chương 1/ 29

”Trừ giặc, ba tuổi vẫn còn hiềm là muộn”

Cao Bá Quát

1

Một tuần trước ngày Huế nổ súng kháng chiến, dân trong thành phố được lệnh tản cư hết về các vùng quê. Nhưng qua mấy ngày đầu đánh nhau, tin tức thắng lợi từ Mặt trận đưa về dồn dập. Tin thắng lợi một đồn mười, mười đồn trăm, nên đồng bào chắc mẩm tụi Tây sắp đầu hàng đến nơi rồi. Do đó, không ai bảo ai, mon men kéo dần về phía thành phố. Họ nóng lòng sốt ruột được mau mau trở về dọn dẹp lại nhà cửa, phố xá, trở về với công việc làm ăn thường ngày.

Cuối cùng họ tụ tập lại đông đúc phía bên này cầu Bao Vinh. Bên kia cầu thuộc khu vực mặt trận A, ai muốn sang phải có giấy phép của Ban chỉ huy Mặt trận cấp.

Như đã thành lệ, tờ mờ sáng là đồng bào túa hết ra đường, kéo đến đứng chen chúc ở đầu cầu, chờ nghe tin tức thắng lợi của Mặt trận đêm qua. Họ chen lấn, ùn ùn mỗi lúc một sát đến chỗ bậc đá bước lên cầu. Nếu không có anh Vệ Quốc Quân cầm ngang khẩu súng trường dài như cây sào chăn vịt đứng gác ngay trước mặt, chắc cả khối người chen chúc này đã tràn qua bên kia cầu như nước vỡ bờ.

Ðồng bào nhao nhao hỏi anh lính gác:

-Ðêm qua quân ta mần ăn có khá không anh?

-Nện tụi Tây ở vị trí mô mà súng, lựu đạn nổ như rang bắp cả đêm rứa?

-Liệu tụi hắn sắp sửa “hô-lê-manh” chưa, cho bà con về dọn dẹp nhà cửa, phố xá?

Bị bà con hỏi tối tăm mặt mũi, anh lính gác chỉ còn biết nhăn nhó đề nghị:

-Xin bà con đứng xê xê ra cho tôi một chút! Ðứng sát vô tui ri còn biết gác xách làm răng?

Sáng hôm đó, từ trong đám đông chen chúc ồn ào ấy, có thằng bé lợi dụng đúng lúc anh lính gác còn mải nhăn nhó đề nghị với đồng bào, luồn ra sau lưng anh và chạy tót sang bên kia cầu. Anh chưa kịp quát gọi lại, nó đã mất vào dãy phố kê đầu cầu bên kia.

Không thể bỏ trống chỗ gác để đuổii theo, anh chỉ còn biết dậm chân dậm cẳng, làu bàu bực tức:

-Con cái nhà ai mà nghịch hơn quỉ!

Có mấy đứa bán kẹo gừng, đậu phộng rang cũng lấp lõm định bắt chước chú bé vừa rồi, nhưng anh lính gác đã nhanh tay tóm cổ áo lôi lại hết.

Một thằng bán kẹo gừng, mắt lác thiên lác địa, trề môi nói với đứa bạn vừa bị tóm cổ lôi lại:

-Tụi bay không bắt chước nổi thằng ni mô! Hắn lanh hơn chuột nhắt. Chơi trốn tìm, ù mọi, thả đỉa ba ba... với hắn chỉ có thua. Ðừng hòng mà sờ được vào ngừơi hắn.

-Răng mi biết?

-Tao chơi mãi với hắn còn lạ chi.

-Hắn khoe từ hôm nổ súng, hắn đã tót được qua khu vực Mặt trận ba, bốn lần.- Chú bé bán đậu phụng rang nói chen vào

Hắn lọt qua bên đó làm chi?

-Coi chơi!

-Hắn có kể chuyện chi hay không?

-Khối! Nhưng thú nhất là sáng mô hắn cũng gặp một toán Vệ Quốc Ðoàn mà chỉ nhỏ bằng tụi ta thôi, nhiều đứa còn nhỏ hon. Toán ni chạy dọc theo bờ sông, tập quân sự một hai, tập ném lựu đạn, bắn súng...vui ghê lắm. Hắn đứng coi mà thèm rệu cả nuớc miếng!

-Vệ Quốc Ðoàn mà chỉ nhỏ bằng tụi ta thì đánh tây răng được? Hay là hắn nói láo?

-Răng không đánh được? - Thằng bán đậu phụng rang vênh mặt lên nói. - Chánh phủ cứ thử lấy tau vô Vệ Quốc Ðoàn coi, có chết cha tụi Tây không?

Thằng bán kẹo gừng mắt lác cười ngạo:

-Lấy mi vô Vệ Quốc Ðoàn thì thà lấy tau còn hơn! Tau chẳng cần súng đạn gì hết - Nó rút trong túi quần ra một cái súng cao su, kéo căng hai sợi chun. - Có cái ni, tau nhắm trúng mắt tụi Tây, tụii Vê-giê* tau nẻ. Cha con hắn tha hồ mà mù.

* *

Toán “Vệ Quốc Ðoàn con nít” lúc này đang nối nhau thành hàng một, rầm rập lên phía cầu Ðông Ba cũ.

Chạy dẫn đầu là anh Vệ Quỗc Quân chỉ huy. Anh trạc hai ba, hai bốn tuổi, dáng người tầm thước, vai rộng ngực nở, tóc búi kiểu móng lừa, cổ đeo lủng lẳng chiếc còi mạ kền sáng loáng. Sáng hôm đó trời lạnh cắt ruột, anh chỉ mặc độc chiếc may ô trắng và quần đùi xanh ống bó sát đùi

Còn toán trẻ ăn mặc tạp nham. Quá nửa mặc áo quần Vệ Quốc Ðoàn sửa ngắn lại. Nhiều đứa bơi trong những chiếc áo trấn thủ rộng nhu áo thụng tế. Có đến hơn chục đứa nai nịt “xanh-tuya-rông” da, có khoá đồng to tướng và đeo cả bao đạn. Có trời biết được trong những cái bao đạn sứt sẹo, méo mó ấy, chúng ních nhét những gì!

Dãy phố ven đường cửa đóng then cài kín mít. Đồng bào khu vực này đã tản cư hết từ đêm đầu kháng chiến. Hàng chục con chó lạc mất chủ, họp thành đàn chạy loăng quăng trên đường, tranh nhau ngửi bới các đống rác kiếm ăn. Con nào con ấy hai hông lép kẹp, xương sườn nhô cao như vừa nuốt hàng chục chiếc cạp rổ vào bụng.

Khi toán trẻ rầm rập chạy qua, lũ chó sợ hãi, tán toạn. Chúng chuồn hết vào các hẻm phố, chõ mõm ra sủa váng. Bọn trẻ dậm chân, vỗ đùi, doạ lại lũ chó.

Con đường ồn ào hẳn lên trong chốc lát.

Lên đến cầu Đông Ba cũ, anh chỉ huy thổi một hồi còi dài lảnh lói. Toán trẻ dừng lại. Nhiều đứa nghịch ngợm vờ mất đà đâm chúi vào lưng đứa chạy trước...

-Tập hợp ba hàng dọc! - Anh chỉ huy quay lại dõng dạc hô

Toán trẻ lập tức trở lại trật tự. Loáng một cái chúng đã sắp thành đội hình ba hàng dọc, với tư thế rất nghiêm chỉnh.

-Điểm số

Đáp lại tiếng hô anh chỉ huy, những đứa dừng ở hàng dọc bên trái, nối tiếp nhau đếm to như hét: Một! Hai! Ba! Bốn! năm! Sáu! Bảy! Tám! Chín! Mười!...Hết.

-Ơ...ơ...Dạ chưa hết...Mười một! - Một đứa đứng lẻ ra một mình ở cuối đội cuống quýt kêu toáng lên. - Báp cáp anh, em bị lẻ hàng ạ!

_Lẻ là thế nào? - Anh chỉ huy hỏi vặn lại, như hoàn toàn không tin cái chuyện vô lý đó. - Toàn đội chúng ta có ba mươi em, tập hợp thành mười hàng ba, làm sao lại lẻ được.

-Dạ rứa mà em bị lẻ thiệt ạ. - Thằng bị lẻ hàng nhớn nhác nhìn ngược nhìn xuôi, nhăn nhó, bối rối trả lời.

-Các em kiểm tra lại xem có hàng nào đứng hai không? - Anh chỉ huy như vẫn tin chắc rằng đây chỉ là trò nghịch ngợm của bọn trẻ mà thôi.

Nhưng cả đội sau khi nhốn nháo kiểm tra hàng ngũ, đồng thanh trả lời:

-Báo cáo anh, hàng mô cũng đứng đủ ba cả ạ!

Anh chỉ huy rời chỗ đứng, đi dọc xuống phía dưới, đưa mắt kiểm tra từng hàng một, miệng lẩm bẩm:

-Quan số dội đang ba mươi bỗng hoá ra băm mốt là nghĩa lý gì?

Nhưng chính anh cũng đam ngơ ngác. Đứng là hàng nào cũng đứng đủ ba và cuối đội vẫn lẻ ra một đứa

Anh liền đi ngược trở lên, soát kỹ lại lần nữa. Kết quả anh lôi được một thằng lạ hoắc, không biết từ đâu chui ra đứng lọt vào giữa đội.

Cả đội trợn tròn mắt kêu lên: Ủa!

Hai đứa đứng cùng hàng với thằng bé lạ hoắc này, há hốc mồm vì quá sửng sốt:

-Uơ trời! Rứa mà từ nãy tới chừ tố cứ tưởng hắn là thằng Hoà-đen! Nước da hắn cũng đen thui có khác chi anh Hoà-đen nhà mình mô các cậu

Cái đứa có tên là Hoà-đen đứng cách dố hai hàng, nghe vậy liền cau mặt, nói với lên:

Một đứa đứng bên trái vẻ mặt liến láu, đưa tay vuốt vuốt ngực Hoà-đen ngoác miệng ra cười:

-Đưa ta vuốt bớt cục tự ái xuỗng cho. Hề, hề, hề...đen vừa vừa hay đen thui thì cũng là họ “cột nhà cháy” cả thôi mà.

Thằng bé lạ hoắc chui bừa vào hàng ngũ đội, chính là cái thằng luồn sau lưng anh lính gác, tót qua cầu Bao Vinh lúc nãy. Nó cũng trạc tuổi Hoà-đen, vóc dáng cũng sàn sàn, nhưng nước da, của đáng tội, có đen hơn tý chút, Hoà-đen tự ái kể cũng phải. Cách ăn mặc nó cũng kém xa Hoà-đen. Hoà-đen diện quân phục với áo trấn thủ rộng như áo tế, còn thằng này đánh độc cái áo cộc nâu ngắn hở cả rốn với cái quần đùi xanh bạc phếch, đít vá hai miếng to tướng.

Anh chỉ huy nắm chặt cánh tay nó kéo lại sát trước mặt, hỏi to gần như quát:

-Em ở đâu? Tên là chi? Sao dám cả gan chui bừa vào hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn?

Thằng bé sợ hãi cúi mặt nhìn xuống đường, bàn chân di di một hòn đất, trả lời lý nhí trong cổ họng, chẳng ai nghe được gì. Anh chỉ huy sốt ruột không muốn mất thì giờ thêm, bỏ tay nó ra, nghiêm mặt nói:

-Em phải ra ngay khỏi khu vực này. Đây là khu vực Mặt trận em nhớ chưa?

Anh quay lại nói với cả đội

-Các em thật lơ là, vô ý thức. Có một kẻ lạ mặt chui vào hàng ngũ mà chẳng hay biết gì hết

Cả đội thì thào hỏi nhau

-Không biết hắn lọt vô giữa đội mình lúc mô mà tài rứa hè?

-Chắc cái lúc tụi mình còn mải trêu chọc lũ chó

-Thằng ấy chui cổng rạp hát rạp xiếc chắc bợm phải biết

-Tớ cho hắn chơi cú ấy được. Tớ là tớ phục đó! - Cái đứa có bộ dạng liến láu vừa trêu chọc Hoà-đen lúc nãy, vừa nói vừa gật gật đầu

2

Anh chỉ huy thổi một hồi còi dài, cắt đứt tiếng thì thào bàn tán. Anh đứng nghiêm, nói

-Anh báo trước để các em biết, khoa mục tập hôm nay hơi khó, đòi hỏi các em phải gan dạ, bình tĩnh. - Anh cao giọng hỏi to. - Trong đội ta có em nào chưa biết bơi, đưa tay lên anh xem?

Không một đứa nào giơ tay. Trẻ con sinh ra và lớn lên bên bờ sông Hương, không biết bơi lặn là chuyện hiếm

-Tốt lắm. - Anh gật đầu. - Khoa mục tập hôm nay là nhảy từ trên thành cầu xuống sông. - Anh đưa tay chỉ lên cái thành cầu sắt sơn đen, ngay phía trên đầu bọn trẻ.

Cả đội nhìn theo tay anh chỉ. Tất cả cùng rụt vai, lắc đầu lè lưỡi

-Đội trưởng chơi cú khoa mục ni coi bộ gay go đây!

-Cao đến ba mét chứ không ít!

-Ba mét răng được! Xoàng xoàng cũng phải năm mét

Bọn trẻ nhớn nhác hết nhìn xuống sông lại nhìn lên thành cầu, ước lượng chiều cao sắp phải nhảy.

Cả đội nhảy qua các bậc đá xây, chạy lên cầu. Vẫn không quên nghịch ngợm, chúng dẫm chân thật mạnh, làm cho ván cầu kêu rầm rầm.

Mưa phùn đã tạnh, nhưng gió lạnh vẫn thổi từng cơn không ngớt. Bọn trẻ cởi áo quần vắt lên thành cầu. Tất cả rét run, nổi hết da gà. Chúng đứng nép sát vào nhau, miệng suýt xoa như ăn ớt, hai tay vòng lên ôm cổ, lưng cong lại như lưng tôm.

Đội trưởng troà đứng lên cái cột bê tông giữa cầu, quay lại nhìn cả dội, nghiêm mặt nói:

-Tất cả các em đứng thẳng lên! Bỏ hai tay ra khỏi cổ. Hiên ngang lên anh xem nào? Đàng hoàng là những Vệ Quốc Quân sắp ra trận giết giặc cứu nước mà sợ gió, sợ lạnh à! Thế thì trước bom đạn như mưa của giặc, các em sẽ còn sợ đến mức nào? Các em có muốn mang tiếng là những chiến sĩ hèn nhát không?

-Không ạ! Không ạ! - Cả đội nhao nhao trả lời. Tất cả lập tức đứng thẳng người, miệng thôi xít xoa. Có đứa còn làm bộ hiên ngang, ngực ưỡn ra, bụng thót lại, tay khuỳnh khuỳnh chống nạnh. Nhìn bộ điệu chúng, anh chỉ huy mặt đang nghiêm thế mà phải bật phì cười. Anh rất hiểu, đối với các chiến sĩ nhỏ tuổi của mình, không có lời động viên nào hiệu quả bằng chạm đến lòng tự trọng. Anh nói tiếp:

- Khoa mục hôm nay tuy khó nhưng các em phải gắng tập cho được. Trong hoàn cảnh địa hình chiến đấu của thành phố Huế chúng ta, rất có thể các em sẽ gặp trường hợp phải nhảy từ những vị trí rất cao xuống sông. Do đó, chúng ta cần phải tập trước cho quen. Các em chú ý, xem anh nhảy thị phạm rồi các em tiếp tục nhảy theo sau

Anh quay mặt ra sông, đứng thẳng tắp trên cột trụ như pho tượng trên bệ, hai cánh tay đưa thẳng trước mặt, đôi cẳng chân vạm vỡ săn chắc những bắp thit, khẽ nhún nhún rất dẻo. Anh tung người lên cao. Thân hình anh như một mũi tên bay chênh chếch xuống sông, cắp phập vào làn nước xanh ngăn ngắt, lăn tăn gợn sóng. Cả đội chồm hết lên thành cầu nhìn theo. Chúng chặc chặc lưỡi trầm trồ:

-Đội trưởng “lông-giông” * tuyệt đẹp bay hè

-Còn phải nói trước đây anh từng làm “săm-pi-ông” * bơi của Huế mình mà!

Dưới sông, đội trưởng đã trồi đầu khỏi mặt nước. Anh đưa tay vuốt vuốt mặt, nhìn lên cầu giục:

-Nào các em nhảy đi! Em nào bị chuột rút đã có anh cứu.

Bọn trẻ đứa nọ đùn đứa kia:

-Cậu nhảy trước đi!

-Thì cậu nhảy trước đi!

-Thành cầu chật ri đứng nhảy một lần răng được

Nhưng rồi chẳng đứa nào dám nhảy trước. Mấy đứa trèo lên thành cầu lại tụt xuống, lè lưỡi:

-Ngợp quá! Cứ như là đứng trên nóc lầu chợ Đông Ba mà nhảy xuống ấy

-Đội trưởng bày ra chi ra cái khoa mục gay go ri không biết!

-Xê ra, xê ra! - Cái thằng có bộ mặt liến láu ban nãy trêu chọc Hoà-đen đưa tay gạt các bạn ra hai bên, làm điệu bộ hăng hái trèo lên thành cầu. - Không cậu mô dám nhảy thì để tớ nhảy trước cho coi, rồi gắng mà bắt chước nghe! Khó cóc chi mà cứ kêu là khó!

-A, a, anh Tư-dát lại dám xung phong nhảy trước! Chuyến ni e trời sập cái rầm mất thôi. - Cả đội reo ầm lên

-Anh Tư-dát chuyến ni nhảy được, nhất định tụi mình phải đổi tên là Tư-gan.

-Nhưng gan chi mới được chứ?

-Gan thỏ!

Mặc cho các bạn trêu chọc, Tư-dát mặt vẫn phớt tỉnh. nó đã đứng thẳng lên được trên cái trụ đội trưởng vừa đứng, hai đầu gối va nhau lập cập. Nó nói với các bạn, đầu không ngoái lại:

-Anh em mở to mắt mà coi tài lão gia!

Tư-dát làm điệu bộ in hệt đội trưởng. Hai tay cũng đưa thẳng ra đằng trước, bộ dò như hai ống sậy cũng nhún nhún khá dẻo. Nhưng đội trưởng chỉ nhún vài cái, còn nó thì nhún liền tù tì hàng chục cái, làm các bạn nhìn theo hoa cả mắt.

Tư-dát bất thình lình hô to.

-Hai...ba! Này!

Nó hô dõng dạc đến nỗi làm cho cả đội tưởng là nó đang lao xuống sông. Nhưng bất ngờ nó ngồi thụp xuống cột cầu, nghẹo đầu, méo mồm, trợn mặt làm trò hề. Cả đội bị mắc lỡm ôm bụng cười bò. Hình như cả đội đã quá quen với những trò đùa của Tư-dát.

Đội trưởng chạy lên cầu, hỏi to:

-Em nào dám xung phong nhảy trước làm gương cho cả đội anh xem nào?

Cả đội thin thít đưa mắt nhìn nhau. Cái vinh dự “nhảy trước làm gương cho cả đội” xem ra đứa nào cũng thèm. Nhưng cứ nhìn từ thành cầu xuống sông, cặp dò chúng đã bủn rủn.

Đội trưởng gặng hỏi:

-Không em nào dám nhảy à?

-Dạ em! Em xin nhảy

Cả đội quay lại. Thật không ngờ. “Em xin nhảy” lại chính là thằng bé lạ hoắc chui bừa vào hàng ngũ đội lúc nãy. Nãy giờ nó vẫn chưa chịu đi mà lén trèo lên cầu, đứng co ro ở lề cầu bên kia, tò mò theo dõi buổi tập.

Với vẻ sợ sệt, lo lắng, vừa nói nó vừa hấp tấp bước sang lề cầu bên nay. Không đợi đội trưởng có đồng ý hay không, nó bíu tay trèo phắt lên thành cầu.

-Ai mượn mà cũng làm trạng!...

-Tau đó dám nhảy!

-Chắc lại nhảy kiểu Tư-dát chớ chi!

Như không thèm để ý đến tiếng xì xào khích bác của cả đội, nó đứng thẳng trên thành cầu, quay lại nói với đội trưởng, giọng khẩn khoản:

-Em mà nhảy được, anh cho em vô đội với anh hỉ!

Nghe giọng nói và nhìn vẻ mặt nó, cả đội liền hiểu ngay nó sẽ nhảy thật! Chúng bỗng thấy xấu hỏ và tự ái ghê gớm. Để cho một thằng không biết từ xó xỉnh nào chui ra, đòi nhảy trước làm gương thì thật xấu hổ cho cả đội!

Còn thằng bé không kịp biết đội trưởng có ưng thuận hay không, quay mặt luôn ra sông, nhún khẽ hai chân một cái, và bay thẳng xuốn sông. Đội trưởng buột miệng khen:

-Chú này nhảy khá lắm!

-Ui trời! - Nhiều tiếng kêu sửng sốt. - Nó nhảy mà vẫn để nguyên cả quần áo tề!

Mặt sông xanh biếc. Lăn tăn sóng, đón lấy nó, nhẹ nhàng, thân thuộc, chứ không ầm ĩ như đón những anh mới tập nhảy. Thân hình nó uốn cong, luồn sâu xuống nuwóc và nổi lên rất nhanh. Nó lắc lắc đầu giũ nước, khoắt tay bơi lượn vòng, ngửa mặt nhìn lên cầu và bất ngờ toét miệng cười. Cả đội ức quá, đau giẫy lên như bất thình lình bị ai quất roi mây vào mông.

Thế là quên hết sợ hãi và chẳng cần ai dục, chúng ào ào trèo lên thành cầu thi nhau hét to:

-Hai..ba...này! - Rồi lao ầm ầm xuống sông.

Trên cầu lúc này chỉ còn trơ lại một mình Tư-dát. Vẻ liến láu đã biến đi đâu hết. Nó hết nhìn xuống sông lại nhìn lên thành cầu, điệu bộ luống cuống như gà mắc tóc. Đội trưởng nhìn nó mỉm cười, nhẹ nhàng hỏi:

-Thế nào? Chẳng lẽ em định đeo mãi cái tên Tư-dát sao?

Tư-dát vụt đứng thẳng người, nhìn đội trưởng nói to:

-Dạ không! Lần này em nhất định đổi được cái tên Tư-gan-cóc-tía! Rồi nó trèo phắt lên thanh cầu.

Và chẳng cần nhún nhiếc gì hết, nó nhắm mắt nhắm mũi, nhảy

bừa xuống sông.

Bọn trẻ đang bơi lội ì oạp, hò nhau tránh dạt ra hai bên để Tư-dát khỏi nhảy trúng lên đầu. Chúng reo vang cả mặt sông:

-A...a...Anh Tư-dát nhảy dù! Anh Tư-dát nhảy dù

Tư-dát nhảy không chúc đầu mà hai chân xuống trước. Nó rơi đánh ùm như quẳng xuống sông cả hòn đá tảng. Nước vọt lên đến gần thành cầu. Nó chìm nghỉm khá lâu mới thấy nổi lên. Các bạn bơi xúm lại quanh nó, mừng rỡ nói

-Ui chao! Cậu làm tụi tớ hết cả hồn...Tưởng cậu đứt hơi ở luôn dưới đó

Tư-dát thở lấy thở để, khạc khạc nước, hổn hển nói:

-Vừa lặn xuốn đáy sông tớ gặp ngay một anh cá gáy to bằng hai bàn tay xoè. Anh ta lượn qua trước mặt tớ, quyệt cả đuôi vô trán. Tớ rượt theo chụp luôn. Chụp năm sáu cú liền, một cú trúng đuôi, một cú trúng vây, hai cú trúng đầu! Rứa mà anh ta vùng thoát được hết! Tiếc quá, không thì trưa ni đội ta được bữa cháo cá lu bù

Nhiều đứa bị sặc nước phì cười

3

Đội trưởng thổi còi báo xong buổi tập. Cả đội bơi vào bờ, rầm rập chạy lên cầu, vơ vội quần áo mặc vào người. Lúc này tất cả mới thấm lạnh. Đứa nào đứa nấy run cầm cập. Chúng nghiêng đầu nhảy cho nước trong tai chảy ra. Ván cầu kêu rầm rầm.

Đội trưởng hô đội tập hợp ngay trên cầu, nhận xét buổi tập. Riêng thằng bé lạ hoắc chui bừa vào hàng ngũ đội, một mình đứng nép vào lề cầu bên kia. Nó cởi quần áo ướt sũng, vắt khô nước rôi giũ phơi lên thành cầu.

Đội trưởng hỏi:

-Em ban nãy đâu rồi?

-Dạ, em đây a. - Nó cầm cái quần cộc đang vắt dở hấp tấp chạy sang, đứng khép nép trước mặt đội trưởng.

Cả đội trố mắt nhìn nó, phá lên cười. Nhiều tiếng xì xào:

-Cậu ni vô phép quá! Ai lại đi ở lỗ ở truồng mà nói chuyện với cấp chỉ huy!

Lúc này nó mới chợt nhớ ra. Nó giũ giũ cái quần ướt xỏ chân vào. Nhưng vì vội và cuống, chú xỏ hai chân vào một ống quần, và ngã chổng kềnh xuống ván cầu. Đội trưởng cũng phải phì cười, cúi xuống đỡ nó dậy, ôn tồn nói:

-Không sao, cứ ở truồng thế cũng được. Đừng mặc quần áo ướt mà lạnh. Anh quay sang hỏi cả đội:

-Có em nào mặc hai áo hai quần, cởi cho em này mượn bớt một.

Lập tức có hơn chục em cởi áo, quần chạy lại dúi vào tay nó.

Nó đứng sững, đưa cả hai tay ôm đầy một ôm áo quần, mặt ngẩn tò te. Tư-dát nhanh nhẹn bước ra khỏi hàng, đến ôm đỡ quần áo cho nó, vừa cười vừa nói:

-Để lão gia giúp cho một tay, chứ coi bộ dạng chú mi chư quen diện loại “com-lê” hảo hạng ni mô.

Tư-dát vắt cả đống áo quần lên thành cầu: Cầm từng chiếc một ướm thử vào người thằng bé. Chiếc nào coi bộ không vừa, Tư-dát vo viên ném trả lại đứa cho mượn. Chọn hết cả ôm mới được hai cái áo và một cái quần tạm vừa người chú. Tư-dát nói, giọng anh nạt yêu em:

-Mặc ngay bộ “com-lê” ni vô không thì lạnh sưng phổi chết bây giờ. Ai bảo nghịch cho lắm!

Tư-dát vừa giúp nó mặc áo quần vừa méo mồm trợn mắt làm trò hề, chọc cười các bạn.

Khi áo quần coi bộ đã tươm tất, đội trưởng hỏi nó:

-Em tên là gì?

-Dạ, em tên Mừng

-Em mấy tuổi

-Dạ, mười hai.

-Nhà em ở mô?

-Dạ, ở dưới Bao Vinh tê...

-Rứa cha mẹ em làm nghề chi?

Mừng ngắc ngư một tý, rồi lý nhí trả lời

-Dạ...em không có cha mẹ...

Đội trưởng chăm chú nhìn em, ngạc nhiên hỏi.

-Không có cha mẹ thì em ở với ai

Mừng cúi mặt như cố tránh cái nhìn của anh, giọng ngập ngừng:

-Dạ... em đi ở giữ em,...

-Chủ nhà hay đánh chửi em lắm phải không?

-Dạ...

-Thế em có biết đội này làm công việc chi không mà xin nhập?

Mừng ngây người nhìn anh.

-Dạ...dạ...làm...làm...- Chú đưa mắt nhìn cả đội, như muốn nói: “Các anh bày giúp cho tui với”

Nhiều em bỗng thấy thương hại Mừng, thì thào nhắc:

-Làm trinh sát...Làm trinh sát...

Đội trưởng đưa tay ra hiệu không được nhắc.

Như mở cờ trong bụng, Mừng vội vã đáp

-Dạ, làm khinh sát!

-Làm chi?

-Dạ làm khinh sát ạ.

Trong hàng có tiếng càu nhàu:

-Nhắc một đàng quàng một nẻo. Làm khinh sát là làm cái cóc khô chi

Trên moi đội trưởng thoáng nụ cười. Anh nói:

-Thôi được. Nếu quả đúng là em không còn cha mẹ nữa, thì anh đồng ý cho em gia nhập đội. Đội chúng ta không phải làm khinh sát, mà trinh sát. Đội Thiếu niên trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân. Công việc của người đội viên trinh sát, sau này em sẽ được học. Có điều chắc chắn nhất là nay mai đội chúng ta sẽ được ra Mặt trận cùng với các anh lớn, đánh Tây. Em có thích đánh Tây không?

Mừng mắt sáng lên, hăm hở đáp:

-Dạ thích lắm!

-Tại sao thích?

câu hỏi cắc cớ này mới càng khó trả lời. Mừng ngập ngừng ấp úng mãi. Rồi bất ngờ, chú ngẩng nhìn đội trưởng trả lời khá rành rọt:

-Dạ...dạ...vì tụi Tây hay đá đít người mình.

Cả đội trợn tròn mắt nhìn nó, cứ ngờ là nó nói giỡn. Nhiều em đỏ bừng mặt vì cố nhịn cười. Đội trưởng cũng cố nhịn cười, hỏi:

-Thế em đã trông thấy Tây đá đít ai bao giờ chưa?

-Dạ có chớ! ở xóm em có bác Húng là cha cậu Ngò chơi thân với em. Bác ấy làm ngề kéo xe. Một bữa, có thằng Tây râu ria xồm xoàm, to chình inh như con bò, thuê xe bác ấy từ ga lớn đến cầu An Cựu mà chẳng trả được cho bác ấy một xu. - Nét mặt Mừng lộ vẻ tức tỗi - Đã rứa hắn lại còn đá giày vô đít bác ấy, chửi “cô-soong, cô-soong”* bác ấy ngã dúi, va đầu vô cột điện, loã máu.

Bác ấy phải nằm liệt giường, không đi kéo xe được. Rứa là cả nhà cậu Ngò bị đói...

Đội trưởng quay sang hỏi cả đội:

-Theo các em, Mừng trả lời đúng hay sai?

-Dạ, sai, sai!

-Sai toét!

-Em nào trả lời đúng, thử nói anh nghe xem nào?

Một chú đứng ở hàng thứ hai, giơ tay rồi đứng nghiêm, trả lời như đọc bài học thuộc lòng:

-Em đánh Tây vì chúng là bọn thực dân cướp nước. Hơn tám mươi năm chúng đã đô hộ nước ta, gây bao cảnh lầm thanh đói khổ...

Đội trưởng ngắt lời...

-Em định đọc hết cả bài học chính trị vừa học đêm qua có phải không? Theo anh, em Mừng trả lời không những không sai mà còn rất hay! Tụi Tây là một tụi hết sức tàn ác và láo xược. Đã đi xe quỵt lại còn đá đít cả người kéo xe! Các em phải biết lấy đó làm điều căm tức để nay mai ra trận càng thêm dũng cảm, hăng hái cùng với các anh nện chúng thật đích đáng để trả thù cho bác Húng và còn biết bao nhiêu đồng bào ta bị chúng ức hiếp. Chúng ta nhất định phải tống cổ hết chúng nó về nước, để người Việt Nam ta không còn bị chúng hành hạ nữa.

Mừng mở to mắt nhìn đội trưởng có vẻ như chưa dám tin là anh khen minh thật. Còn cả đội, sau khi nghe đội trưởng nói rõ thêm ý nghĩa câu trả lời của Mừng, đều cảm thấy tức tụi Tây thực dân ứa máu

-Cố tổ chúng nó chứ! - Nhiều em thầm rủa. - Đã đi xe quỵt không biết nhục lại còn chửi người ta “cô-soong” với đá đít người ta làm loã đầu chảy máu!

Đội trưởng hỏi Mừng:

-Thế em có thể làm được gì để đánh Tây?

-Dạ, bơi ạ. - Mừng hăm hở trả lời.

-Tốt lắm, tài bơi lặn của em thì anh và các bạn đã được trông thấy rồi đấy. Ngoài bơi ra em còn biết làm gì nữa?

-Dạ trèo cây ạ! Cây cao mấy em cũng trèo được!

-Rất tốt, trèo leo là một môn rất cần cho người chiến sĩ trinh sát.

-Dạ nấu cơm ạ!

-Nấu cơm cũng rất cần. Mỗi người chiến sĩ đều phải biết tự nấu lấy ăn lúc cần thiết...

-Dạ..dạ em còn biết bồng em ạ...

-Hơ hơ hơ... - Tiếng Tư-dát cười to. - Hắn bồng em giỏi rứa, nay mai ra trận hễ bắt được thằng tù binh mô là giao ngay cho hắn bồng về nộp cấp chỉ huy!

Mừng tưởng Tư-dát nói thật, lo lắng nói với đội trưởng:

-Nhưng thằng Tây to rứa em sợ bồng không nổi...

-To cũng phải bồng! To cũng phải bồng! Ai khiến cậu khai là biết bồng em làm chi! - Cả đội cười ngất, nhao nhao hét to trêu Mừng.

Đội trưởng xua xua tay, mặt nghiêm lại nói:

-Các em không nên cười. Người chiến sĩ trinh sát cần phải biết bồng em và làm bất cứ việc gì để giúp đỡ nhân dân.

Mừng được đội trưởng khen, đã trở nên hoạt bát mạnh dạn hơn. Nó nhăn nhăn trán, cố nhớ xem mình còn có thể làm được gì nữa. Nó mang máng đoán rằng, nếu mình càng làm được nhiều việc thì cấp chỉ huy càng dễ cho nhập đội.

-Hết rồi phải không? - Đội trưởng đặt tay lên đầu Mừng mỉm cười hỏi.

-Dạ...dạ còn...

-Còn thì kể đi

-Dạ, chọi dế ạ.

Cả đội lần này phải bò lăn ra ván cầu mà cười. Tư-dát gò lưng ôm bụng cười ngắt ngắt không thành tiến, chảy cả nước mắt nước mũi. Nó nói đứt quãng qua tiếng cười:

-Ối, ối, ối...hắn làm tớ đến đứt ruột mà chết mất thôi các cậu ơi! Ối, ối, ối...

Đội trưởng cũng cười ngất, xoa đầu Mừng hỏi:

-Chú mình chọi dế có khá không?

-Dạ nhứt hạng ạ! Dế em đã lên đài là hạ đo ván hết tất cả dế của tụi bạn em trong xóm!

-Thế thì cho em được sắp vào hàng. Bắt đầu từ giờ phút này trở đi, em được chính thức công nhận là đội viên đội Thiếu niên trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân. Em nhớ chưa?

-Dạ, nhớ rồi ạ! - Mừng đáp như reo, rồi chen luôn vào đứng ở giữa hàng. Có lẽ nó cho rằng có đứng chính giữa như vậy mới chắc chân trong đội.

Bình luận





Chi tiết truyện