chương 26/ 74

Tu viện trưởng bộc lộ niềm tự hào

về sự giàu có của tu viện

và nỗi sợ hãi bọn phản giáo.

Cuối cùng, Adso thắc mắc

không hiểu mình có sai lầm

khi dấn thân vào đời chăng?

Chúng tôi gặp Tu viện trưởng tại bàn thờ chính trong giáo đường. Người đang theo dõi công việc của tu sinh, từ một nơi bí mật nào đó, họ mang ra một số bình, ly rượu lễ, lọ bánh thánh, và một thánh giá mà tôi đã không thấy trong buổi hành lễ sáng nay. Tôi không kiềm nổi một tiếng kêu thán phục khi nhìn thấy vẻ đẹp huy hoàng của các thánh vật này. Khi ấy là giữa ngọ, ánh nắng ùa qua các cửa sổ khu hát kinh, chảy tràn qua các cửa sổ ở tiền sảnh, tạo nên những dòng thác bạc, tựa như những con suối huyền ảo chảy nước thiêng, rọi sáng đây đó trong giáo đường và chan hòa khắp bàn thờ.

Tu viện trưởng thấy tôi thán phục bèn mỉm cười. Người nói với thầy trò tôi. – Những báu vật các con đang thấy và các báu vật khác, các con sẽ thấy sau này, là di sản của hàng nhiều thế kỷ tận tụy hiến dâng cho Chúa, là minh chứng cho quyền lực và sự thiêng liêng của tu viện này. Mặc dầu hôm nay một biến cố buồn bã đã làm u ám tu viện, nhưng khi nghĩ đến sự yếu đuối của chúng tôi, chúng tôi vẫn không quên quyền lực và sức mạnh của Đấng Toàn Năng. Giáng sinh sắp đến, chúng tôi khởi sự đánh bóng các thánh vật, để ngày sinh của Chúa Cứu Thế được cử hành một cách trọng thể và huy hoàng. Mọi thứ phải hiện ra hoàn toàn rực rỡ.

Trong khi nói, Tu viện trưởng quay mặt về gian giữa của nhà thờ. Dưới ánh thái dương bao dung, một vạt nắng từ phía trên chiếu rạng khuôn mặt Cha và đôi tay Người, nãy giờ giang rộng thành hình Thánh giá, nay vung lên cao khi Cha hăng say nói.

– Mọi tạo vật, dù vô hình hay hữu hình, đều là ánh sáng phát sinh ra từ ánh sáng. Vật bằng ngà này, thanh mã não này, và cả đá xung quanh chúng ta nữa, đều là ánh sáng, vì Cha thấy chúng tốt lành và đẹp đẽ, chúng hiện hữu theo luật tự cân đối và tự phân biệt mình với các loại, giống khác, tự xác lập mình bằng kích thước riêng, tự tìm ra một thứ tự và vị trí riêng tùy theo trọng lượng của chúng…

Thầy William nhã nhặn đằng hắng. – Hà… hừm! – Thầy thường làm thế mỗi khi muốn chuyển sang đề tài mới. Thầy chuyển đề tài rất khéo, vì theo thói quen của dân xứ thầy, trước khi phát biểu một nhận định nào đó, thầy đều đằng hắng rất lâu, như thể thầy phải động não ghê gớm mới có thể trình bày đầy đủ một ý tưởng. Tôi thì tin rằng trước khi phát biểu, thầy càng đằng hắng nhiều bao nhiêu thì càng tự tin vào điều mình sắp nói bấy nhiêu.

Thầy William tiếp tục: - Hừm… ừm… Chúng ta nên bàn về cuộc gặp gỡ để tranh luận về cái nghèo của Chúa.

- Cái nghèo… - Tu viện trưởng mơ màng nói, như thể khó khăn lắm mới rứt được khỏi cõi diễm lệ lấp lánh những viên ngọc đã du hồn ông - Ừ nhỉ, cuộc gặp gỡ.

Rồi họ bắt đầu bàn luận hăng say một số điểm tôi đã biết, một số điểm khác tôi cố nắm khi nghe họ nói.

Như tôi đã nói trong lời MỞ ĐẦU quyển Hồi ký trung thực này, cuộc gặp gỡ này liên quan đến cuộc tranh cãi song đôi, một mặt giữa Nhà Vua với Giáo Hoàng, mặt khác giữa giáo hoàng với dòng Francisco; các tu sĩ này, qua nhiều năm tại Đại hội Perugia đã tiếp nhận các lý thuyết của dòng Thánh thần về sự cơ nghèo của Chúa. Buổi gặp gỡ này cũng liên quan đến một cuộc xào xáo xảy ra vì dòng Francisco về phe với Nhà vua tạo ra một tam giác kẻ thù và đồng minh mà nay đã biến thành một tứ giác, nhờ sự can thiệp của các tu viện trưởng dòng Benedict.

Cha bề trên hiện đang sẵn sàng hợp tác với sứ giả của Hoàng đế là thầy William, và đóng vai trò trung gian giữa dòng Francisco và Giáo hoàng. Thực ra, trong cuộc tranh cãi khốc liệt đe dọa đến sự thống nhất của Giáo hội, Cha trưởng dòng Francisco là Michael xứ Cèsena đã nhiều lần bị Giáo hoàng John triệu hồi về Avignon. Cuối cùng, Cha đành chấp nhận lời mời đến dự buổi gặp gỡ này, vì ông không muốn đặt chính dòng mình vào mối mâu thuẫn không hàn gắn được với đức Giáo hoàng. Cha muốn thấy ngay sự thắng thế của mình và đạt được sự thỏa thuận của Giáo hoàng, hoàn toàn không phải vì Cha phỏng đoán mình sẽ không còn giữ được chức Trưởng dòng nếu không được Giáo hoàng nhất trí.

Có nhiều người đã cam đoan với Cha rằng Giáo hoàng sẽ giăng bẫy đợi Cha tại Pháp, buộc Cha tội phản giáo và đem ra xử. Do đó, họ khuyên Cha Michael nên cố thương thuyết, trước khi xuất hiện tại Avignon. Marsilius còn có ý hay hơn: phái theo Cha Michael một sứ giả của triều đình để trình lên Giáo hoàng quan điểm của những người ủng hộ Hoàng đế, không chỉ để thuyết phục lão Giáo hoàng Cahors mà còn để củng cố địa vị của Cha Michael, một thành viên trong phái đoàn của triều đình, để ông khỏi biến thành mồi ngon cho Giáo hoàng trả thù.

Tuy nhiên, ý kiến này có nhiều điểm bất lợi và không thể được thực hiện ngay. Từ đó, nảy sinh đề nghị nên có một buổi hội kiến trước, giữa phái đoàn nhà vua và vài sứ giả của Giáo hoàng, để thăm dò quan điểm lẫn nhau và soạn thảo một hiệp nghị gặp gỡ sau này, trong đó phải đảm bảo an ninh cho các đại biểu người Ý. William xứ Baskerville đã được chỉ định để tổ chức buổi gặp gỡ đầu tiên. Sau đó, thầy sẽ trình bày quan điểm của các nhà thần học triều đình tại Avignon, nếu thầy cho hành trình đến đấy là không nguy hiểm. Đây là một dự định không đơn giản, vì người ta cho rằng Giáo hoàng muốn Cha Michael đến đó một mình để có thể bắt Cha tuân phục; Giáo hoàng sẽ cử một phái đoàn đi Ý và chỉ thị cho họ phải phá hoại cuộc hành trình của các sứ giả triều đình. Cho đến nay, thầy William đã hoạt động rất có hiệu quả. Sau những cuộc bàn bạc lâu dài với nhiều Tu viện trưởng dòng Benedict, thầy đã chọn Tu viện này, chính vì Tu viện trưởng nổi tiếng trung thành với Hoàng đế, nhưng nhờ tài ngoại giao khéo léo nên cũng được phần nào cảm tình của Giáo hoàng. Là địa phận trung lập, nên tu viện sẽ là nơi hai nhóm gặp gỡ.

Bình luận





Chi tiết truyện