chương 146/ 166

Sau bữa ăn, tôi giúp nàng rửa chén và dọn dẹp trước khi cả hai cùng đi dạo ngoài sân cho dễ tiêu.

Rất nhanh chóng, Lam Ngọc liền sà vào chiếc xích đu ngoài đó mà đẩy đưa những vòng đều đều. Hình ảnh đó ít nhiều cũng làm tôi nhớ lại bé gấu trước đây cũng từng hay chơi đánh đu như thế. Những lúc như vậy nàng thường ngâm nga một câu hát quen thuộc rồi đung đưa đôi chân bé xíu theo chiếc xích đu, tay vẫn ôm khư khư con gấu.

Tôi đứng tựa lưng vào chiếc cột nhà cạnh đấy, nghe những cơn gió thoảng xuyên qua hàng rào. Nó thổi nhè nhẹ vào người nàng làm cho mái tóc lại bay phấp phới trên không, những lần đó, hương hoa ngào ngạt lại thoang thoảng trong mũi tôi thật đằm thắm.

Tôi không biết là do nhà nàng trồng hoa hay chính là hương hoa lily trên người nàng tỏa ra. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, hương hoa đó không bao giờ tắt mỗi khi tôi đứng cạnh nàng, nó luôn hiện hữu ngay cả trong tâm lí tôi, và ngay cả những lúc nàng không có ở quanh tôi.

Bỗng dưng một giọt nước mắt xuất hiện trên khóe mắt nàng, nó chảy dài xuống chiếc má bầu bĩnh. Nhưng tôi đã kịp chặn lại không cho nó chảy vào đôi môi đang mím lại của nàng. Tôi vội vàng ngồi xuống cạnh bên:

-Sao thế Ngọc, đang khóc à?

-Không đâu, bụi bay vào mắt đó…

Tôi gạt đi ngay:

-Thôi đừng giấu Phong, có chuyện gì kể Phong nghe đi!

Nàng ngập ngừng một lúc rất lâu. Hết nhìn cổng rồi lại nhìn hàng lily cạnh bên và chỉ chịu dừng lại ở một nơi, đó là mặt đất. Nàng cuối mặt xuống, ríu líu những ngón tay đan lại. Đôi môi cứ mấp mía như nửa muốn nửa không

Thật ra người mẹ hiện giờ của Lam Ngọc, không phải là mẹ ruột của nàng. Nói cách khác, cha của nàng đã bước thêm bước nữa với một người phụ nữ khác. Đó cũng chính là thư kí của ông trong công ty và kém ông đến 10 tuổi. Tôi không muốn bình luận nhiều về điều này, bởi chính Lam Ngọc cũng không muốn thế. Nàng rất tôn trọng niềm vui của ba mình, với lại người phụ nữ đó cũng không phải là người xấu. Từ khi về nhà bà ấy hết mực chăm lo cho ông và cũng không ghẻ lạnh Lam Ngọc như nhưng điều mà người ta hay nói về mẹ kế. Chính vì lí do đó mà Lam Ngọc dần có cảm tình với người phụ nữ này hơn và chấp nhận gọi bà là mẹ.

Điều đáng nói ở đây là về việc uống rượu của ba nàng, nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính cảm gia đình. Mẹ của nàng vẫn ở bên ngoại, chứng tỏ ba nàng vẫn chứng nào tật nấy. Nàng lo sợ rồi một ngày nào đó, những hình ảnh của 10 năm trước sẽ lặp lại. Và chính tôi cũng sợ rằng nếu chuyện đó có xảy ra thật thì có mười thằng Phong như tôi cũng chẳng thể điều trị nỗi cho nàng nữa.

Thế nên tôi cố gằn giọng thật chính chắn cốt chỉ để Lam Ngọc thấy vững tâm hơn:

-Ngọc này, hay bữa nào rảnh Ngọc dẫn Phong sang nhà mẹ chơi nhé?

Tôi thấy đôi mắt của Lam Ngọc bỗng se lại nhìn tôi một cách rất đỗi ngạc nhiên. Đáp lại ánh nhìn đó tôi chỉ biết cười, và uốn nụ cười của mình sao cho hiền hòa nhất. Tôi phải tưởng tượng mình như một ông tiên đang ban phát điều ước cho một cô bé bất hạnh. Chính điều đó đã làm Lam Ngọc bật cười:

-Phong muốn đi gặp mẹ Ngọc à?

-Muốn chứ, trước sau gì cũng gặp mà!

Tôi đáp một cái ngây ngô mà không hiểu tại sao hai má của nàng lại đỏ ửng lên. Nhưng sau một lúc chiêm nghiệm, tôi chợt nhận ra rằng mình lại hố hàng khi đề nghị như vậy. Việc đó chẳng khác nào đòi Lam Ngọc ra mắt mẹ vợ. Có lẽ nàng đã cảm nhận được điều đó và thể hiện ra hai bầu má mủm mỉm của mình.

Tất nhiên là tôi muốn giải thích với nàng lắm. Nhưng chính tôi cũng đang rối rắm thế này, chỉ sợ nếu giải thích sẽ càng rồi thêm. Thế nên đảnh sáng chuyện khác là biện pháp tốt nhất lúc này. Chợt nhớ về chuyện đá banh, tôi hí hửng:

-À mà ngày mai Ngọc đến xem tụi Phong tập đá banh chứ? Đội hình mới nên phải tập lại từ đầu!

-Mai à, đội nữ cũng tập vào ngày mai, chắc không được đâu!

-À Ngọc cũng trong đội mà quên mất.

Lam Ngọc chỉ cười. Một nụ cười xóa đi những bất cứ thứ gì có thể chia cách hai đứa. Ngắm nhìn hàng hoa lily, nàng nói bằng giọng dịu dàng:

-Khi nào rảnh Ngọc sẽ dẫn Phong sang nhà ngoại. Phong chịu chứ?

-Tất nhiên rồi!

Như chỉ chờ câu nói này của nàng, tôi hồ hởi đáp ngay mà không phải chần chừ một giây nào. Với tôi câu nói đó có nhiều ý nghĩa lắm. Nó cho thấy nàng đang tin tưởng và cần một sự giúp đỡ từ tôi. Vì thế tôi càng phải nổ lực tới cùng.

-Phong này, Phong có nhớ con gấu Ngọc đưa cho Phong tên gì không?

Nàng đột nhiên quay sang tôi tròn mắt.

-À…xin lỗi, chắc lâu quá Phong không nhớ rõ nữa?

Ấy thế mà nàng lại cười tươi đấm nhẹ vào ngực tôi:

-Thì Ngọc chưa nói cho Phong biết mà. Ngốc quá!

-Hả? vậy nó tên gì?

-Tên là Max, gấu bông Max!

-Ồ…ra là vậy!

Tội gật gù tiếp thu thêm một chuyện đáng nhớ trong đầu. Tôi đã quên lời hứa với Lam Ngọc 10 năm trước, hiện giờ tôi không muốn quên bất cứ thứ gì về nàng nữa. Cũng may là con gấu Max vẫn còn ở nhà, và một ngày nào đó chính tay tôi sẽ đưa nó trở về vòng tay cũng nàng, tôi mong nó sẽ giúp nàng nguôi ngoai về những chuyện đã qua, chỉ một phần nào thôi cũng được.

Tôi vẫn ngồi trên chiếc xích đu cạnh nàng, tiếp tục nghe hương hoa ngào ngạt trong gió. Có lẽ vì quá yên tĩnh nên tôi nghe rất rõ tiếng ngâm nga của Lam Ngọc. Vẫn tư thế đung đưa đôi chân, nàng đang ngâm nga bài hát mà cách đây 10 năm tôi đã từng nghe được.

Tôi không biết bài hát đó tên gì, có phải do nàng tự nghĩ hay một ai đó dạy cho nàng hay không nhưng quả thật là âm điệu bài hát nghe da diết lắm. Nó khiến trái tim tôi tan chảy ra như viên kẹo ngọt dưới ánh náng ấm áp.

Bữa đó tôi ở lại nhà Lam Ngọc thêm một tý để cùng nàng đung đưa trên chiếc xích đu ngoài sân và nghe bài ca của hoa. Thật ra thì hoa không hát đâu, chỉ khi gặp những cơn gió, chúng mới hát vang lên những âm thanh xì xào đầy hương thơm.

Bài ca của hoa không lạnh lẻo như bài ca của dòng sông. Nó còn mang theo mình hương thơm nhè nhẹ để chiều lòng những thính giả khó tính nhất. Thế nhưng với tôi cả hai đều hay và phù hợp với từng tâm trạng hiện hữu. Ta có thể tạm kết luận rằng nếu đang buồn ta sẽ nghe sông hát và nếu đang vui ta sẽ nghe hoa hát.

**Hết chương 145**

Chương 146:

Chiều hôm sau, tôi với tụi được chọn trong lớp bắt đầu quá trình luyện tập ráp đội hình đá banh.

Tất cả đều được đá vị trí mình mong muốn để có thể phát huy một cách tối đa nhất khả năng có được.

Để luyện tập, bọn tôi nhờ đến mấy thằng trong xóm thằng Huy làm đối thủ. Tất nhiên nó cũng có mặt trong đội hình và làm đối thủ của bọn tôi. Mất đi tiền vệ kiến tạo và cũng là chiến thuật gia Huy đô, bọn tôi phải tự mình bàn chiến thuật trước khi trận đấu bắt đầu.

Qua đó bọn tôi sẽ đá đội 6 người theo luật của trường. Thủ môn vẫn được giữ nguyên là Khanh khờ, hai hậu vệ là Khang Đinh và thằng Hiếu, tuyến giữa là Toàn phởn kim luôn đội trưởng và thằng Tiến, cuối cùng trung phong là tôi.

Tuy nhiên đây mới chỉ là đá luyện tập nên trước trận đấu tôi đã cắp vai thương thuyết với thằng Huy:

-Đội tao đá tập, tụi mày đá nương nương tý!

-Ờ, cái đấy tao biết! tao cũng muốn thử chân mấy thằng trong lớp mày mà!

-Ê, hai tụi bây nói cái gì đấy! nhanh nhanh tý nào!

Bên phía đội tôi Phú nổ đứng ngoài đường biên đã sốt ruột kêu réo lên.

Hôm nay thay vì ngồi vi tính chơi game, nó đã đến đây để xem trận đầu bọn tôi đá tập mà theo nó là để xông đất cho đội hình mới. Mà tính nó thì chả ai lạ gì nữa, lúc nào cũng bô bô cái miệng được. Tôi quay lại chẹp miệng:

-Từ từ mày, ngồi ngoài mà cũng hóng hớt!

-Sao không mạy, nắng quá!

Chẳng còn cách nào khác, tôi quay sang thằng Huy:

-Thôi, tao về đội đây!

-Ờ, rán bảo trọng nhe ku!

Lúc đầu tôi chẳng biết dụng ý trong câu nói của nó là gì. Nhưng chẳng bao lâu sau khi trận đấu bắt đầu, tôi đã hiểu ra ngay.

Bọn tôi được giành quyền giao bóng trước. Nhưng nhanh chóng sau thằng Bình bên đội kia đã tắc bóng từ chân của thằng Tiến một cách dễ dàng. Nó chuyền ngang sang thằng Bình để rồi từ đó phát động lên cho thằng Huy đang ở tuyến giữa.

Biết được mối hiểm họa mỗi khi thằng Huy có banh, Toàn phởn ngay lập tức lao đến tranh bóng không cho Huy đô cơ hội tung hoành. Giằng co được một lúc, Huy đô xoay người, dùng tấm lưng to bản của mình che đi tầm nhìn của Toàn phởn rồi ngay sau đó tạt ngang cho thằng đồng đội khác đang ở tuyến giữa.

-Hiếu, chặn nó lại! – Toàn phởn rống cổ chạy theo đường bóng.

Thằng Hiếu ngay lập tức lao lên cản phá bóng. Cả hai thằng áp sát khiến cho trái bóng bật ngược về phía thằng Khang ở tuyến dưới gần cấm địa.

Nếu như đó là thằng Bình hay thằng Tú thì bọn nó đã có thể không chế đường bóng đấy một cách gọn gàng và phát động một đợt phản công. Nhưng đây là Khang đinh, tôi thừa biết với lối chơi máu lửa của mình nó không thể nào bình tĩnh dẫn bóng được. Banh vừa tới chân nó co giò phá luôn lên trên. Nhưng do lực phá không mạnh, bóng đi sệt nên đã dễ dàng bị thằng Huy khống chế chỉ sau hai nhịp, một nhịp đỡ và một nhịp dốc bóng.

-Để tao!

Biết mình vừa phạm sai lầm, Khang đinh liền lao lên cản bóng. Với đà lao nhanh của Khang đinh, Huy đô chỉ việc ngoặc bóng sang biên rồi lại dốc bóng lao tiếp.

-Hiếu, kèm thằng tiền đạo sát vào!

Toàn phởn lại thét lớn. Nó lao nhanh ra biên chuẩn bị cho một pha tranh chấp tay đôi với Huy đô. Nhưng lại một lần nữa, khi Toàn phởn chưa kịp áp sát đến gần, Huy đô lại xoay lưng chuyền ngược về tuyến trên nơi có thằng đồng đội khác đang lao xuống.

-Tuyến hai đó, kèm sát nhanh!

Khi thằng Toàn nhận ra được và la lên, thằng đồng đội của Huy đô bên đội kia đã tiếp được bóng. Thật ra nó không tiếp bóng mà co giò sút luôn khi bóng còn sống.

Đường bóng đi rất căng, cả Khang đinh cách đó một khoảng xa vẫn không thể tung chân cản bóng được.

Bóng đi xuyên qua hàng phòng ngự đội tôi. Khanh khờ liền nhoài người đẩy bóng đi hết cỡ. Trái bóng bị đẩy chệch sang cột dọc nghe một tiếng boong rồi bật ra lăn long lóc trong vòng cấm.

Thằng Hiếu vội lao đến cản phá nhưng từ bên trái có một lực cực mạnh hất văng nó ra khỏi hướng chạy. Đó chính là thằng Huy. Nhờ vào thể hình to con của mình, Huy đô dễ dàng gạt phăng thằng Hiếu sang bên, qua đó lao đến sút bồi thêm một quả vào góc trên khung thành khiến thằng Khanh dù đã kịp ngồi dậy vẫn không thể với đến được.

-Vào 1-0…! – Huy đô giơ một ngón lên cười hền hệt.

-Gì vậy ba, bọn tao mới đá tập mà đá quyết liệt thế!

-Phải đá thế tụi bây mới mau lên chân chớ!

Huy đô nhướng mày nói với giọng điệu như đúng rồi.

Mà có lẽ là đúng thật. Thằng Toàn cũng chẹp miệng nói thêm:

-Phải đó tụi bây, đá là đá thật để còn biết mình tới đâu!

-Ô cái này tao cũng ủng hộ nốt, đá quyết liệt vào mới xung chớ!

Phú nổ ngồi ngoài cũng chọt miệng vào.

Vậy là trận đấu vẫn được tiếp tục mà chẳng có một chút nhường nhịn gì nữa. Thế nên những đợt bắn phá từ đội thằng Huy cứ liên tục diễn ra, tỷ số cũng chẳng thể nằm yên được. 2-0 rồi 3-0, 4-0.

Trong suốt trận đấu bọn tôi đã gồng mình chống cự chứ chẳng gọi là đá nữa. Tỷ số cứ tăng vèo vèo như những bước chạy trên sân. Tuy nhiên với những nổ lực của mình, nó cũng chịu dừng lại nhưng đó là lúc hiệp đấu đã kết thúc.

Bọn tôi rệu rã nằm bệt ra trên sân trong khi tụi thằng Huy vẫn còn đi kềnh càng tiến lại. Nó chìa tay ra trước mặt để tôi gượm dậy rồi cười đểu:

-Mới có 8-0 mà, tụi bây vậy là ngon rồi đấy!

-Ngon cái mế nè, mệt gần chết!

Tuy vậy nhưng thằng Toàn vẫn vỗ vai tôi:

-Thôi vậy được rồi, mới đá chung lần đầu mà, mai mốt luyện tập tiếp! Giờ đi uống nước đi!

-Ừ, đúng đó bây, giờ đi uống nước đi…cho tao uống ké với!

-Ké ké tía cưng, ngồi không cũng đòi uống hả!

Khang đinh tức tối cốc cho Phú nổ một cú làm nó ôm đầu giẩy giụa:

-Da…! Chấn thương sọ não rồi, đệt cụ mày!

-Đừng có dóc, tao cốc nhè hều! Giờ có đi uống nước không thì bảo?

Vừa nghe, mắt Phú nổ sáng lên ngay, nó tíu tít:

-Hề hề, sao không nói sớm! Đi uống nước mía nhá!

Cả đám vừa nghe đến uống nước ai nấy đều phấn khởi lên, duy chỉ có thằng Hiếu và Tiến là thừng lững bỏ về không nói năn gì dù chỉ là một câu chào. Ắc hẳn bọn nó còn cay cú cái vụ của Lam Ngọc, nhưng nếu thế tại sao nó lại ghi tên vào đội hình làm gì? Nó thừa biết tôi cũng nằm trong đội mà.

Để hiểu rõ nguyên nhân, tôi chạy đến trước mặt thằng Tiến:

-Này, không đi uống nước với tụi tao à?

-Thôi bọn bây uống đi, bọn tao còn có việc. Tạm biệt!

Rồi hai thằng lại lầm lủi bỏ đi trước bao nhiêu cặp mắt chứng kiến.

Tôi không hiểu hai thằng này đang nghĩ gì nữa, nó đang cay cú, hoặc nó thấy nản do thua nhiều. Chẳng ai biết được, tôi không biết, thằng Toàn cũng không biết, cả bọn cũng không ai biết. Tất cả chỉ biết một việc duy nhất là đứng nhìn cả hai thằng dong xe ra về.

Có lẽ Huy đô là người thắc mắc nhất, nó vỗ vai tôi:

-Bạn mày đấy à?

-Cũng không hẳn, lúc trước bọn tao từng là kẻ thù đấy!

-Thảo nào… – Nó gật gù tỏ vẻ hiểu biết – thôi đi uống nước đi, chuyện đó tính sau, tao khát rồi!

Ý định của thằng Huy rất trùng với ý của tôi. Dù gì chuyện này tôi cũng không muốn cho nhiều người biết, cách tốt nhất lúc này là cố lờ nó đi và tìm cách giải quyết sau. Tất nhiên là cũng chỉ mình tôi giải quyết thôi.

Bình luận





Chi tiết truyện