AMELIA SANG BỈ
Trung đoàn cùng các sĩ quan sẽ được chuyển vận bằng tàu bể do chính phủ Hoàng gia cung cấp đặc biệt. Hai ngày sau bữa tiệc trà tổ chức ở nhà O’Dowd, đoàn tàu từ từ tiến theo dòng sông đi Ostend, giữa những tiếng hoan hô sôi nổi từ những chiếc tàu của công ty Đông Ấn và của những binh sĩ đứng trên bờ sông, dàn quân nhạc cử bài “Thượng đế phù hộ cho nhà vua” vang lên; các sĩ quan vừa hò reo cổ vũ vừa giơ cao mũ vẫy chào; quần chúng cũng hoan hô nhiệt liệt. Chàng Joe phong tình sẵn sàng lĩnh nhiệm vụ theo hộ vệ cô em gái và bà vợ viên thiếu tá; Mớ hòm xiểng to kếch xù của bà này cùng với tấm khăn bịt đầu có đính chiếc lông chim nổi danh cũng được chuyển đi cùng vời đồ quân dụng của trung đoàn. Hai nữ nhân vật của chúng ta không có hành lý cồng kềnh đi rất thoải mái đến Ramsgate; từ đó, họ tới Ostend, trên một con tàu khác.
Bây giờ bắt đầu một đoạn đời mới của Joe, có rất nhiều sự kiện xảy ra đủ cung cấp đề tài cho anh chàng kể chuyện trong hàng chục năm sau; ngay cả chuyện săn hổ cũng bị xếp xó, vì Joe còn bận kể biết bao nhiêu chuyện ly kỳ hấp dẫn về chiến dịch Waterloo vĩ đại. Ngay buổi anh chàng nhận đi hộ vệ cho cô em gái ra nước ngoài, người ta bắt đầu thấy Joe thôi không cạo râu nữa. Ở Chatham, anh ta theo dõi rất chăm chú mọi cuộc duyệt binh và tập tành của đơn vị. Anh ta lại lắng nghe kỹ càng mọi câu chuyện giữa “các anh em sĩ quan” (sau này, thỉnh thoảng Joe vẫn còn gọi họ như vậy) và cố thuộc lòng những danh từ quân sự càng nhiều càng hay. Trong những cuộc nghiên cứu ấy, bà O’Dowd đã giúp đỡ anh ta rất nhiều. Cuối cùng, khi họ bước lên chiếc tàu thủy “Đóa hồng xinh” để đến đích thì Joe xuất hiện với tấm áo có đính khuy hoa theo lối nhà binh, mặc quần trắng và đội một chiếc mũ lưỡi trai có lon vàng sáng chói. Anh ta lại cho đem theo cả chiếc xe lên tàu; gặp hành khách nào trên tàu anh ta cũng kín đáo cho biết rằng mình đang đi theo đội quân của Quận công Wellington. Thiên hạ yên trí anh ta là một nhân vật quan trọng, một đặc phái viên nào đó, hoặc ít nhất thì cũng phải là một tín sứ của chính phủ.
Cuộc hành trình qua mặt bể làm cho anh ta vô cùng khổ sở; hai người đàn bà cũng mệt mỏi không kém. Nhưng lúc con tàu đến Ostend, Amelia như người được sống lại vì thấy chiếc hải thuyền chở trung đoàn của chồng cặp bến gần như cùng một lúc với chiếc “Đóa hồng xinh”. Joe về khách sạn trước, người mệt rã rời; đại úy Dobbin đi kèm hai người đàn bà, sau đó trông nom việc chuyển chiếc xe cùng đồ đạc của Joe đem vào phòng thuế quan; lúc này Joe không có ai theo hầu, vì tên người nhà của Osborne và thằng hầu béo phị của Joe đã âm mưu với nhau ở Chatham dứt khoát không chịu vượt biển. Cuộc phiến loạn hết sức đột ngột xảy ra đúng vào ngày cuối cùng trước khi lên đường làm cho Joe Sedley lo sốt vó suýt nữa thì quyết định bỏ dở cuộc hành trình, nhưng bị đại úy Dobbin giễu cợt (theo lời Joe thì Dobbin hiếu sự không thể tả được) anh chàng lại đi vậy. Vả lại, bộ râu của anh ta đã rậm rồi; cuối cùng Joe lên tàu thiếu những người hầu béo tốt, kiểu cách, chỉ biết nói tiếng Anh như ở Luân-đôn, Dobbin đã tìm cho Joe và hai người đàn bà cùng đi một thằng hầu bé nhỏ người Bỉ da đen đen; không biết nó nói thứ tiếng gì, nhưng có điệu bộ nhanh nhẩu tháo vát, lúc nào nó cũng khéo gọi tôn ông Sedley, một điều “bẩm quan lớn”, hai điều, “bẩm quan lớn”, thành ra cũng được vị quý khách mau có cảm tình. Bây giờ Ostend đã thay đổi nhiều rồi; trong số những người Anh qua đó du lịch, không còn mấy người có vẻ là những vị vương công hoặc biết cư xử như những người thuộc dòng dõi quý tộc nước Anh như xưa. Hầu hết họ đều ăn mặc tồi tàn, chơi bi-a, nốc rượu bí tỷ, bê tha cờ bạc và ưa la cà quanh những tấm bàn nhờn mỡ ở các quán ăn.
Lệnh trên đã ấn định rằng mọi quân nhân trong đội quân của Quận công Wellington mua gì đều phải trả tiền. Đó là tác phong thích hợp nhất trong sự giao thiệp với một dân tộc toàn những người buôn bán. Một xứ sở chuộng thương mại như thế mà được tiếp đón một đội quân khách hàng sòng phẳng thì thật là đại hồng phúc. Cái đất nước được đội quân ta đến che chở chẳng có tí gì là quân sự hết.
Trải qua một thời gian dài trong lịch sử, họ vẫn nhường cho người nước khác đánh nhau hộ trên đất nước họ, khi tới quan sát lại trận địa của chiến dịch Waterloo, kẻ viết truyện này có hỏi bác xà ích trông vạm vỡ có vẻ một cựu chiến bình, xem bác ta có tham dự trận đánh ấy không.
Bác ta đáp: “Cũng không tồi lắm”()...Có lẽ không một người Pháp nào muốn nói câu đó cũng như muốn có tình cảm đó của bác ta; trái lại, anh chàng bồi ngựa đi theo xe chúng tôi, trước kia là một tử tước, con trai một viên tướng trong quân đội thời đế chế bị phá sản; hắn ta chịu ngửa tay nhận một ngụm bia đáng giá một xu mà uống. Âu cũng là một bài học hay vậy.
Cái xứ sở giàu có, phong lưu ấy chưa bao giờ có vẻ thịnh vượng như hồi đầu mùa hạ năm 1815; những bộ quân phục màu đỏ của chúng ta làm cho bộ mặt của những cánh đồng xanh rì và những thành phố lặng lẽ tươi tỉnh hẳn lên. Từng đoàn xe ngựa lộng lẫy của người Anh chen chúc nhau trên những đường phố thênh thang, và những chiếc tàu thủy nhỏ trườn dọc theo những cánh đồng cỏ mỡ màng cùng những làng xóm cũ kỹ lạ mắt và những lâu đài cổ kính ẩn giữa những bụi cây cổ thụ; trên tàu chật ních toàn những hành khách phong lưu người Anh. Hồi ấy những người lính trơn uống rượu ở tửu quán trong làng trả tiền rất sòng phẳng. Anh lính Donald, người xứ Highlander, trú quán trong những trại ở Bỉ đã đu đưa cái nôi cho em bé ngủ, trong khi Jean và Jeannette còn bận chuyển rơm ngoài đồng về nhà. Các họa sĩ của chúng ta, ai yêu những đề tài quân sự, hãy nhân cảnh đó mà dựng ngay một bức tranh để minh họa cho cách người Anh tham chiến đứng đắn như thế nào. Quân sĩ người nào trông cũng chỉnh tề, hiền lành như trong một cuộc duyệt binh ở quảng trường Hyde.
Trong khi ấy, Napoléon nấp sau những dãy pháo đài ở biên giới đang sửa soạn một cuộc tấn công, xô đẩy những con người hiền lành ấy vào trong máu lửa, và giết chết khá nhiều người trong bọn họ. Nhân dân Anh ai cũng triệt để tin tưởng vào vị tướng lĩnh chỉ huy: Quận công Wellington được toàn nước Anh hoàn toàn tín nhiệm không kém gì người Pháp đã say sưa tôn sùng Napoléon một thời. Việc chuẩn bị tự vệ tỏ ra hoàn toàn chu đáo. Khi lâm sự, lực lượng tiếp viện hùng hậu lại sẵn sàng can thiệp kịp thời, cho nên không ai nghĩ đến chuyện nguy hiểm, và những vị khách du lịch của chúng ta - trong số đó, có hai người thuộc phái yếu, bản tính nhút nhát - đều cảm thấy thoải -mái yên tâm như mọi du khách người Anh khác.
Trung đoàn có những viên sĩ quan quen thuộc của chúng ta phục vụ đã dùng những tàu thủy đi sông để chuyển quân đến Bruges và Ghent, rồi từ đó đi đường bộ tới Brussels. Joe vẫn đi kèm hai người đàn bà trên tàu thủy của nhà nước, loại tàu rất sang trọng đầy đủ tiện nghi, người nào đã từng đi du lịch xứ Flanders không ai quên được. Những chiếc tàu này đi chậm, nhưng về khoản cung cấp ăn uống thì tuyệt; có một giai thoại rằng một du khách người Anh định đến thăm nước Bỉ trong một tuần, đã đi trên một chiếc tàu loại này; ông ta khoái việc phục vụ trên tàu quá, đến nỗi cứ ở lỳ trên tàu mà đi đi lại lại từ Bruges đến Ghent mãi, cho tới khi người ta phát minh ra xe hỏa. Khi đó, sau cuộc hành trình cuối cùng, ông ta nhảy xuống sông tự vẫn. Joe sẽ không chết như vậy; anh ta chỉ ăn tiêu thật sang trọng; bà O’Dowd cứ góp ý kiến mãi rằng nếu có thêm cô em chồng bà là Glorvina cùng đi thì hạnh phúc của anh thật là hoàn toàn. Suốt ngày anh ta ngồi trên boong tàu để uống rượu bia xứ Flemish, để hò hét, sai bảo tháng hầu là Isidor và để tán chuyện với hai người đàn bà.
Hồi này bỗng nhiên Joe hóa ra can đảm ghê gớm. Anh ta kêu ầm lên: “Boney dám tấn công quân ta! Emmy, cô em gái thân yêu của anh ơi, đừng sợ, không có gì nguy hiểm đâu. Anh cam đoan với cô rằng hai tháng nữa, quân đội đồng minh sẽ vào Paris, và anh sẽ đưa cô đến dự tiệc tại “cung điện Hoàng gia”, thật đấy! Ba mươi vạn quân Nga, cô hiểu không, ba mươi vạn quân Nga đang qua Mayence, vượt sông Rhine tiến vào nước Pháp; cô em gái ơi, ba mươi vạn quân dưới quyền chỉ huy của Wittgenstein và Barclay de Tolly! Cô không biết gì về chiến thuật, chiến lược, nhưng anh là người am hiểu; cô phải biết bộ binh Pháp không thể đương đầu với bộ binh Nga, và tướng tá của Boney thì không ai đáng cắp gươm theo hầu tướng Wittgenstein. Lại còn quân Áo nữa chứ, tất cả là năm mươi vạn con người ra con người. Dưới quyền chỉ huy của Schwartzenberg và hoàng tử Charles, chỉ mười ngày hành quân nữa là đến biên thùy nước Pháp, ấy là chưa kể quân Phổ do một viên mãnh tướng chỉ huy là Hoàng tử thống chế. Murat chết rồi, đố tìm đâu được một viên tướng chỉ huy kỵ binh tài giỏi bằng ông ta đấy. Đúng không, bà O’Dowd? Việc gì mà phải sợ nào? Hả ? Mang thêm bia lên đây?
Bà O’Dowd bảo rằng cô Glorvina nhà bà cũng không hề biết sợ ai trên đời, kể cả những người Pháp - vừa nói bà vừa nốc cạn một cốc bia và nháy mắt một cái, tỏ ý rất thưởng thức món giải khát.
Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với phái phụ nữ ở Chentenham và Bath nên ông bạn cựu ủy viên tài phán của chúng ta đỡ được phần nào tính dát gái thuở trước; nhất là lúc này lại có thêm men rượu trợ lực, anh chàng đâm ra ba hoa tệ. Đối với trung đoàn, Joe đã trở thành khá thân mật; bọn sĩ quan được Joe thết đãi hào phóng lại càng thú vị trước những điệu bộ cố làm ra vẻ nhà binh của anh ta. Có một trung đoàn danh tiếng khi hành quân đã dùng một con dê dẫn đầu một đội quân và dùng một con hươu dẫn đầu một đội quân khác cho nên George đã khôi hài, ám chỉ ông anh vợ rằng trung đoàn của mình sẽ do một con voi dẫn đầu.
Từ khi đưa Amelia ra mắt trung đoàn, dường như George có ý ngượng vì vài người bạn trong đại đội mà anh ta buộc lòng phải giới thiệu với vợ. Anh ta ngỏ ý với Dobbin quyết định xin chuyển ngay sang một trung đoàn khác, để tránh cho vợ khỏi phải tiếp xúc với cái đám đàn bà thô bỉ ở đây (điều này, khỏi phải nói, ta cũng biết Dobbin hoàn toàn tán thành). Nhưng cái cảm tưởng hổ thẹn vì bè bạn của mình thường thấy trong nam giới nhiều hơn là trong nữ giới (dĩ nhiên, trừ một số các bà lớn kiểu cách thì lại hay ngượng vì chuyện này lắm); vì vậy vốn tính giản dị, mộc mạc, Amelia không hề có cái ngượng ngập giả tạo mà chồng lầm coi là tế nhị.
Bà O’Dowd đội cái mũ có đính một mớ lông gà, trên ngực đeo lủng lẳng một chiếc đồng hồ báo thức to tướng, thỉnh thoảng vô cớ lại réo chuông cứ ầm lên. Bà ta kể lại rằng cái ngày bước chân lên xe hoa về nhà chồng, ông thân sinh ra bà đã tặng bà chiếc đồng hồ đó làm quà cưới.
Khi Amelia phải tiếp xúc với bà thiếu tá, thấy bà ta trang sức kỳ quái như vậy, cũng như vì nhiều điểm khác, Osborne ngượng chín cả người. Nhưng Amelia chỉ thấy thú vị, tuyệt nhiên không hề cảm thấy khó chịu điều gì.
Trong suốt thời gian cuộc hành trình quen thuộc đối với hầu hết mọi người dân Anh trung lưu ấy, ta có thể có người bạn đồng hành hiểu biết hơn, nhưng khó lòng kiếm được một người bạn lý thú hơn bà thiếu tá O’Dowd.
- Này bà chị, nói về tàu thủy chạy sông ấy mà, không đi xem những cái tàu chạy từ Dublin đến Ballinasloe thì không được. Chạy nhanh như gió ấy, mà gia súc ở đây thì đẹp cha chả là đẹp ! Bà có biết không, cụ thân sinh ra tôi xưa kia đã được thưởng huy chương vàng trong một cuộc triển lãm về một con bò non bốn tuổi đẹp vô cùng; bây giờ khắp nước này, không đào đâu ra được một con bò như vậy nhé. Chính ngài Quận công cũng đã dùng một miếng thịt nó; ngài dạy rằng chưa hề ăn một miếng thịt nào ngon đến thế.
Joe vừa thở dài vừa tỏ ý tán thành rằng về cái món thịt bò vừa ngon, không béo, không gầy, thì nước Anh quả là nhất thế giới.
Bà thiếu tá đáp:
- Trừ Ailen, thưa ông, giống bò tốt nhất của các ông đều mua ở đấy cả.
Như tất cả mọi người dân Ailen khác, bà cũng ưa đề cao đất nước mình trong khi so sánh với các xứ sở khác. Tuy chính bà khơi ra, nhưng bà thấy đem so sánh những phiên chợ gia súc ở Bruges với những phiên chợ Dublin là một việc làm vô cùng khôi hài. Bà vừa cười ầm lên đến rung chuyển cả nhà cửa, vừa bảo: “Các ông làm ơn mách tôi biết họ xây cái chòi trên nóc chợ kia làm gì thì hay quá.”
Đi qua chợ, họ thấy lố nhố toàn những anh người Anh. Sáng sáng tiếng kèn đồng của nhà binh Anh đánh thức mọi người dậy, và tối đến, nghe tiếng kèn hơi và tiếng trống “cà rùng” của quân đội Anh, mọi người lên giường đi ngủ. Đất nước này cũng như toàn thể âu châu đều đang được quân sự hóa, và sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử sắp sửa xảy ra rồi. Vậy mà bà Peggy O’Dowd thực thà kia, người có liên quan đến sự kiện lịch sử ấy hơn ai hết, vẫn cứ tiếp tục tán chuyện mãi về Balinafad, về giống ngựa ở Glenmalony, và về thứ rượu ngon cất ở đấy. Joe thì không ngớt lời ca tụng gạo và món cay ở Dumdum ngon tuyệt; còn Amelia thì chỉ mê mải nghĩ đến chồng, không biết tỏ tình yêu với chồng thế nào cho thật khéo... y như trên đời đối với họ chỉ có chuyện ấy là quan trọng.
Ai ưa gấp tập sử lại mà đi vào những giả định về những biến chất có thể xảy ra trong quá khứ ngoài những điều đã trở thành sự thật tàn nhẫn, (ấy tức là một loại suy tưởng lạ lùng, thú vị, nhiều sáng tạo và hữu ích nhất đấy ạ!) ắt nghĩ rằng Napoléon đã chọn lầm một lúc bất lợi nhất để trốn khỏi đảo Elba về đất liền, để thả con diều hâu của hắn bay từ vịnh San Juan đến nhà thờ Đức Bà. Các sử gia của phe chúng ta chép lại rằng quân đội đồng minh may mắn vẫn còn đủ sức sẵn sàng đánh ngã vị hoàng đế đảo Elba bất cứ lúc nào. Giữa các “ông lái” tai to mặt lớn họp nhau lại ở Vienna để tùy sở thích chia năm sẻ bảy lãnh thổ Âu châu, đã có quá nhiều mâu thuẫn đến nỗi suýt nữa những đội quân đã chiến thắng Napoléon lại phải một phen đánh lộn nhau, nếu con người mà toàn thể bọn họ đều thù ghét và khiếp sợ không trở lại. Này là một vị đế vương có một đạo quân sẵn sàng chiến đấu, vì ngài vừa mới chiếm được Ba-lan và nhất định bám chặt lấy quyền thống trị trên đất nước này; kia là một vị khác mới cướp được một nửa xứ Saxony, cũng đang muốn nắm thật chặt không chịu rời. Nước Ý cũng đang được một vị thứ ba chiếu cố nhòm ngó. Ông nọ to tiếng mắng ông kia là tham lam; ví thử tên dân đảo Corse chịu ngồi đợi trong nhà tù thêm ít lâu, khi nào mấy cường quốc kia quay ra cắn xé nhau rồi hãy về, có lẽ hắn đã ung dung nuốt trôi tất cả rồi. Song, nếu quả thế thì câu chuyện này và các nhân vật trong truyện sẽ ra sao? Nếu nước biển cạn hết thì biển sẽ ra thế nào?
Trong thời gian ấy, việc đời cứ bình thản trôi đi, đặc biệt là những trò ăn chơi, dường như không có chuyện gì chấm dứt nổi cũng như không có kẻ thù nào ngoài mặt trận. Trung đoàn được lệnh đóng quân ở Brussels; mấy nhà du lịch của chúng ta ai cũng bảo rằng được đến thăm một thành phố vui vẻ sầm uất nhất châu Âu như Brussels thật là một hân hạnh lớn. Tại đây, những quầy hàng của hội chợ phù hoa bày la liệt, trang hoàng lộng lẫy và hấp dẫn nhất trần đời. Cờ bạc chơi tha hồ, nhảy nhót thả cửa; tiệc tùng ở đây thì đủ sức thỏa mãn ngay cả anh chàng Joe tham ăn. Lại có một hý viện, trong đó một Catalani kỳ diệu làm cho thính giả mê hồn, rồi thì những đường phố thênh thang mỹ lệ được những bộ quân phục lộng lẫy làm tôn vẻ đẹp. Amelia rất thích thành phố cổ kính hiếm có này với những phong cảnh và cách kiến trúc lạ kỳ. Cô chưa hề bao giờ được ra ngoại quốc, cho nên nhìn cái gì cũng thấy lạ mắt và thú vị. George và Joe chung nhau thuê một căn nhà thật lịch sự. George tính vốn hào phóng lại hết sức chiều vợ. Suốt nửa tháng trăng mật, Amelia cảm thấy mình là cô dâu mới hạnh phúc nhất nước Anh.
Mỗi ngày trong cái thời gian sung sướng này họ lại có thêm những trò giải trí mới mẻ, hoặc đi thăm một ngôi nhà thờ, hoặc lại đi xem một phòng triển lãm hội họa…hoặc giong xe ngựa đi chơi, hoặc đi coi hát. Đội nhạc binh của cái trung đoàn chơi nhạc suốt ngày. Các bậc tai mặt của nước Anh đều đến công viên, nơi một đại hội của nhà binh đang được thường xuyên tổ chức. Mỗi đêm George lại dẫn vợ đến một nơi giải trí mới, anh ta bằng lòng mình lắm và tuyên bố rằng hồi này mình đâm ra rất ưa cuộc sống gia đình. Được đi chơi đây đó với George, đối với cô Amelia bé bỏng kia, thế cũng đủ cho tim cô hồi hộp đập vì sung sướng rồi. Lá thư nào cô gửi về thăm mẹ cũng đầy những lời lẽ hạnh phúc và biết ơn chồng. George bắt cô phải sắm đăng ten, vòng cổ, đồ trang sức và đồ chơi đủ thứ; ôi, chồng cô thật là người tất nhất đời, rộng lượng nhất đời!
George vốn mang tâm lý của một người Anh chính cống, lấy việc được gặp gỡ những vị vương công, những bậc mệnh phụ chen chúc nhau tại những nơi công cộng là một điều vô cùng thích thú. Tại đây, họ vứt bỏ thái độ lạnh lùng, kiêu hãnh, kẻ cả thường ngày ở nhà, và hạ cố hòa mình với tất cả thiên hạ. Một buổi tối, đến dự dạ hội do viên tướng chỉ huy sư đoàn có đơn vị của George tổ chức, anh chàng có hân hạnh được khiêu vũ với công nương Blanche Thistlewood, tức là con gái bá tước Bareacres; anh ta rối rít chạy đi lấy đồ giải khát và nước đá để mời hai người đàn bà quý tộc; lại cũng chính anh ta vịn tay đẩy chiếc xe của Bareacres phu nhân. Về nhà, George luôn mồm ca tụng bá tước phu nhân; ngay đến ông Osborne cũng không có nhiệt tình được hơn thế. Hôm sau, George lại đến thăm hai mẹ con bà bá tước rồi cưỡi ngựa đi kèm bên xe của họ trong công viên; anh ta lại mời họ dự tiệc tại một khách sạn lớn; thấy họ nhận lời, George xuýt phát điên lên vì sung sướng. Ông lão Bareacres tính vốn không kiêu kỳ lắm, lại phàm ăn, nên sẵn sàng đi dự tiệc ở bất cứ đâu.
Bareacres phu nhân, sau khi nghĩ ngợi về bữa tiệc mình đã nhận lời một cách hơi quá vội vàng, hỏi con gái:
- Không biết ngoài chúng mình ra, có người phụ nữ nào khác không nhỉ?
Công nương Blanche, hồi nãy mới còn say sưa trong cánh tay của George mà quay hàng giờ theo một điệu “valse” mới nhập cảng, vội kêu ầm lên:
- Trời đất? Má ơi, anh chàng không đem vợ đến chứ? Đàn ông bọn họ còn chịu đựng được, chứ vợ họ thì... ôi thôi. Ông bá tước già nói:
- Vợ ông ta à? Họ đồn rằng vừa cưới xong, người đẹp mê hồn.
- Thôi được; Blanche ạ, ba mày đã muốn thế thì ta cứ đến dự; nhưng bao giờ về nước Anh, ta cũng chẳng cần đi lại với họ làm gì.
Những vị tai mặt này quyết định với nhau khi nào về phố Brussels, hãy cứ nhận lời đi dự tiệc cái đã, và chiếu cố để cho anh chàng chịu trả tiền cũng thú. Tuy nhiên để cứu vãn lại đôi chút danh dự, họ tìm mọi cách làm cho Amelia phải khó chịu, nghĩa là nhất định không đả động gì đến cô trong khi nói chuyện. Cái thứ danh dự này thì đám đàn bà quý phái nước Anh thuộc loại trùm. Nếu ta hay la cà trong Hội chợ phù hoa mà lại biết triết lý đôi chút, thì cứ chịu khó quan sát cách giao thiệp của một bà quý phái đối với bọn phụ nữ tầm thường, ta sẽ thấy nhiều điều lý thú.
Buổi dạ hội hôm nay, George, tiêu vô khối tiền, ấy thế mà đối với Amelia cũng lại là bữa giải trí khổ tâm nhất trong suốt tuần trăng mật. Cô viết thư kể lại bữa tiệc về cho mẹ, lời lẽ thật đau khổ. Nào là Bareacres bá tước phu nhân không không thèm bắt chuyện với mình, nào là công nương Blanche cứ giơ mãi cái ống nhòm mà soi mói nhìn mình, nào là thấy thái độ của họ như vậy, Dobbin hết sức phẫn nộ, rồi lúc ăn xong, lão bá tước lại đòi xem tờ hóa đơn tính tiền; lão kêu ầm lên rằng bữa tiệc đắt thế mà tồi quá.
Đọc thư, bà lão Sedley thấy con gái bực mình phàn nàn rất nhiều về sự thô lỗ của bọn khách, nhưng bà cũng vẫn sung sướng; đi đến đâu bà cụ cũng khoe rằng Emmy, con gái bà đánh bạn với Bareacres bá tước phu nhân; đến nỗi ông Osborne ở khu City cũng biết tin con trai mình thết tiệc các vị công nương quý tộc và các mệnh phụ.
Ai đã từng biết tướng George Tufto, tước tùy giá Hiệp sĩ, và đã có dịp gặp mặt ông ta - trong mùa hội thì điều ấy cũng dễ lắm - ắt còn nhớ hình ảnh này: vào những buổi đẹp trời, ông ta khệnh khạng đi chơi ở Pall Mall, bận áo chế lót bông, đi ủng cao cổ bóng lộn, dáng điệu lẩy bẩy, mắt cứ gườm gườm nhìn người qua đường như muốn khiêu khích, hoặc cưỡi một con ngựa màu hạt dẻ mà liếc tình vào trong những xe ngựa của người ta chơi trong công viên.
Nhưng bây giờ chẳng ai còn nhận ra trên con người tướng Tufto hình ảnh vị sĩ quan dũng cảm trong cuộc chiến tranh ở Tây-ban-nha và trong chiến dịch Wateeloo xưa kia nữa. Bây giờ ông ta có một bộ tóc rậm quăn quăn màu nâu, đôi lông mày đen nhánh và bộ ria mép đỏ quạch; thế mà vào năm 1815, đầu ông ta lại hói, tóc hơi ngả bạc nhưng chân tay còn mập mạp; bây giờ chân tay ông ta khẳng khiu quá rồi. Cái hồi ông ta ngót thất tuần (nay ông lão đã gần tám mươi), tự nhiên bộ tóc màu nâu và quăn tít; rồi lông mày và ria mép cũng thay màu nết. Những đứa xấu mồm bèn phao tin rằng nghe ông lão độn bông, còn bộ tóc là tóc giả, vì tóc lão có bao giờ mọc đâu. Tom Tufto là cháu nội lão vẫn xích mích với lão mấy chục năm nay; Tom tuyên bố rằng một buổi cô Jaisey, đào hát ở Hí viện Pháp, kéo rơi tuột cả bộ tóc giả của ông hắn; nhưng cái thằng Tom ấy vẫn nổi danh là hay thù vặt và ghen ghét, vì thế cũng chẳng nên để ý đến bộ tóc giả của vị tướng ấy làm gì. Một bữa kia, mấy viên sĩ quan trong trung đoàn...của chúng ta là cà trong chợ hoa ở Brussels; họ vừa đi thăm Tòa thị chính về. Bà O’Dowd bảo rằng so với cái lâu đài của ông thân sinh ra bà ở Glenmalony thì Tòa thị chính ở đây không được to và đẹp bằng. Bỗng họ thấy một sĩ quan cao cấp đi ngựa, có lính hộ vệ theo sau, tiến vào chợ. Viên sĩ quan xuống ngựa, vào dãy hàng hoa, chọn mua một bó hoa đẹp nhất. Người bán hàng bọc hoa vào giấy; viên sĩ quan lên ngựa, trao bó hoa cho anh lính hầu; anh lính ôm bó hoa nhăn răng ra cười và đi theo ông quan thầy; vị sĩ quan phóng ngựa đi và có vẻ hài lòng lắm.
Bà O’Dowd lên tiếng:
- Ước gì các ông được xem hoa ở Glenmalony. Ba tôi nuôi ba người thợ làm vườn người Scotchland và chín thằng phụ việc. Nhà tôi có một sào “nhà kính”. Còn dứa thì nhiều như đậu ở Luân-đôn lúc đang mùa ấy. Nho nhà tôi mỗi chùm phải nặng tới năm sáu cân; tôi xin lấy danh dự cam đoan rằng hoa mộc lan nhà tôi mỗi bông phải to bằng một cái ấm đun nước pha trà ấy.
Anh chàng Osborne quỷ quái chỉ thích gợi chuyện để giễu cợt bà O’Dowd (Amelia cứ khẩn khoản xin chồng tha cho đừng trêu bà ta làm gì), nhưng Dobbin thì không “tiêu” được bà này; anh ta phải lẩn vào đám đông, chuồn ra một chỗ thật xa rồi mới dám phá ra cười, làm cho người đi chợ ai cũng lấy làm quái lạ. Bà O’Dowd hỏi:
- Này, cái ông đại úy kệch cỡm ấy đâu rồi nhỉ? Ông ấy lại chảy máu cam rồi phỏng? Lúc nào cũng thấy ông ấy nói mình chảy máu cam, có nhẽ, khi nào hết máu trong người mới khỏi bệnh chắc! Này ông O’Dowd, có phải hoa mộc lan ở Glenmalony to bằng cái ấm đun nước không?
Viên thiếu tá đáp:
- Peggy, đúng lắm, còn to hơn nữa cơ.
Câu chuyện bị ngắt đoạn khi viên sĩ quan vừa nói trên đến mua hoa. George nói:
- Con ngựa đẹp thế nhỉ?
- Giá ông được nhìn thấy con ngựa của em tôi là Molasses; nó đã ăn giải một cái bình bạc chạm ở Curragh đấy. Bà thiếu tá lại kêu ầm lên, rồi thao thao bất tuyệt kể lai lịch gia đình mình; ông chồng ngắt lời vợ:
- Đúng là tướng Tufto, chỉ huy sư đoàn bộ binh thứ...rồi - ông điềm nhiên nói tiếp - Trong chiến dịch vây hãm Talavera ông ta và tôi cùng bị đạn vào một chân như nhau.
George cười hỏi:
- Nhờ thế mà được thăng chức nhỉ? Tướng Tufto? Này, mình ơi, vợ chồng Crawley cũng đến kìa.
Amelia thấy như nhói một cái trong tim, không biết tại sao. Cô thấy đột nhiên mặt trời như tối lại, những mái nhà cổ kính với những trường hồi nhọn hoắt bỗng mất dần vẻ đẹp tuy lúc ấy là buổi hoàng hôn rực rỡ của một ngày đẹp đẽ, lộng lẫy nhất cuối tháng năm.
Bình luận
- Chương 66
- Chương 65
- Chương 64
- Chương 63
- Chương 62
- Chương 61
- Chương 60
- Chương 59
- Chương 58
- Chương 57
- Chương 56
- Chương 55
- Chương 54
- Chương 53
- Chương 52
- Chương 51
- Chương 50
- Chương 49
- Chương 48
- Chương 47
- Chương 46
- Chương 45
- Chương 44
- Chương 43
- Chương 42
- Chương 41
- Chương 40
- Chương 39
- Chương 38
- Chương 37
- Chương 36
- Chương 35
- Chương 34
- Chương 33
- Chương 32
- Chương 31
- Chương 30
- Chương 29
- Chương 28
- Chương 27
- Chương 26
- Chương 25
- Chương 24
- Chương 23
- Chương 22
- Chương 21
- Chương 20
- Chương 19
- Chương 18
- Chương 17
- Chương 16
- Chương 15
- Chương 14
- Chương 13
- Chương 12
- Chương 11
- Chương 10
- Chương 9
- Chương 8
- Chương 7
- Chương 6
- Chương 5
- Chương 4
- Chương 3
- Chương 2
- Chương 1