chương 8/ 19

Bảy ngày sau, chàng đã có mặt tại Phong Lưu sơn trang, trên chân núi Đại Ba sơn. Đêm ấy, chàng và Nhị Tuyệt Nhân Ma thống lãnh một trăm mỹ nữ tiêu diệt Phân đàn của Tử Vi môn ở Diên An.

Khi chàng về đến Tổng đàn Thanh Long bang thì tin tức về cuộc thảm sát năm mươi cao thủ áo tím đã làm chấn động giang hồ. Triệu Bá Câu cho người dò xét Đại Ba sơn, thấy Đồng Kỳ Xương vẫn nằm trên giường bệnh nên bán tín bán nghi. Tổng đàn và các Phân đàn được phòng bị chặt chẽ.

Cơ ngơi của Kiếm Minh đã xây dựng xong. Ngọn cờ vàng với thanh kiếm bạc ở giữa tung bay phất phới. Hàng trăm kiếm thủ kéo đến tham gia. Một phần vì ngưỡng mộ tinh thần hiệp nghĩa của Kiếm Minh ngay trước, một phần vì được hậu đãi. Mỗi người gia nhập, tùy theo võ công được tặng ngay từ hai trăm đến một ngàn lượng bạc.

Hội chủ là một nữ nhân che mặt, ai cũng biết đó chính là Độc Thủ Long Nữ Tiêu Phi Phượng. Sáu cao thủ trong Kiếm Minh thất hiệp ngày trước, chia nhau nắm giữ hai chức hộ pháp và bốn danh vị đường chủ của các đường Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Võ, Chu Tước.

Mỗi đường có năm mươi thủ hạ nhưng tương lai sẽ đông hơn vì tiếng tăm về sự rộng rãi của Thương phu nhân đã lan rộng khắp giang hồ. Chức vị Tổng quản và Phó tổng quản thuộc về Hỏa Diện Trường Thủ Lý Long Miên và Vô Ảnh Quyền Vương Sĩ Ngạn.

Thanh thế Kiếm Minh giờ đây còn lừng lẫy hơn hai mươi năm trước. Nửa tháng sau ngày Phân đàn Diên An bị tập kích, đến lượt gần tám chục môn đồ ở Tây An bị giết.

Một tên sống sót đã được Môn chủ đích thân thẩm vấn. Gã khai rằng, trong đêm ấy, hai trăm cao thủ áo nâu bịt mặt đã vây chặt Phân đàn dưới sự chỉ huy của hai người cao lớn, một dùng đao, một dùng kiếm. Chỉ trong ba chiêu Phân đàn chủ Hắc Tâm Diêm La đã bỏ mạng dưới kiếm của địch nhân. Tin tình báo xác nhận Kiếm Minh hoàn toàn không có động tĩnh gì. Triệu Bá Câu hoang mang không hiểu kẻ thù của mình là ai.

Lão thầm hối hận vì đã hủy diện mạo của các sát thủ kiên dũng nên không thể dùng họ bảo vệ các Phân đàn được. Lão cố giữ gìn thanh danh của mình cho đến kỳ đại hội minh chủ năm tới được tổ chức đúng ngày rằm tháng tám.

Nhưng không thể ngồi yên để kẻ địch tấn công, lão quyết đánh đòn phủ đầu. Một trăm sát thủ sứ giả được lệnh tiêu diệt Kiếm Minh. Lão không muốn tổ chức này lớn mạnh. Nhưng một cuộc thương lượng với giá năm vạn lượng hoàng kim đã thay đổi mục tiêu của đám sát thủ.

Phần Thiên Vũ, sau khi tiêu diệt Phân đàn Tây An, chàng đã đến Kối Kê, Hà Nam, nơi tọa lạc Tổng đàn Kiếm Minh, mua lại một gia trang và ngàn mẫu rừng cây ăn trái cạnh sông Hán Thủy, chỉ cách Kiếm Minh có bốn dặm đường.

Quán Hưu đã dẫn hai trăm thủ hạ giả trang làm nông gia đến đây làm thế ỷ dốc cho mẫu thân đại ca. Chỉ có những người đầu não của Kiếm Minh mới biết sự hiện diện của lực lượng này, vì ai dám chắc rằng trong đám người mới gia nhập kia không có tai mắt của Tử Vi môn.

Lực lượng trinh sát do Nhật Phi Hồ và Dạ Miêu Nhi lãnh đạo, ngày đêm theo dõi hoạt động của Bá Câu ở Ngũ Hành sơn. Tiêu Phi Phượng đã dùng một số bạc rất lớn để mua chuộc, gài người vào Tổng đàn Tử Vi môn. Chính nhờ vậy, Thiên Vũ đã khám phá ra sào huyệt của Sát Thủ hội nằm sâu trong Mộc Sơn, chỉ cách Thủy Sơn của Bá Câu mấy dặm.

Khi ba mươi sát thủ sứ giả xuất phát làm nhiệm vụ thì chàng được tin ngay.

Chàng biết chúng chính là bọn võ sĩ áo đen năm xưa đã tấn công Kiếm Minh nên quyết tâm tiêu diệt. Thiên Vũ tin rằng với bản lãnh của mình hiện tại, chàng dễ dàng đối phó, nếu không giết được hết cũng phải vài tên. Nhất đán, võ công chúng lợi hại hơn dự kiến, thì chàng cũng có thể thoát đi nhờ tốc độ của Hồng nhi.

Vì vậy, khi được báo rằng chúng đang trên đường đến Lạc Dương thì chàng khởi hành ngay. Thiên Vũ đến nơi trước, ngồi trong một tửu quán ở phía bắc thành Lạc Dương chờ Nhật Phi Hồ và thủ hạ báo cáo. Khi vầng dương lịm tắt, Phi Hồ bước vào ngồi xuống chụp lấy vò rượu uống một hơi rồi nói nhỏ :

- Bọn chúng đang ở trong một trang viện, nhưng không rõ sẽ tấn công mục tiêu nào? Ăn uống xong, ta sẽ đưa Vũ đệ đến nơi ấy.

Cuối canh một, Lăng Thu dẫn chàng vào thành, núp ngoài một tòa nhà cũ kỹ. Lát sau, ba mươi sát thủ như những bóng ma lướt ra, màu hắc y hòa vào bóng đêm tối.

Thiên Vũ hiếu kỳ muốn biết mục tiêu của chúng nên cùng Phi Hồ bám theo.

Chúng dùng khinh công vượt qua các nóc nhà trong thành, độ nửa canh giờ sau, chúng dừng lại trước một khu nhà lộng lẫy, lầu các hàng hàng. Chắc là tư dinh của một đại thần hay đại phú hào nào đó.

Dường như đã nắm rõ địa hình, bọn sát thủ tiến thẳng vào tòa đại lâu hai tầng bên mé tả. Đám lính canh phát hiện, chưa kịp tri hô đã bị kiếm cắt đứt đầu. Nhưng các cao thủ bên trong đã đốt đèn đuốc sáng choang. Lan can lầu xuất hiện một người tuổi trạc tứ tuần, tướng mạo uy nghi đường bệ, mặt trắng như ngọc.

Ngươi ấy nhìn thấy thích khách là một lũ hung thần mặt nạ bạc sáng ngời, không khỏi chấn động. Danh tiếng Sát Thủ hội đã làm khiếp đảm thiên hạ mười mấy năm nay, nhưng gã vẫn cố giữ bình tĩnh hỏi :

- Bổn Vương gia với chư vị có oán thù gì?

Tên đứng trước có lẽ là trưởng toán bật cười ghê rợn :

- Chẳng có oán thù gì nhưng chỉ tiếc rằng có người đã chịu mua mạng Tứ vương gia với giá rất cao.

Tứ vương gia thở dài, hình như ông biết ai là kẻ chủ mưu. Không còn gì để nói, mấy chục cao thủ từ trên lầu phóng xuống lập thành hàng rào bảo vệ đại lâu. Cuộc chiến vô cùng khốc liệt, đám cận vệ của Tứ vương gia tuyệt đối không phải là đội quân giết người chuyên nghiệp.

Kiếm ảnh Cô Lâu giăng bủa khắp nơi. Tiếng gào thét thảm thiết vang dội cả đêm trường, nhưng không hiểu sao quan quân trong thành không hề hay biết. Chưa tàn một nén nhang, nửa số cận vệ trung thành đã gục ngã. Số còn lại dù là kiện tướng nhưng cũng chỉ như cá nằm trên thớt. Tên cầm đầu bỗng tung mình lên, lộn hai vòng đến trước mặt Tứ vương gia lúc này đang đau đớn vì cái chết của thuộc hạ. Gã định lấy đầu Vương gia, nhưng một thân ảnh đã bay đến như tia chớp, đánh bạt kiếm và chụp lấy Vương gia bay thẳng ra ngoài tường.

Khinh công tuyệt thế ấy khiến mọi ngươi phải sững sờ. Nhưng lạ thay, khi bọn sát thủ đuổi theo chưa kịp vượt tường, đã thấy đối phương quay trở lại, đứng ngạo nghễ trên đầu tường gạch, không có Tứ vương gia bên mình.

Ngoài kia, tiếng vó ngựa khua vang, bọn sát thủ giật mình, năm tên bốc lên định truy sát. Nhưng người bịt mặt đã bủa một màn kiếm quang chặn lại. Chiêu kiếm này uy lực như sấm sét, trong chớp mắt đã cắt đứt cổ họng hai tên và đả thương ba tên còn lại.

Tiếng gào lên vì đau đớn làm bọn sát thủ kinh hãi. Nghe tiếng vó ngựa im bặt, biết có đuổi cũng không kịp, chúng trút hận lên đầu kẻ phá đám.

Hai mươi tám tên sát thủ vây chặt lấy Thiên Vũ. Chàng biết không thể kéo dài nên xuất ngay chiêu Thiên Sơn Lôi Xướng, chiêu thức vẫn như xưa nhưng bá đạo hơn nhiều. Té ra tuyệt học của Thiên Hà thượng nhân phải có đủ công lực mới phát huy đến cùng được. Máu hồng bắn ra tung tóe như rắc hoa, hai sứ giả hồn du địa phủ.

Nhưng bọn chúng đã bình tâm lại, dùng lối du đấu. Từng đợt bốn tên thay nhau tập kích. Chiến thuật này vô cùng lợi hại, trong chốc lát đã áp đảo được đối phương. Thiên Vũ chưa hề dùng đến năm chiêu tuyệt học trong pho Tâm Kiếm. Chàng cố dùng kiếm chưởng của bổn phái để cầm cự.

Tưởng địch thủ đã hết vốn liếng, bọn sát thủ thầm đắc ý. Nhưng đúng lúc đó, Thiên Vũ xuất chiêu Tâm Tại Ý Trung. Một đạo kiếm quang bay lượn như ánh chớp bạc, chặt liền một lúc ba cái đầu và bốn cánh tay, lại thêm một đạo chỉ phong xuyên qua bụng dưới một tên.

Vòng vây khuyết ngay một mảng, Thiên Vũ theo hướng ấy thoát đi. Cả bọn sửng sốt nhìn xác đồng bọn, chẳng còn dám nghĩ đến chuyện truy đuổi. Gã trưởng toán ôm cánh tay cụt, cắn răng ra lệnh rút lui. Đám cận vệ của Vương gia tự hỏi không biết người bịt mặt ấy là ai mà võ công thần sầu quỷ khốc đến vậy. Họ cũng lo lắng về chuyện Tứ vương gia bị đem đi mất.

Nhưng chỉ nửa khắc sau khi bọn sứ giả đi khỏi, từ một ngọn cây cao vút bên ngoài tưởng vây, người bịt mặt ôm Vương gia lướt vào tầng trên của tiểu lâu. Người ấy đặt Vương gia xuống đại ỷ rồi sụp xuống thi lễ :

- Thảo dân là Thương Thiên Vũ xin bái kiến Vương gia.

Chàng lột khăn đen, để lộ gương mặt tuấn tú, hiên ngang. Tứ vương gia nãy giờ ôm chặt cành cây quan sát trận đấu long trời lở đất, vô cùng cảm phục võ công của ân nhân. Ông tưởng rằng chàng phải là một lão nhân tiên phong đạo cốt hay một hán tử uy mãnh, may thô mắt lộ. Nhưng ngờ đâu chàng lại không kém phần văn nhã nên rất kinh ngạc. Ông bước xuống đỡ chàng lên, đưa đến ngồi vào bàn bên cạnh rồi hớn hở nói :

- Thương thiếu hiệp tài mạo cơ trí đều xuất chúng. Bổn Vương gia suốt đời không quên ơn cứu giá hôm nay.

Thiên Vũ hỏi lại :

- Theo thiển ý của thảo dân thì dường như người đã biết ai là kẻ chủ mưu?

Ngài cười thảm đáp :

- Không giấu gì thiếu hiệp, trưởng huynh của ta là đương kim Hoàng thượng, tuổi đã cao lại không có hoàng nam. Mấy tháng nay long thể bất an, chắc không bao lâu nữa sẽ băng hà. Nhị vương gia sợ ta được truyền ngôi nên mướn người hành thích. Dù lòng ta không hề mơ tưởng đến ngôi vua nhưng nếu Nhị vương gia lên ngôi cửu ngũ thì lê thứ sẽ lầm than, khổ sở. Nhị hoàng huynh là ngươi độc ác, hoang dâm, không biết yêu thương bá tánh.

Nghe giọng thành khẩn và nhìn nét mặt đoan chính, phúc hậu. Chàng biết ông ta đã nói thật.

Thiên Vũ tỏ vẻ băn khoăn :

- Vậy sao Tứ vương gia không hồi kinh để có mặt lúc Thánh thượng băng hà?

Tứ vương gia buồn rầu nói :

- Nhị hoàng huynh từ lâu tìm cách nắm giữ binh quyền, bổ nhiệm vây cánh vào những chức vị trọng yếu, ta không cách nào về được Kim Lăng. Nếu đã lọt vào đến đó thì các đại thần sẽ bảo vệ ta. Nhị hoàng huynh chẳng dám công khai giết ta đoạt ngôi.

Thiên Vũ là người nhân nghĩa, coi trọng việc nước hơn việc nhà. Chàng quyết định giúp Tứ vương gia lên ngôi để thiên hạ được hưởng phước lành.

Chàng nghiêm sắc mặt thưa :

- Thảo dân sẽ đem hết sức mình đưa Vương gia hồi kinh và bảo vệ cho ngài đến lúc đăng quang. Nhưng chỉ mong Vương gia thương lấy bá tánh Trung Hoa. Nếu mai sau, Vương gia trở thành hôn quân thì thảo dân sẽ thí quân rồi tự sát để tạ tội với thiên hạ.

Tứ vương gia cao hứng vỗ mạnh vai chàng khen ngợi :

- Tuyệt diệu từ. Tối tuyệt diệu từ. Túc hạ xứng đáng là ngươi tri kỷ của ta. Dân vi qúy, quân vi khinh. Câu này có mấy ai hiểu được và làm được?

Đám cận vệ nãy giờ kính cẩn đứng nghe. Họ theo hầu Tứ vương gia đã lâu nên hiểu được rằng ngài rất tôn sùng mạnh tử, coi trọng dân hơn cả cơ đồ. Nay thấy Thiên Vũ cũng cùng một ý nên rất vui mừng.

Một người khẽ bẩm :

- Đã có một bầy tôi thần dũng và hiểu đại nghĩa như họ Thương thì Vương gia còn gì phải lo buồn nữa?

Tứ vương gia hài lòng, bảo họ sai tỳ nữ sắp tiểu yến. Đang ăn uống đàm đạo vui vẻ thì Nhật Phi Hồ lướt vào. Mọi người như chim sợ cành cong đứng lên định rút gươm tấn công.

Thiên Vũ cười trấn an :

- Đây là Lăng huynh, người đã đánh lạc hướng bọn sát thủ.

Phi Hồ vái lạy Vương gia rồi thản nhiên ngồi xuống tham dự tiệc rượu. Đêm ấy, chàng và Phi Hồ ở lại tư dinh của Tứ vương gia. Ông bảo chàng vào ngủ chung phòng với mình. Khi chỉ có hai ngươi, ngài nghiêm sắc mặt nói :

- Ta rất yêu mến tài trí và nhân phẩm của thiếu hiệp, muốn cùng ngươi kết nghĩa kim lan, chẳng hay tôn ý thế nào?

Tứ vương gia mai sau sẽ là đấng quân vương. Lời nói cũng là mệnh lệnh. Thiên Vũ kính cẩn thưa :

- Vương gia đã có lòng yêu mến, thảo dân xin vâng mệnh.

Hai ngươi lạy nhau tám lạy. Tứ vương gia dang tay ôm chàng vào lòng, cười hoan hỉ :

- Có được một nghĩa đệ như ngươi, Chu Hồng ta vô cùng cao hứng.

Sáng ra, chàng bảo Phi Hồ nhờ bọn trinh sát đưa thư về báo cho mẫu thân và Dạ Miêu Nhi biết việc chàng cùng Phi Hồ đưa Tứ vương gia về Nam kinh.

Lát sau, Phi Hồ trở lại, bắt tay hóa trang cho Tứ vương gia. Họ Lăng là thánh thủ trong nghề cải trang. Tứ vương gia đã biến thành một viên ngoại râu ba chòm phương phi. Ngay cả người thân cũng chẳng thể nhận ra. Một cao thủ có dáng vóc tương tự cũng được dịch dung thành Tứ vương gia, ngày ngày xuất hiện trên lan can để che mắt quan tuần phủ Lạc Dương đã được lệnh giám sát Tứ vương gia.

Nhìn ngươi thế thân, ông thầm phục kế kim thiền thoát xác của nghĩa đệ. Thiên Vũ trở thành một công tử mặt mũi xanh xao vì tửu sắc, còn Phi Hồ đóng vai một gã quản gia. Bảy ngày sau, trên đường quan lộ dẫn vào thành Hợp Phì có một chiếc xe song mã, xà ích là một gã thấp bé, mặc y phục quản gia. Cỡi ngựa đi song song là một chàng công tử cao lớn nhưng sắc diện bịnh hoạn, tay cầm bầu rượu.

Rèm che vén lên, người trong xe là một lão nhân tuổi trạc lục tuần, đội mũ viên ngoại. Họ thản nhiên đi qua trước những cặp mắt dò xét của một đám quan quân đang kiểm tra người vào thành.

Chàng công tử đưa bầu lên uống một hớp rồi ngâm nga :

“Nhân sinh đắc ý ta tận hoan

Mạc sở khu tồn không đối nguyệt

Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng

Thiên kim tán tận hoàng phục lai”

Lão viên ngoại nghe xong tức giận mắng rằng :

- Ngươi chỉ là một tên công tử hoang đàng, bất tài, vô dụng, còn mặt mũi nào mà đọc thơ Lý Bạch. Họ Vương ta qua là vô phúc.

Vương công tử lè nhè đáp :

- Phụ thân đừng coi thường hài nhi, chẳng qua thời vận chưa đến chứ tài kinh luân thi phú nào chịu kém ai.

Viên quản gia đánh xe cười mát nói :

- Quả là trời già không có mắt nên đã để công tử rớt tú tài đến bốn lần.

Nghe giọng mỉa mai ấy, bọn quan quân bật cười, không để ý nữa mà quay sang hỏi người khác.

Hơn mười ngày sau, cha con viên ngoại đã dừng chân ở ngoại thành Nam kinh, trước đây có tên là Kim Lăng. Họ ngụ trong một khách điếm. Lát sau, viên quản gia vào thành dò xét. Gã thấy chín cổng thành đều được canh gác cẩn mật, bất cứ ai cũng đều bị xét hỏi rất gắt gao. Thậm chí, bọn lính còn giật thử râu tóc của những người đáng nghi. Viên quản gia thấy chúng đặt biệt quan tâm đến những ai có vóc dáng tương tự như Tứ vương gia. Gã liền đi thẳng vào.

Quả nhiên nhìn thân hình nhỏ bé, bọn quan quân không thèm hỏi đến. Viên quản gia chính là hóa thân của Nhật Phi Hồ. Họ Lăng cười nhạt chậm rãi bước trên con đường dẫn đến Hoàng cung. Lúc đi qua một đệ phủ có biển đề Bình Nam vương phủ, Phi Hồ đảo mắt thấy trước cửa có rất nhiều khất cái qua lại.

Nhưng là kẻ lão luyện giang hồ, họ Lăng lập tức nhận ra đó chỉ là bọn giả danh, chứ chẳng phải ăn mày thật sự. Đi một vòng quanh Vương Phủ, thấy lực lượng chúng không dưới năm mươi tên, Phi Hồ thầm lo ngại. Gã quay trở lại khách điếm ngoại thành, báo cáo tình hình cho Vương gia và Thiên Vũ.

Ba người bàn bạc rất lâu, tối đến Phi Hồ lại đi thám sát một vòng trường thành.

Lát sau, gã về đến, đem theo một sợi dây dài ba chục trượng, đầu có móc sắt. Cuối canh hai, Thiên Vũ và Vương gia mặc y phục sẫm màu. Phi Hồ dung lụa cột chặt Vương gia vào lưng Thiên Vũ. Cả ba nương theo bóng đêm đi về phía tây thành.

Phi Hồ dẫn chàng đến một đoạn vắng vẻ, tung móc vào đầu tường, giật thử vài cái rồi trèo lên. Chỉ chốc lát đã nằm phục trên mặt thành quan sát. Thấy tình hình êm thắm, gã đưa tay ra hiệu. Thiên Vũ nắm dây bước thoăn thoắt. Lên đến trên, chàng đảo mắt nhìn quanh.

Trăng mười hai lơ lửng trên đầu tỏa ánh sáng mờ mờ xuống cảnh vật Nam Kinh.

Phi Hồ rút dây đưa vào trong. Chờ Thiên Vũ và Vương gia tiếp đất an toàn, gã thu dây, tuột xuống bên ngoài trở về khách điếm. Thiên Vũ lướt nhanh như bay trên những đường ngang dọc, đôi lúc cả trên mái ngói, theo sự hướng dẫn của Vương gia tiến về Bình Nam vương phủ. Tứ vương gia lần đầu tiên trong đời được hưởng cảm giác như đằng vân giá vũ, lòng vừa sợ vừa vui. Ông ôm chặt cổ Thiên Vũ thì thầm :

- Khinh công của Vũ đệ thật phi phàm.

Đến giữa giờ sửu, hai người đã có mặt gần mục tiêu. Đôi nhãn quang sắt bén của chàng đã nhận ra dưới chân tường phủ đệ có người canh giới. Mỗi toán hai tên cách nhau ba chục trượng.

Tường phủ không cao, nhưng lại cách chỗ chàng đang ẩn nấp đến hơn mười trượng, không thể nào vượt qua được. Thấy một cây đào già cao nằm cách tường năm trượng, chàng thầm tính toán rồi bóc một mảnh ngói dưới chân, vận thần công ném lên cao, êm ái bay qua đầu hai tên canh gác, rơi xuống phía trong tường phủ. Chúng giật mình nhảy lên đầu tường quan sát.

Đúng lúc đó, Thiên Vũ như cánh dơi lướt đến ẩn mình dưới tàn đào. Bọn chúng không thấy gì liền buông mình xuống thì thầm chửi rủa những con muỗi đói đang bu quanh.

Nửa khắc sau, chàng lại tung mảnh ngói thứ hai về phía sau lưng. Hai tên nọ giật mình phóng ngay về hướng có tiếng động. Chỉ chờ có thế, Thiên Vũ vận toàn lực nhảy qua tường lướt thẳng vào trong. Chớp mắt đã đến sau hậu viện nơi đặt nhà bếp và phòng tắm. Chàng cởi dây lụa để Vương gia đứng xuống. Ngài thở phào bước đến gọi nhỏ :

- Vương lão bộc, mau mở cửa.

Tiếng guốc khua lệch xệch, một giọng già nua vọng qua khe cửa :

- Ai đấy?

Tứ vương gia thì thầm :

- Ta đây. Ngươi không nhận ra sao?

Lão bộc nghe giọng quen thuộc mừng rỡ mở cửa.

Hai ngày sau, cuối giờ mão, cổng Vương Phủ mở rộng, loan kiệu của Tứ Vương Phi, phu nhân của Tứ vương gia được bốn tên thân tín nâng trên vai tiếng về phía Hoàng cung. Theo sau là một người mặc y phục hầu cận, đó chính là Hoàng Tổng quản của Bình Nam vương phủ.

Bọn giám sát bên ngoài tưởng Vương Phi vào cung vấn an Hoàng thượng nên không hề để ý đến. Qua cửa Ngọ Môn, kiệu loan đi thẳng đến thâm cung, là nơi thánh thể đang dưỡng bệnh.

Nơi ấy gần tháng qua tập trung các cố mệnh đại thần cùng hoàng thân quốc thích. Phủ đệ của Nhị vương gia Chu Khởi ở sát Hoàng cung nên ông ta yên tâm hưởng lạc với bầy thiếp xinh đẹp, chẳng cần phải túc trực chầu hầu. Đã có người ngày đêm giám sát, khi thấy Hoàng thượng sắp băng hà sẽ báo ngay. Đó chính là thái giám Tô Mạo, Tổng quản công công.

Ngự Tiền Đới Đao Thị Vệ và Cửu Môn Đề Đốc đều là người trong hoàng tộc. Họ là người trung liệt, hiểu đại nghĩa nên rất kính yêu Tứ vương gia, hết lòng mong mỏi Chu Hồng lên ngôi. Dầu cả triều đình đều biết Hoàng thượng thương yêu tứ đệ, nhất định sẽ để di chiếu truyền ngôi. Nhưng từ trước ngày thánh thể bất an đến nay, tính ra đã gần ba tháng, không hiểu sao Tứ vương gia cứ lần lữa mãi ở Lạc Dương mà chẳng chịu về hầu hạ Hoàng huynh. Chỉ e cục diện sẽ xoay chiều bất lợi, không còn trở tay kịp.

Thấy kiệu của Tứ Vương Phi đến, mọi người bước lại gần tiếp rước. Nhưng người vén rèm kiệu bước ra không phải là nữ nhân mà là Tứ vương gia. Ai nấy đều sửng sốt và vui mừng khôn siết, nhưng người kinh ngạc nhất chính là Tổng quản thái giám Tô Mạo.

Ngự Tiền Đới Đao Chu Luân và Cửu Môn Đề Đốc Chu Nguyên Bảo mừng đến sa nước mắt, sụp xuống bái kiến :

- Bọn tiểu điệt mong tin Hoàng Thúc từng ngày.

Tứ vương gia cúi xuống đỡ họ dậy rồi nói nhỏ :

- Mau phong tỏa cung cấm không cho bất cứ ai ra khỏi.

Họ lập tức thi hành. Một tiểu thái giám có việc phải ra ngoài lập tức bị chặn lại.

Tứ vương gia bùi ngùi vòng tay nói với chư vị đại thần :

- Ba tháng nay bổn Vương gia bị chặn mất đường hồi kinh, nỗi lo lắng cho Hoàng thượng như lửa đốt tâm can, lại bị sát thủ hành thích, may mà được kỳ nhân cứu mạng, bày thần mưu mới được đến đây. Xin chư quan theo bổn Vương vào vấn an long thể.

Tô Mạo lấm lét, bồn chồn, không biết cách nào thông báo với Nhị vương gia.

Thiên Vũ lặng lẽ đi theo Chu Hồng và các quan vào tâm phòng, nơi đặt long sàn của Hoàng thượng. Hoàng hậu thấy mặt Tứ vương gia, lòng hoan hỉ gạt nước mắt nói :

- Sao giờ nay Hoàng Thúc mới chịu hồi cung?

Mọi người sụp xuống thi lễ. Chu Hồng nghẹn ngào tấu rằng :

- Khải tấu nương nương, thần phải vượt qua muôn ngàn nguy hiểm mới về được đến đây.

Ông đứng dậy đến bên long sàng, nhìn Hoàng thượng thiêm thiếp, sắc mặt tái đen mà lòng đau như cắt, khẽ gọi :

- Hoàng huynh. Tiểu đệ Chu Hồng đây!

Cửu Trùng ngượng mở mắt nhìn ông rồi gật đầu lại thiếp đi.

Thiên Vũ dù đứng xa nhưng nhãn quang sắc bén, quan sát thấy Hoàng thượng có hiện tượng của một người bị trúng độc. Chàng cố nhớ lại y kinh và độc kinh, cuối cùng có thể đoán chắc ngài trúng một loại độc mãn tính.

Chàng thấy Tứ vương gia đã lui ra, đứng chung với quần thần liền đến bên kề tai nói nhỏ :

- Nếu tiểu đệ không lầm thì Hoàng thượng bị người ta hạ độc.

Tứ vương gia biến sắc mặt, dắt chàng lại bên long sàng rồi bảo :

- Vũ đệ hãy chẩn mạch và xem xét cho thật kỹ lưỡng, nếu có cơ cứu được Hoàng Huynh, ta và cả triều đình biết ơn.

Hoàng hậu và bá quan chăm chú theo dõi. Thiên Vũ xem mạch xong, cởi long bào quan sát làn gia xám đen, có nổi những nốt đỏ nhỏ bằng đầu tăm. Chàng trầm ngâm một lúc rồi mỉm cười. Thật ra trong y kinh có thần phương để điều trị, nhưng nếu kéo dài, Nhị vương gia biết được sẽ sinh lòng phản nghịch ngay sẽ bất lợi. Vì vậy, chàng quyết định đem máu mình ra làm thuốc.

Hoàng Hậu nương nương nhận ra người nay là Hoàng Tổng quản vẫn thường đi lại với Tứ Vương Phi, nay lại được Tứ vương gia xưng là Vũ đệ, bà không khỏi thắc mắc :

- Này Hoàng Thúc, ta cảm thấy có điều bí ẩn trong thân phận của Hoàng Tổng quản.

Tứ vương gia lật đật kề tai bà thì thầm. Mắt hoàng hậu sáng lên mừng rỡ, gọi Thiên Vũ đến bên bàn phán :

- Đã có Tứ vương gia bảo chứng, khanh cứ tận tâm phục dược. Ta đặt hết kỳ vọng vào tài diệu thủ của khanh.

Thiên Vũ vòng tay nhận mệnh rồi bảo cung nữ lấy một chung sứ nhỏ. Chàng rút tiểu đao, cắt tay nhỏ máu đầy chung. Hoàng hậu và mọi người biến sắc không hiểu gì cả.

Thiên Vũ điểm huyệt chỉ huyết rồi kính cẩn thưa :

- Khải tấu Nương nương, trong máu của thảo dân chứa một loại kỳ dược, có thể giải nhiều loại độc chất. Xin Nương nương cho Thánh thượng dùng sẽ thấy ngay kết quả. Nếu sai lời thảo dân xin chịu tội chết.

Dù không mấy tin tưởng nhưng bệnh của Hoàng thượng đã đến lúc trầm kha, dù không uống máu lạ này cũng sẽ chết. Hoàng Hậu cắn răng đút từng muỗng máu hồng cho Quân Vương. Thời gian trôi qua nặng nề, một khắc tưởng chừng ba năm.

Bỗng long nhan thở hắt ra, mở mắt nhìn mọi người. Sắc mặt hồng hào đôi chút.

Ngài nhìn những gương mặt âu sầu chung quanh mỉm cười phán :

- Các khanh cho trẫm uống loại thần dược gì mà nghe cơ thể thư thái, dường như đã hết bệnh.

Mọi ngươi hoan hỉ đến nỗi muốn nhảy lên reo hò, nhưng không dám. Hoàng hậu sa lệ nắm chặt tay Quân Vương thỏ thẻ :

- Tứ Hoàng Thúc đã về đến và đem theo một vị thần y.

Hoàng thượng nhìn Tứ vương gia hỏi :

- Trẫm vẫn mong mỏi tứ đệ, nhưng chẳng hay ân nhân của trẫm là ai vậy?

Tứ vương gia thấy chung quanh toàn là những bậc trung thành, không có tai mắt của Nhị hoàng huynh nên cười bảo Thiên Vũ :

- Vũ đệ hãy ra mắt Thánh thượng bằng chân diện thực để tránh tội khi quân.

Thiên Vũ vâng lời, đưa tay vuốt mặt, để lộ dung mạo anh tuấn, đoan chính.

Chàng bước đến quỳ trước long sàng :

- Giang hồ thảo dân Thương Thiên Vũ khấu kiến Thánh thượng.

Quân vương đã có vẻ khá hơn, ngài nhờ hoàng hậu đỡ dậy, xua tay miễn lễ phán :

- Thương hiền khanh tướng mạo phi phàm đáng mặt bề tôi trung lương. Trẫm rất vui mừng nếu khanh chịu ra sức phò tá triều đình.

Tứ vương gia liền đem câu chuyện mình bị Nhị Hoàng Huynh vây hãm và cho ba mươi sát thủ hành thích, được Thiên Vũ cứu mạng đưa về Nam Kinh, nhất nhất đều thuật lại. Hoàng thượng và các đại thần càng thêm khâm phục tài trí của Thiên Vũ.

Cửu Trùng buồn rầu nói :

- Không ngờ Nhị Hoàng Đệ lại tán tận lương tâm đến thế, nỡ vì ngôi vua mà truy sát người ruột thịt. Từ lâu trẫm đã rõ con ngươi hắn tàn độc, không xứng là bậc quân vương, đã viết sẵn di chiếu truyền ngôi cho tứ đệ. Khi bình phục, trẫm sẽ lâm triều xét xử tội trạng.

Lương thừa tướng ái ngại tấu rằng :

- Khải tấu Thánh thượng, Tổng Đốc Quân Vụ các tỉnh quanh đế đô đều là người của Nhị vương gia, chúng ta không thể kinh động được.

Hoàng thượng phẫn nộ phán :

- Nhưng ta là đương kim hoàng đế, chẳng lẽ hắn dám chống lại ta hay sao?

Thiên Vũ vòng tay thưa :

- Thảo dân cúi xin Thánh thượng bình tâm suy xét, tìm kế lưỡng toàn. Nhị vương gia là kẻ hiểm ác, liều lĩnh, nếu không đâu dám hạ độc Thánh thượng.

Cửu Trùng và mọi ngươi giật mình. Tứ vương gia hỏi lại :

- Vũ đệ có đoán chắc hay không?

Thiên Vũ thản nhiên đáp :

- Chất độc trong người Hoàng thượng có tên là Tam Nguyệt Tiêu Hồn Tán, được điều chế từ một loại cóc độc bên Tây Vực. Nếu không có người hạ thủ, sao Hoàng thượng lại nhiễm phải?

Hoàng hậu thấy chàng lấy máu cứu vua, lòng rất tin tưởng và biết ơn, nên nói thêm vào :

- Thần thiếp nghĩ rằng Thương khanh nói rất phải. Ngoài Nhị hoàng thúc ra, còn ai dám làm chuyện đại nghịch như vậy?

Tả Đô Ngự Sử Ngô Sát Viện Tuân Túc là người tinh minh, vuốt râu suy nghĩ một hồi rồi hỏi :

- Thương tráng sĩ là người tài trí, chẳng hay có cao kiến gì?

Thiên Vũ đã có chủ ý nên đáp ngay :

- Theo thiển ý của thảo dân thì ngoài binh lực, Nhị vương gia còn cấu kết với bọn tà ma chốn giang hồ nên mới có việc Sát Thủ hội tấn công Tứ vương gia và chất độc kỳ tuyệt kia. Xin Hoàng thượng và Tứ vương gia cứ thản nhiên như không biết gì, tìm cách khéo léo thu hồi lại binh quyền. Thảo dân sẽ ẩn mặt đối phó. Vì vậy việc hôm nay tuyệt không để lộ ra ngoài. Kế sách thế nào thì ba ngày nữa long thể an khang, thảo dân sẽ tấu trình chi tiết.

Hoàng thượng trong lúc rối trí, được lời hứa phò tá của chàng, lòng an tâm hoan hỉ phán :

- Thương hiền khanh đã bái Tứ vương gia làm huynh trưởng, chẳng lẽ chê ta mà không gọi được tiếng Hoàng huynh hay sao?

Tứ vương gia hiểu ý Thánh thượng nên liền bảo Thiên Vũ :

- Vũ đệ còn chưa quỳ xuống lạy tạ long ân hay sao?

Chàng thất kinh sụp xuống lạy tám lạy. Đức vua cũng vái trả tám lạy, bước xuống giường đỡ chàng dậy, nắm lấy tay chàng bảo quần thần :

- Kể từ nay, Thiên Vũ sẽ là Hoàng đệ, tập tước Ngũ vương gia, hưởng mọi đặc quyền của Hoàng tộc.

Bá quan tung hô vạn tuế và xúm lại chúc mừng. Hoàng Hậu nương nương tuổi đã ngũ tuần mà không sanh được hoàng nam, lòng vẫn khao khát, nay thấy Thiên Vũ tuổi trẻ mà tài mạo xuất chúng, bất giác sinh lòng yêu mến. Khi chàng ngồi xuống ghế bên cạnh, Hoàng hậu có nghiên cứu qua tướng pháp rồi bảo chàng xòe tay ra :

- Ngũ đệ tuổi mới đôi mươi mà đã được xưng vương ắt trong thân phải tàng quí tướng. Để ta xem thử.

Vì Thiên Vũ tuổi tác chỉ đáng làm con nên Nương nương không hề e ngại, nắm lấy tay chàng xem xét. Thấy bảy nốt ruồi son bên bàn tay hữu, bà biến sắc mặt nhưng lúc sau lại hớn hở, cao giọng phán :

- Cũng may là bảy nốt rối chu sa hình Thất Tinh Bắc Đẩu này không nằm ở bàn tay tả, không thì Ngũ vương gia sẽ là đại phản nghịch, thí chúa đoạt ngôi.

Hoàng thượng và quần thần xúm lại xem. Nương nương trấn an mọi người :

- Xin Thánh thượng và chư khanh an tâm, quý tướng đã chỉ rõ Ngũ vương gia là người trung liệt, lưu danh thơm trong sử sách. Chứ không phải tôi loàn.

Tứ vương gia cao hứng nói :

- Té ra phú quý hữu mệnh, chẳng thể cưỡng cầu mà được. Hoàng huynh có Ngũ đệ phò tá, lo gì cơ nghiệp chẳng vững bền.

Đức vua cười bảo :

- Sau này ta hết tuổi trời thì Ngũ đệ sẽ là đôi tay của Tứ hoàng đệ đó thôi.

Thời bấy giờ, ảnh hưởng của các môn tướng học, tử vi đẩu sổ lan rộng khắp Trung Hoa, nên khi thấy Thiên Vũ mang trong người đại qúy, chư quan đều kính ngưỡng, không nghĩ rằng chàng gặp may mắn. Thiên Vũ chịu sự giáo hóa của Lục Thám Vi, coi nhạt đường danh lợi, nay gặp chuyện này không khỏi bối rối.

Nhưng chàng tự nhủ bậc quân tử không nên có định kiến, trung ngộ nhi an, quí hồ tạo phúc cho lê thứ. Thấy Thánh thượng và Tứ vương gia đều là những minh quân, chàng quyết đem tài ra phục vụ. Sau khi triều cương đã vững vàng sẽ dứt áo mà đi.

Chàng hỏi mượn văn phòng tứ bảo, viết một toa thuốc để bồi bổ sức lực cho Hoàng thượng.

Thấy dược vị tầm thường, ít dùng đến sâm nhung, viên Thái Y tỏ vẻ băn khoăn :

- Hoàng cung không thiếu gì các loại thuốc trân qúy, sao Ngũ vương gia không dùng đến?

Chàng cười đáp :

- Thuốc có công hiệu hay không là ở chỗ đúng vị, đúng liều lượng. Xin Thái Y cứ yên tâm, chỉ sau ba thang, Thánh thượng sẽ hồi phục như xưa.

Do Tứ vương gia đã dặn dò nên Tô Mạo và thái giám bị giám sát chặt chẽ, giam kỹ trong cung không cho tiếp xúc với bất cứ ai. Các đại thần cũng khẩu kín như bình nên Nhị vương gia không biết rằng Tứ đệ đã hồi kinh. Lão có đến vấn an Thánh Thượng nhưng thấy Hoàng thượng vẫn nằm thiêm thiếp trên giường bệnh.

Nhật Phi Hồ cũng đã có mặt trong Bình Nam vương phủ. Đêm sau, Thiên Vũ thám sát phủ đệ của Nhị vương gia, nhờ có họa đồ do Tứ vương gia vẽ lại nên hai người mau chóng tìm ra nơi cần đến.

Thư phòng của Bình Tây vương phủ đèn đuốc sáng rực. Nhị vương gia đang uống trà với một đạo nhân tuổi đã thất tuần, dung mạo hiểm ác. Thiên Vũ ẩn thân trên một cây đào cao mọc cạnh cửa sổ, thẫn thờ nhận ra Độc Tâm Thần Y. Chàng đã biết đối thủ của mình là ai liền cùng Phi Hồ trở lại Vương Phủ, bàn bạc với Tứ vương gia. Ba ngày trôi qua, long thể đã hoàn toàn bình phục. Ngự tiền thị vệ thông tri cho bá quan biết sáng mai Thánh thượng sẽ lâm triều.

Trừ các đại thần, bá quan ai nấy đều kinh ngạc và phấn khởi. Nhị vương gia đến dự chầu thật sớm. Thấy mặt Tứ vương gia, lão giật mình nhưng vẫn cố thản nhiên đến bên thăm hỏi :

- Hoàng đệ về lúc nào sao ta không biết?

Tứ vương gia kính cẩn đáp :

- Tiểu đệ lâm trọng bệnh nơi đất lạ, mới hồi phục vội hồi cung ngay. Vừa về đến đêm qua. Cũng may Hoàng thượng đã khang minh, nêu không sẽ phải hối hận cả đời.

Đúng lúc ấy, Hoàng thượng giá lâm, long nhan rạng rỡ hồng hào. Nhị vương gia không dằn được liền giả bộ tươi cười vấn an :

- Không hiểu Thánh thượng được thần y nào điều trị nên thoát khỏi ma bệnh. Người này quả là Hoa Đà, Biển Thước tái sinh.

Đã bàn bạc trước nên Hoàng thượng cho bá quan bình thân rồi an tọa ra vẻ huyền bí phán :

- Chuyện này quả thật kỳ lạ và khó tin, trẫm xin kể để chư khanh kiến giải. Số là ba đêm trước, đang lúc thập tử nhất sinh, trẫm mơ màng thấy có một đạo nhân cao gầy, trước ngực có thêu hình bát quái, râu ba chùm đen nhánh. Người ấy bước đến cạnh trẫm, đút vào miệng một viên linh đơn rồi cười bảo: “Chỉ mong sau này bệ hạ không quên chút duyên tình.” Sáng ra ta không biết mình mê hay tỉnh, nhưng cơ thể ngày càng thư thái và hồi phục lại, nên tin rằng mình đã được tiên nhân cứu mạng. Chư khanh thấy thế nào?

Quần thần đồng thanh tán tụng :

- Thánh thượng là một minh quân tất được hoàng thiên bảo hữu, thần tiên giúp đỡ, không có gì lạ cả.

Nhị vương gia tái mặt, đem lòng nghi ngờ Độc Tâm Thần Y. Tan buổi chầu, lão tức tốc gọi Tăng Dao ra gạn hỏi :

- Trước đây, đạo trưởng đã đoán chắc với ta rằng chất độc ấy không ai giải nổi, vậy mà Hoàng thượng chẳng hề hấn gì, sau ba tháng đã ngự triều.

Tăng Dao kinh hãi, suy nghĩ rất lâu rồi đáp :

- Trong thiên hạ chỉ có Nhị Tuyệt Nhân Ma là có thể thành công ba phần. Nhưng lão đang liệt giường nơi Tần Lĩnh, sao có thể đến đây được?

Lão bèn miêu tả dung mạo và vóc dáng của Đồng Kỳ Xương để Nhị vương gia tung thuộc hạ do thám Hoàng cung và phủ đệ của Tứ vương gia, xem có nhân vật nào giống vậy không.

Dù không còn tin tưởng họ Tăng nhưng Nhị vương gia cũng chẳng dám đắc tội với lão nên tạm thời ẩn nhẫn, điều tra xong sẽ tính. Nội bộ rạn nứt, việc soán nghịch đành hoãn lại một thời gian. Nửa tháng sau, trong một buổi chầu sáng, Lại Bộ Thượng Thư Khúc Bạch quỳ xuống tấu rằng :

- Khải tấu Thánh thượng, các tỉnh dâng biểu hỏa tốc về kinh báo rằng Tổng trấn Quân Vụ Chiết Giang, Giang Tây, An Huy, Hà Nam, Sơn Đông lần lượt lâm trọng bệnh, toàn thân bất toại, không thể đảm nhiệm việc quân cơ nữa. Mong Thánh thượng sớm có biện pháp đối phó.

Bá quan chấn động, xôn xao bàn tán, nhưng người đau khổ nhất chính là Nhị vương gia. Năm vị tướng kia là thuộc hạ trung thành của lão, là chỗ dựa để Chu Khởi thực hiện âm mưu soán nghịch.

Hoàng thượng chau mày bảo bá quan :

- Thật quái lạ, họ ở năm tỉnh khác nhau sao lại mắc cùng một bệnh trong cùng một thời gian? Chư khanh có cao kiến gì không?

Lương thừa tướng là người đứng đầu quan lại trong triều bước ra tâu :

- Muôn tâu, lão thần trộm nghĩ rằng đây là âm mưu của ngoại bang, muốn ám hại rường cột của triều đình để dễ bề xâm chiếm. Bọn Mãn châm từ lâu vẫn dòm ngó giang sơn gấm vóc này. Cúi mong Thánh thượng mau chóng cử người thay thế.

Quần thần tán đồng. Nhị vương gia tâm tình rối loạn, càng thêm nghi ngờ Độc Tâm Thần Y theo Hoàng thượng mà phản lại mình. Khi lão bình tâm lại thì Hoàng thượng đã chuẩn tấu một danh sách thay thế, gồm những ngươi trung nghĩa. Trong chớp mắt, binh quyền bao năm gầy dựng đã thành mây khói. Nhị vương gia tức tối, căm hận Tăng Dao vô cùng.

Tan chầu, Nhị vương gia hồi phủ, sai giáp sĩ phục sẵn rồi cho mới Độc Tâm Thần Y ra bàn bạc. Lão kể cho họ Tăng nghe biến cố sáng nay. Nghe giọng nói ngờ vực, họ Tăng hiểu rằng Chu Khởi không còn tin tưởng mình nữa.

Lão bèn nói rằng :

- Nếu Vương gia muốn lão tỏ lòng trung nghĩ thì đêm nay, lão phu sẽ xâm nhập cấm cung, dùng chất tuyệt độc hạ thủ Thánh thượng và Tứ vương gia. Sáng mai, Vương gia cứ đổ thừa là hành vi của bọn Mãn Châu, rồi lên ngôi hoàng đế. Tam vương gia là ngươi mù cả hai mắt, làm sao tranh giành được.

Chu Khởi thấy chỉ còn cách ấy nên ưng thuận. Nhưng âm mưu ấy không thoát khỏi đôi tai của Nhật Phi Hồ Lăng Thu. Thiên Vũ là ngươi cơ cảnh nên cho Phi Hồ phục sẵn bên phủ Bình Tây Vương. Trời sụp tối, họ Lăng nương theo bóng đêm về phủ Bình Nam Vương báo lại sự tình.

Thiên Vũ biết lần này phải đối mặt với Tăng Dao, nhớ đến ân xưa nên lòng bối rối. Chàng thật thà kể cho Tứ Hoàng Huynh nghe.

Chu Hồng nghiêm mặt :

- Chẳng lẽ một người thông đạt như tiểu đệ mà không hiểu cái câu đại nghĩa diệt thân sao? Ngày trước, Tăng Dao cứu ngươi cũng vì muốn lợi dụng, sau lại hạ độc để ngươi phải phục tùng. Nay lão phạm tội đại nghịch, sao Vũ đệ còn phải băn khoăn?

Chàng thẹn thùng tạ lỗi rồi thưa :

- Tiểu đệ đã thông đạo lý, chỉ xin đem xác lão chôn cất chu đáo để trả chút ơn cứu tử.

Tứ vương gia gật đầu khen :

- Xử sự như thế là nhân nghĩa vẹn toàn, ta chấp nhận.

Bàn bạc xong, Tứ vương gia dẫn Thiên Vũ và Phi Hồ nhập cung. Nghe nói có người sắp đến hành thích, long nhan biến sắc.

Thiên Vũ liền trấn an :

- Xin Thánh thượng an tâm, có tiểu đệ ở đây, không ai chạm được đến mình rồng.

Chàng liền cho gọi Ngự Tiền Thị Vệ Chu Luân đến dặn dò. Lát sau, gã đưa tới hai tên thị vệ có vóc dáng tương tự như Hoàng thượng và Tứ vương gia. Phi Hồ chỉ cần một khắc thời gian là đã biến họ thành người thế thân, ung dung cùng nhau uống trà đàm đạo. Thiên Vũ dùng khăn bịt mặt lại. Thấy chàng không có vũ khí, Hoàng thượng lấy thanh Thượng Phương bảo kiếm của tiên đế ban cho chàng rồi nói :

- Trẫm ban cho Ngự Đệ thanh kiếm tượng trưng cho vương quyền này. Hoàng đệ hãy dùng nó mà giáng ma vệ đạo, giữ vững triều cương, tạo phúc cho lê thứ. Hoàng thân quốc thích nếu phạm tội cũng có thể chém trước tấu sau.

Thiên Vũ kinh hãi, quỳ xuống tạ long ân. Trong Tĩnh Tâm cung có một chỗ ẩn nấp kín đáo. Hoàng thượng và Tứ vương gia núp vào chỗ ấy. Còn Thiên Vũ và Phi Hồ nằm phục trên xà nhà.

Biết bản lãnh phóng độc của thần y rất lợi hại, chàng đã dặn bọn thị vệ án binh bất động, mặc cho lão vào tận cấm cung. Vì vậy, Tăng Dao chẳng tốn chút sức đã đến được mục tiêu. Lão nhìn qua song cửa thấy hai người mặt hoàng bào đang uống trà, dung mạo giống lời miêu tả của Chu Khởi liền bay đến cửa trước, lướt vào đứng cạnh bàn như một bóng u linh. Lão mừng thầm vì cả hai mục tiêu đều ở cùng một chỗ, chỉ xuất thủ một lần là xong việc.

Tăng Dao vung tay áo rải độc phấn vào mặt hai người nọ. Nhưng một luồng chưởng phong ở trên đầu đã thổi bạc đi và đẩy lão lùi lại năm bước. Thấy đối phương công lực phi phàm, họ Tăng thâm khiếp sợ. Một người bịt mặt mặc hắc y, lưng đeo trường kiếm nhẹ nhàng rơi xuống như chiếc lá, chỉ mặt lão gằn giọng nói :

- Tăng Dao, ngươi trợ Trụ vi ác, mấy lần ám toán Thánh thượng, tội ấy khó dung tha.

Không ngờ sau mấy chục năm ẩn cư, lại bị người nhận lai lịch, lão không còn dũng khí nữa, tung ra một luống độc phấn rồi đào tẩu, nhưng không ngờ hắc y không hề sợ hãi, xuyên qua màn độc dược, kiếm quang lạnh lẽo chụp xuống đầu họ Tăng.

Đây là chiêu thứ hai trong pho Tâm Kiếm, có tên là Kiếm Thượng Hữu Tâm.

Danh tự thì có vẻ hiền hòa nhưng vô cùng khủng khiếp. Thiên Vũ quyết giết lão để khỏi di hại đến võ lâm và thiên hạ nên chiêu đầu đã xuất ngay sát thủ. Độc Tâm Thần Y là một ác ma thành danh, võ công cao cường, dưới kiếm của lão đã có hơn hàng trăm oan hồn uổng tử.

Nhưng hôm nay, số trời đã tận, dù cố gắng chống đỡ cũng không thoát khỏi tai kiếp. Thanh trường kiếm của người bịt mặt đã xuyên qua tâm thất lão ma. Tăng Dao ngã xuống, máu tươi trong miệng ộc ra, lão thều thào hỏi :

- Các hạ là ai mà kiếm pháp tuyệt luân và chẳng hề sợ độc? Xin cho biết để lão ngậm cười noi chín suối?

Thiên Vũ lột khăn buồn bã nói :

- Tại hạ chính là người thọ ân cứu tử năm xưa. Nhưng vì tiền bối đã dấn quá sâu vào tội lỗi nên tại hạ không thể nương tay. Sau này sẽ mai táng tử tế để báo ân.

Người sắp chết thường nói lời lành. Tăng Dao gượng cười bảo :

- Ngươi đừng bận tâm, lúc trước ta cứu ngươi cũng vì muốn biến ngươi thành công cụ của mình, chứ không phải vì hảo ý, chất độc Bách Nhật Đoạn Trường chính là bằng cớ của ác tâm. Nay ngươi chịu chôn cất thi hài là đã thi ân cho ta vậy. Còn về Nhị vương gia, không cần phải lo nữa, lão đã bị ta hạ độc, chỉ bảy ngày nữa là sẽ qua đời.

Dứt lời, lão gục xuống, hồn lìa khỏi xác, Thiên Vũ vuốt mắt cho lão. Hoàng thượng và Tứ vương gia bước ra, họ đã nghe rõ cuộc đối thoại. Ngài truyền gọi Chu Lâm :

- Khanh kín đáo đem tử thi thích khách ra ngoại thành, mua áo quan tốt mà chôn cho đúng ý nguyện của Ngũ vương gia.

Thiên Vũ cúi tạ long ân rồi hỏi :

- Phần tội trạng của Nhị vương gia, thánh ý định thế nào?

Cửu Trùng đăm chiêu suy nghĩ rồi thở dài phán :

- Ta biết Ngũ đệ muốn cứu mạng cho y, nhưng vì xã tắc, không thể để y sống được. Nay trẫm niệm tình tiên đế, không bắt tội phản nghịch, để cho y chết vì độc dược và giữ được thanh danh. Như thế cũng đã khoan hồng rồi.

Biết ý người đã quyết, Tứ vương gia và Thiên Vũ không dám nói thêm. Vụ hành thích đêm ấy được giữ kín đến nỗi, Nhị vương gia cứ ngỡ Tăng Dao bỏ trốn, hết lời nguyền rủa. Có điều lạ là hoàng thương và Tứ vương gia luôn nhìn lão với ánh mắt thương cảm thân thiết.

Bốn ngày sau, trong buổi triều kiến, Hoàng thượng đưa Thiên Vũ ra giới thiệu với quần thần. Nhị vương gia đã bị chất độc phát tác nằm liệt giường nên không có mặt.

Thiên Vũ mặt hoàng bào, đội mũ Vương gia trông rất mỹ mạo và tôn quý. Không ai nghĩ rằng chàng chỉ là một gã dân dã, tầm thường.

Thánh thượng hớn hở phán :

- Ngũ vương gia Thương Thiên Vũ là người hai lần đã cứu trẫm và Tứ vương gia, lại có tài kinh bang tế thế. Vì vậy, trẫm đã cùng họ Thương kết tình huynh đệ, đặc cách phong cho tước vương, lại ban Thượng Phương bảo kiếm để trừ gian nịnh, giữ vững triều cương. Chư khanh mau khấu kiến Ngũ vương gia.

Quần thần đồng thanh tung hô :

- Thánh thượng vạn tuế, Ngũ vương gia vạn an.

Thiên Vũ được ngồi cạnh Tứ vương gia, gần với long ngai của Thánh Hoàng.

Chàng nhớ đến phụ thù nên không hề tỏ vẻ vui sướng dù đang ở trên tột đỉnh vinh hoa.

Bỗng thị vệ gác sân chầu xướng to :

- Tam vương gia... triều... kiến.

Từ trên kiệu, một người mặt hoàng bào chống gậy bước vào. Dung mạo tuấn mỹ, râu dài đen nhánh, tuổi trạc ngũ tuần. Đôi mắt to đen bất động, miệng cười tươi tắn.

Lão đi đến đâu cũng được chư quan cúi đầu bái kiến.

Tứ vương gia lật đật bước ra, nắm lấy tay lão dẫn vào :

- Tam hoàng huynh hôm nay vào triều chắc trong lòng cao hứng?

Lão mù đáp :

- Ta bấm độn thấy Hoàng Tộc có thêm người nên đến xem thử.

Hoàng thượng cả cười khen :

- Không ngờ tam đệ lại có tài thần cơ diệu toán. Mau lại đây, ta sẽ giới thiệu Ngũ vương gia.

Lão mù bước lên, ngôi vào chỗ của Nhị vương gia. Chờ lão an tọa, Thiên Vũ sụp xuống thi lễ :

- Tiểu đệ Thương Thiên Vũ xin bái kiến Tam hoàng huynh.

Lão mù xua tay rồi bảo :

- Ngũ đệ hãy lại gần đây?

Thiên Vũ tuân mệnh. Tam vương gia đưa tay sờ mặt chàng, gật gù :

- Nếu ta không lầm thì lão đệ rất anh tuấn.

Quần thần đồng khen phải. Thiên Vũ cảm thấy yêu mến con người nho nhã, vui vẻ này. Chàng nhìn sâu vào đôi mắt của ông nhớ lại y kinh. Tan chầu, chàng nói nhỏ với Hoàng thượng :

- Xin Thánh thượng lưu Tam vương gia lại để thần xem xét, may ra cứu được đôi mắt kia.

Đấng Cửu Trùng rất yêu thương người em tàn tật này nên hoan hỉ phán :

- Trẫm thật vô tâm, có thần y dưới trướng mà không nghĩ đến chuyện trị bệnh cho Tam đệ.

Ngài nắm tay Tam vương gia nói :

- Đã lâu không được gặp, chúng ta hãy uống vài chung ngự tửu rồi hàn huyên cho bỏ nhớ thương.

Tổng quản thái giám Tô Mạo và tay chân thân tín đã bị đưa vào lãnh cung hầu hạ các phi tần phạm lỗi, suốt đời không được ra ngoài. Tổng quản mới là Dương Thiện, dù tuổi đã cao nhưng rất mực trung thành.

Họ Dương nhận mệnh liền bảo ngự thiện bày tiểu yến nơi vườn thượng uyển.

Hoàng Hậu cũng được mới đến chung vui. Rượu được vài tuần, Thiên Vũ hỏi :

- Chẳng hay Tam hoàng huynh mất thị giác từ bao giờ?

Lão mù cười buồn đáp :

- Ba năm trước, hôm ấy ta lấy quyển Dạ Hành Chúc của Tào Chính Phu ra đọc thì bị bụi trong sách bay vào mắt. Từ ấy nhãn lực càng ngày càng kém, sau hai tháng không còn thấy gì nữa.

Thiên Vũ tư lự rồi hỏi tiếp :

- Phải chăng cuốn sách ấy là do Nhị vương gia tặng?

Tam vương gia Chu Thư giật mình :

- Sao Ngũ đệ lại biết?

Hoàng thượng và Tứ vương gia đưa mắt nhìn nhau phẫn nộ. Thiên Vũ thở dài lẩm bẩm :

- Nếu cuốn sách ấy vẫn còn thì mới mong cứu được.

Chu Thư ngờ ngợ nhận ra sự việc, lão thảng thốt nói :

- Lẽ nào Vũ đệ cho rằng Nhị Hoàng Huynh đã rắc độc phấn vào sách để hại ta?

Tứ vương gia bùi ngùi đáp thay :

- Đâu phải chỉ mình Tam hoàng huynh ngộ hại, chính tiểu đệ và Thánh thượng cũng suýt chết mấy lần dưới độc thủ của Nhị ca.

Chu Thư chết điếng trong lòng, giọt lệ thương tâm trào ra khóe mắt. Hoàng hậu nãy giờ chú tâm theo dõi nên mở lời :

- Hoàng Thúc chớ bi thảm làm gì, hãy cố nhớ lại xem cuốn sách ấy hiện ở đâu?

Ngũ vương gia là một thần y hiếm có, nếu biết được độc tính sẽ có thần phương giải trừ.

Chu Thư suy nghĩ rồi đáp :

- Hôm ấy tiểu đệ bị độc phấn làm cay mắt, không đọc được nữa ben?bỏ vào ngăn bàn, chắc vẫn còn ở đấy, vì chẳng ai dám đụng vào sách vở của tiểu đệ.

Thiên Vũ mừng rỡ gọi thị vệ :

- Ngươi mau ra bảo Chu Luân vào đây.

Chu Luân đang thơ thẩn trước cửa ngự hoa viên, được lệnh mau mắn ứng hầu.

Thiên Vũ bảo gã :

- Phiền Đới Đao đến ngay thư phòng Tam vương gia, lục tìm trong ngăn bàn, kiếm cho được quyển Dạ Hành Khúc của Tào Chính Phu đem về đây. Nhưng nhớ phải tuyệt đối nhẹ nhàng, không được mở ra xem, dùng đũa gắp bỏ vào túi lụa dầy mang về.

Phủ đệ của Tam vương gia cũng gần Hoàng cung nên chỉ tàn một nén nhang, Chu Luân đã về đến. Gã phấn khởi dâng lên một túi gấm. Thiên Vũ nhận lấy, bước xa bàn tiệc, nhẹ nhàng mở sách quan sát.

Quả nhiên giữa những trang giấy có một lớp bụi mờ màu trắng. Chàng nếm thử, thấy vị đắng và lại hơi chua. Chàng bảo cung nữ rót cho một ly ngự tửu rồi tưới lên một trang, giấy trắng bỗng hiện sắc hồng.

Thiên Vũ sung sướng reo lên :

- Đúng rồi, không thể sai được.

Chàng sai lấy thêm một bình rượu, rửa tay và đổ cho quyển sách ướt mèm rồi bỏ vào túi, sai Chu Luân đem đốt. Trở lại bàn, biết mọi người đang mong đợi, Thiên Vũ tươi cười giải thích :

- Chất độc trong sách là phấn của một loài hoa lạ xứ Miêu Cương có tên Tử Vong Mẫu Đơn. Tiểu đệ may mắn học được cả hai bộ y kinh và độc kinh nên có thể trả lại thị giác cho Tam ca một cách dễ dàng.

Tưởng rằng suốt đời sẽ sống trong cảnh mù lòa, tăm tối, nay nghe Thiên Vũ nói sẽ chữa cho sáng mắt, Chu Thư vui mừng khôn xiết, run rẩy nói :

- Nếu được nhìn thấy lại ánh dương quang thì Chu Thư ta trọn đời biết ơn Ngũ đệ.

Ngay hôm sau, Thiên Vũ viết một toa thuốc, bảo Thái Y đích thân trông coi củi lửa. Chàng cho Chu Thư uống xong bảo lão ngồi xếp bằng, rồi áp tay vào huyệt Thái Dương vận khí đẩy chất độc ra ngoài.

Từng giọt nước mắt màu đen tuôn ra, Thiên Vũ ngưng tay nghỉ ngơi vài khắc rồi lại tiếp tục. Đến chiều thì Chu Thư đã thấy được lờ mờ, lão mừng đến sa lệ. Sau ba ngày điều trị, Tam vương gia đã lấy lại tám phần thị lực. Hoàng cung mở đại yến ăn mừng, mở cửa kho gạo bố thí cho bần dân thiên hạ. Nhưng khi đại yến chưa tàn thì đã nhận được tin Nhị vương gia Chu Khởi qua đời.

Bình luận





Chi tiết truyện