chương 14/ 37

CAIRO

Quinnell rầu rĩ nói. “Tôi chưa bao giờ tham gia vào những chuyện như thế này”. Lúc này đã quá nửa đêm; họ ngồi trong chiếc xe Fiat nhỏ quen thuộc của Quinnell. Bên kia sông Nile là trung tâm Cairo cực kỳ náo nhiệt, trong khi đó, khu Zamalek lại khá yên tĩnh. Họ mất hai giờ để đến đó. Gabriel quan sát đằng sau để chắc chắn rằng không bị theo dõi.

“Ông nhớ chính xác số phòng chứ ?”

“Tôi đã từng vào đó”, Quinnell nói. “Không phải như cậu nghĩ đâu, chỉ là đến dự một bữa tiệc của Mimi thôi. Cô ta sống ở căn hộ số 6A. Một địa chỉ khá quen thuộc đấy”.

“Ông chắc chắn là không có con chó nào trong nhà cô ta chứ?”

“Chỉ có một con mèo Thổ Nhĩ Kỳ giống Angora béo phì thôi. Tôi chắc rằng một người tự nhận mình là bạn của ngài Herr Heller vĩ đại sẽ chẳng gặp phải khó khăn gì để xử lý một con mèo béo ú cả. Mặt khác tôi phải giữ chân gã gác cổng người Nubia cao hai mét mốt nữa. Phải làm thế nào nhỉ?”

“Ông là một trong những nhà báo giỏi nhất thế giới mà, Quinnell. Chắc chắn ông có thể lừa được gã gác cổng đó”.

“Phải, nhưng công việc này đâu nằm trong chuyên môn của tôi”.

“Ông chỉ cần xem đây là một trò lừa bịp của tụi học sinh thôi mà. Nói với hắn ta là xe bị chết máy và cần sự trợ giúp. Cho hắn ít tiền. Năm phút thôi, vậy là đủ rồi. Ông hiểu chứ?”

Quinnell gật đầu.

“Và nếu ông bạn từ Cục tình báo Mubarat mò tới đây thì sao?”. Gabriel hỏi. “Ám hiệu sẽ là gì?”

“Hai tiếng còi ngắn, tiếp theo là một tiếng còi dài”.

Gabriel bước ra khỏi xe, băng qua đường và đi xuống những bậc đá dẫn ra cầu cảng. Anh dừng chân một lúc để ngắm nhìn cánh buồm góc cạnh và thanh mảnh của chiếc tàu feluc1đang chậm rãi lướt ngược dòng. Rồi anh quay lại và bước tiếp về hướng nam, trên vai khoác chiếc túi xách da sang trọng của ông Herr Klemp mà mình đang thủ vai. Đi thêm vài bước, những ô cửa trên cao của khu chung cư Mimi hiện ra. Một tòa nhà Zamalek cũ kỹ, vôi trắng với các ban công lớn hướng ra bờ sông.

Vừa qua khỏi chung cư được một trăm mét thì anh gặp một cầu thang khác dẫn ra đường quốc lộ. Trước khi bước lên cầu thang, Gabriel ngoái nhìn lại bờ sông để kiểm tra, nhưng cầu cảng hoàn toàn vắng bóng người. Anh leo lên bậc thang, băng qua đường, rồi bước vào một lối đi tối om chạy dọc phía sau khu chung cư. Nếu là lần đầu tiên đến đây, thể nào anh cũng đã lạc đường. Nhưng vì đã đi thám thính vào ban ngày nên anh biết chắc rằng chỉ một trăm ba mươi bước chân nữa, mình sẽ đến lối vào dành cho nhân viên phục vụ khu chung cư của Mimi Ferrere.

Dòng chữ bằng tiếng Arập KHÔNG PHẬN SỰ MIỄN VÀO được khắc trên cánh cửa kim loại. Gabriel liếc nhìn đồng hồ. Đúng như dự kiến, mất bốn phút ba mươi giây để đi đến đây. Anh kiểm tra chốt cửa, nó vẫn bị khóa như lúc sáng. Anh lấy từ ngăn bên hông của chiếc túi xách ra một cặp dụng cụ mỏng bằng sắt và dán mắt vào ổ khóa. Chỉ mười lăm giây, ổ khóa bị mở tung.

Anh đẩy nhẹ cánh cửa và nhìn vào bên trong. Một hành lang xi măng hẹp mở ra trước mắt anh. Phía cuối hành lang là một cánh cửa khép hờ, dẫn vào tiền sảnh. Gabriel rón rén bước lên và nép mình sau cánh cửa thứ hai. Anh nghe rõ cả giọng nói của David Quinnell vọng lại. Ông này đang cho gã gác cổng người Nubia hai mươi bảng để đẩy giúp chiếc xe hỏng của ông phía bên kia đường. Khi cuộc thỏa thuận đã xong, Gabriel quan sát xung quanh cánh cửa, vừa kịp thấy áo choàng của gã Nubia khuất sau màn đêm.

Anh bước vào tiền sảnh và dừng trước hộp thư. Hộp thư của căn hộ 6A ghi tên: M.FERRERE. Anh leo lên thang gác đến tầng sáu. Hai cây cọ cảnh nằm hai bên cửa ra vào. Gabriel áp tai vào cánh cửa gỗ nhưng không nghe thấy tiếng động gì ở bên trong. Anh lấy từ trong túi áo một công cụ trông như một chiếc dao cạo điện tử và rà khắp mép cửa. Đèn báo hiệu màu xanh lá cây nháy lên chứng tỏ không có thiết bị bảo vệ an ninh nào được cài trong ngôi nhà này cả.

Gabriel nhét gọn thiết bị đó vào trong túi áo và tra kẹp bẻ khóa vào ổ khóa. Vừa mới bắt đầu, anh nghe giọng phụ nữ vang lên từ cầu thang bên dưới. Anh vẫn bình tĩnh tiếp tục. Trong khi những ngón tay đang cố cảm nhận những thay đổi nhỏ nhất về sức ép và độ xoắn thì một phần trí não anh lại đang suy tính các khả năng xảy ra. Tòa nhà có mười một tầng. Và hiển nhiên xác suất người phụ nữ đó lên tầng sáu hoặc tầng trên nữa là khá lớn. Anh có hai sự lựa chọn: một là tạm ngưng công việc và đi xuống cầu thang ở tiền sảnh, hai là tìm một nơi ẩn nấp trên tầng cao hơn. Cả hai kế hoạch đều chứa đựng rủi ro. Những người phụ nữ đó sẽ nghi ngờ vì sự xuất hiện của một ngườiHải nước ngoài lạ mặt trong tòa nhà của mình. Và nếu ngẫu nhiên họ sống trên tầng cao nhất, anh có thể bị mắc kẹt ở đây mà không có đường thoát thân.

Gabriel quyết định tiếp tục công việc. Anh nghĩ đến những đợt tập huấn khắc nghiệt ở học viện, nghĩ đến hình ảnh Shamron đang đứng sau lưng cổ vũ anh như thể mạng sống của ông và cả đội phụ thuộc vào giây phút này. Giờ đây, anh có thể nghe rõ tiếng những đôi giày cao gót khua lộp cộp và trái tim anh như lạc nhịp khi nghe tiếng cười đùa phá lên.

Và rồi mật mã cuối cùng đã giải xong, Gabriel đặt tay lên khóa vặn và cảm thấy nhẹ nhõm khi cánh cửa bắt đầu xê dịch. Anh đẩy cửa vào trong, rồi đóng ngay lại vừa kịp lúc bọn họ đặt chân đến đầu cầu thang. Anh tựa lưng vào cánh cửa, nín thở lắng nghe những tiếng cười đùa lướt qua. Vũ khí duy nhất của anh chỉ là kẹp bẻ khóa. Đột nhiên anh cảm thấy ghét cái tính lẳng lơ của người phụ nữ ấy.

Anh khóa cửa lại. Anh lấy trong túi xách ra một chiếc đèn pin nhỏ bằng điếu xì gà hiệu Maglite và lia khắp phòng. Anh đang đứng trong một hành lang nhỏ, phía trước là phòng khách. Căn phòng lạnh lẽo và đơn điệu với đồ nội thất rẻ tiền và những chiếc gối đầy màu sắc. Nó khiến Gabriel mơ hồ nhớ lại khung cảnh tương tự ở câu lạc bộ đêm của Mimi. Anh bước chầm chậm về phía trước và đột ngột dừng lại khi ánh sáng rọi trúng một cặp mắt sáng quắc như đèn nêông. Con mèo ú mập của Mimi nằm cuộn mình trên chiếc ghế đệm dài. Nó nhìn Gabriel với vẻ thờ ơ rồi tiếp tục nằm yên và nhắm mắt lại.

Anh có rất nhiều thứ phải làm tất cả đã được sắp xếp theo mức độ quan trọng. Đầu tiên là chiếc điện thoại của Mimi. Anh tìm thấy chiếc đầu tiên trong phòng khách, nằm phía cuối bàn. Chiếc thứ hai nằm ở đầu giường ngủ, còn chiếc thứ ba trong căn phòng mà cô dùng để làm việc. Mỗi chiếc anh đều gắn một thiết bị nhỏ, mà theo thuật ngữ của Văn phòng, nó chỉ như một tấm thủy tinh, một loại thiết bị truyền tín hiệu có độ bao phủ cả chiếc điện thoại và căn phòng xung quanh nó. Nhờ phạm vi bao phủ trong bán kính một cây số, thiết bị này cho phép Gabriel sử dụng căn phòng của mình ở khách sạn InterContinental như một địa điểm thu tín hiệu.

Trong phòng làm việc, anh cũng tìm thấy mục tiêu thứ hai của mình, đó là chiếc máy tính của Mimi. Anh ngồi xuống, khởi động máy và nhét một chiếc đĩa vào trong ổ đĩa. Phần mềm cài tự động và bắt đầu thu thập những dữ liệu chứa trên ổ cứng: thư tín, văn bản, hình ảnh thậm chí cả những tập tin âm thanh và video.

Trong khi chờ tải dữ liệu, Gabriel đưa mắt nhìn xung quanh phòng làm việc. Anh đọc lướt qua chồng thư, mở các ngăn kéo, liếc qua tất cả xấp hồ sơ. Không có nhiều thời gian, anh chỉ kiểm tra sơ bộ đống hồ sơ này và cũng không phát hiện được gì.

Anh kiểm tra quá trình tải dữ liệu rồi đứng dậy và lia chiếc đèn pin Maglite khắp tường. Có vài khung ảnh treo trên tường. Hầu hết là các bức ảnh Mimi chụp với những người đẹp khác. Anh phát hiện ra một Mimi trẻ trung hơn trong một bức ảnh với tấm khăn trùm đầu kaffiyeh khoác trên vai. Bức ảnh được chụp ở Kim Tự Tháp Giza. Những khuôn mặt phản chiếu sắc đỏ của buổi chiều tà kia chính là những người theo thuyết duy tâm New Age (Tân Kỷ) đang cố cứu vớt thế giới khỏi hủy diệt nhờ vào sức mạnh tâm linh.

Bức ảnh thứ hai đập ngay vào mắt Gabriel. Đó là hình ảnh Mimi gối đầu trên chiếc gối màu hoa oải hương, mắt nhìn chằm chằm vào ống kính. Má cô áp vào khuôn mặt của một người đàn ông giả vờ ngủ. Chiếc mũ kéo sụp che kín đôi mắt, chỉ để hé lộ mũi, miệng và cằm anh ta. Gabriel biết rằng chừng đó đủ để các chuyên gia về nhận dạng khuôn mặt có thể xác định được một cách tương đối. Anh lấy ngay chiếc máy ảnh kỹ thuật số trong túi xách của ông Klemp và chụp lại bức ảnh đó.

Anh quay trở lại bàn làm việc. Việc tải dữ liệu đã hoàn tất. Anh lấy chiếc đĩa ra khỏi ổ và tắt máy. Sau đó anh liếc nhìn đồng hồ. Anh đã ở trong căn hộ này bảy phút, quá hai phút so với dự tính. Anh bỏ chiếc đĩa vào trong túi, bước ra cửa và ngừng lại một lát để quan sát trước khi bước ra ngoài.

Cầu thang trống không, tiền sảnh cũng vậy, trừ gã gác cổng người Nubia chúc Gabriel một đêm tốt lành khi anh đi ngang qua và bước xuống đường. Quinnell đang ngồi trên mui xe hút thuốc với vẻ mặt thờ ơ. Đúng phong cách một nhà báo chuyên nghiệp, ông ta không hề có chút phản ứng khi Gabriel rẽ trái và bắt đầu đi về phía cầu Tahrir.

Sáng hôm sau, ông Herr Klemp đổ bệnh. Sau khi nghe qua các triệu chứng, ông Katubi chẩn đoán đây là chứng rối loạn đường ruột do vi khuẩn trong tự nhiên gây ra và dự đoán nó sẽ kéo theo những cơn đau thắt. Tuy nhiên nó cũng sẽ nhanh chóng biến mất. Ông Klemp rên rỉ. “Cairo đã phản bội tôi. Tôi đã bị thành phố này quyến rũ và đây là cách nó đáp trả tình° yêu đó của tôi”.

Dự đoán của ông Katubi về sự hồi phục nhanh chóng hoàn toàn sai lầm. Cơn đau đường ruột đã hành ông Klemp suốt mấy ngày đêm. Bác sĩ được mời đến khám và kê toa nhưng dường như không đem lại hiệu quả gì. Ông Katubi dẹp ngay ác cảm đối với ông Klemp và đích thân đảm nhận trách nhiệm săn sóc vị khách này. Ông tự mình pha chế một bài thuốc gia truyền với thành phần gồm khoai tây nhuyễn luộc với nước chanh và muối trong suốt ba ngày liền.

Bệnh tật khiến thái độ ông Klemp dịu hẳn đi. Ông cởi mở với ông Katubi và thậm chí tỏ ra áy náy khi những người phục vụ phải cọ rửa cái phòng tắm hôi hám của mình. Thỉnh thoảng, khi bước vào phòng, ông Katubi thấy ông Klemp ngồi trên chiếc ghế bành cạnh cửa sổ, đôi mắt mệt mỏi hướng về phía bờ sông. Nhưng hầu như chỉ thấy ông nằm ủ rũ trên giường. Để giải tỏa bầu không khí ngột ngạt này, ông Klemp thường nghe nhạc và các bản tin tiếng Đức trên chiếc đài sóng ngắn qua chiếc tai nghe nhỏ để không làm phiền những người khác. Ông Katubi cảm thấy nhớ nhớ con người và tính cách khó chịu của ông Johannes Klemp trước đây. Đôi khi Katubi ngước lên khỏi quầy tiếp tân trên tiền sảnh và mong gặp lại vị khách người Đức gắt gỏng bước rầm rập ngang qua sàn cẩm thạch với vạt áo thẳng tưng và cái quai hàm cương lên đầy thách thức.

Vào buổi sáng đúng một tuần sau ông Klemp đổ bệnh, ông Katubi gõ cửa phòng và ngạc nhiên với giọng nói khỏe khoắn từ phía trong vọng ra. Ông mở khóa và bước vào. Ông Klemp đang đóng gói hành lý.

“Cơn đau đã dứt rồi ông Katubi ạ”.

“Ông có chắc không?”

“Chắc chắn như bất cứ người nào rơi vào hoàn cảnh tương tự như vậy”.

“Tôi lấy làm tiếc là Cairo đã đối xử với ông tệ như thế này, ông Klemp ạ. Tôi cho rằng quyết định kéo dài sự lưu trú của ông ở đây hóa ra lại là một sai lầm”.

“Có thể Katubi, nhưng tôi không phải là người cứ gặm nhấm mãi quá khứ và ông cũng không nên vậy”.

“Đó là một loại bệnh Arập, ông Klemp ạ”.

“Chuyện vặt vãnh thôi mà ông Katubi”. Ông Klemp đặt chiếc máy phát thanh sóng ngắn của mình vào túi xách và kéo khóa lại. “Sau cơn mưa trời lại sáng”.

Chiều hôm đó, ở Frankfurt trời mưa khá to. Viên phi công của hãng Lufthansa liên tục thông báo. Anh ta đã cảnh báo về tình hình thời tiết khi họ vẫn còn trên mặt đất ở Cairo, và lần thứ hai trong suốt chuyến bay, anh tiếp tục cung cấp những thông tin cập nhật buồn tẻ. Gabriel vẫn chăm chú lắng nghe cái giọng nói nặng nề của viên phi công. Nó khiến anh thôi không nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ để tính toán thời gian xảy ra cuộc tàn sát những người dân vô tội tiếp theo của Khaled. Khi họ gần đến Frankfurt, anh dựa đầu vào tấm cửa kính và nhìn ra bên ngoài với hy vọng tìm thấy những tia sáng đầu tiên của đồng bằng Nam Đức, nhưng trước mặt anh u ám một màu đen. Chiếc máy bay lao thẳng vào những đám mây. Nhìn những vệt nước mưa giăng ngang đầy cửa sổ, Gabriel liên tưởng ngay đến những đợt bày binh bố trận của đội quân Khaled cho cuộc tấn công tiếp theo. Rồi đột nhiên, đường băng xuất hiện, một dải cẩm thạch đen bóng chầm chậm nuốt chửng lấy chúng.

Anh tìm một trạm điện thoại ở sân bay và quay số đến một công ty vận chuyển ở Brussels. Anh nhận mình là Stevens, một trong nhiều cái tên tự xưng trên điện thoại của anh và yêu cầu được nói chuyện với ông Parsons. Một loạt âm thanh lạch cạch và ậm ừ ở đầu dây bên kia, tiếp đó là giọng nữ lạnh nhạt nhẹ vang lên. Gabriel biết cô ta hiện đang ngồi tại phòng Kiểm soát hoạt động trong tổng hành dinh ở đại lộ King Saul.

“Anh cần gì?”, cô ta hỏi.

“Tôi muốn nhận dạng giọng nói”.

“Anh có bản ghi âm chứ?”

“Có”.

“Chất lượng như thế nào?”

Vì không muốn ai hiểu nội dung trao đổi, Gabriel dùng tiếng Do Thái cổ để trả lời ngắn gọn những yếu tố kỹ thuật về giọng nói mà anh đã ghi âm được.

“Anh vui lòng cho chạy bản ghi âm”.

Gabriel nhấn nút CHẠY và giữ máy ghi âm áp trên ống nói của điện thoại. Giọng nam, tiếng Pháp chuẩn.

“Là tôi đây. Hãy gọi cho tôi khi có thể. Không có gì gấp cả. Chào".

Anh hạ thấp chiếc máy ghi âm xuống và áp tai vào ống nghe lần nữa.

“Không trùng với hồ sơ nào cả”, người phụ nữ đó nói.

“Nhờ cô so lại với giọng âm chưa xác định mã số 698/D”.

“Anh chờ chút”. Một lát sau Gabriel đã nghe thấy điều mình mong muốn. “Trùng khớp”.

“Tôi cần số điện thoại gọi đến”.

Gabriel đặt cuộc chặn thứ hai vào. Sau đó nhấn nút CHẠY và giữ máy ghi âm áp vào điện thoại lần nữa. Đó là giọng của Mimi Ferrere thực hiện một cuộc gọi quốc tế từ chiếc điện thoại trong phòng làm việc của cô ta. Sau khi con số cuối cùng được nhấn, Gabriel nhấn nút dừng.

Người phụ nữ phía đầu bên kia đọc lại con số: 0033 9154 6798. Gabriel biết số 33 là mã nước của Pháp và 91 là mã vùng của Mác-xây.

“Hãy tìm cho tôi địa chỉ đó”, anh nói.

“Anh chờ chút”.

Hai phút sau người phụ nữ nói: “Số điện thoại đăng ký là của ông Paul Véran, ở số 56 đại lộ Rémy, Mác-xây”.

“Tôi cần xác định một giọng khác”.

“Chất lượng thế nào?”

“Vẫn như cũ”.

“Anh chạy bản ghi âm đi”.

Gabriel nhấn nút CHẠY, nhưng lần này giọng âm bị át đi bởi âm thanh của bản thông báo an ninh bằng tiếng Đức, nó réo inh ỏi ở đầu dây bên kia: Achlung! Achlung!. Khi tiếng ồn chấm dứt, anh nhấn nút CHẠY lần nữa. Lần này là giọng của một phụ nữ, nghe rất rõ.

“Em đây. Anh đang ở đâu vậy? Hãy gọi cho em khi có thể nhé. Yêu anh nhiều”.

Dừng.

“Không trùng hồ sơ nào cả”.

“So với giọng âm chưa xác định số 572/B”.

“Anh chờ chút”. Sau đó lại là một kết quả khả quan. “Trùng khớp”.

“Vui lòng ghi lại, đối tuợng của mã âm trên là Mimi Ferrere. Địa chỉ là 24 đường Brazil, căn hộ số 6A, Cairo”.

“Tôi đã ghi vào hồ sơ. Thời gian của cuộc gọi này là bốn phút ba mươi hai giây. Anh còn điều gì khác nữa không?”

“Tôi nhờ cô chuyển một tin nhắn cho Ezekiel”.

Ezekiel là mã điện thoại quốc tế cho ban Giám đốc điều hành.

“Lời nhắn là gì?”

“Người bạn của chúng ta đang ở Mác-xây. Chính là địa chỉ cô đã cho tôi”.

“Số 56 đại lộ Rémy phải không?”

“Đúng vậy“, Gabriel nói. “Tôi cần chỉ dẫn của Ezeikiel về nơi hành động”.

“Anh đang gọi từ sân bay Frankfurt phải không?”

“Phải”.

“Tôi sẽ kết thúc cuộc gọi này. Anh hãy chuyển sang một vị trí khác và gọi lại trong vòng năm phút nữa. Tôi sẽ có chỉ dẫn cho anh sau”.

Gabriel gác điện thoại. Anh đến sạp báo và mua một tạp chí tiếng Đức, sau đó đi một quãng ngắn qua sân bay đến một quầy điện thoại khác. Cũng cùng một số, cùng những tiếng lách cách, cùng một cô gái ở Tel Aviv.

“Ezekiel muốn anh trở về Rome”.

“Rome? Tại sao lại là Rome?”

“Anh biết là tôi không thể trả lời câu hỏi đó của anh mà”.

Không vấn đề gì. Gabriel đã biết câu trả lời là gì.

“Tôi nên đến đâu?”

“Căn hộ gần quảng trường Piazza di Spagna. Anh biết nó không?”

Gabriel biết căn hộ đó. Đó là một căn phòng an toàn và xinh xắn nằm không xa nhà thờ Trinità dei Monti là mấy.

“Có một chuyến bay từ Frankfurt đến Rome trong hai giờ nữa. Chúng tôi đã đặt vé cho anh”.

“Cô có muốn biết số thẻ khách hàng thường xuyên của tôi không?”

“Gì cơ?”

“Thôi bỏ đi”.

“Chúc chuyến đi an toàn “, cô gái nói và đường dây hoàn toàn mất tín hiệu.

Chú thích

________________________________________

1. Feluc: loại thuyền buồm nhỏ thường xuất hiện ở vùng Địa Trung Hải

Bình luận





Chi tiết truyện