chương 2/ 5

Trên một ngọn đồi cao trong một khu vườn huyền ảo, giữa những bức tường cao vây kín và được bảo vệ bằng phép thuật hùng hậu, một Nguồn Suối Vạn Hạnh tuôn trào.

Mỗi năm một lần, giữa thời khắc mặt trời mọc và mặt trời lặn của ngày dài nhứt, một người bất hạnh duy nhứt được dành cho cơ hội tranh đấu tìm đường lên Nguồn, tắm trong nước suối và hưởng Hạnh phúc đời đời.

Vào ngày được ấn định, hàng trăm người đi từ khắp vương quốc đã đến được những bức tường trước buổi bình minh. Đàn ông và đàn bà, người giàu và người nghèo, người trẻ và người già, người có phép thuật và người không có phép thuật, họ tụ tập trong bóng tối, mỗi người đều hy vọng mình sẽ là người dành được cơ hội vào khu vườn.

Ba cô phù thủy, mỗi người đều gánh nặng buồn khổ, gặp nhau ở bên rìa đám đông, và kể cho nhau nghe nỗi đau của họ trong khi chờ trời sáng.

Người thứ nhứt, tên Asha, điêu đứng vì một chứng bệnh không một thầy thuốc nào chữa khỏi. Cô hy vọng Nguồn Suối sẽ gột rửa những triệu chứng bệnh tật và ban cho cô một cuộc sống hạnh phúc trường thọ.

Người thứ hai, tên Altheda, đã bị một phù thủy ác độc cướp mất nhà, mất vàng, mất cả cây đũa phép.

Cô hy vọng Nguồn Suối giúp cô thoát được tình trạng nghèo khổ và không có quyền phép gì cả.

Người thứ ba, tên Amata, đã bị một người đàn ông cô yêu tha thiết bỏ rơi, và cô tưởng trái tim mình sẽ không bao giờ lành lại. Cô hy vọng Nguồn Suối sẽ giải thoát cho cô nỗi buồn và niềm mong nhớ.

Thương xót lẫn nhau, cả ba cô đồng lòng rằng, nếu dịp may rơi trúng họ, họ sẽ đoàn kết và cố gắng cùng nhau đi đến Nguồn Suối.

Bầu trời vừa lóe lên tia sáng đầu tiên của mặt trời, và khe nứt trên bức tường mở ra. Đám đông ùa tới, mỗi người đều thét lên lời cầu xin ân phước của Nguồn Suối. Mấy ngọn dây leo từ trong vườn bò ngoằn ngoèo qua đám đông dồn sát nhau, và tự xoắn quanh mình cô phù thủy thứ nhứt, Asha. Cô bèn nắm lấy cổ tay cô phù thủy thứ hai, Altheda, cô này túm chặt tấm áo của cô phù thủy thứ ba, Amata.

Và Amata bị vướng vào bộ áo giáp của một chàng hiệp sĩ mặt mày buồn hiu ngồi trên lưng một con ngựa gầy trơ xương.

Mấy cọng dây leo kéo mạnh ba cô phù thủy qua khe nứt trên tường và chàng hiệp sĩ bị lôi khỏi yên con chiến mã theo ba cô phù thủy.

Tiếng gào điên tiết của đám đông thất vọng bốc lên trong không khí ban mai, rồi nín lặng khi mấy bức tường quanh khu vườn lại khép kín.

Asha và Altheda tức giận Amata hết sức, vì cô này đã tình cờ mang theo chàng hiệp sĩ.

“Chỉ có một người được tắm Nguồn Suối mà thôi! Không cần thêm một người nữa cũng đã khó quyết định ai trong chúng ta sẽ là người đó!”

Thế là, ngài Bất Hạnh, tên chàng hiệp sĩ trong thế giới bên ngoài những bức tường, nhận thấy rằng các cô này là phù thủy và, xét mình không phép thuật, không tài cán vĩ đại trong việc cưỡi ngựa đấu thương hay so gươm song đấu, cũng không có bất cứ gì để được coi là trang nam tử phi pháp thuật xuất chúng, chàng hiệp sĩ biết chắc là mình đừng có hòng hy vọng đánh bại được ba người đàn bà để lên tới Nguồn Suối. Chàng ta vì vậy tuyên bố ý định rút lui trở ra ngoài bức tường.

Nghe vậy, Amata cũng nổi giận luôn. Cô mắng chàng hiệp sĩ:

“Đồ yếu bóng vía! Này Hiệp sĩ, hãy rút gươm ra và giúp chúng ta cùng đạt tới mục tiêu!”

Và thế là ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ khốn khổ mạo hiểm tiến vào khu vườn huyền ảo, nơi kỳ hoa dị thảo và rau trái mọc đầy hai bên những con đường ngập nắng. Họ chẳng gặp trở ngại nào cho tới khi đến được chân ngọn đồi có Nguồn Suối phun trên đỉnh.

Tuy nhiên, nằm phục quanh chân đồi là một con Giun trắng kinh dị, múp míp và mù lòa. Khi họ đến gần, Giun xoay cái mặt gớm ghiếc về phía họ, và thốt ra những lời như sau:

“Nộp cho ta bằng chứng nỗi đau của các người.”

Ngài Bất Hạnh rút ngay thanh gươm ra và cố gắng giết con quái vật, nhưng lưỡi gươm của chàng bị gãy đôi. Altheda bèn quăng đá vào Giun, trong khi Asha và Amata thử tung ra mọi bùa chú có thể khuất phục hay mê hoặc nó, nhưng quyền lực phát từ cây đũa phép của họ cũng chẳng hiệu quả gì hơn mấy cục đá của Altheda, hay kiếm thép của chàng Hiệp sĩ: con Giun không chịu để cho họ đi qua.

Mặt trời càng lúc càng lên cao trên bầu trời, và Asha, trong tuyệt vọng, đã bật khóc.

Con Giun vĩ đại bèn áp gương mặt của nó vào gương mặt cô và uống cạn nước mắt trên mặt cô. Cơn khát dịu đi, Giun trườn qua một bên, và tan biến vào trong một cái lỗ dưới đất.

Vui mừng trước sự biến mất của con Giun, ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ bắt đầu trèo lên đồi, chắc mẻm họ sẽ đến được Nguồn Suối trước ngọ.

Thế nhưng, nửa đường lên dốc, họ gặp mấy chữ này khắc vào mặt đất trước mặt:

“Nộp cho ta thành tựu lao động của các người.”

Ngài Bất Hạnh lấy ra đồng xu duy nhứt của chàng và đặt lên sườn đồi xanh mượt cỏ, nhưng đồng xu lăn đi và mất tiêu luôn. Ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ tiếp tục trèo lên, nhưng dù họ đi thêm mấy tiếng đồng hồ nữa, họ vẫn không tiến thêm được một bước nào; đỉnh đồi chẳng gần thêm chút nào, và hàng chữ khắc trên mặt đất vẫn còn nguyên trước mặt họ.

Cả bọn đều nản chí khi mặt trời đi qua đỉnh đầu họ và bắt đầu lặn xuống phía chân trời xa xa, chỉ riêng Altheda đi nhanh hơn và chăm chú hơn tất cả và cổ vũ những người khác noi theo gương mình, mặc dù chính cô cũng chẳng di chuyển được chút nào lên ngọn đồi bị phù phép.

“Can đảm lên, các bạn, đừng bỏ cuộc!” Cô kêu lớn, quẹt mồ hôi rịn trên trán.

Khi những giọt mồ hôi rơi lóng lánh xuống mặt đất, hàng chữ chướng ngại vật của họ biến mất, và họ nhận ra mình lại có thể tiến lên.

Vui mừng vì đã vượt qua được vật cản thứ hai này, cả bọn vội vàng dốc hết sức tiến thật nhanh lên đỉnh đồi, cho đến khi họ rốt cuộc thoáng thấy Nguồn Suối, sáng lấp lánh như pha lê giữa một lùm cây cỏ hoa lá.

Nhưng trước khi đến được bên Nguồn Suối, họ gặp một dòng suối chảy quanh ngọn đồi ngáng đường. Dưới đáy dòng suối trong veo có một tảng đá phẳng phiu mang dòng chữ:

“Nộp cho ta kho báu quá khứ của các người.”

Bất Hạnh thử dùng cái khiên của chàng để lướt qua dòng suối, nhưng bị chìm lỉm. Ba cô phù thủy kéo được chàng hiệp sĩ ra khỏi nước, rồi các cô tự mình cố gắng nhảy qua dòng suối, nhưng dòng suối chẳng chịu để họ vượt qua, và ngay lúc đó mặt trời đang chìm xuống chân trời.

Thế là họ đành phải ngẫm nghĩ ý tứ trong cái thông điệp của tảng đá, và Amata là người trước nhứt hiểu ra. Cô cầm cây đũa phép rút từ đầu óc mình ra tất cả ký ức về những lúc vui vẻ hạnh phúc với người yêu đã bỏ đi, rồi thả nó vào dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng suối cuốn phăng những ký ức đó đi, và những bậc thềm đá hiện ra, và ba cô phù thủy cùng chàng hiệp sĩ rốt cuộc có thể bước qua để lên được đỉnh đồi.

Nguồn Suối sáng lung linh trước mặt họ, nằm giữa đám kỳ hoa dị thảo quý hiếm và đẹp hơn tất cả những gì họ từng nhìn thấy trong đời. Bầu trời đang ửng màu hồng ngọc, và đã đến lúc quyết định ai trong số họ sẽ là người được tắm.

Tuy nhiên, trước khi họ có thể quyết định, Asha mong manh đã ngã gục xuống đất. Cô mệt gần chết vì đã kiệt sức trong cuộc phấn đấu gian nan lên đỉnh.

Ba người bạn của cô muốn khiêng cô đến bên Nguồn Suối, nhưng trong cơn quằn quại sắp chết, Asha năn nỉ họ đừng đụng vào cô.

Thế là Altheda vội vàng hái tất cả dược thảo mà cô cho là có triển vọng nhứt, trộn hết vô trong bầu đựng nước của chàng hiệp sĩ, rồi đổ món thuốc đó vào trong miệng của Asha.

Ngay lập tức, Asha có thể đứng dậy được. Hơn cả thế, tất cả triệu chứng của căn bệnh lo sợ trong cô biến mất luôn.

Cô hớn hở reo:

“Tôi hết bệnh rồi! Tôi không cần Nguồn Suối nữa – hãy nhường cho Altheda tắm!”

Nhưng Altheda đang bận tíu tít hái các thứ dược thảo cất vào yếm.

“Nếu tôi có thể chữa lành được bệnh này, tôi sẽ kiếm được cả đống vàng! Hãy nhường cho Amata tắm!”

Ngài Bất Hạnh nghiêng mình, ra dấu mời Amata đi về phía Nguồn Suối, nhưng cô lắc đầu. Dòng suối đã cuốn đi hết những nuối tiếc của cô về người tình cũ, giờ đây cô nhận ra hắn đã tàn nhẫn và bạc tình biết bao, và chỉ riêng chuyện cô dứt bỏ được hắn đã là một hạnh phúc rồi. Cô nói với Ngài Bất Hạnh:

“Thưa ngài, ngài phải tắm, đó là phần thưởng cho tất cả nghĩa cử hào hiệp của ngài!”

Thế là chàng hiệp sĩ lanh canh bước tới trong ánh hoàng hôn còn sót lại của mặt trời đang lặn, và tắm trong Nguồn Suối Vạn Hạnh, quá bất ngờ mình là kẻ được chọn trong số hàng trăm người và choáng ngợp với vận may không thể tin nổi này.

Khi mặt trời lặn xuống dưới đường chân trời, Ngài Bất hạnh trồi từ dưới nước lên với vầng hào quang của chiến thắng chính bản thân mình, và chàng, trong bộ áo giáp rỉ sét, gieo mình dưới chân Amata, người mà chàng đã nhận ra là người đàn bà nhân hậu nhứt và xinh đẹp nhứt mà chàng từng để mắt tới. Ngất ngây với thành công, chàng cầu hôn Amata, và cô sung sướng không kém vì nhận ra mình đã tìm được người đàn ông xứng đáng là trang nam tử.

Ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ nắm tay nhau cùng đi xuống đồi, và cả bốn người đều sống thọ trong hạnh phúc, và không ai trong bốn người từng biết hay nghi ngờ là nước Nguồn Suối Vạn Hạnh không hề mang phép mầu nào cả.

Bình luận của cụ Albus Dumbledore về “NGUỒN SUỐI VẠN HẠNH”

Nguồn Suối Vạn Hạnh” vĩnh viễn là chuyện được thích nhứt, thích đến nỗi đó là chủ đề của nỗ lực thuộc một nhóm người muốn đưa một vở kịch câm Giáng sinh vào những lễ hội ở trường Hogwarts.

Bậc thầy Dược thảo học của chúng tôi hồi đó, giáo sư Herbert Beery(1), một người hâm mộ kịch nghệ tài tử nhiệt tình, đã đưa ra một kịch bản phỏng theo câu chuyện trẻ con rất được yêu mến này để chiêu đãi giáo viên và học sinh nhân dịp lễ Nô en. Hồi đó tôi còn là một thầy giáo trẻ dạy môn Biến hình, và thầy Herbert giao tôi phụ trách phần “hiệu quả đặc biệt”, bao gồm việc tạo ra một Nguồn Suối Vạn Hạnh đầy đủ chức năng và một ngọn đồi cỏ biếc tí hon, nơi mà ba nữ nhân vật và nam nhân vật của chúng ta có vẻ cùng sóng bước, trong khi ngọn đồi từ từ chìm xuống sân khấu rồi biến mất.

(1) Giáo sư Beery cuối cùng đã rời trường Hogwarts để dạy ở W.A.D.A. (Hàn lâm viện Pháp thuật về Nghệ thuật Kịch), ở đó, ông đã có lần thú nhận với tôi, ông vẫn còn giữ mối ác cảm ghê gớm đối với việc chuyển thể sân khấu câu chuyện đặc biệt này, tin là nó rất ư xúi quẩy.

Tôi cho rằng tôi có thể nói, không đến nỗi tự phụ lắm, rằng cả Nguồn Suối và Ngọn Đồi đều đóng trọn vai trò được giao phó cho chúng với thiện chí hồn nhiên. Ái chà, có thể tương tự như vậy đối với tất cả các diễn viên còn lại. Bỏ qua tạm thời trò hề của con Giun khổng lồ do giáo sư Silvanus Kettleburn, thầy dạy môn Chăm sóc Sinh vật Huyền bí của trường tạo ra, yếu tố tình cảm chứng tỏ là tai họa đối với buổi trình diễn. Giáo sư Beery, trong vai trò đạo diễn, đã lơ đễnh một cách nguy hiểm đối với những mắc nmứu tình cảm đang sôi sục ngay dưới mũi của thầy. Thầy hầu như không biết rằng hai học sinh đóng vai Amata và Ngài Bất Hạnh đã là bồ bịch với nhau cho tới một giờ trước khi bức màn sân khấu được kéo lên, thời điểm mà “Ngài Bất Hạnh” chuyển hướng tình cảm sang “Asha”.

Khỏi cần nói là những kẻ đi tìm Hạnh phúc của chúng ta đã không bao giờ lên được tới Đỉnh đồi.

Bức màn thậm chí chưa kịp kéo lên thì con Giun của giáo sư Keeleburn - bấy giờ lộ ra là một con Cuốn Tro(2) được ếm bùa Tọng-đầy-nhóc – đã nổ tung làm tóe ra như pháo hoa bao nhiêu là bụi và tia lửa nóng bỏng, khiến Đại sảnh đường đầy khói và mảnh vụn phông màn. Trong khi mấy cái trứng mà con Cuốn Tro để dưới chân trái Đồi của tôi bốc lửa đốt những tấm ván lót sàn, thì “Amata” và “Asha” xoay vào nhau đánh vật tay đôi một trận kinh hồn đến nỗi giáo sư Beery bị vạ lây, và nhân viên của trường phải di tản Đại sảnh đường, vì ngọn lửa bên trong giờ đây đã bừng bừng ác liệt trên sân khấu và đe dọa nuốt chửng chốn ấy. Phần kết của đêm liên hoan là bệnh thất đầy nhóc bệnh nhân; và nhiều tháng sau Đại sảnh đường mới nhả hết mùi hăng nồng của khói gỗ, thậm chí còn lâu hơn nữa cái đầu của giáo sư Beery mới phục hồi được tầm cỡ thông thường, và giáo sư Kettleburn được gỡ bỏ án treo(3). Thầy hiệu trưởng Armando Dippet nhân đó ban lệnh cấm tuyệt đối những vở kịch câm tương lai, một truyền thống phi-sân khấu kiêu hãnh mà trường Hogwarts duy trì cho đến ngày nay.

(2) Xem cuốn “Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng” để có miêu tả chính xác động vật đáng tò mò này. Chớ có bao giờ tự ý đưa nó vào một căn phòng lát gỗ, cũng đừng bao giờ ếm cho nó bùa Tọng-đầy-nhóc.

(3) Giáo sư Kettleburn sống sót qua không dưới sáu mươi hai đợt án treo trong suốt thời gian nhậm chức giáo viên môn Chăm sóc Sinh vật Huyền bí. Mối quan hệ giữa thầy và vị hiệu trưởng tiền nhiệm của tôi, giáo sư Dippet, luôn luôn căng thẳng. Giáo sư Dippet cho là thầy hơi tưng tửng. Tuy nhiên khi tôi trở thành hiệu trưởng, giáo sư Kettleburn đã tương đối già dặn, mặc dù vẫn luôn luôn có những người có cái nhìn xỉa xói đến nỗi thầy bị buộc đi lặng lẽ hơn trên đường đời với một cái chân rưỡi còn lại.

Nhưng bất chấp thất bại đầy kịch tính của chúng tôi, “Nguồn Suối Vạn Hạnh” có lẽ là chuyện nổi tiếng nhứt trong những câu chuyện của Beedle, mặc dù, cũng như chuyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng”, chuyện này cũng có người phỉ báng. Có ít nhứt một phụ huynh đã đòi hỏi loại bỏ câu chuyện độc đáo này khỏi Thư viện trường Hogwarts, trong số những người này, ngẫu nhiên, có một hậu duệ của Brutus Malfoy, từng là thành viên một-lần của Ủy ban Quản đốc trường Hogwarts, ông Lucius Malfoy. Ông Malfoy đệ trình đòi hỏi cấm câu chuyện đó trong một văn bản:

“Bất cứ tác phẩm hư cấu hay phi-hư cấu nào miêu tả việc lai giống giữa phù thủy và Muggle phải bị cấm lưu hành ở trường Hogwarts. Tôi không muốn con trai tôi bị nhiễm sự hoen ố tính thuần khiết huyết hệ của mình do đọc những câu chuyện cổ xúy hôn nhân phù thủy – Muggle.”

Việc tôi từ chối thu hồi những quyển sách khỏi thư viện được đại đa số Ủy ban Quản đốc ủng hộ. Tôi đã viết lại cho ông Malfoy, giải thích quyết định của tôi.

“Cái gọi là những gia tộc thuần-huyết-thống bảo vệ sự thuần khiết giả định của họ bằng cách từ bỏ, trục xuất, hay giấu giếm về những Muggle hay con cái Muggle trong phả hệ gia tộc của họ. Rồi họ cố gán ghép cái đạo đức giả đó lên những người khác bằng cách đòi hỏi chúng ta cấm những tác phẩm đề cập đến những sự thật mà họ chối bỏ. Không hề có một phù thủy hay pháp sư nào đang sống mà trong huyết quản không có sự pha trộn với huyết thống Muggle, do vậy tôi phải coi việc cấm lưu trữ trong kho tàng tri thức của học sinh những tác phẩm đề cập đến đề tài này là bất hợp lý và vô đạo đức(4).”

Việc trao đổi này đánh dấu sự bắt đầu cuộc vận động lâu dài của ông Malfoy nhằm cách chức tôi khỏi danh vị Hiệu trưởng trường Hogwarts, và cuộc vận động của tôi nhằm loại ông ta khỏi vị trí Tử

Thần Thực Tử được sủng ái nhứt của Chúa tể Voldemort.

(4) Thư trả lời của tôi đã khiến cho ông Malfoy viết thêm nhiều bức thư nữa, nhưng vì những thư đó chủ yếu chứa đựng những nhận xét có tính lăng nhục về trí tuệ, dòng dõi, và việc vệ sinh của tôi, nên chúng không thích hợp để trích dẫn trong bình luận này.

Bình luận





Chi tiết truyện