chương 34/ 37

TEL AVIV

Ein al-Hilweh? Mẹ kiếp, anh bị điên rồi hả?”

Đó là vào sáng sớm hôm sau. Lev đang ngồi bên chiếc bàn kính trống không của ông; tách cà phê đang được ông đưa lên miệng bỗng khựng lại nửa chừng. Gabriel đã lẻn vào Văn phòng khi cô thư ký của Lev vào nhà vệ sinh. Lát nữa, khi Gabriel đi khỏi, cô gái đáng thương sẽ bị mắng tơi tả vì tội lơ là cảnh giác.

“Ein al-Hilweh là vùng cấm địa, chấm hết, ngừng thảo luận. Tình hình ở đó hiện nay còn tệ hơn cả hồi năm 1982. Có đến nửa tá tổ chức khủng bố Hồi giáo mở tiệm kinh doanh ở đó. Đó không phải là nơi đi dạo - nhất là với một điệp viên đã được đăng ảnh chân dung đầy trên báo Pháp”.

“Vậy thì một người khác sẽ phải đi”.

“Thậm chí anh còn không biết chắc lão già đó còn sống hay không”.

Gabriel cau mày, anh ngồi xuống một trong những chiếc ghế bọc da bóng mượt êm ái phía trước bàn của Lev mà không cần đợi ông ta mời.

“Nhưng nếu lão còn sống, lão có thể cho chúng ta biết đứa con gái của lão đã đi đâu sau khi ả rời khỏi trại tập trung”.

“Có thể”, Lev đồng ý, “nhưng cũng có thể lão chẳng biết gì cả. Hiển nhiên là Khaled sẽ bảo đứa con gái nói dối gia đình vì lý do an ninh. Dựa trên tất cả những gì chúng ta đã biết, toàn bộ câu chuyện về ngôi làng Sumayriyya có thể chỉ là bịa đặt”.

“Ả chẳng có lý do gì để nói dối tôi”, Gabriel nói. “Ả nghĩ rằng tôi sắp bị giết”.

Lev trầm ngâm một lúc lâu bên tách cà phê của mình. “Có một gã ở Beirut có thể giúp chúng ta trong vụ này. Tên hắn là Nabil Azouri”.

“Câu chuyện của hắn là thế nào?”

“Hắn là kẻ mang hai dòng máu Libăng và Palestine. Công việc làm ăn nào hắn cũng nhúng tay vào một chút. Làm phóng viên nghiệp dư cho vài hãng tin phương Tây. Sở hữu một hộp đêm. Thực hiện vài phi vụ buôn lậu vũ khí lẻ tẻ và thỉnh thoảng nhận vận chuyển thuốc lá ha-sít qua đường biển. Tất nhiên là hắn còn làm việc cho chúng ta nữa”.

“Tại sao hắn làm việc cho chúng ta?”

“Vì tiền, lẽ dĩ nhiên. Nabil mê tiền”.

“Chúng ta liên lạc với hắn bằng cách nào?”

“Chúng ta sẽ để lại một tin nhắn điện thoại tại hộp đêm của hắn ở Beirut và một vé máy bay ở chỗ người bảo vệ khách sạn Commodore. Chúng ta hiếm khi làm việc với Nabil trên địa bàn của hắn”.

“Hắn thường đi đâu?”

“Đảo Síp”, Lev trả lời. “Nabil cũng mê đảo Síp”.

Ba ngày sau, Gabriel đã sẵn sàng lên đường. Văn phòng đã sắp đặt cuộc hẹn cho anh. Larnaca là một điểm du lịch phổ biến của người Israel, nên không cần sử dụng hộ chiếu giả của nước ngoài. Tuy vậy, việc đi lại với tên thật của anh là không thể, nên Văn phòng đã làm cho anh một bộ giấy tờ tùy thân với quốc tịch Israel và một cái tên không có gì đặc biệt là Michael Neumann. Một ngày trước khi khởi hành, Văn phòng đã dành cho anh khoảng một giờ đồng hồ nghiên cứu các hồ sơ về Nabil Azouri trong một phòng đọc bí mật. Khi anh nghiên cứu xong, họ trao cho anh một phong bì chứa mười ngàn đôla Mỹ tiền mặt và chúc anh may mắn. Sáng hôm sau, đúng 7 giờ, anh đáp chuyến bay kéo dài hơn một giờ của hãng El Al cất cánh tại phi trường Ben-Gurion để đến đảo Síp. Khi đến nơi, anh thuê một chiếc xe hơi tại sân bay và lái một đoạn đường ngắn dọc theo bờ biển để đến một khu nghỉ mát mang tên khách sạn Palm Beach. Một tin nhắn gửi từ đại lộ King Saul đang đợi anh ở đó. Nabil Azouri sẽ đến vào buổi chiều. Gabriel ở trong phòng trong suốt phần còn lại của buổi sáng, và sau đó, không lâu sau khi đồng hồ báo một giờ trưa, anh xuống nhà hàng cạnh bể bơi để dùng bữa trưa. Azouri đã đặt một chỗ ở đó. Một chai sâm-banh Pháp đắt tiền, đã cạn gần phân nửa, đang yên vị trong một chiếc xô ướp đá bằng bạc.

Gã có mái tóc xoăn sẫm màu, một vài sợi đã điểm bạc, và một bộ ria rậm. Khi gã tháo cặp kính râm, Gabriel thấy xuất hiện trước mặt anh một đôi mắt to màu nâu trễ nải giống như ngái ngủ. Trên cổ tay trái của gã là một chiếc đồng hồ vàng chật cứng; còn trên cổ tay phải, những chiếc lắc vàng va vào nhau lanh canh khi gã nhấc ly sâm-banh đưa lên môi. Gã mặc một chiếc sơmi vải cotton màu kem. Cái quần lụa bóng của gã đã bị nhàu sau chuyến bay từ Beirut đến. Gã đốt một điếu thuốc lá Mỹ bằng một chiếc bật lửa vàng và lắng nghe lời đề nghị của Gabriel.

“Ein al-Hilweh? Mẹ kiếp, bộ anh khùng rồi hả?”

Gabriel đã dự đoán trước phản ứng này. Azouri coi mối quan hệ với cơ quan tình báo Israel cũng chỉ như mọi mối làm ăn khác của gã. Gã là một tay thương lái, còn Văn phòng là khách hàng. Mặc cả là một phần không thể thiếu của quá trình mua bán. Gã thương nhân Libăng chồm người về phía trước và đóng khung Gabriel trong ánh mắt buồn ngủ của mình.

“Gần đây anh có xuống khu đó không? Nó giống hệt như miền tây hoang dã, dĩ nhiên là theo kiểu Khomeini. Nó đã biến thành địa ngục từ khi các anh rút quân ra. Toàn bọn sát thủ mặc đồ đen, sáng danh đấng Allah vô cùng nhân từ. Người ngoài đừng hòng có cơ hội bén mảng vào trong. Khó lắm, Mike ạ. Hãy uống chút sâm-banh với tôi và quên nó đi”.

“Nhưng anh đâu phải người ngoài, Nabil. Anh biết tất cả mọi người, anh có thể đến bất cứ đâu. Đó là lý do chúng tôi trả công cho anh hậu hĩ như thế”.

“Chỉ là tiền 'boa' thôi, Mike, đó là tất cả những gì tôi nhận được từ Văn phòng của anh - chỉ đủ mua thuốc lá, sâm-banh và dư chút đỉnh để tiêu vào khoản em út”.

“Khoản em út của anh có vẻ cao cấp quá nhỉ, Nabil, vì tôi đã xem qua tập chi phiếu chi cho anh. Anh đã kiếm được một khoản không tồi chút nào từ mối quan hệ làm ăn với chúng tôi”.

Azouri giơ ly rượu về phía Gabriel. “Chúng ta hợp tác làm ăn rất tốt, Mike. Tôi không phủ nhận chuyện đó. Tôi rất khoái tiếp tục cộng tác với các anh. Đó là lý do anh sẽ phải tìm người khác chui vào cái ổ rắn độc Ein al-Hilweh cho anh. Nó không tốt cho máu của tôi. Quá nguy hiểm”.

Azouri ngoắc anh bồi và gọi thêm một chai sâm-banh Pháp nữa. Việc từ chối một lời đề nghị làm ăn rõ ràng không ngăn được hắn thưởng thức một bữa ăn ngon bằng hóa đơn của Văn phòng. Gabriel quẳng chiếc phong bì lên mặt bàn. Azouri nhìn nó bằng ánh mắt cân nhắc nhưng vẫn không nhúc nhích.

“Trong đó có bao nhiêu vậy Mike?”

“Hai ngàn”.

“Đơn vị tiền tệ?”

“Đôla Mỹ”.

“Vậy thỏa thuận là gì? Một nửa tạm ứng trước, một nửa khi giao hàng? Buồn cười thật. Tôi chỉ là một gã Arập ngốc nghếch nhưng nếu chỉ vì hai ngàn cộng với hai ngàn là bốn ngàn, thì tôi sẽ không liều mạng đặt chân đến Ein al-Hilweh đâu”.

“Hai ngàn này chỉ là tiền đặt cọc”.

“Và thêm bao nhiêu khi tin tức được giao?”

“Năm ngàn nữa”.

Azouri lắc đầu. “Không, mười ngàn nữa”.

“Sáu”.

Lại một cái lắc đầu. “Chín”.

“Bảy”.

“Tám”.

“Đồng ý”, Gabriel nói. “Hai ngàn trả trước, thêm tám ngàn sau khi mọi chuyện hoàn tất. Không tồi đối với một công việc chỉ làm trong một buổi chiều. Nếu anh tỏ ra biết điều, chúng tôi sẽ thanh toán cả tiền xăng cho anh ấy”.

“Ồ, tất nhiên là các anh trả tiền xăng rồi, Mike ạ. Thù lao của tôi luôn luôn tách biệt với các khoản chi phí”. Người bồi bàn mang chai sâm-banh thứ hai lên. Khi anh ta đi khỏi, Azouri hỏi. “Vậy anh muốn biết gì nào?”

“Tôi muốn anh tìm một người”.

“Có bốn mươi lăm ngàn người tị nạn sống trong cái trại ấy, Mike ạ. Cho biết thêm chút manh mối đi”.

“Đó là một ông già mang họ al-Tamari”.

“Tên?”

“Chúng tôi không biết”.

Azouri nhấp một ngụm rượu. “Cái họ này không quá phổ biến. Không sao. Anh còn có thể cho tôi biết thêm điều gì về lão?”

“Ông ta là một người tị nạn đến từ vùng Tây Galilee”.

“Hầu hết bọn họ đều thế. Từ làng nào?”

Gabriel trả lời.

“Chi tiết gia đình?”

“Có hai con trai chết trận năm 1982”.

“Ở trong trại hả?”

Gabriel gật đầu. “Chúng là người của Fatah. Hình như vợ lão cũng thiệt mạng”.

“Hay đấy. Tiếp đi”.

“Lão có một đứa con gái. Ả lớn lên ở châu Âu. Tôi muốn biết mọi điều mà anh có thể lần ra về cô ả. Ả từng học ở đâu. Học ngành gì. Sống ở nơi nào. Ngủ với ai?”

“Tên cô ả là gì?”

“Tôi không biết”.

“Tuổi?”

“Ngoài ba mươi, chắc chắn. Nói giọng Pháp”.

“Sao anh phải tìm thông tin về cô ta?”

“Chúng tôi cho rằng ả có thể liên quan đến vụ tấn công nhà ga Lyon”.

“Cô ta còn sống không?”

Gabriel lắc đầu. Azouri nhìn ra bãi biển một lúc lâu. “Và các anh nghĩ bằng cách lần theo tiểu sử của cô ả, các anh sẽ tóm được ông trùm, tóm được bộ não đứng đằng sau vụ khủng bố đó?”

“Đại loại thế, Nabil”.

“Tôi nên chơi theo kiểu gì với lão già đây?’

“Bất cứ kiểu gì mà anh muốn”, Gabriel nói. “Miễn là mang về cho tôi thứ tôi cần”.

“Cô gái này”, gã người Libăng nói. “Trông cô ta ra sao?”

Gabriel đưa cho Azouri cuốn tạp chí mà anh mang theo từ phòng khách sạn. Azouri lật từng trang cho tới khi nhìn thấy bức phác họa mà Gabriel đã vẽ trên tàu Fidelity.

“Cô ta trông như thế đấy”, Gabriel nói. “Chính xác như thế”.

Trong suốt ba ngày anh không nghe tin tức gì của Nabil Azouri. Anh chỉ có thể đoán rằng gã người Libăng đã bỏ trốn cùng số tiền đặt cọc hoặc đã bị giết trong khi cố gắng thâm nhập vào trại tị nạn Ein al-Hilweh. Thế rồi, vào buổi sáng ngày thứ tư, chuông điện thoại trong phòng anh reo vang. Chính là Azouri, gọi từ Beirut. Hắn thông báo sẽ đến khách sạn Palm Beach vào giờ ăn trưa. Gabriel gác máy, rồi đi bộ ra bãi biển và đi dạo một đoạn dài dọc theo mép nước. Những vết bầm tím trên người anh bắt đầu mờ đi và phần lớn những cơn đau nhức đã rút lui khỏi thân thể anh. Sau cuộc đi dạo, anh trở về phòng để tắm và thay quần áo. Đến khi anh xuống nhà hàng cạnh bể bơi, Azouri đã thưởng thức ly sâm-banh thứ hai.

“Đúng là một nơi chó chết, Mike ạ. Địa ngục trần gian”.

“Tôi không trả anh mười ngàn đôla để nghe báo cáo về điều kiện sống ở trại Ein al-Hilweh”, Gabriel nói. “Đó là việc của Liên Hiệp Quốc. Anh có tìm được lão già không? Lão còn sống không?”

“Tôi đã tìm thấy lão”.

“Và?”

“Đứa con gái rời Ein al-Hilweh vào năm 1990, chưa một lần trở lại”.

“Tên ả là gì?”

“Fellah”, Azouri đáp. “Fellah al-Tamari”.

“Ả đã đi đâu?”

“Có vẻ như đó là một° đứa con gái thông minh. Ả xin được học bổng của Liên Hiệp Quốc sang học ở châu Âu. Lão già bảo con gái hãy nắm lấy cơ hội đó và đừng bao giờ trở lại Libăng”.

“Ả đã học ở đâu?” Gabriel hỏi, mặc dù anh ngờ rằng anh đã biết câu trả lời.

“Pháp”, Azouri nói. “Đầu tiên ở Paris, sau đó là đâu đó ở miền nam. Lão già cũng không biết chắc. Hình như có những khoảng thời gian dài họ không liên lạc với nhau”.

“Chắc chắn rồi”.

“Lão có vẻ không trách móc gì con gái. Lão muốn ả có được một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. Lão không muốn ả bị chôn vùi trong bi kịch của người Palestine, theo lời lão tâm sự với tôi”.

“Ả chẳng bao giờ quên Ein al-Hilweh”, Gabriel nhận xét một cách lơ đễnh. “Ả học ngành gì?”

“Khảo cổ”.

Gabriel nhớ lại những chiếc móng tay của ả. Ngay từ đầu anh đã có ấn tượng rằng ả phải là thợ làm đồ gốm hoặc một công việc nào đó ngoài trời. Một nhà khảo cổ tất nhiên là phù hợp với những chiếc móng tay đó.

“Khảo cổ à? Anh chắc chứ?”

“Về điểm này thì lão già nói rất chắc chắn”.

“Còn gì khác nữa không?”

“Còn”. Azouri trả lời. “Hai năm trước, đứa con gái gửi cho lão một bức thư rất lạ. Ả bảo lão tiêu hủy tất cả thư từ và ảnh mà ả đã gửi về từ châu Âu trong suốt mấy năm qua. Lão già không chịu làm theo nguyện vọng của đứa con gái. Vì những lá thư và ảnh đó là tất cả những gì còn lại về ả. Vài tuần sau, một tên đầu trâu mặt ngựa xuất hiện trong phòng lão và đốt tất cả những thứ đó giùm lão”.

Bạn của Khaled, Gabriel nghĩ. Khaled đã cố xóa sạch quá khứ của cô ả.

“Anh đã khai thác thông tin từ lão già theo kiểu nào thế?”

“Anh đã có thông tin mà anh muốn. Hãy chừa lại những chi tiết vụn vặt đó cho tôi, Mike”.

“Anh có cho lão xem bức phác họa không?”

“Có. Lão khóc. Lão đã không trông thấy đứa con gái trong suốt mười lăm năm qua”.

Một tiếng đồng hồ sau, Gabriel trả phòng khách sạn và lái xe ra phi trường chờ chuyến bay đêm.

Bình luận





Chi tiết truyện