chương 28/ 49

Mệt mỏi thấm tận tim gan, thế nhưng Na Lan vẫn mất ngủ. Những chuyến đi vất vả gần đây, những "thông tin" mà cả đời cô cũng không muốn biết cứ tràn vào, làm đảo lộn giấc ngủ vốn rất ổn định của cô. Hai đêm trước chỉ là ngủ chập chờn, nhưng đêm nay thì không nhắm được mắt.

Trằn trọc mãi không rõ bao lâu, cuối cùng Na Lan quyết định để đồng hồ sinh học đầu hàng. Cô nhẹ nhàng ngồi dậy, định vào buồng tắm rửa mặt thì chợt nghe tiếng mở cửa ở nhà dưới, tuy khẽ nhưng rất rõ ràng.

Chắc Tần Hoài cũng không ngủ được?

Cô cũng đang muốn xuống bếp rót ít nước uống, bèn chân trần đi xuống. Hai người mất ngủ gặp nhau, sẽ thế nào? Bật đèn ngồi nói chuyện suông chăng? Nên nhớ đang là thời đại ái tình chớp nhoáng. Cô do dự, bước trở lại mấy bước, nhưng rồi cô vẫn đi xuống.

Dưới nhà vắng tanh.

Sau tiếng mở cửa lúc nãy, chắc Tần Hoài đã đi ra ngoài, đứng ở vườn hoa thổn thức với bầu trời đêm. Na Lan bước đến cửa thì nhận ra cửa khóa, nhưng hệ thống an ninh gắn bên cạnh đã bị tắt. Cô nhớ rõ ràng hồi tối sau khi cả hai cùng về đến nhà thì Tần Hoài đã bật nút thiết bị an ninh, chắc đúng là anh ta đã ra ngoài và chỉ lát nữa sẽ quay vào.

Nhưng thật kỳ lạ, nhìn kỹ thì thấy cửa khóa trong, chứng tỏ không có ai đi ra ngoài cả.

Na Lan bỗng nhớ ra, mỗi tối sau khi bơi về đảo Hồ Tâm, hai người đều vào nhà bằng cửa bên, đi qua nhà để xe.

Cô mở cửa bên, bật đèn, xe vẫn còn đây nhưng hình như trong nhà xe này thiếu một thứ gì đó.

Cô nhìn khắp lượt và dần nhớ ra, hai bộ thiết bị lặn vốn treo trên tường lúc này chỉ còn một bộ. Một ý nghĩ vụt hiện lên, cô trở vào gian toa-lét ở cạnh cửa bên, hai bộ áo lặn của cô và Tần Hoài treo trong này giờ chỉ còn một bộ của cô, nghĩa là bộ áo lặn của anh ta và bộ thiết bị lặn trong nhà để xe đã cùng biến mất.

Chỉ có một khả năng là Tần Hoài ra hồ lặn rồi.

Lặn lúc nửa đêm? Sở thích kiểu gì vậy?

Na Lan nhìn đồng hồ đèn LCD trên màn hình của hệ thống an ninh, 0 giờ 41 phút. Lưỡng lự giây lát, rồi lại nhìn bộ áo lặn cô đơn treo phía trên phòng tắm.

Tần Hoài, anh còn bao nhiêu điều bí mật nữa?

Na Lan cầm bộ áo lặn, đi vào nhà để xe nhấc bộ thiết bị lặn xuống, rồi rào bước ra khỏi cửa.

Trong màn đêm, không thấy bóng Tần Hoài, chẳng rõ anh ta ra chỗ nào để xuống nước. Không nghĩ ngợi nhiều nữa, cô đi theo lối đi quen thuộc mọi ngày. Xách bộ áo lặn và bộ thiết bị lặn cả thảy nặng đến mấy chục cân, cô không tin mình có thể chạy được. Chạy được một quãng thì phía trước xuất hiện
một bóng đen quen thuộc.

Đi thêm một đoạn nữa, nhìn thấy Tần Hoài rẽ vào một lối cô chưa từng đi, rồi bước vào mảnh rừng nhỏ, trong này cũng có vài hộ gia đình. Bốn bề không đèn đóm gì, chỉ có ánh trăng mờ xuyên qua lá cành rọi xuống hai bóng người lầm lũi.

Đến bờ hồ, Tần Hoài bắt đầu thay áo. Na Lan ngớ ra, cố nhớ lại hai tiết học về lặn cách đây ít nhất hai năm, nói về cách đeo mặt nạ, cách nối ống thở, cách xử dụng bình ô-xy và điều chỉnh van... Cô mong sao Tần Hoài đừng lặn sâu trăm mét, kẻo cô chỉ còn cách nhìn làn nước mà thở dài.

Cô đứng chỗ không xa, lóng ngóng "vũ trang" cho đủ bộ. Tần Hoài thì làm rất nhanh gọn thành thạo rồi xuống nước luôn. Đợi anh ta khuất dạng, Na Lan xách đôi chân nhái rảo bước đến bờ để xuống theo, suýt quên cả đi chân nhái.

Dưới nước cũng tối đen như mực.

Trên trán mặt nạ gắn chiếc đèn rọi. Na Lan hơi do dự Tần Hoài thì đang ở phía trước, đèn này yếu không thể rọi xa, sẽ không làm anh ta phải cảnh giác.

Đúng thế, đèn này chỉ có thể hỗ trợ thị giác, đủ để Na Lan nhận ra bóng đen đang di chuyển ở phía trước không xa. Bóng đen ấy lặn xuống rất nhanh, Na Lan thấy buồng cho mình chỉ là lính mới trong lĩnh vực lặn, cô biết, lính mới nếu lặn xuống quá nhanh thì rất dễ rơi vào trạng thái giảm áp. Tần Hoài là "thợ lặn" rồi nên thừa sức khống chế tốc độ, sao cho vừa lặn nhanh vừa an toàn.

An toàn là hàng đầu. Na Lan từ từ lặn xuống. Bóng đen phía trước mỗi lúc một mờ nhạt. Rồi không thấy đâu nữa.

Na Lan cứ thế lặn xuống, không có chủ đích. Cô nhìn đồng hồ đo độ sâu: 31m. Hồ Chiêu Dương sâu thật. Người mới tập lặn không nên xuống quá sâu. Xuống đến 40m là có kỹ thuật khá rồi, lúc lên phải vận dụng kỹ thuật để tránh hiện tượng giảm áp. Nhưng cô chỉ biết trên lý thuyết là thế chứ không hề có kinh nghiệm gì. Cô liều lĩnh tiếp tục lặn xuống sâu, vẫn không thấy bóng Tần Hoài. Cô cố nhớ lại, đoạn đường vừa rồi hình như đều ở ven đảo, chứng tỏ Tần Hoài định đến một nơi không xa đảo Hồ Tâm là mấy.

Lúc này cô nhận ra mình đã chạm đáy hồ.

Nói cho đúng hơn, cô chạm vào một tảng đá ngầm ở đáy hồ. Tảng đá này cùng nhiều tảng đá khác tương tự, liền kề với một khối đá lớn hơn nhiều – thực ra chính là chân đề của hòn đảo Hồ Tâm. Lúc này cô nhìn thấy rất rõ cái bóng đen quen thuộc kia. Tại sao anh ta lại lặn đến đây?

Vì kho báu Bá Nhan chứ còn gì nữa!

Nhưng cô lập tức gạt bỏ ý nghĩ vớ vẩn này. Câu chuyện cổ xưa Phượng Trung Long đi tìm kho báu chỉ thuần túy là một truyền thuyết bí hiểm, là chuyện

bịa đặt.

Cô vừa nghĩ xong thì Tần Hoài lại biến mất. Cái bóng đen mờ ảo ấy như đã hòa tan trong làn nước hỗn độn.

May mà vẫn còn nhớ hướng anh ta mất hút, cô bèn nhoài về phía đó. Ánh đèn trên mũ rọi lên một vách đá trước mặt, một khe đá cao bằng hai thân người khiến cô chú ý. Cô áp đến vách đá, tức là thân hòn đảo, khe đá rộng vừa đủ cho một người lách vào.

Na Lan tiến vào.

Khe đá dần rộng ra, thành một cái hang mà bốn bề đều là đá lồi lõm nhấp nhô. Nhờ ánh đèn soi đường, cô không bị va đập vào vách hang lởm chởm. Trong hang ngập nước là đương nhiên, vì nơi này ở độ sâu 30m. Cô từ từ nổi lên phía trên. Phải từ từ, kẻo sẽ trở thành nạn nhân của hiện tượng giảm áp. May sao vách đá hang không thẳng đứng mà lúc rộng lúc hẹp, quá trình nổi lên phải lượn rẽ khá nhiều.

Chẳng rõ bao lâu, cuối cùng Na Lan cũng đã nổi lên trên. Bốn bề vẫn là tối đen, ngoại trừ ánh đèn rọi. Cô đoán rằng mình đã lên độ cao bằng mực nước của hồ. Vậy là trong thân đảo này có một khoảng không. Cô tìm đường để bám mà leo lên trên, nhưng đây chỉ nhìn thấy vách đá xám đen, nóc hang cách đầu cô nửa mét. Ở đây không có lối lên.

Vậy thì Tần Hoài đi đâu rồi?

Na Lan lại quan sát kỹ nóc hang, nhận ra một điều không bình thường: chính giữa nóc hang có một phiến đá nhẵn nhụi khác hẳn bề mặt đá xung quanh, rõ ràng là do con người làm ra; giữa nó lại có một vết lồi như gờ bám, nếu bám vào nó, rất có thể kéo, xê dịch hoặc đẩy phiến đá này.

Cô đưa hai tay lên nắm chặt chỗ lời của phiến đá rồi đẩy, không nhúc nhích; kéo, cũng vô ích; xoay, thì nó mở ra.

Thì ra đây là một cái cửa, dùng phiến đá hình tròn để che lại. Cô mím môi đẩy phiến đá khá nặng này sang một bên rồi bò lên, vào hang.

Bên trong tối đen nhưng có lối để tiếp tục lên phía trên nữa. Để tránh không bị ngã thâm tím mặt mày, cô tháo chân nhái ra. Tiếc rằng lúc trước quá vội vàng, không đem theo đôi giày thích hợp để đi trên đá sắc nhọn, cũng quên cả đi bít tất chuyên dùng, bây giờ chỉ còn cách đi chân trần vậy. Sự tò mò mãnh liệt khiến Na lan quên cả đau chân, tiếp tục từng bước tiến vào sâu hơn.

Có ánh sáng yếu ớt xuất hiện.

Cô lập tức tắt đèn rọi, nhưng không thể kiểm soát nổi con tim đang đập dồn dập. Cô hầu như có thể khẳng định ánh sát yếu ớt kia lại là một điều bí mật của Tần Hoài.

Đôi lúc cô từng nghĩ Tần Hoài sẽ mãi mãi giữ
thật kín mọi bí mật, không bao giờ công khai cho cô biết. Hồi nọ cô vô tình đụng đến cái bí mật kia, suýt nữa bị bóp cổ chết nghẹt, rồi được biết một câu chuyện bi thảm. Nhưng lần này thì sao? Nếu trong kia đúng là Tần Hoài, cô bị anh ta phát hiện, thì sẽ thế nào?

Cách khôn ngoan nhất là, dù trong kia là ai, ta nên lặng lẽ trở về trước khi bị họ phát hiện ra; rồi chờ dịp khác sẽ lặn vào đây khảo sát kỹ xem có gì lạ không.

Nhưng đôi khi "có gì lạ" lại không quan trọng bằng "họ đang làm gì".

Tần Hoài đang làm gì?

Tần Hoài là một kho câu đố, anh ta sở hữu rất nhiều bí mật. Nhưng đáng nói nhất là "kho câu đố" Tần Hoài lại lẳng lặng âm thầm lặn vào trái tim Na Lan, cô có biết nhưng không có cách gì chống đỡ. Na Lan quyết định đi về phía ánh sáng kia, và không thể biết cái gì sẽ chờ đón cô.

Từ từ bước đến gần, cô thấy run run. Cô đã thầm suy đoán, tưởng tượng sẽ bắt gặp một cảnh tượng kinh hãi rụng rời nào đó, cô đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, nhưng không ngờ trước mắt lại là khung cảnh như thế này:

Ngọn đèn cô độc hắt bóng Tần Hoài lên vách đá, trông chẳng khác gì một hồn ma, cực kỳ khó hiểu. Nhưng các vật dụng bày và treo khắp xung quanh và trên các mỏm đá lồi ra thì rất rõ ràng và dễ nhận biết.

Quảng Diệc Tuệ.

Ảnh, áo quần, bàn trang điểm, giá sách... tất cả đều là của Diệc Tuệ.

Thậm chí có cả một bộ áo lặn của Diệc Tuệ nữa.

Na Lan chưa từng thấy cảnh này, trong một không gian khép kín lại bày lắm kỷ vật về một con người như vậy. Ở đây có cả trăm cái khung ảnh, ảnh thiếu nữ Diệc Tuệ xinh tươi như mộng, ảnh mùa hè mặc áo bơi cùng Tần Hoài bá vai nhau đứng trên bờ nước, ảnh mặc váy cưới tuyệt mỹ rạng rỡ sáng ngời chụp trong ảnh viện...

Tần Hoài đang đứng giữa kỷ niệm về Diệc Tuệ, đứng giữa bao nỗi nhớ về Diệc Tuệ, như ngất ngây, quên đi tất cả.

Tại sao cứ phải ở đây? Tại sao không đặt ở căn phòng của biệt thự nơi có ánh sáng mặt trời, có gió hồ nhẹ đưa?

Ở chính giữa treo một bức ảnh cỡ lớn, Tần Hoài đang đứng che khuất, Na Lan cố nghé nhìn, thấy đó là bức ảnh hai người Tần Hoài và Diệc Tuệ, hình như là ảnh tự chụp bằng máy kỹ thuật số. Cả hai đều mặt bộ đồ lặn, kính lặn kéo lên trên đỉnh đầu, hình như là cảnh trong một hang động.

Chính là cái hang này!

Na Lan đã hơi hiểu ra tại sao trong nhà Tần Hoài không có một dấu hiệu ký ức nào về Quảng Diệc Tuệ, tại sao anh ta phớt lờ người ngoài hiểu lầm mình. Bởi vì tình yêu ấy, nỗi nhớ ấy chỉ thuộc về anh ta, hết sức riêng tư. Các fan hâm mộ, những người
như Phương Văn Đông, Hải Mãn Thiên, các trợ lý sáng tác... có thể tha hồ ra vào nhà Tần Hoài, nhưng cái hang dưới đáy hồ này thì người ngoài không thể vào. Nơi đây thuộc về anh ta, thuộc về hai người. Có thể đây là phát hiện chung của hai người, họ gửi gắm ở đây bao tình cảm quyến luyến và lời thề son sát sinh tử có nhau mãi mãi.

Na Lan cũng đã hiểu ra tại sao Ninh Vũ Hân nói rằng Tần Hoài mang tiếng xấu là kẻ chơi bời là do chính anh ta cố ý làm thế trước mặt thiên hạ, cũng đã hiểu tại sao Vũ Hân lại yêu Tần Hoài, và tại sao "hễ gặp Tần Hoài – lỡ cả một đời".

Vấn đề là ở chỗ trước khi mắc sai lầm rồi tan nát cuộc đời, cũng tức là khi chưa phát triển thành căn bệnh thích nhòm ngó đời tư người khác, thì con người ta nên dừng lại.

Na Lan rất hối hận vì những phát hiện tối hôm nay. Cô chẳng thà vẫn tiếp tục đinh ninh rằng Tần Hoài là gã Don Juan mất hết nhân tính, còn hơn là biết rõ tình cảnh đau thương này.

Cô lặng lẽ lui ra. Toàn thân vẫn hơi run rẩy vì chấn động tinh thần dữ dội, nhưng cô tin rằng mình đã vào – ra tuyệt đối không tiếng động, vì Tần Hoài vẫn đứng im phăng phắc như vách đá bên cạnh.

Trở về, rời bỏ, tránh xa anh ta càng xa càng tốt. Lúc này Na Lan nghĩ đến Ninh Vũ Hân, tiếc rằng không sớm quen nhau; giống như bạn cũ lâu ngày mới gặp, tôi có vô số điều muốn tâm tình với cô.

Chẳng rõ Vũ Hân có nhìn thấy cái bí mật này của Tần Hoài không? Dù chưa nhìn thấy thì cô ấy cũng thừa thông minh để nhận ra bên trong bộ áo đẹp nhưng bụi bặm của anh ta lại là một tâm hồn đau đớn cùng cực.

Na Lan mụ mẫn chui ra khỏi cửa hang, và đâu dám quên đóng cái phiến đá ấy lại. Phiến đá có gờ ngàm khít vào khe, tiệp màu với bề mặt nham thạch xung quanh. Phải là tay thợ cực giỏi mới làm nổi, thận chí phải nhờ đến máy móc nữa. Tần Hoài có thể tự làm được không?

Đây là thánh địa của Tần Hoài kỷ niệm Quảng Diệc Tuệ. Cửa đá này muốn nhắc người đời: không phận sự miễn vào!

Na Lan trở ra theo lối cũ, lặn xuống cái hang chật hẹp ngập nước, ra đến đáy hồ, sau đó từ từ nổi lên. Lòng ngổn ngang trăm mối, cô cứ như người mộng du. Lúc trước vì mải bám theo Tần Hoài, cô không để ý kỹ dấu vết phương hướng, cho nên lúc này có cảm giác mình đang lặn ở một thế giới dưới nước hoàn toàn khác, xung quanh hết sức xa lạ.

Cô đã lạc đường dưới đáy nước.

Nhưng cô không mấy lo lắng, cô tự nhủ mình cứ kiên trì từ từ nổi lên mặt hồ, nhận rõ phương hướng đảo Hồ Tâm rồi bơi về, vẫn còn dư sức.

Nhưng cô đã đánh giá thấp hậu quả của lạc đường. Không
hiểu sao cô cảm thấy dưới làn nước tối đen này không chỉ có một mình cô. Vô số cá lớn cá nhỏ lướt ngay bên cạnh, nhưng không đáng ngại, chúng là những sinh vật chỉ mải tự lo thân. Tim cô đập mỗi lúc một nhanh vì cô cảm thấy có một sức mạnh nào đó trong bóng tối đang theo dõi cô. Không nhìn thấy mắt của nó nhưng nó đang ở khắp xung quanh.

Lúc này là nửa đêm, mấy hôm nay thiếu ngủ, hiện tượng giảm áp khi ngoi lên khiến tuần hoàn não bị rối loạn, có lẽ đều là những nhân tố khiến cô cảm thấy choáng váng hoang mang khác thường.

Na Lan lim dim mắt, tạm nín không thở vòi ô-xy, cảm thấy đầu óc đã ổn định trở lại. Cô tiếp tục đạp chân nhái để nổi lên. Lúc này cô mới biết nguồn cơn của nỗi sợ hãi.

Một cái gì đó như thể đôi tay đã tóm chặt mắt cá chân và bắp chân của cô. Cô giãy giụa, nhưng chân càng bị nắm chặt hơn, nó kéo cô xuống phía đáy hồ. Cô bật đèn rọi trên đầu soi xuống thì không nhìn thấy ai, điều này lại càng khiến cô bất an. Không có ai. Chỉ mình cô đối kháng với thế lực vô hình kia.

Cô kìm nén nỗi sợ đang bắt đầu dâng cao, cúi nhìn kỹ một lần nữa. Thì ra kẻ tấn công cô chẳng phải thứ gì vô hình mà là một đám cỏ nước. Thềm đáy đảo ở đây hơi cao, cỏ nước rậm rạp và mọc rất dài, đám tôm cá hình như đang lạnh lùng bơi qua bơi lại ngắm nhìn "con vật" to xác đang mắc nạn.

Cô thử cố lần nữa. Những sợi cỏ nước ở dạng dây leo rất dai, mọc đan xen chằng chịt, không thể dứt đứt hay gỡ bỏ. Rối tinh rối mù như tâm trạng cô lúc này.

Điều duy nhất cô nghĩ đến là sinh tồn. Phải có lưỡi dao hoặc vật gì đó sắc nhọn để cắt đám cỏ nước này. Cô lục túi quần của bộ đồ lặn, không có thứ gì, lại đành đạp chân giãy giụa nhưng kết quả vẫn như trước, càng giãy càng bị thít chặt hơn.

Na Lan cố trấn tĩnh, ôm cái bình khí kéo về phía trước, soi đèn nhìn đồng hồ, cô giật mình choáng váng. Chắc lúc trước nó chỉ được nạp khí một nửa bình, nên lúc này coi như đã cạn.

Lẽ nào đời mình kết thúc ở đây? Và sẽ là thêm một lần minh chứng cho câu "gặp Tần Hoài – lỡ cả một đời"? Hoặc sẽ là một ví dụ sống cho câu nói "con mèo chết vì tò mò"? Cô không thể chấp nhận, cô tiếp tục giãy đạp.

Nhưng vẫn thế, càng giãy càng bị thít chặt.

Cô nhắm mắt, trào lệ. Không giãy đạp nữa, mặc kệ cho hồn lìa khỏi xác mà bồng bềnh trong sóng nước.

Sao? Mình đã nổi lên?

Na Lan mở to mắt, cúi đầu, rồi nhìn thấy một bóng người quen thuộc.

Tần Hoài đang cầm con dao chuyên dùng cho thợ lặn. Vừa nãy anh đã cắt đám cỏ nước ấy, anh giơ tay hiệu để Na Lan yên tâm rồi từ từ nổi lên, sau đó lại chỉ vào mình, ra hiệu Na Lan hãy theo sau anh.

Cô như một đứa bé bị bắt quả tang đang ăn cắp đồ, đỏ chín mặt, may sao mặt nạ đã che giấu hộ. Nhưng cô chẳng biết nên mở miệng nói gì với Tần Hoài.

Tần Hoài đưa Na Lan lên bờ, tháo mặt nạ và ống thở ra. Na Lan nói: "Xin lỗi anh... tôi..."

"Khỏi cần. Tôi mới nên xin lỗi. Lẽ ra tôi nên sớm cho cô biết tất cả mới đúng."

Bình luận





Chi tiết truyện