chương 12/ 37

“Mel, nghiên cứu chỗ quần áo của Colfax xem. Amelia, cô làm ơn giúp anh ấy một tay, được chứ?”

Cô vui vẻ gật đầu với anh ta, kiểu gật đầu lịch sự. Rhyme nhận ra là anh đã khá giận cô.

Theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, cô đeo găng tay cao su, nhẹ nhàng mở đống quần áo, đặt phía dưới một tờ báo lớn và dùng bàn chải lông ngựa chải vải. Mấy mảnh vụn nhỏ rơi xuống. Cooper dùng băng dính nhặt chúng lên và soi dưới kính hiển vi.

“Không có gì nhiều”, anh ta báo cáo. “Hơi nước đã xóa hầu hết dấu vết. Tôi thấy một ít đất, không đủ để làm D-G. Đợi chút... Tuyệt vời. Tôi có một, hai sợi vải. Nhìn chúng này...”

Tôi chịu, Rhyme giận dữ nghĩ.

“Màu xanh hải quân, vải pha len và acrylic, tôi đoán thế. Nó không đủ thưa để làm thảm và không cong. Như vậy đây là vải quần áo.”

“Trời nóng thế này chắc hắn sẽ không đi tất dày và mặc áo len. Mặt nạ trượt tuyết?”

“Tôi cũng cá vậy”, Cooper nói.

Rhyme suy tư: “Như vậy hắn đã rất nghiêm túc trong việc cho ta cơ hội cứu họ. Nếu hắn nghiêng về việc giết chóc, việc họ nhìn thấy hắn hay không cũng không quan trọng.”

Sellitto thêm: “Còn có nghĩa là thằng khốn này nghĩ hắn có thể chạy thoát. Không hề có ý định tự sát. Chỉ cho chúng ta thêm một ít quyền lực đàm phán nếu hắn bắt con tin khi ta tóm hắn.”

“Tôi thích sự lạc quan của anh, Lon ạ”, Rhyme nói.

Thom ra mở cửa khi nghe tiếng chuông, một khắc sau Jim Polling leo lên cầu thang, trông có vẻ phờ phạc và mệt nhọc. Được rồi, phải chạy qua chạy lại giữa các cuộc họp báo, văn phòng ngài thị trưởng và tòa nhà kiểu liên bang đã làm anh ta ra nông nỗi này.

“Cá hồi tệ quá”, Sellitto nói với anh ta. Sau đó giải thích cho Rhyme: “Jimmy của chúng ta là một trong những người đi câu cá thực thụ. Tự mắc mồi và làm những thứ khác. Còn tôi, tôi lên thuyền dự dạ hội với sáu lon bia và tôi thấy vui.”

“Ta phải tóm thằng khốn này trước rồi nghĩ tới cá mú sau.”, Polling nói, uống ly cà phê Thom để lại trên bậu cửa sổ. Anh ta nhìn ra ngoài và chớp mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy hai con chim lớn đang nhìn mình. Anh ta quay lại phía Rhyme và giải thích vì có vụ bắt cóc mà anh ta đã phải hoãn chuyến đi câu cá ở Vermont. Rhyme chưa bao giờ đi câu – chưa bao giờ có thời gian hay xu hướng tìm cho mình bất kỳ mối quan tâm nào khác – nhưng anh thấy ghen tị với Polling. Sự bình yên khi câu cá hấp dẫn anh. Đó là môn thể thao mà anh có thể chơi một mình. Thể thao của người tàn tật thường là những môn đối mặt. Đối kháng. Chứng minh cho cả thế giới... và cho chính mình. Bóng rổ, xe lăn, tennis, cuộc chạy marathon. Rhyme quyết định nếu anh cần phải chơi môn thể thao nào thì sẽ là câu cá. Dù quăng dây câu bằng một ngón tay có thể vẫn nằm ngoài tầm của công nghệ hiện đại.

Polling nó: “Báo chí gọi hắn ta là tên bắt cóc hàng loạt.”

Nếu đúng thế, Rhyme suy tư.

“Thị trưởng đang phát điên. Muốn gọi cho những nhân viên FBI. Tôi đã thuyết phục sếp không làm gì trong vụ này. Nhưng chúng ta không thể đánh mất thêm một nạn nhân nữa.

“Chúng tôi sẽ cố hết sức” Rhyme chua cay nói.

Polling hớp một ngụm cà phê đen và đến gần chiếc giường. “Anh ổn chứ, Lincoln?”

Rhyme nói: “Ổn cả.”

Polling đánh giá anh thêm một chút nữa, sau đó gật đầu với Sellitto. “Hãy tóm tắt cho tôi. Chúng ta sẽ có một cuộc họp báo nữa, trong vòng nửa tiếng. Cậu đã thấy cuộc họp trước chưa? Nghe những câu hỏi của nhà báo chưa? Chúng ta nghĩ gia đình nạn nhân cảm thấy thế nào khi cô ta bị hấp đến chết?”

Banks lắc đầu. “Trời ạ.”

“Tôi suýt chút nữa đánh thằng khốn đó.”, Polling nói.

Ba năm rưỡi trước, Rhyme nhớ lại, trong vụ điều tra sát hại cảnh sát, viên đại úy này đã đập vỡ máy quay mới của nhân viên quay phim khi một phóng viên hỏi rằng, có phải Polling quá xông xáo trong cuộc điều tra vì nghi phạm, Dan Shepherd, là nhân viên trong lực lượng hay không?

Polling và Sellitto đi về phía góc phòng và viên thám tử báo cáo với anh ta. Khi viên đại úy xuống cầu thang, Rhyme nhận ra, sự sôi nổi của anh ta không còn được một nửa.

“Được rồi”, Cooper tuyên bố. “Ta có được một sợi tóc. Trong túi cô ta.”

“Nguyên một cọng?” Rhyme hỏi, không hy vọng nhiều lắm và không ngạc nhiên khi thấy Cooper thở dài. “Xin lỗi, không có chân tóc.”

Không có chân tóc đi cùng, sợi tóc không được xem như chứng cứ cá nhân; nó còn chưa chắc đã phải là một loại vật chứng. Ta không thể dùng nó để kiểm tra DNA và gắn nó với một nhân vật cụ thể nào. Nhưng nó vẫn có giá trị thử nghiệm tốt. Nghiên cứu nối tiếng của Canadian Mounties mấy năm trước kết luận rằng nếu tóc để lại hiện trường trùng với tóc của nghi phạm, thì xác suất hắn là người để lại sợi tóc chỉ khoảng 4.500/1. Vấn đề của tóc là ta không thể tìm được nhiều thông tin về chủ nhân của nó. Không thể xác định giới tính qua tóc, cũng không thể xác định chính xác chủng tộc. Chỉ có thể ước lượng qua tóc của trẻ vị thành niên. Không thể tin được màu tóc vì các loại thuốc nhuộm và màu trang điểm, và ai cũng rụng mỗi ngày mấy chục sợi tóc nên không thể nói được nạn nhân có bị hói đầu hay không.

“So sánh với tóc nạn nhân xem. Đếm kích thước và so sánh màu tóc gốc’, Rhyme ra lệnh.

Một khắc sau, Cooper ngẩng đầu lên khỏi kính hiển vi, nói, “Không phải tóc của Colfax.”

“Miêu tả?” Rhyme hỏi.

“Nâu nhạt. Không xoăn nên tôi có thể nói không phải người da đen. Màu tóc gốc nói rằng không phải người châu Á.”

“Vậy là người da trắng”, Rhyme nói, gật đầu về phía sơ đồ trên tường. “Khẳng định điều nhân chứng đã nói. Tóc hay lông trên cơ thể?”

“Có rất ít biến đổi trong phân bố đồng dạng hạt màu tóc. Tôi sẽ nói đó là tóc.”

“Chiều dài?”

“Ba cm.”

Thom hỏi anh ta có cần thêm vào hồ sơ là tóc tên bắt cóc màu nâu hay không.

Rhyme nói không. “Ta sẽ đợi thêm những chứng cứ chắc chắn hơn. Chỉ cần viết là ta biết hắn đeo mặt nạ trượt tuyết màu xanh hải quân. Cạo móng tay có gì không, Mel.”

Cooper xem xét dấu vết nhưng không tìm thấy gì hữu ích.

“Dấu tay mà cô tìm thấy. Trên tường ấy. Hãy nhìn nó đi. Amelia, cô cho tôi xem, được không?”

Sachs ngần ngừ một chút, sau đó đem bức hình Polaroid ra chỗ anh ta.

“Con quái vật của cô”, Rhyme nói. Đó là một bàn tay to lớn, biến dạng, thực sự kỳ quái, không có những đường rẽ nhánh và xoắn ốc thanh lịch của vân tay mà là hình hoa văn lốm đốm với những đường thẳng nhỏ xíu.

“Một bức tranh tuyệt đẹp – cô gần như là Edward Weston[80] rồi, Amelia. Nhưng đáng tiếc đấy không phải là bàn tay. Kia không phải vân tay. Đấy là găng tay. Da. Đã cũ. Đúng không, Mel?”

Tay kỹ thuật viên gật đầu.

“Thom, hãy viết là hắn có một đôi găng tay cũ”, Rhyme nói với những người khác. “Chúng ta bắt đầu có vài ý tưởng về hắn. Hắn không để lại dấu vân tay của hắn ở hiện trường. Nhưng hắn để lại dấu găng tay. Nếu tìm thấy đôi găng tay do hắn sở hữu, chúng ta vẫn có thể đưa hắn vào hiện trường. Hắn nhanh trí. Nhưng chưa thật thông minh.”

Sachs hỏi: “Những tên tội phạm thông minh mặc đồ gì?”

“Đồ da lộn vải bông”, Rhyme nói. Sau đó hỏi: “Cái túi lọc đâu? Của máy hút bụi?”

Tay kỹ thuật viên đổ những thứ trong bộ lọc hình nón – trông như bộ lọc trong máy pha cà phê – ra một tờ giấy trắng.

Vật chứng dấu vết...

Công tố viên, các nhà báo và quan tòa thích những chứng cứ rõ ràng. Những đôi găng đẫm máu, dao, những khẩu súng vừa nhả đạn, các bức thư tình, tinh dịch và dấu vân tay. Nhưng chứng cứ yêu thích của Rhyme là dấu vết – bụi hay những thứ phát sinh từ hiện trường vụ án, rất dễ bị bọn tội phạm bỏ qua.

Nhưng máy hút bụi không hút được gì hữu ích.

“Được rồi”, Rhyme nói. “Ta tiếp tục nào. Hãy nhìn cái còng tay.”

Sachs cứng người khi Cooper mở cái túi nhựa và đổ chiếc còng lên một tờ báo. Như Rhyme đã dự kiến, có rất ít máu. Bác sĩ lưu động từ văn phòng giám định y khoa đã dùng cái cưa sắt, sau khi luật sư của NYPD fax giấy phép đến Phòng Giám Định Y khoa.

Cooper xem xét cái còng rất cẩn thận. ”Hãng Boy & Keller. Loại hạng bét. Không có số thứ tự.” Anh ta phun chrome với DFO lên đó và chiếu đèn PoliLight. ”Không có có dấu tay, chỉ có một vết bẩn dây từ găng tay.”

“Mở nó ra xem sao.”

Cooper dùng chìa khóa đa năng mở còng. Anh ta dùng khí nén rửa kính thổi vào ổ khóa.

“Cô vẫn giận tôi đấy à, Amelia?” Rhyme nói. “Về vụ hai bàn tay ấy.”

Câu hỏi làm cô bất ngờ. “Tôi không giận.” Cô nói sau một lúc. “Tôi nghĩ thế là không chuyên nghiệp. Cái điều anh bảo tôi làm.”

“Cô có biết Edmond Locard là ai không?”

Cô lắc đầu

“Một người Pháp. Sinh năm 1877. Ông ta sáng lập Viện Hình sự học của trường Đại học Tổng hợp Lyon. Ông ta phát minh ra một quy tắc mà tôi luôn tuân thủ khi điều hành IRD. Nguyên tắc Trao đổi của Locard. Ông ta nghĩ rằng bất cứ khi nào hai người tiếp xúc với nhau, một thứ gì đó từ một người sẽ được trao đổi với người khác và ngược lại. Có thể là bụi, tế bào da, bùn đất, sợi, mạt kim loại. Nhưng việc trao đổi này có xảy ra – vì thế chúng ta có thể bắt được nghi phạm.”

Câu chuyện này chẳng làm cô quan tâm tí nào.

“Cô may mắn đấy”, Mel Cooper nói với Sachs mà không nhìn lên. “Anh ta đã định bắt cô và bác sĩ xem xét những thứ trong dạ dày của cô ta đấy.”

“Điều đó có thể có ích”, Rhyme nói, tránh ánh mắt cô.

“Tôi thuyết phục anh ta thôi đấy”, Cooper nói.

“Khám nghiệm tử thi”, Sachs nói và thở dài, tựa như chẳng có điều gì mà Rhyme nói có thể làm cho cô ngạc nhiên.

Tại sao, thậm chí cô ta còn chẳng ở đây nữa, anh giận dữ nghĩ. Đầu óc cô ta lơ lửng cách đây hàng nghìn dặm.

“À”, Cooper nói. “Tôi tìm thấy gi này. Tôi nghĩ đó là một mẩu găng tay.”

Cooper đặt mẩu nhỏ lên kính hiển vi. Xem xét nó.

“Da. Nhuộm đỏ. Một mặt được đánh bóng.”

“Màu đỏ, thế là tốt”, Sellitto nói. Với Sachs, anh ta giải thích: “Quần áo của bọn chúng càng man dại, càng dễ tìm ra chúng. Họ không dạy cô điều này trong học viện, tôi cá là như thế. Lúc nào đó tôi sẽ kể cô nghe chúng tôi đã tóm cổ Jimmy Plaid, trong băng nhóm của Gambino như thế nào. Cậu còn nhớ chuyện đó chứ, Jerrry?”

“Ta có thể phát hiện cái quần đùi đó cách hàng dặm”, viên thám tử trẻ tuổi nói.

Cooper nói tiếp: “Da đã bị khô. Không có nhiều dầu trong hạt. Anh đúng khi nói đôi găng đã cũ.”

“Da gì vậy?”

“Tôi sẽ nói đấy là cừu non. Chất lượng cao.”

“Nếu đôi găng tay mới, điều đó có thể có nghĩa là hắn ta giàu”, Rhyme lẩm bẩm. “Nhưng vì đấy là găng cũ, hắn có thể tìm thấy chúng hoặc mua hàng dùng rồi. Có vẻ là không thể suy luận được từ đồ phụ kiện của nghi phạm 823. Được rồi, Thom, thêm vào hồ sơ đôi găng tay da cừu đó. Ta còn có thêm gì nữa nhỉ?”

“Hắn sử dụng nước hoa dùng sau dao cạo râu”, Sachs nhắc anh.

“Tôi quên mất. Tốt. Có thể dùng để che giấu mùi khác. Đôi khi bọn tội phạm cũng làm thế. Viết đi, Thom. Nó có mùi như thế nào, Amelia? Cô tả xem nào.”

“Không. Như rượu gin.”

“Dây phơi thì sao?” Rhyme hỏi.

Cooper xem xét sợi dây. “Trước đây tôi từng thấy loại này rồi. Dây nhựa. Bện từ vài tá dây nhỏ làm từ sáu tới mười loại nhựa khác nhau và một – không phải, hai sợi dây kim loại.”

“Tôi muốn có nhà sản xuất và nguồn.”

Cooper lắc đầu. “Không được. Quá chung chung.”

“Mẹ kiếp”, Rhyme lẩm bẩm. “Nút thắt thì sao?”

“Đây là thứ khác thường. Rất hiệu quả. Xem nó được quấn vòng hai lần như thế nào này. Dây là từ nhựa PVC là loại dây khó thắt nút nhất, nhưng cái nút này không tuột được.”

“Họ có cơ sở dữ liệu nút thắt ở trung tâm không nhỉ?”

“Không”

Không thể tha thứ được, anh nghĩ.

“Thưa ngài?”

Rhyme quay về phía Banks.

“Tôi đã từng lái thuyền buồm...”

“Ở Westport”, Rhyme nói.

“À, thật ra là đúng như vậy. Sao anh biết?”

Nếu ta điều tra pháp lý về xuất xứ của Jerry Banks, kết quả sẽ là Connecticut. “Đoán mò ấy mà.”

“Nó không thuộc hàng hải. Tôi không nhận ra nó.”

“Thật tốt khi biết điều đó. Treo nó lên kia đi.” Rhyme hất đầu về phía bức tường, bên cạnh tấm hình Polaroid của miếng giấy bóng kính và bức tranh của Monet. “Ta nghiên cứu nó sau.”

Chuông cửa reo và Thom biến đi mở cửa. Rhyme cảm thấy một chút tệ hại khi nghĩ đó là bác sĩ Berger trở lại để nói với anh rằng ông ta không còn quan tâm đến việc trợ giúp anh trong “dự án” của họ nữa.

Nhưng tiếng bốt giẫm nặng nề nói với Rhyme ai đang đến.

Những sĩ quan của Đội Đặc nhiệm, tất cả đều to lớn, tất cả đều u ám, mặc đồng phục chiến đấu, lịch sự vào phòng, gật đầu chào Sellitto và Banks. Họ là những người đàn ông hành động và Rhyme cá là phía sau hai mươi con mắt bất động kia là mười phản ứng rất tệ hại trước hình ảnh một người đàn ông phải nằm ngửa vĩnh viễn.

“Các quý ông, các anh đã biết về vụ bắt cóc tối qua và cái chết của nạn nhân chiều nay”, anh tiếp tục nói bằng một giọng khẽ khàng nhưng chắc chắn. “Nghi phạm của chúng ta có một nạn nhân khác. Chúng tôi có một số dấu vết cho vụ này và tôi cần các anh đến mấy nơi quanh thành phố để lấy vật chứng. Lập tức và đồng thời. Mỗi người, một chỗ.”

“Ý anh là...”, một sĩ quan để ria mép hỏi không chắc chắn, “không có yểm trợ?”.

“Anh sẽ không cần đến.”

“Với tất cả sự tôn trọng, thưa ngài. Tôi không có ý định tham gia vào bất cứ tình huống chiến thuật nào mà không có yểm trợ. Ít nhất phải có một công sự chứ.”

“Tôi không nghĩ sẽ có đấu súng. Mục tiêu là chuỗi những cửa hàng thực phẩm lớn trong thành phố.”

“Cửa hàng thực phẩm?”

“Không phải tất cả. Chỉ cần một cửa hàng nằm trong chuỗi các cửa hàng J&G’s, ShopRite, Food Warehouse,...”

“Chính xác là chúng tôi sẽ làm gì?”

“Mua chân bê.”

“Cái gì?”

“Một gói từ mỗi cửa hàng. Tôi e là tôi phải yêu cầu các anh tự trả tiền, thưa các quý ông. Nhưng thành phố sẽ thanh toán cho cách anh. Ồ, mà chúng tôi cần nó càng sớm càng tốt.”

Cô nằm nghiêng, bất động.

Mắt cô đã quen với bóng tối lờ mờ của đường hầm và cô có thể nhìn thấy những con vật khốn khiếp đang lại gần hơn. Cô đặc biệt để mắt đến một con.

Chân Monelle đau ghê gớm, nhưng cơn đau chính lại nằm ở cánh tay, chỗ hắn cắt sâu vào da thịt. Vì tay bị còng ra sau nên cô không nhìn thấy vết thương, không biết mình chảy bao nhiêu máu. Nhưng chắc là rất nhiều; cô cảm thấy rất uể oải và có thể cảm nhận được vết thương rỉ máu dinh dính trên tay và bên sườn.

Có tiếng cào – những cái móng hình kim cào trên nên xi măng. Những khối màu nâu xám hối hả lao trong bóng tối. Những con chuột cống tiếp tục giật cục đi về phía cô. Chúng phải có đến hàng trăm con.

Cô bắt mình nằm im và theo dõi con chuột đen. Schwarzie, cô đặt tên cho nó. Nó đứng ngay trước mặt, đi tới đi lui, nghiên cứu cô.

Monelle Gerger đã đi vòng quanh thế giới hai lần khi cô mới mười chín tuổi. Cô đi nhờ xe dọc Sri Lanka, Campuchia và Pakistan. Đi qua Nebraska, nơi những người đàn bà nhìn bộ ngực không áo lót và những cái vòng đeo lông mày của cô với vẻ khinh miệt. Đi qua Iran, nơi những người đàn ông nhìn cánh tay trần của cô như lũ chó động đực. Cô ngủ trong công viên thành phố ở Thành phố Guatemala và ở ba ngày với lực lượng nổi loạn ở Nicaragua lúc bị lạc đường khi đến khu bảo tồn động vật hoang dã.

Nhưng chưa bao giờ cô hoảng sợ như lúc này.

Mein Gott.

Và điều cô hoảng sợ nhất chính là điều cô sắp làm với bản thân mình.

Một con chuột chạy tới gần, thân thể màu nâu của nó lao tới trước, lùi lại sau, rồi lại tiến lên mấy inch. Bọn chuột đang sợ, cô nghĩ vậy, vì chúng chuyển động giống bò sát hơn bọn gặm nhấm. Một cái mũi rắn, cái đuôi rắn. Và những cặp mắt đỏ ngầu khốn khiếp.

Đằng sau đó là Schwarzie, to gần bằng một con mèo nhỏ. Nó đứng trên hai chân sau nhìn thứ làm nó phấn khích. Quan sát. Chờ đợi.

Thế rồi con chuột con tấn công. Vội vàng trên bốn cái chân nhọn hoắt, lờ đi tiếng thét bị bóp nghẹt của cô, nó lao tới, nhanh và thắng. Nhanh như sóc, nó rứt một miếng thịt từ cái chân bị cắt của cô. Vết thương nhói lên như bị bỏng. Monelle kêu ré lên – vì đau, và vì giận dữ. Tao không cần mày. Cô đạp gót giày rất mạnh lên lưng nó với một tiếng rắc khô khốc. Nó giãy một cái rồi nằm im.

Một con khác xông lên cổ cô, rứt một miếng rồi chạy lui, nhìn chằm chằm vào cô, nháy nháy mũi như thế nó đang liếm mép, hưởng thụ mùi vị của cô.

Dieser Schmerz[81]...

Cô rùng mình vì cơn đau rát tỏa ra từ vết cắn. Dieser Schmerz! Đau quá! Monelle bắt mình nằm im.

Kẻ tấn công tí hon định lao lên lần nữa, nhưng rồi động đậy và quay đi. Monelle biết tại sao. Schwarzie cuối cùng đã tiến lên hàng đầu. Nó đi lấy cái nó muốn.

Tốt, tốt.

Nó là con chuột cô đang chờ đợi. Vì có vẻ như nó không quan tâm đến máu thịt cô; cách đây hai mươi phút nó đã tới gần, phấn khích với miếng băng dính màu bạc dán trên miệng cô.

Con chuột bé hơn vội vàng chạy đến nhập đàn khi Schwarzie tiến lên trên những cái chân tí hon, bẩn thỉu. Dừng lại. Lại tiến lên. Sáu feet, năm.

Rồi ba.

Cô nằm im như chết. Thở thật nhẹ hết mức có thể, sợ hơi thở của mình sẽ làm con chuột sợ hãi.

Schwarzie dừng lại. Rồi tiến lên. Sau đó dừng hẳn. Cách đầu cô hai feet.

Không được động đậy.

Lưng nó vồng cao, môi nó liên tục đưa đẩy trên hàm răng nâu vàng. Nó tiến lên thêm một foot nữa và dừng lại, mắt đảo điên. Ngồi dậy, xoa hai cái chân đầy móng vuốt vào nhau, rồi lại tiến lên.

Monelle Gerger giả chết.

Chỉ còn sáu inch nữa thôi. Vorwärts[82]!

Nào!

Thế rồi nó đến sát mặt cô. Cô ngửi thấy mùi rác rưởi và dầu mỡ trên cơ thể nó, mùi phân, mùi thịt thối. Nó đánh hơi và cô cảm thấy những cái râu của nó cù mũi cô buồn không chịu nổi khi những cái răng nhỏ xíu thò ra khỏi miệng và bắt đầu gặm miếng băng dính.

Nó gặm quanh miệng cô tới năm phút. Có lúc, một con chuột khác xông tới, cắn vào mắt cá chân của cô. Cô nhắm mắt và cố quên cơn đau. Schwarzie đuổi nó đi rồi đứng trong bóng tối nghiên cứu cô.

Vorwärts, Schwarzie! Nào!

Nó từ từ quay lại chỗ cô. Lệ ròng ròng trên má, Monelle miễn cưỡng hạ thấp miệng mình xuống cho nó.

Gặm, gặm…

Nào!

Cô cảm thấy hơi thở nóng bức, ghê tởm của nó trong miệng mình khi nó cắn xuyên qua lớp băng dính và bắt đầu rứt ra những miếng nhựa lớn lấp loáng màu bạc. Nó kéo những mẫu nhựa từ miệng ra, tham lam kẹp chúng giữa hai chân trước.

Không hiểu đã đủ lớn chưa? Cô tự hỏi.

Phải thế thôi. Cô không thể chịu nổi nữa.

Cô chậm rãi nhấc đầu lên, từng mm một. Schwarzie nháy mắt và nghiêng về phía trước, vẻ tò mò.

Monelle há rộng miệng và nghe thấy âm thanh tuyệt vời khi miếng băng dính rách toang. Cô hít không khí thật sâu vào phổi. Cô lại thở được rồi!

Và cô đã có thể kêu cứu.

“Bitte, helfen Sie mir![83]”

Schwarzie lùi lại, giật mình vì tiếng hú dựng tóc gáy của cô, đánh rơi cả miếng băng dính bạc quý báu của nó. Nhưng nó không chạy xa. Nó dừng và quay lại, đứng lên hai chân sau béo mập.

Lờ đi cái cơ thể gù đen ngòm của nó, cô đá cái cột mà cô đang bị trói vào. Bụi và bùn đất rơi xuống như một màn tuyết nâu nhưng cây cột gỗ không động đậy. Cô la hét cho tới khi họng bỏng rát.

“Bitte![84]”

Dòng xe cộ nhớp nháp nuốt chửng âm thanh đó.

Bất động một lúc. Sau đó Schwarzie bắt đầu đi lại phía cô. Lần này nó không đi một mình. Một đàn chuột gian xảo đi theo nó. Run rẩy, căng thẳng. Nhưng cương quyết tiến lên khi ngửi thấy mùi máu hấp dẫn của cô.

Xương và gỗ, gỗ và xương.

“Mel, anh có gì đằng kia thế?” Rhyme hất đầu về phía cái máy tính gắn với máy GC-MS. Cooper đang thử lại chỗ bụi họ tìm thấy trong mẫu gỗ.

“Vẫn rất giàu nitrogen. Vượt ngưỡng.”

Ba lần thử riêng biệt, kết quả như nhau. Kiểm tra chẩn đoán cho thấy thiết bị làm việc tốt. Cooper suy tư rồi nói: “Nhiều nitrogen như vậy thì có thể là nơi sản xuất súng hoặc đạn dược.”

“Thế thì phải là Connecticut, không phải Manhattan.” Rhyme nhìn đồng hồ. 6:30. Ngày hôm nay thời gian trôi thật nhanh. Ba năm rưỡi qua nó trôi mới chậm làm sao. Anh cảm thấy như anh đã thức nhiều ngày liền.

Viên thám tử trẻ tuổi miệt mài trên tấm bản đồ Manhattan, đẩy miếng xương đốt sống nhợt nhạt vừa rơi xuống nền nhà lúc nãy sang một bên.

Cái đĩa đó là do một chuyên gia cột sống của Rhyme, Peter Taylor, để lại. Trong một lần gặp trước với anh ta. Người bác sĩ lành nghề đã khám cho anh, sau đó ngồi vào chiếc ghế mây kêu sột soạt và lấy thứ gì đó trong túi ra.

“Thời gian để diễn và nói”, người bác sĩ nói.

Rhyme liếc nhìn bàn tay mở rộng của Taylor.

“Đây là đốt sống thứ tư. Giống như đốt sống ở cổ anh. Cái đốt sống bị vỡ. Anh có thấy mẩu đuôi bé ở đây không?” Tay bác sĩ xoay khúc xương lại một lúc rồi hỏi. “Anh nghĩ gì khi anh nhìn thấy nó?”

Rhyme kính trọng Taylor – người không đối xử với anh như một đứa trẻ hay thằng dở hơi hay sự bất tiện lớn – nhưng ngày hôm đó anh không có tâm trạng chơi trò gây cảm hứng. Anh không trả lời.

Taylor vẫn nói tiếp: “Vài bệnh nhân của tôi nghĩ nó giống như con cá đuối. Một số khác cho rằng đó là tàu vũ trụ. Hoặc một cái máy bay. Hay xe tải. Bất cứ lúc nào tôi hỏi câu này, người ta thường so sánh nó với cái gì đó to lớn. Không ai nói: ‘Ồ, một mẩu calcium và magnesium.’ Thấy không, họ không thích ý tưởng là một thứ gì đó rất tầm thường như thế lại biến cuộc sống của họ thành địa ngục.”

Rhyme nhìn lại ông ta với vẻ nghi ngờ nhưng ông bác sĩ tóc bạc, điềm tĩnh này là một tay cứng rắn với các bệnh nhân SCI nên ông ta lịch sự nói: “Đừng làm tôi cụt hứng chứ, Lincoln.”

Taylor đưa cái đĩa lại gần mặt Rhyme. “Anh nghĩ rằng không công bằng khi một thứ nhỏ thế này có thể đem đến cho anh nhiều đau khổ đến vậy. Nhưng quên nó đi. Quên nó đi. Tôi muốn anh nhớ những điều trước khi xảy ra tai nạn. Những điều tốt và điều xấu trong cuộc đời anh. Hạnh phúc, khổ đau… Anh có thể cảm thấy những điều này lần nữa.” Khuôn mặt ông bác sĩ chuyển thành bất động. “Nhưng thành thực mà nói, tất cả những gì tôi đang nhìn thấy lúc này là một kẻ đang đầu hàng.”

Taylor để khúc xương lại trên cái bàn đầu giường. Có vẻ như tình cờ. Nhưng sau đó Rhyme nhận thấy trong hành động này có sự tính toán. Mấy tháng qua, khi Rhyme đang cố quyết định có nên tự tử hay không, anh thường nhìn cái đĩa nhỏ đó. Nó đã trở thành biểu tượng cho luận điểm của Taylor – luận điểm ủng hộ cuộc sống. Nhưng cuối cùng phía này đã thua; những lời nói của ông bác sĩ, có đúng đến đâu chăng nữa cũng không thể vượt qua được gánh nặng của những cơn đau, đau đầu và kiệt sức mà Lincoln Rhyme phải chịu đựng ngày này qua ngày khác.

Lúc này anh tránh nhìn chiếc đĩa – quay sang Amelia Sachs – và nói: “Tôi muốn cô nghĩ lại về hiện trường một lần nữa.”

“Tôi đã nói với anh mọi thứ tôi nhìn thấy.”

“Không phải là nhìn thấy. Tôi muốn biết tất cả những gì cô cảm thấy.”

Rhyme nhớ lại hàng nghìn lần anh khám nghiệm hiện trường. Đôi khi phép màu cũng xảy ra. Anh có thể nhìn ngó xung quanh và bằng cách nào đó các ý tưởng về đối tượng sẽ đến với anh. Anh không thể giải thích được nó như thế nào. Những nhà hành vi học nói về việc lập hồ sơ như thể chính họ là người sáng chế ra nó. Nhưng các nhà hình sự học đã lập hồ sơ từ hàng trăm năm nay. Đan lưới, đi ở chỗ hắn đã đi, tìm những thứ hắn để lại, nghĩ ra hắn sẽ đem gì theo – và ta sẽ rời khỏi hiện trường với một hồ sơ rõ ràng như một bức chân dung.

“Nói tôi biết”, anh hỏi. “Cô cảm thấy gì?”

“Khó chịu. Căng thẳng. Nóng bức.” Cô nhún vai. “Tôi không biết, tôi thực sự không biết. Xin lỗi.”

Nếu có thể di chuyển, Rhyme đã nhảy ra khỏi giường, nắm lấy vai cô mà lắc. Hét lên: Nhưng cô biết tôi đang nói gì mà! Tôi biết là cô biết. Tại sao cô không làm việc với tôi?… Tại sao cô lờ tôi đi?

Nhưng anh hiểu ra một điều gì đó… Hiểu rằng cô đã ở đó, trong cái tầng hầm ngột ngạt. Cúi người xuống cơ thể bị phá nát của T.J. Ngửi thứ mùi ghê tởm. Anh nhìn thấy điều đó trong ngón tay cái bị cậy đến bật máu của cô, anh nhìn thấy điều đó trong cách cô giữ một khoảng cách lịch sự giữa họ. Cô ghê tởm việc có mặt trong cái tầng hầm kinh khủng đó và cô căm thù anh vì anh nhắc nhở cô rằng, một phần của cô vẫn còn ở đó.

“Cô đã đi ngang qua phòng”, anh nói.

“Tôi thực sự không nghĩ rằng tôi có thể giúp gì thêm.”

“Chơi thôi mà”, anh nói, cố dẹp cơn giận. Anh cười. “Nói cho tôi biết cô nghĩ gì?”

Khuôn mặt cô bất động và cô nói: “Chỉ là… những ý nghĩ. Những ấn tượng thì ai cũng có.”

“Nhưng cô đã ở đó. Mọi người thì không. Nói cho chúng tôi nghe đi.”

“Kiểu như… rất đáng sợ.” Cô nói và cảm thấy hối tiếc vì những từ ngữ vụng về.

Nghiệp dư.

“Tôi cảm thấy…”

“Ai đó đang nhìn cô?” Anh hỏi.

Điều đó làm cô ngạc nhiên. “Đúng. Chính xác là thế.”

Rhyme cũng đã từng cảm thấy như vậy. Nhiều lần. Anh cảm thấy điều đó ba năm rưỡi trước, khi cúi mình xuống cơ thể đang phân hủy của người cảnh sát trẻ tuổi, nhặt một sợi vải trên bộ cảnh phục. Anh chắc chắn có ai đó ở gần. Nhưng chẳng có ai – chỉ là một cái rầm gỗ sồi lớn chọn đúng khoảnh khắc đó để gầm lên, tăng tốc và rơi trúng đốt sống cổ thứ tư của Lincoln Rhyme với sức nặng của cả quả đất.

“Cô còn nghĩ gì nữa, Amelia?”

Cô không chống cự nữa. Môi cô thư giãn, mắt cô trôi theo bức tranh Nighthaws – những người ăn tối, cô đơn hay đơn độc một cách mãn nguyện. Cô nói: “Được rồi, tôi nhớ là tôi nói với chính mình: ‘Trời ạ, chỗ này cổ thật.’ Nó giống như những bức tranh mà ta nhìn thấy ở đó các nhà máy trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ. Và tôi…”

“Đợi đã”. Rhyme quát lên. “Hãy nghĩ về điều này xem. Cổ xưa…”

Ánh mắt anh lướt qua tấm bản đồ Randel Survey. Trước đó anh đã nhận xét về sự quan tâm của nghi phạm về New York lịch sử. Tòa nhà nơi T.J. chết cũng là một tòa nhà cổ. Và đường hầm nơi họ tìm thấy xác chết đầu tiên cũng vậy. Tàu hỏa Trung tâm New York đã từng chạy trên mặt đất. Có quá nhiều tai nạn gây thương vong đến mức Đại lộ Mười một được đặt tên là Đại lộ Death và tuyến đường sắt cuối cùng bị bắt buộc phải đi ngầm.

“Và Phố Pearl”, anh lẩm bẩm một mình, “là con đường vòng chính của New York trước kia. Vì sao hắn lại quan tâm đến những thứ đồ cổ?”. Anh hỏi Sellitto: “Terry Dobyns còn làm việc cho chúng ta không?”

“Ồ, anh chàng bác sĩ tâm thần? Còn. Chúng tôi cùng làm một vụ năm ngoái. Nhân tiện, anh ta có hỏi anh. Nói là anh ta có gọi điện một, hai lần, và anh không bao giờ…”

“Được rồi, được rồi, được rồi”, Rhyme nói. “Gọi anh ta đến đây. Tôi muốn anh ta suy nghĩ về khuôn mẫu của 823. Còn bây giờ, Amelia, cô còn nghĩ gì nữa?”

Cô nhún vai nhưng tỏ ra rất lạnh nhạt. “Chẳng có gì.”

“Không có?”

Thế thì cô có giữ lại cảm giác của mình không? Anh băn khoăn, nhớ lại điều gì đó mà Blaine có nhắc tới một lần khi nhìn thấy một người phụ nữ đẹp bước đi trên Đại lộ Năm: Hàng càng đẹp càng khó mở.

“Tôi không biết…Được rồi, tôi nghĩ tôi có nhớ một việc tôi đã nghĩ đến. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó không giống như một quan sát, thế nào nhỉ, chuyên nghiệp.”

Chuyên nghiệp…

Thật tệ hại khi tự mình đặt tiêu chuẩn cho mình, phải không Amelia?

“Hãy cứ nghe xem thế nào”, anh nói với cô ta.

“Khi anh nói với tôi hãy giả vờ tôi là hắn? Và tôi tìm thấy chỗ mà hắn đứng để nhìn cô ta?”

“Tiếp tục đi.”

“Tôi nghĩ…” Trong một khoảnh khắc có vẻ như lệ sắp tràn lên đôi mắt đẹp của cô, anh nhận thấy chúng có sắc xanh óng ánh. Ngay lập tức cô kiểm soát được mình. “Tôi băn khoăn không biết cô ta có nuôi chó không. Cô Colfax ấy mà.”

“Chó? Tại sao cô lại băn khoăn về điều đó?”

Cô ngừng lại một lát rồi nói: “Bạn tôi… vài năm trước. Chúng tôi có nói chuyện mua một con chó khi, đúng hơn là nếu, chúng tôi dọn đến ở với nhau. Tôi luôn muốn có một con. Một con chó giống collie. Thật buồn cười. Đó là giống chó mà bạn tôi cũng rất thích. Thậm chí trước cả khi chúng tôi biết nhau.”

“Một con chó.” Tim Rhyme nổ bục như một con ruồi lao đầu vào cửa kính mùa hè. “Và?”

“Tôi nghĩ rằng người phụ nữ đó…”

“T.J.” Rhyme nói.

“T.J.” Sachs tiếp tục. “Tôi chỉ nghĩ thật buồn nếu cô ta có con vật cưng nào mà không thể về nhà và chơi đùa với chúng nữa. Tôi không hề nghĩ về chồng hay bạn trai cô ta. Tôi chỉ nghĩ về bọn thú cưng.”

“Nhưng vì sao lại là ý nghĩ đó? Chó, những con vật cưng? Tại sao?”

“Tôi không biết tại sao.”

Im lặng.

Cuối cùng cô nói: “Tôi hình dung tôi nhìn cô ta bị trói ở đó…Và tôi nghĩ cách hắn đứng tránh sang một bên để nhìn cô ta. Đứng giữa những cái thùng dầu. Giống như hắn đứng nhìn một con vật ở một bãi chăn được rào kín.”

Rhyme nhìn những sơ đồ sóng hình sin trên màn hình máy tính GC-MS.

Thú vật…

Nitrogen…

“Phân!” Rhyme kêu lên.

Mọi người quay lại nhìn anh.

“Đấy là phân.” Nhìn chằm chằm vào màn hình.

“Đúng, tất nhiên rồi!” Cooper vò đầu nói. “Toàn nitrogen. Đấy là phân bón. Và là loại phân bón cũ.”

Thình lình Rhyme có cảm giác về một trong những khoảnh khắc mà trước đây anh đã gặp. Một ý nghĩ vừa lao vào đầu anh. Hình ảnh của những con cừu.

Sellitto hỏi: “Anh ổn chứ?”

Một con cừu, lang thang trong phố.

Giống như hắn đứng nhìn một con vật…

“Thom”, Sellitto nói, “anh ấy ổn chứ?”

… ở một bãi chăn được rào kín.

Rhyme có thể hình dung ra con vật vô tư. Một quả chuông treo trên cổ, hàng chục con khác theo sau.

“Lincoln”, Thom nói một cách gấp gáp, “anh đang đổ mồ hôi đấy, anh ổn chứ?”

“Suỵt…”, nhà hình sự học ra lệnh.

Anh cảm thấy cơn ngứa lan xuống mặt. Cảm hứng và trụy tim; triệu chứng giống nhau một cách kỳ lạ. Nghĩ, nghĩ đi…

Xương, cột trụ gỗ và phân bón…

“Rồi!” Anh thì thầm. Con cừu Judas[85], dẫn đàn của mình đến chỗ chết.

“Trại chăn nuôi”, Rhyme nói với cả phòng. “Cô ta bị nhốt ở trong một trại chăn nuôi.”

Bình luận





Chi tiết truyện