. Rawdon hay cho con trai cưỡi ngựa ô giống Shetland rồi dắt ra công viên chơi... Viên trung tá rất thích thăm lại trại lính và những bạn đồng đội cũ ở Knightsbridge. Nhớ lại cuộc đời trai không vợ trước kia, anh chàng bắt đầu có ý tiêng tiếc. Đám lính tráng gặp lại vị chỉ huy cũ thì vui quá. Họ tranh nhau bế ẵm thằng Rawdy. Trung tá Crawley lại thấy thích dùng cơm ở quán ăn nhà binh với các bạn sĩ quan. Anh ta thường nói: “Mẹ kiếp, vợ tớ vẫn cho tớ là đần... tớ biết lắm. Nó chẳng mong tớ về đâu. Anh ta nói đúng, vợ anh ta không mong chồng thật.

Rebecca cũng quý chồng. Đối với chồng bao giờ cô ta cũng vẫn vui vẻ dịu dàng; cũng chưa bao giờ cô ta để lộ sự khinh rẻ của mình quá rõ ràng, có lẽ thấy chồng ngớ ngẩn, cô ta lại ưa hơn cũng nên. Rawdon trở thành người đầy tớ thân tín của vợ, đóng vai một thứ quản lý trong nhà. Vợ sai gì, anh ta làm nấy, không hỏi han căn vặn; anh ta giong xe cho vợ, muốn đi đâu chơi thì đi, không hề bao giờ có ý kiến gì. Dẫn vợ đến Opera xong, Rawdon chuồn về câu lạc bộ chơi, chờ đến khi tan hát thì trở lại đón vợ. Giả thấy vợ quý thằng con trai hơn một tí thì anh ta cũng thích, nhưng rồi Rawdon cũng tự an ủi: “Mẹ kiếp, vợ mình nó vẫn là tay thông minh. Mình có chữ nghĩa được bằng nó đâu. Bởi lẽ, như ta đã biết, muốn chơi bài xì và bi-a giỏi để ăn tiền thiên hạ chẳng cần thông minh lắm, mà Rawdon cũng không thiết tài giỏi trong các lãnh vực khác.

Khi có khách đến chơi thì nhiệm vụ gia đình của anh ta lại hoá ra nhẹ nhàng quá. Cô vợ khuyến khích anh chồng đi dùng bữa ở ngoài. Cô ta sẵn lòng miễn cho anh chồng cả cái việc phải đến đón mình khi tan hát ở rạp Opera. Cô hay bảo anh chồng: “Anh yêu, đêm nay đừng ở nhà làm gì cho buồn nhé. Em sắp có vài người khách, họ sẽ chỉ làm cho anh bực mình thôi. Em chẳng báu gì họ, nhưng anh cũng biết đấy, mời họ đến chơi cũng có lợi cho anh; vả lại bây giờ đã có một con chó chăn cừu rồi, thì em cũng chẳng cần sợ hãi vì tiếp họ một mình!

Bà Crawleyl nghĩ thầm: “Một con chó chăn cừu... một người tỳ nữ. Becky Sharp cùng một người tỳ nữ! Kể cũng tức cười thật”. Ý nghĩ ấy kích thích cái khiếu hài hước của cô ta đến cực độ.

Một buổi sáng chủ nhật, Rawdon Crawley cho con cưỡi ngựa đi chơi ở công viên như mọi khi, thì gặp một người quen cũ là viên hạ sĩ Clink thuộc trung đoàn của mình ngày trước. Bác này đang đứng nói chuyện với một người quen là một ông già; ông lão bế một đứa bé trạc tuổi thằng Rawdy. Thằng bé đưa tay mân mê tấm huy chương Waterloo của viên hạ sĩ có vẻ thích chí lắm.

Viên trung tá chào:

- Thế nào, khoẻ mạnh chứ?

Bác hạ sĩ đáp:

- Xin kính chào ngài, em bé này cũng trạc tuổi cậu con trai của trung tá đây.

Ông già đang bế thằng bé cũng nói:

- Bố cháu cũng có dự trận Watecloo đây. Phải không cháu Georgy?

- Vâng.

Thằng bé Georgy đáp vậy. Nó và thằng bé cưỡi ngựa trố mắt lên nhìn nhau chòng chọc từ đầu đến chân đúng lối trẻ con lạ mới gặp nhau lần đầu.

Clink nói giọng hãnh diện:

- Ông ấy thuộc một trung đoàn chiến đấu.

Ông lão tiếp, giọng gần như trịnh trọng:

- Bố cháu là đại uý trong trung đoàn thứ... Đại uý George Osborne... Có lẽ ngài cũng có biết bố cháu. Nó chết như một người anh hùng trong khi chiến đấu chống lại tên bạo chúa người đảo Corse. Trung tá Crawley đỏ bừng mặt lên, hỏi:

- Thưa cụ, tôi biết anh ấy rõ lắm. Còn vợ anh ấy, thưa cụ bây giờ ra sao?

- Vợ nó là con gái tôi đấy, ngài ạ.

Ông già đặt thằng bé xuống đất, trịnh trọng móc trong túi ra một tấm danh thiếp đưa cho viên trung tá, trên danh thiếp thấy đề:

“Ông Sedley, đại lý duy nhất của công ty kim cương đen và Liên đoàn buôn than không có tro, trụ sở tại Bunker’s Wharf, phố Thames và tại Anna-Maria Cottages, đường Funllam Tây”.

Thằng Georgy tiến lại gần ngó con ngựa non Shetland. Thằng Rawdon đang ngồi trên yên hỏi:

- Mày có muốn cưỡi không?

Georgy đáp: “Có”.

Viên trung tá có vẻ mến thằng bé bế ngay nó lên cho ngồi đằng sau thằng Rawdy. Anh ta bảo:

- Georgy, nắm chặt lấy áo em, ôm lấy lưng nó nhé... nó tên là Rawdon đấy.

Cả hai đứa trẻ cùng cười. Viên sĩ quan vui tính nói:

- Khó mà thấy được hai đứa bé nào kháu thế.

Viên trung tá cùng bác hạ sĩ và ông già Sedley tay cắp ô, cả ba cùng đi theo hai đứa trẻ.

Bình luận





Chi tiết truyện