chương 62/ 85

Bị quay mòng mòng đến loạn hết cả lên, Thủy Căn vẫn còn đang bận gỡ rối câu nói đó.

Nhưng ánh sáng đã lóe lên trong mắt Thác Bạt Thiệu, hắn trầm giọng nói với Vạn Nhân: “Trong động băng này rốt cuộc cất giấu bí mật gì? Mọi việc đã đến nông nỗi này, ngươi cũng không nên giấu diếm nữa chứ nhỉ?”

Vạn Nhân ngoảnh lại nhìn vực sâu không đáy. Từ bên dưới thấp thoáng vọng đến tiếng kêu thét the thé, và muôn vàn khảm tháp còn đang chao liệng trong vực sâu, nôn nóng kêu lên những tiếng chói tai.

Y biết hiệu lực của hạt châu ấy không duy trì được bao lăm, đến lúc “nó” nổi giận, thì e rằng sự phản công sẽ rất khủng khiếp, chỉ dựa vào sức mạnh của mình y thì chẳng làm nên trò trống gì, có lẽ nên nói cho Thanh Hà vương thì hơn.

Nghĩ vậy, y chậm rãi mở miệng: “Đời này, từ bé ta đã thích lịch sử của Nam Bắc Triều, cho nên khi mới sáu tuổi, ta đã bắt đầu tiếp xúc với những tài liệu lịch sử có liên quan, hơn nữa cha ta là giáo sư khảo cổ, lại càng tạo điều kiện…”

Thuỷ Căn không khỏi cắt lời y: “Không phải chớ, ta cứ thắc mắc, lúc đó nguyên thần của ngươi chưa tụ lại cơ mà, cho dù có đầu thai cũng phải thành một tên ngớ ngẩn chứ nhỉ?”

“Năm mười ba tuổi, ta đã học xong cấp hai, cũng thi đỗ trường điểm cấp ba rồi, song từ nhỏ ta đã không thể tự lo cho cuộc sống của mình, đến quần áo cũng không biết mặc, ngoài tri thức trong sách ra, những cái khác ta đều là dốt đặc cán mai, có lẽ là do nguyên thần chưa tụ lại nhỉ? Mãi đến khi các ngươi xông vào cổ mộ, ta mới từ từ ‘tỉnh’ lại.” Vạn Nhân mỉm cười và nói.

Thuỷ Căn nghe mà líu hết cả lưỡi, uầy uầy, lúc còn ngớ ngẩn, người ta đã là thần đồng. Vậy thử nói xem, bây giờ trí lực bình thường rồi thì còn thành cái gì nữa đây? Đúng là thiên tài thối tha tuyệt thế hiếm thấy, vạn người mới có một!

Cậu sợ sệt nhìn Vạn Nhân: “Ngươi nói tiếp đi, cứ nói đi.”

Tiến sĩ Vạn không nhanh không chậm tiếp lời: “Dần dần, ta phát hiện ra rằng thực ra trong lịch sử Trung Hoa, có một tộc người rất kỳ lạ. Họ đến từ vùng núi cao bí ẩn; ngoại hình tóc vàng mắt xanh, khác xa các dân tộc vùng Trung Nguyên. Họ là dân tộc thiểu số đã tiếp nối dân tộc Hung Nô xưng bá ở thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn; họ xây dựng chính quyền dân tộc thiểu số đứng đầu… nhưng không biết từ khi nào tộc người này đã biến mất giữa dòng lịch sử…”

Nghe đến đây, Thuỷ Căn đã đoán được y đang nói đến tộc người nào. Cậu lại nhịn không được chõ mồn vào: “Ngươi đang nói tới tộc Tiên Ti đúng không? Ta biết tộc Tiên Ti này còn có một chi gọi là Mộ Dung thị, cả ngày có mỗi một việc là khôi phục Yến quốc, cả ‘Dĩ bỉ chi đạo, hoàn thi bỉ thân’ (cái kiểu ‘gậy ông đập lưng ông’ dùng chiêu thức của đối phương để đánh bạn đối phương của bạn Mộ Dung ý) của bọn họ nữa! Lại còn Đại Lý Đoàn thị, ‘Nhất dương chỉ’ kia…” Tuy học hành chẳng lấy gì làm giỏi giang, nhưng Thủy Căn được cái đọc không ít tiểu thuyết võ hiệp. Cậu đang thao thao bất tuyệt khoe khoang kiến thức, thì chỉ một ánh mắt Thiệu đã làm cậu im thin thít.

Trừng Thuỷ Căn xong, Thiệu gật đầu với Vạn Nhân: “Ngươi nói tiếp đi.”

Vạn Nhân không thèm đáp lại Thiệu, mà lại nhìn Thuỷ Căn bằng ánh mắt đầy cưng chìu khen ngợi: “Ngươi nói không sai, tộc Tiên Ti quả là xuất hiện rất nhiều dị sĩ tài giỏi. Thế nhưng nhiều tác phẩm văn học lại miêu tả quý tộc Tiên Ti suy tàn như hoàng hôn chiều tà. Tộc Tiên Ti thực sự cứ lặng lẽ rút khỏi vũ đài lịch sử như thế sao? Sự thật không phải như thế, ngược lại, thậm chí họ đã để lại dấu ấn sâu sắc ở nền văn minh Thịnh Đường rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Hoa .

Vào thời nhà Đường, dân tộc thiểu số phương bắc tôn Lý Thế Dân là ‘thiên khả hãn’, đây là danh hiệu dành cho thủ lĩnh tối cao của dị tộc phương bắc, các ngươi có bao giờ tưởng tượng được rằng họ lại gọi một vị hoàng đế người Hán như thế không?

Là người dựng nên nhà Đường, nguồn gốc của dòng họ Lý thị vẫn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ. Lý thị có gốc gác từ vùng Lũng Tây, tuy nhiên, để nâng giá trị bản thân, hoàng tộc Lý thị vẫn tự xưng là cùng một huyết thống với Lão tử Lý Nhĩ của Đạo gia. Song ngày nay đã có nhiều vị học giả trong giới sử học đã chỉ ra rằng: Lý thị – hoàng thất nhà Đường không phải có gốc gác từ Lão tử, cũng không phải Lý thị ở Lũng Tây, mà là từ người Thác Bạt Đạt Đồ tộc Tiên Ti sửa họ Hán, Lý gia là hậu duệ của Thác Bạt Đạt Đồ. Như vậy thì tổ tiên của Lý gia chính là người Tiên Ti.

Thêm vào đó, thê tử của Lý Bính, phụ thân của Lý Uyên (Đường Cao Tổ), tức Độc Cô thị, là con gái danh tướng Độc Cô Tín người Tiên Ti, mà Đậu Nghị, ông ngoại của Lý Thế Dân (Đường Thái Tông), chắc chắn cũng là người Tiên Ti. Có thể khẳng định trong ba vị hoàng đế đầu tiên của Lý Đường, huyết thống tộc Tiên Ti đã từng bước tăng dần. Thác Bạt thị là quốc tính của Bắc Nguỵ, vì lẽ đó, chúng ta có thể coi Đường triều là sự phục hưng của vương triều Bắc Nguỵ mà người Tiên Ti đã gây dựng nên.”

Thuỷ Căn nghe mà miệng không ngậm lại được, cậu lẩm bẩm: “Mấy người nghiên cứu lịch sử đều thật kỳ lạ, độp một phát đã nhân tổ quy tông rồi. Nói thế là dân tộc lớn nhất trên đất Trung Hoa này chẳng phải là người Hán, mà là người tộc Tiên Ti phát triển ra sao?”

Vạn Nhân cười: “Ngươi cảm thấy điều đó thật khó tin? Nhưng nghĩ kỹ lại mà xem, có điều gì là không thể? Huyết thống các dân tộc không ngừng hoà hợp, ngươi cho rằng trong huyết quản người Hán ngày nay chảy được bao nhiêu phần huyết thống thuần khiết của Viêm Hoàng? Thứ duy nhất của tộc Tiên Ti đã biến mất chỉ là cái tên mà thôi, huyết thống truyền tới ngày nay vẫn không hề phai nhạt. Bây giờ đi trên đường, có lẽ trong mười người thì có tới chín là con cháu tộc Tiên Ti.”

Nghe được những điều đáng tự hào như thế về huyết thống của mình, vương tử Tiên Ti, Thác Bạt Thiệu, rất lấy làm đắc ý. Nhưng hắn vẫn khó hiểu nhíu mày: “Mặc dù con cháu Tiên Ti chúng ta đúng là ‘con cưng của trời’, lẽ ra phải thống nhất Trung Nguyên, nhưng những điều ngươi vừa thì có liên quan gì tới quái vật dưới nước kia?”

Vạn Nhân cười mỉa mai: “Con cưng của trời? Bọn họ có thật là đứa con yêu của các vị thần không? Một dân tộc trên đỉnh cực thịnh như một đoá hoa rực rỡ tươi đẹp, nhưng phía sau hương thơm và vẻ đẹp ấy lại là mùi thối rữa mục nát không thể che đậy… Nếu nói họ là dân tộc được sủng ái, có lẽ nên nói họ là dân tộc bị nguyền rủa thì hơn. Cho dù thoát khỏi núi lớn, vượt qua thảo nguyên, dù chạy trốn tới đâu đi chăng nữa, họ cũng không thể thoát khỏi sự ràng buộc của huyết thống và vận mệnh khủng khiếp đã được định trước từ lâu. Ẩn giấu trong động băng này chính là bí mật bị nguyền rủa ấy, một câu đố vận mệnh mà mỗi một đời hoàng tộc Tiên Ti đều muốn giải đáp…”

Y còn đang nói, tầng băng dưới chân bọn họ bất ngờ rung chuyển dữ dội. Cùng với những tiếng vang “ầm ầm”, mặt băng bắt đầu nứt ra, và một cánh tay bị đóng băng trắng bệch cứng đờ vươn lên, chậm chạp nhúc nhích.

Lần này Thuỷ Căn phản ứng rất nhanh, la lên bài hãi: “Xác chết vùng dậy kìa! Mọi người mau chạy thôi!”

.

Lão tử (老子) là một nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn đang còn được tranh cãi. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông sống ở thế kỉ 6 TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ 4 TCN, thời Bách gia chư tử và thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh (道德經) – cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ 道祖). Tham khảo thêm – wiki.

Đường Cao Tổ (chữ Hán: 高祖 Gāo Zǔ) là miếu hiệu của Lý Uyên (李淵 Lǐ Yuān) là vị hoàng đế khai quốc của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 618 đến 626, với niên hiệu là Vũ Đức (武德).

Dưới thời nhà Tùy, ông là một vị quan cai trị khu vực ngày nay là tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, đóng ở Thái Nguyên. Lý Uyên sau đó được phong làm Đại thừa tướng. Tham khảo thêm – wiki.

Nhà Đường (Tiếng Trung: 唐朝; bính âm: Táng Cháo; phát âm Tiếng Trung: [tʰɑ̌ŋ tʂʰɑ̌ʊ]; Tiếng Hoa Trung Đại: Dâng) (18 tháng 6, 618 – 1 tháng 6, 907) là một triều đại Trung Quốc tiếp nối sau nhà Tùy và sau đó là thời kì Ngũ Đại Thập Quốc. Nhà Đường được thành lập bởi gia tộc họ Lý (李). Gia tộc này thâu tóm lấy quyền hành khi nhà Tùy đi xuống và sụp đổ. Triều đại bị gián đoạn bởi Nhà Võ Chu (8 tháng 10, 690 – 3 tháng 3, 705) bởi Nữ hoàng Võ Tắc Thiên nắm lấy quyền hành. Bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, và đặt ra bộ luật riêng của bà.

Nhà Đường, với thủ đô là Trường An (là thành phố đông dân nhất thời bấy giờ, ngày nay là Tây An), được các nhà sử học coi là đỉnh cao trong văn minh Trung Hoa—ngang bằng, hoặc vượt trội hơn so với thời kì đầu nhà Hán—một thời kì vàng của văn hóa thế giới. Tham khảo thêm –wiki.

Đường Thái Tông (唐太宗,; 23 tháng 1 năm 599 – 10 tháng 7 năm 649), tên thật là Lý Thế Dân (李世民), là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 626 đến 649. Ông là một vị vua tài ba, người đã thiết lập sự cường thịnh của Đại Đường. Lý Thế Dân là con trai thứ hai của Đường Cao Tổ Lý Uyên – vị vua khai quốc Đại Đường. Mẹ ông là Thái Mục hoàng hậu. Lý Thế Dân là người động viên cha đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tùy tại Thái Nguyên năm 617 và là người chỉ huy quân đội đi thu phục hầu hết các vùng đất quan trọng bị chia rẽ sau khi thành lập nhà Đường, từ các đối thủ bao gồm: Tần Vương Tiết Nhân Cảo, Định Dương Khả hãn Lưu Vũ Chu, Trịnh Vương Vương Thế Sung và Hạ Vương Đậu Kiến Đức. Với sự dẫn dắt của nhà Đường nói chung và tài mưu trí thao lược của Lý Thế Dân nói riêng nên Trung Quốc đã dần thống nhất sau khi nhà Tùy sụp đổ. Thời Nhà Đường, Trung Quốc thịnh trị cả về văn hóa, kinh tế và chính trị nên được gọi là “Thịnh Thế Thiên Triều”. Tham khảo thêm – wiki.

Bình luận





Chi tiết truyện