chương 4/ 9

Đường về nhà mới khác lúc ra đi làm sao. Tôi chắc rằng cũng như tôi, Philip không thể không suy nghĩ về Lozenzo. Anh ấy chỉ xuất hiện trong cuộc đời chúng tôi một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng rồi chắc chúng tôi sẽ không bao giờ quên anh và cái sự thật là chỉ vì áo và mũ của Philip mà anh đã tìm đến cái chết.

Tôi cứ nghĩ mãi về anh- đi chơi một cách vui vẻ hoạt bát là thế, cho mình là một trong những người đàn ông đào hoa trong thành phố... rồi Thần Chết bất thình lình hiện ra. Tôi tự hỏi không biết anh có nhận ra cái gì đang đến với mình và đặt câu hỏi tại sao không. Có lẽ... trong một khoảnh khắc đáng sợ...

Cuộc tấn công thật tàn bạo. Anh đã chống cự lại nhưng vô ích. Thật lạ lùng. Có lẽ không phải vì kẻ tấn công muốn cướp của mà sau một cuộc đấu khẩu kéo dài. Có lẽ câu chuyện về thành tích chinh phục các bà các cô là đúng và đây là một vụ trả thù vì tình. Không phải thế. Cái áo và cái mũ ở đây là bằng chứng. Anh đã bị nhìn nhầm là một khách du lịch.

Một nỗi lo chợt xâm chiếm tâm trí tôi, chuyện như thế này cũng dễ xảy ra với Philip của tôi và tôi phát hoảng thật sự. Tôi nói với chồng tôi về nỗi lo sợ của mình, bám riết lấy anh như thể thoát khỏi tôi anh sẽ gặp nguy hiểm.

“ Chuyện này đã thay đổi hình ảnh Florence trong mắt chúng ta.”

Tôi đồng ý và chúng tôi về nhà.

Ngoại đứng đón chúng tôi, hai tay chắp vào nhau, đôi mắt đầy quan tâm soi vào mắt tôi. Rồi bà nhoẻn miệng cười: không thể giấu được, hạnh phúc lồ lộ trên mặt tôi.

“ Ngoại hạnh phúc quá...hạnh phúc tràn trề. Cuối cùng thì giấc mơ đã biến thành hiện thực. Một điều hiếm hoi lắm thay! Người ta cứ lập chương trình... lên kế hoạch... hy vọng... và để thấy nó không bao giờ đến. Nhưng lần này... nó đã đến. Cháu của bà hạnh phúc, tình yêu của bà. Cậu ấy thật tốt lành, chồng của cháu ấy, phải không? Những người đàn ông tốt đẹp như thế hiếm lắm... Ai tìm được họ là cực kỳ may mắn.”

“ Trên cả tuyệt vời ngoại à. Cháu phải kể cho bà nghe về Florence. Những công trình kiến trúc tuyệt đẹp... những bức danh họa... điêu khắc... tất cả đều đẹp... những cây cầu duyên dáng bắc ngang sông... những cửa hiệu nhỏ xinh... đường phố...” Giọng tôi lạc đi. Trên những con đường nhỏ tắt ánh đèn, một chàng thanh niên hăm hở lao đi... vui vẻ lâng lâng vì tình yêu cuộc sống và hài lòng với chính mình... thế mà phập một cái, mặt ngã xuống lề đường.

“ Có chuyện gì vậy? Ngoại hỏi đầy quan tâm.

Tôi kể cho ngoại nghe về Lorenzo, bà nghe rất chăm chú. “ Chàng trai mặc áo và đội mũ của Philip à?”

“ Vâng. Chắc anh bị nhìn nhầm là một khách giàu có và đó là lý do...”

“ Trời ơi... chuyện đó có thể...”

Tôi gật đầu. “ Đó cũng là điều cháu nghĩ. Và là lý do bọn cháu về nhà sớm hơn dự tính.”

“ Tạ ơn Chúa là các cháu vẫn an toàn. Tạ ơn Chúa là các cháu hạnh phúc. Bởi vì niềm vui vẫn ở lại. Bà nhớ các cháu lắm. Bà cứ nghĩ về hai cháu suốt. Bà tự hỏi nhiều điều lắm. Hôn nhân có một ý nghĩa lớn lao trong đời một người đàn bà. Có một số người không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng nhưng bà thấy rõ là cháu rất hạnh phúc và không có gì trên đời này làm bà sung sướng hơn.”

Nhưng chuyện xảy ra với Lorenzo vẫn phủ một bóng đen lên niềm vui của Ngoại. Tôi có thể thấy rằng bà không thể không nghĩ rằng một chuyện như thế cũng có thể xảy ra với Philip thân yêu.

Phu nhân rất mừng khi thấy tôi trở về.

“ Con đi lâu quá đấy. Bây giờ mẹ mong con sẽ không đi đâu nữa. Như vậy thật là vô tình quá.”

Tôi không cần phải khúm núnm trước bà nữa. Bây giờ tôi đã là một người con trong gia đình, cưới một trong hai người con trai của bà và trở thành bà Philip Salloner – không đơn giản là con nhỏ Lenoreore Clerement nữa.

“ Thưa mẹ, anh Philip muốn chúng con mua một ngôi nhà ở London. Anh ấy hầu như sống ở London và tất nhiên con sẽ ở cùng anh ấy.”

“ Nó có thể xuống đây bất cứ lúc nào nó muốn.” Mẹ chồng tôi cãi lại. “ Đây là nhà nó cũng như nhà của tất cả chúng ta.”

“ Con biết. Nhưng chúng con sẽ tậu nhà riêng.”

“ Ôi mệt quá đi. Sẽ còn nhiều thời gian trước khi mọi việc được thu xếp. Hiện nay ta đang có cuốn Đá mặt trăng. Nghe nói hấp dẫn lắm. Ta nghĩ chúng ta có thể bắt đầu ngay chiều nay.”

Tôi có thể thấy rằng bà muốn đưa tôi về nếp cũ dù tôi cần phải nói rằng một trong những nhiệm vụ dễ chịu nhất của tôi là đọc sách cho bà nghe.

Nhưng phu nhân rồi sẽ nhận ra cuộc sống đã thay đổi. Cassie ôm tôi thật nồng ấm. “ Chị Lenore, mọi việc ở đây đều chán chường không chịu nổi. Em cứ mong cho đến ngày chị quay về. Bà chị và em cứ đếm từng ngày. Em có một cuốn lịch và ngày nào cũng đánh dấu lên đó. Chúng em thật sung sướng là chị đã về sớm hơn dự tính.”

Cassie tròn mắt nghe tôi kể về Florence và sự việc đau buồn xảy ra cho Lorenzo.

“ Nếu anh ra không mặc cái áo khoác ấy có lẽ chuyện đó đã không xảy ra”, cô nói vẻ kinh khiếp.

“ Bọn chị không rõ. Nhưng hình như kẻ xấu nhầm anh với một người khách du lịch. Hoặc cũng có thể có một cuộc cãi vã nào đó. Anh ta bao giờ xũng nói về những cuộc phiêu lưu tình ái và người Ý là những người có phản ứng rất mãnh liệt. Họ thường có những mối hận và những mối thù truyền kiếp.”

“ Giống như chuyện Romeo và Juliet đấy. Nhưng chuyện này hẳn đã làm chị mất tinh thần.”

“ Đúng thế. Nếu em gặp chàng trai ấy Cassie ạ...”

“ ước gì em có thể gặp.”

“ Thật là kinh khủng khi nghĩ đến những chuyện đã xảy ra cho cậu ta.”

“ Bởi vì anh ta mặc áo của Philip. Một chuyện như vậy cũng có thể xảy ra với Philip.”

“ Xin em đừng nói thế.”

“ Chị yêu anh ấy lắm phải không? Em lấy làm vui lắm. Em cũng yêu anh Philip thật nhiều. Tình yêu này làm chị trở thành một người trong gia đình.”

“ Phải, chị rất vui mừng về diều đó và cả bà chị nữa.”

“ Như thế tất cả chúng ta đều hạnh phúc.”

Julia về thăm nhà cùng với bà bá tước. Gặp tôi, bà bá tước rất mừng còn Julia thì kém vui hơn. Cô nhìn tôi với vẻ thán phục không có gì là thiện chí, làm tôi nghĩ đến chuyện bẫy cho được một ông chồng trở thành một ám ảnh đối với những cô gái như Julia. Tất cả chỉ bởi vì người ra đã phải đầu tư quá nhiều cho một lần các cô ra mắt xã hội thượng lưu. Tôi thật là may mắn. Những chuyện như vậy không xảy ra với tôi.

Lối vào đời của tôi có thể không chính thống nhưng nó lại mang tôi đến với bà ngoại và sau đó là Philip thân yêu. Tôi phải xé toạc cái bóng đen do cái chết của Lorenzo chụp xuống đời tôi, phía trước là hạnh phúc và tôi chỉ việc mở lòng ra đón hạnh phúc. Charles cũng trở về Nhà Tơ lụa. Hai anh em chụm đầu bàn bạc rất lâu trong khi Philip, như anh nói, bận ngập đầu ngập cổ với những việc tồn đọng cần giải quyết trong lúc anh đi vắng. Một trong những viên quản đốc tìm xuống tận Nhà Tơ lụa với một cặp táp đầy giấy tờ. Philip quyết định rằng anh sẽ ở lại đây cùng với Charles và viên quản lý để xử lý công việc.

Chúng tôi về nhà chỉ vừa đúng ba ngày thì Madalenna dé Pucci đến chỗ chúng tôi. Bằng một cách không ngờ nhất.

Chúng tôi đang ăn tối. Cùng với Julia, bà bá tước và Charles, bữa ăn đông vui hơn thường lệ. Vào những ngày mà phu nhân tự cho là “ đẹp trời”, bà cùng ăn với chúng tôi và người ta đẩy chiếc xe lăn của bà vào phòng ăn. Hôm ấy là một trong những ngày hiếm hoi như vậy.

Mới ăn được một nửa bữa thì một người đầy tớ chạy vào thông báo có một tai nạn xảy ra. Một chiếc xe bị lật ngay truớc cổng nhà chúng tôi. Trên xe là mấy người ngoại quốc và chẳng dễ gì hiểu được điều họ nói, nhưng có vẻ như họ yêu cầu giúp đỡ.

Phu nhân có vẻ hoảng sợ. “ Chao ôi... Phiền quá đi mất”, bà lầu bầu. Charles nói tốt nhất là chúng tôi hãy ra xem có thể giúp được gì.

Ngoài tiền sảnh có một người đàn ông tóc đen rõ ràng là có vẻ rất mệt nỏi. Ông ra nói tiếng Ý bằng cái giọng liến thoắng.

Chúng tôi biết được rằng cỗ xe của ông ta bị lật và cô chủ cùng với người đầy tớ gái đều bị thương. Họ đang trên dường đến London.

Ngoài đường chiếc xe nằm nghiêng một bên. Tuy vậy con ngựa không bị thương đang đứng kiên nhẫn gần đấy. Ngồi bên vệ dường là một cô gái trẻ có mái tóc đen và một vẻ đẹp hiếm có trên đời. Cô ta đang ôm dầu gối, có vẻ đau đớn lắm. Cạnh thiếu nữ là một người đàn bà đứng tuổi đang vặn hai tay vào nhau, cố gắng xoa dịu cô chủ mặc dù thiếu nữ này có vẻ còn bình tĩnh hơn bà ta.

Charles bước đến gần thiếu nữ. “ Cô có đau lắm không?”

“ Si... si...” Cô gái ngước đôi mắt đẹp, rợp bóng hàng mi lên nhìn chàng trai, vẻ đẹp có thể làm xao xuyến bất cứ trái tim sắt đá nào.

“ Cô phải vào nhà ngay,” Charles nói. Tôi có thể thấy rõ sắc đẹp choáng ngợp của bô gái đã biến hắn thành một tên nô lệ.

“ Để xem cô có đứng lên được không?” Charles săn đón. “ Nếu cô đứng lên được... tôi nghĩ điều đó có nghĩa là không có cái xương nào bị gẫy.”

Philip nói. “ Để tôi gọi mấy người ở chuồng ngựa xem có thể làm gì được với chiếc xe?”

Người hầu gái nói một cái gì đó liến thoắng bằng tiếng Ý và cô gái đứng lên. Cô ta ngã xuống vừa lúc Charles đưa tay ra đỡ.

“ Chắc phải mời bác sĩ đến”, tôi góp lời.

“ Phải đấy”, Charles nói thêm. “ Phái ngay một người đi mời bác sĩ. Giải thích cho ông ấy chuyện gì đã xảy ra”. Hắn quay sang thiếu nữ xinh đẹp. “Trong lúc đó cô có thể vào nhà chúng tôi.”

Cô gái tì mạnh vào người Charles, người hầu gái đi phía sau nói như bắn súng.

Vài người đàn ông kéo đến xem xét chiếc xe. Philip ở lại với họ trong lúc tôi đi theo Charles và mấy người phụ nữ vào trong nhà.

“ Có ai đi mời bác sĩ chưa?” Charles hỏi.

“ Jim đã đi đến chỗ bác sĩ rồi ạ...” Cassie đáp.

Mọi người tử tế quá...” cô gái người Ý nói.

“ Mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy thôi.” Charles nói giọng dịu dàng, đầy vẻ quan tâm.

Phu nhân đã rời phòng ăn, luôn miệng hỏi chuyện gì xảy ra. Bà cho gọi tôi và tôi đến kể cho bà nghe mọi chuyện.

“ Còn chuyện gì xảy ra nữa đây?”

“ Con không biết ạ. Người ra đã đi mời bác sĩ. Cô gái đau ở đầu gối và anh Charles nghĩ cần phải khám xem sao.”

Chẳng bao lâu bác sĩ đã có mặt. Ông khám vết thương trên đầu gối tuyên bố xương không hề gì, nhưng có thể có chỗ bị rạn. Ông nghĩ cần băng vết thương lại và với vài ngày nghỉ ngơi mọi chuyện sẽ ổn thỏa cả. Charles cho là cô gái nên nghỉ lại Nhà Tơ lụa cho đến khi có thể tự đi lại được. Trong lúc đó thì Philip đã điều tra được vài thông tin như là mấy người này đi từ đâu đến và họ sẽ đi đâu. Đây là những người Ý- điều mà chúng tôi đã biết- và họ sang Anh để thăm người bà con. Thiếu nữ tên là Madalenna dé Pucci vừa đến thăm một người bạn và đang trên đường về nhà anh trai ở London. Sau đó, họ sẽ quay về Ý.

Một kế hoạch hành động đã được quyết định

Charles một mực khẳng định thiếu nữ cần ở lại nhà chúng tôi cho đến khi đầu gối của cô lành hẳn. Cô gái phản đối một cách yếu ớt trong khi lý lẽ của Charles chắc nịch và kiên quyết. Cô và người hầu gái tên là Maria có thể ở lại đây. Chiếc xe cần sửa sang chút ít và người ở chuồng ngựa có thể làm được điều đó gọn ơ. Sau đó tên xà ích sẽ đánh xe đến London giải thích với người anh mọi chuyện, chỉ vài ngày sau Signorita Madalenna và người hầu gái có thể trở về London.

Cuối cùng kế hoạch này cũng đựoc chấp nhận và người ta chuẩn bị một phòng cho Madalenna và phòng xép cho người hầu gái. Cô gái hết sức cảm động luôn miệng ca ngợi lòng tốt của chúng tôi.

Sự cố này làm hài lòng những người giúp việc trong nhà- họ đã làm tất cả để chào đón những người khách lạ, cả chúng tôi cũng vui nữa, đặc biệt là Charles người rõ ràng là đã bị sắc đẹp của thiếu nữ Italia hớp hồn.

Chỉ có phu nhân Sallonger là rầu rĩ vì có một người trong nhà dám cạnh tranh với bệnh tật của bà, nhưng dù sao người lạ cũng chỉ ở lại ít hôm. Phu nhân mau chóng bình tâm, thậm chí bà còn cảm thấy hài lòng vì giờ đây bà đã có một cử tọa mới. Bà thích nói chuyện với Madalenna về tình trạng bệnh tật của mình, đoan chắc với cô gái là bệnh của bà còn tệ hại hơn bất cứ điều gì cô có thể tưởng tượng đuợc. Còn Madalenna không hiểu được một nửa những gì phu nhân nói nhưng lại quá lịch sự không để lộ bất cứ điều gì ngoài một sự quan tâm và cảm thông thành thật.

Tôi nghĩ mọi người trong nhà đều hài lòng với sự có mặt của cô. Chẳng bao lâu sau mọi việc đã rõ: đầu gối của cô bị thương cũng chẳng có gì nghiêm trọng, cô có thể tập tễnh đi từ bàn ăn về phòng cô và ngược lại. Khi chúng tôi ở trong phòng khách cô có thể tựa đầu gối lên một cái ghế đẩu hoặc đôi khi cô nằm trên trường kỷ. Dù cô có làm gì thì nó cũng toát lên vẻ duyên dáng của một tư chất cao quý rõ ràng là đã được học hành đến nơi đến chốn.

Người đầy tớ thì lại không tạo được một cảm tình như vậy. Bà ta có cái vẻ ít lời của một kẻ ngu muội, một điều dễ xảy ra khi đặt cạnh một cô chủ sáng chói như thế. Những người làm trong nhà nghi ngờ bà ta. Một người ngoại quốc không hiểu lấy một từ tiếng Anh- chỉ điều đó thôi cũng đủ làm khơi dậy lòng ghét bà của họ. Hơn nữa bà ra lại có vẻ rất ủ dột, ngay cả với những cử chỉ thân thiện của chúng tôi, bà ta cũng chỉ đối phó lại bằng một vẻ thù địch. Người đàn bà này có vẻ rất khoái rừng và thường đi dạo một mình trong rừng rất lâu. Bà ta di chuyển trong nhà với một vẻ hết sức lặng lẽ, người ta có thể bất thình lình ngửng lên nhìn thấy bà ta mà không nghe thấy một tiếng động nào. Madalenna giải thích đây là lần đầu tiên bà ta xa nước Ý, bà ta rất bối rối, rất ngượng ngùng hơn nữa tai nạn xảy ra chắc chắn làm bà ta sợ hết hồn.

Thời gian hưởng tuần trăng mật ở Ý làm vợ chồng tôi đặc biệt quan tâm đến Madalenna. Cô gái nôn nóng muốn nghe cảm tưởng của chúng tôi về Florence, đôi mắt đẹp của cô sáng lên vì vui thích khi chúng tôi ca tụng vẻ đẹp của thành phố và nhiệt tình miêu tả vẻ quyến rũ có một không hai của Florence đối với khách du lịch. Một lần tôi suýt kể cho cô nghe về Lorenzo rồi nghĩ đi nghĩ lại tôi từ bỏ ý định đó. Kỷ niệm ấy bao giờ cũng làm cho tôi buồn. Hơn nữa, tôi nghĩ có thể cô hiểu là tôi có ý cho rằng đất nước cô là một nơi không an toàn; công dân tuân thủ pháp luật của nó khi ra ngoài rất có thể bị đâm cho đến chết.

Madalenna tỏ ra quyến luyến tôi hơn là Cassie hay Julia. Có lẽ bởi vì tôi mới đến Italia đi du lịch. Cô muốn gặp Ngoại tôi và tôi đưa cô lên phòng may của bà. Cô chú ý đến máy may, máy dệt, các hình nhân mẫu và vải vóc các loại. Ngoại nói với cô về công việc của mình. Cô gái miết tay lên từng miếng vải với một vẻ quan tâm đặc biệt.

“ Lụa đẹp quá.”

“ Đó là loại lụa Sallon trứ danh”, tôi bảo cô.

“ Lụa Sallon? Cái gì là lụa Sallon?”

“ Được dệt theo một phương thức độc đáo. Cô có thể thấy vẻ đẹp rực rỡ của nó. Chúng tôi rất tự hào về nó. Nhà chúng tôi là nhà đầu tiên tung nó ra thị trường. Đó là một sáng kiến vĩ đại. Chồng tôi nói nó làm nên một cuộc cách mạng trong ngành dệt lụa. Anh ấy tự hào về nó lắm.”

“ Hẳn thế rồi. Thật thú vị khi tìm ra tất cả điều này... trong một ngôi nhà.”

“ Phải, đúng thế đấy”, tôi gật gù. “Ngoại tôi ở với gia đình lâu lắm rồi. Còn tôi thì từ nhỏ đến lớn đều ở đây.”

“ Và bây giờ chị trở thành bà Sallonger.”

“ Phải, tôi và Philip mới cưới được sáu tuần.”

“ Thật là... lãng mạn.”

“ Phải, tôi cũng cho là thế.”

“ Cháu hy vọng”, người khách nói với bà tôi, “ bà lại cho phép cháu đến đây chơi lần nữa.”

Ngoại nói rằng bà rất sẵn lòng,

Charles bám theo cô như con chó con theo chủ mới. Hắn tìm cách ngồi cạnh cô khi mọi người tụ tập trong phòng khách; hắn nói với cô bằng thứ tiếng Ý ngọng nghịu xen lẫn những câu tiếng Anh làm cô cười như nắc nẻ nhưng rõ ràng là cô khuyến khích mối tình si của hắn.

Khi lên giường đi ngủ, tôi hỏi Philip là anh có nghĩ Charles đem lòng yêu cô nàng Madalenna không?

“ Tình cảm của Charles là thứ tình yêu sớm nở tối tàn, nhưng chẳng có gì phải nghi ngờ anh ấy thấy cái cô Madalenna rất quyến rũ.”

“ Thật là ngẫu nhiên. Cô ấy ngã xe ngay ngoài cửa nhà ta. Cô ấy có thể ngã cách đây năm dặm và anh Charles sẽ không bao giờ gặp cô. Có vẻ như mọi việc đã được định trước”.

Philip phì cười.

“ Tai nạn có thể xảy ra bất cứ đâu. Có một chỗ rất yếu trong bộ thắng ngựa”.

“ Em nghĩ đó là số phận.”

Tôi chỉ mong Charles làm đám cưới với một ai đó vì hắn vẫn làm tôi cảm thấy khó chịu và tôi thường tự hỏi không biết hắn có còn nhớ cái lần bị Drake Aldringham ném xuống hồ không.

Madalenna ở nhà chúng tôi đến ngày thứ tư thì một buổi tối, ông quản đốc ở Spitalfields tìm đến Nhà Tơ lụa với một vẻ hoang mang ghê gớm. Có vẻ như có một trục trặc nào đó trong công việc và cần có sự hiện diện của hai anh em nhà Sallonger.

Charles tỏ vẻ khó chịu. Thường hắn sẵn sàng rời Nhà Tơ lụa sau một vài ngày nhưng Madalenna đang ở đây và hắn làm sao xa cô nàng cho đành. Hắn từ chối không đi nhưng dường như sự có mặt của hắn là rất cần thiết, cuối cùng người ta cũng làm cho hắn hiểu là không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải đi thôi.

Tôi nghe hắn giải thích với người đẹp Italia. “ Anh chắc là người ta có thể giải quyết được mà không cần anh. Dù sao cũng chỉ một ngày thôi mà. Anh sẽ về nhà hoặc là tối nay hoặc sáng sớm ngày mai.”

“ Em mong anh sẽ về với bao niềm vui”. người đẹp bảo hắn và Charles tỏ vẻ sung sướng ra mặt, thế là cùng với Philip và người quản lý hắn lên đường vào sáng hôm sau.

Sau đó một chút, tôi tình cờ ngồi bên cửa sổ và trông thấy Maria. Bà ta đang thoăn thoắt bước những bước ngắn quả quyết đi về phía rừng như thể có việc gì cấp bách lắm.

Tôi nhìn theo người đàn bà cho đến khi bà ta khuất sau các lùm cây. Tội nghiệp Maria. Chắc bà ta cảm thấy khó mà giao tiếp với những người giúp việc trong nhà mà họ thì quyết định không tỏ ra thân thiện với người lạ. Việc bà ta ở lại đây thật khác xa với sự hiện diện của Madalenna vốn được coi là quý hóa- nhất là với Charles.

Vào quãng chín, mười giờ sáng thì một chiếc xe ngựa tới. Cassie và tôi đang cưỡi ngựa một vòng và vừa về đến nơi thì chúng tôi đã nhìn thấy cỗ xe và người xà ích. ông ta tụt khỏi ghế đánh xe, cúi đầu thật thấp chào tôi, đoạn nói rằng ông ta muốn gặp cô chủ ngay.

“ Mời vào nhà. Cô chủ của ông đã khỏe hơn.”

Ông ta lầm bầm một cái gì đó về Chúa và các vị thánh thần, tôi hình dung là ông ta đang nói một câu tạ ơn những vị thánh thần này.

Madalenna đang ngồi trong phòng khách, đặt chân lên một chiếc ghế đẩu. Phu nhân đang uống một ly cocktail theo cữ. Bà đang ở giữa đoạn độc thoại trong đó bà so sánh những nỗi khốn khổ của bà trong hiện tại với quá khứ vẻ vang.

Khi tôi bước vào cùng với người đánh xe, Madalenna kêu lên một tiếng, đứng phắt dậy chả có vẻ gì là đau đớn. Đoạn cô ta nhăn nhó và ngồi ngay xuống ghế.

Cô nói một tràng tiếng Ý, người đàn ông đáp lại. Rồi cô quay sang chúng tôi.

“ Tôi phải rời khỏi đây ngay. Đó là lời nhắn của anh trai tôi. Chúng tôi sẽ gặp nhau ở London. Ngày mai chúng tôi sẽ về Ý. Có việc khẩn cấp. Chú tôi đang hấp hối và muốn gặp tôi. Hy vọng là vẫn còn kịp. Xin lỗi là phải ra đi gấp như thế này... nhưng... “

“ Cháu thân yêu, chúng ta hiểu mà. Chúng ta cũng cảm thấy tiếc khi cháu lại rời khỏi đây. Cháu phải quay lại đây đấy nhé... khi cháu đã lành hẳn. Để chúng ta có thể cho cháu xem tất cả mọi chuyện phải không Lenore?”

Vâng đúng thế ạ. Tôi có thể giúp cô không... chuẩn bị hành lý hay một cái gì đó? Cô có muốn đi ngay không Madalenna?”

“ Gần đến giờ ăn trưa rồi”, phu nhân nói. “ Phải... cô nên ở lại dùng bữa.”

“ Cháu không nghĩ là...” Madalenna nói. “ Anh cháu nói chúng cháu phải rời khỏi Anh vào sáng sớm ngày mai. Chúng cháu phải về Ý gấp. Có thể sẽ phải đi ngay đêm nay. Thôi ạ, như vậy có thể bị chậm lại. Thưa phu nhân Sallonger, làm sao cháu có thể cảm ơn mọi người cho đủ? Bác... gia đình bác... lòng tốt của mọi người đối với cháu. Không có cách gì nói lên lòng biết ơn...”

“ ồ cháu thật đáng yêu, chúng tôi cũng rất vui khi có cháu. Chẳng có gì phiền toái hết.”

“ Để tôi đi gọi Maria cho”, tôi nói. “ Tôi vừa trông thấy bà ta đi dạo trở về”.

Cô gái định cản lại nhưng tôi đã bỏ đi trước. Tôi chạy lên phòng, gõ cửa và bước vào. Maria giật bắn cả người khi tôi bước vào. Có một chiếc xắc du lịch đặt trên giường bà ta và bà ta đang sắp đồ đạc vào.

“ À... tôi đến để báo cho chị biết là xe đã đến... người đánh xe đang ở dưới nhà. Signorina de’ Pucci muốn đi ngay.”

Người đàn bà trợn trừng mắt nhìn tôi nhưng tất nhiên bà ta chẳng hiểu gì. Tôi có thể thấy là bà ta hơi chột dạ. Bà ta đợi cô chủ đi vào chứ không phải tôi.

Điều rất lạ là người đàn bà này đang thu dọn hành lý- cứ như thể bà ta biết sẽ lên đường ngay. Tôi nghĩ có một cái gì gian trá trong con người này. Tại sao lại thu dọn đồ đạc? Làm sao bà ta có thể biết tin được? Nhưng bao giờ cũng có một cái gì đó rất lạ về cái bà Maria này.

“ Maria!” Madalenna bước vào và nói một tràng tiếng Ý. Maria vung tay về phía trần nhà. Tôi để họ lại với nhau, hoàn toàn rối trí.

Một tiếng đồng hồ sau họ sẵn sàng để ra đi. Cassie, Julia, bà bá tước và tôi xuống tận sân vẫy tay từ biệt họ. Madalenna một lần nữa lại bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với mọi người. “ Tôi sẽ viết thư về.”

Thế rồi họ lên đường.

Đêm ấy khi Charles và Philip trở về, Charles đã nổi trận lôi đình khi biết người đẹp đã ra đi.

Hăn gườm gườm nhìn em trai. “ Không cần tôi có mặt ở London. Cậu có thể làm tất cả mọi thứ không cần tôi.”

“ ông anh thân mến, sự có mặt của anh là rất cần thiết. Đừng quên là chúng ta là những người chung vốn. Cả hai anh em ta đều phải ký vào văn kiện.”

“ Vậy họ đi đâu?” Charles sẵng giọng hỏi.

“ Chú của cô ấy ốm nặng. Họ phải quay về Ý ngay.”

“ Tôi có thể đuổi theo họ đến London.”

“ Họ đi bằng xe riêng. Người xà ích đánh xe xuống đây. Người anh phái ông ta xuống đón.”

“ Họ đi đâu?”

“ Đến London, tất nhiên rồi.. ở lại đấy một đêm mà cũng có thể không”, tôi bảo Charles. “ Cô ấy nói họ có thể đi ngay đêm nay. Họ đang rất vội vã.”

Charles hằm hằm bỏ đi.

Đêm ấy tôi nói với chồng. “ Em nghĩ anh Charles thực sự quan tâm đến cô gái đó.”

Philip không tránh né những lúc cần bày tỏ quan điểm riêng. “ Anh ấy chỉ bực mình vì cuộc theo đuổi kết thúc trước khi tóm được người đẹp thôi.”

“ Anh có vẻ hơi nghi ngờ anh trai mình phải không?”

“ Anh có thể nói, anh rất rành anh ấy. Vài tuần sau, Charles sẽ cảm thấy khó mà nhớ được mặt cô ta như thế nào. Anh ấy không phải loại người trung thành với một người đàn bà như người em trai.”

“ Em rất sung sướng là anh thuộc kiểu người đó Philip à”, tôi nói với cảm xúc dào dạt. “ Anh sẽ không bị lay chuyển dù là khi đối phó với vẻ mê ly quyến rũ của các nàng tiên.”

“ Sẽ chỉ có một nàng tiên đối với anh ngày hôm nay... ngày mai và mãi mãi.”

Trong niềm hạnh phúc tưởng chừng như không sao ôm xuể, tôi thấy thương hại cho Charles.

Ba ngày sau khi họ ra đi chúng tôi nhận được hai lá thư- một gửi cho phu nhân Sallonger, một gửi cho Charles.

Phu nhân không tìm thấy kính vì thế tôi được gọi đến để đọc cho bà nghe. Đó là một lá thư viết rất đúng qui phạm nói rằng Madalenna sẽ không bao giờ quên lòng tốt của những người đã giúp đỡ và chăm sóc cô rất tận tình trong cơn hoạn nạn. Cô không có đủ lời để diễn tả lòng biết ơn của mình. Địa chỉ là một khách sạn ở London.

Thư gửi cho Charles chắc cũng giống như vậy. Ngày hôm sau hắn lên London, tìm đến khách sạn nhưng tất nhiên vào lúc ấy người đẹp đã đi khỏi.

“ Vở kịch hạ màn ở đây”, Philip đùa.

*

* *

Khi Philip lên London, tôi đi cùng với anh. Tôi nghĩ Ngoại có hơi buồn khi thấy tôi lại ra đi nhưng niềm vui của bà về cuộc hôn nhân của chúng tôi đã trùm lên tất cả mọi thứ khác và trở thành một nguồn vui thường trực nơi bà. Những chuyện xảy ra giữa hai vợ chồng tôi càng củng cố thêm niềm tin tưởng của bà.

Ngôi nhà ở London giờ đây dường như đã khác trước. Lần trước nó có vẻ xa lạ với vẻ đồ sộ của ngôi nhà ở thủ đô của dòng họ Sallonger. Bây giờ tôi cũng mang họ Sallonger. Ngôi nhà thuộc về chồng tôi- ít nhất là một phần vì vậy nó cũng là nhà tôi.

Kiến trúc Georgie trang nhã bớt đi cái vẻ cao vời ngày trước, tất cả những tiên nữ khỏa thân, tạc quanh hai cái bồn ở hai bên cửa ra vào dường như đều mỉm cười chào đón tôi: Chào bà Sallonger. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quen được với danh hiệu bà Sallonger.

Người quản gia nom gần như là phúc hậu. Có phải có một mức độ trang trọng nhất định trong dáng đi phát ra những tiếng sột soạt của bà Camden không?

“ Chào buổi tối thưa bà!” Thật khác hẳn với lần trước khi tôi chỉ là một cô Lenore đơn giản- không hẳn là một đầy tớ nhưng cũng chẳng phải tiểu thư con nhà- chỉ là một loại người không biết ghép vào đâu hết.

Điều đó bây giờ đã thay đổi. Cái nhẫn vàng kiêu hãnh trên ngón tay tôi đã tuyên bố tôi là một Sallonger.

“ Chào buổi tối Evans, chào bà Camden”, Philip nói. “ Chúng tôi sẽ về phòng trước. Làm ơn mang nước nóng lên ngay. Chúng tôi cần rửa sạch bụi bặm đường trường.” Anh khoác tay tôi. “ Đi thôi em yêu. Nếu em có chút gì giống anh thì em cũng đang đói ngấu.”

Tôi chú ý đến tất cả mọi khía cạnh trong địa vị mới mẻ của mình. Tôi sẽ nói với Ngoại về điều đó khi tôi gặp bà. Chúng tôi sẽ cất tiếng cười với nhau và tôi sẽ bắt chước vẻ quyền uy, hơi có phần quỵ lụy của bà Camden.

Không có gì sung sướng hơn khi được sống với Philip ở thủ đô. Lúc nào anh cũng tràn trề nhiệt tình với mọi vật trên đời. Anh thường trò chuyện với tôi và thường là về công việc. Tôi cũng biểu lộ một mối quan tâm chân thành đến công việc. Anh nói anh sẽ đưa tôi đến xưởng dệt ở Spitalfields. “ Thật tuyệt vời khi có một người vợ lại quan tâm đến những cái mà mình tập trung hết cả sức lực vào đấy.”

Tôi tự hứa với lòng là sẽ học thêm nhiều điều hơn nữa. Tôi sẽ làm anh vui lòng ở tất cả mọi phương diện. Tôi rất sung sướng là Ngoại đã dạy tôi những chuyện như vậy. Niềm vui sướng gần như trọn vẹn của tôi chỉ bị vẩn đục bởi sự hiện diện của Charles. Hắn vẫn còn mặt nặng mày nhẹ về chuyện Madalenna và có vẻ nghĩ rằng chúng tôi từ chối không chịu hợp tác tìm ra cô nàng người Ý với hắn. Rõ ràng lá thứ gửi cho hắn cũng cùng nội dung với lá thư mà người đẹp đã gửi cho phu nhân- chỉ là một lá thư cảm ơn rất công thức và hắn cũng chẳng biết gì hơn về cô nàng. Tất cả những điều hắn biết là cô viết thư cho hắn từ một khách sạn nào đó ở London. Philip cho tôi biết hắn đã đến đấy mấy lần nhưng người đẹp vẫn bóng chim tăm cá.

Thỉnh thoảng tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt hắn nhìn tôi... có vẻ như đang cân nhắc nặng nhẹ, có một cái gì đó trong ánh mắt ấy mà tôi không hiểu, nhưng tôi không nghĩ nó thể hiện tình cảm anh em.

Tôi lấy làm hài lòng là Julia và bà bá tước cũng đến sống ở đây. Julia có một giai đoạn nghỉ ngơi lấy lại sức lực và bây giờ lại lao vào cuộc chiến tìm chồng.

Tình bạn giữa tôi và bà bá tước trở nên thân mật hơn. Bà nói với tôi là bà khâm phục Ngoại tôi vì người đã tìm cho mình một chỗ đứng trên đời và giữ được phẩm giá của mình. Bà nghĩ rằng cuộc sống đã hậu đãi bà cháu tôi.

Bà và Julia thường đi ra ngoài. Có một cuộc thảo luận trường kỳ về trang phục của Julia. Thường thì bà bá tước hay tham khảo ý kiến của tôi.

“ Cháu có “gu” thẩm mỹ đấy”, bà nói và tự hào nói thêm bà cũng có cái khiếu đó.

Tôi rất thích bà bá tước; một buổi sáng trong lúc Julia còn ngủ nướng- cô ta đi ngủ rất trễ sau những buổi giao tế xã hội- tôi và bà bá tước cùng nhau đàm đạo. Bà tỏ ra rất thành thật. Bà nói công việc của bà chả thu được kết quả gì. Bà muốn làm một điều gì có giá trị. Bà nói về Ngoại tôi, “ Thật là một nhà tạo mốt tuyệt vời! Không một ai ở thủ đô có thể sánh với bà ấy. Tôi muốn có thể làm gì đó với năng khiếu của mình.”

“ Bà có ý tưởng gì không ạ?”

“ một cái gì đó về thời trang. Tôi thích có một cửa hàng thời trang... bán những loại quần áo cao cấp. Tôi sẽ làm cho nó nổi tiếng toàn thành phố.”

Tôi thường nghĩ về buổi nói chuyện sáng hôm ấy.

Phần lớn thời gian của tôi là dành cho Philip. Anh đưa cho tôi một cuốn sách, theo anh nó sẽ làm tăng mối quan tâm tự nhiên của tôi đối với tơ lụa và kể cho tôi vài sự khởi đầu rất lãng mạn của tơ lụa. Tôi cảm thấy một điều rất thú vị là gần 3000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, một hoàng hậu người Trung Quốc là người đầu tiên thuyết phục Hoàng đế đưa tơ của con tằm dệt thành vải. Thế là ngành dệt lụa bắt đầu được biết đến vào thời vua Phục Hi tức là trước khi xảy ra nạn Đại hồng thuỷ khoảng 100 năm. Nhưng điều này đã xảy ra từ rất lâu và mãi đến thế kỷ thứ 6, hai thầy tu người Ba Tư mới phổ biến những hiểu biết về nghệ thuật dệt lụa cho thế giới phương Tây.

Philip say sưa nói với tôi về sự khởi đầu của ngành công nghiệp này cũng như về tầm quan trọng của việc phải nuôi tằm bằng lá dâu. Anh lấy làm tiếc là đã không thể nuôi tằm ở Anh một cách hiệu quả và việc nhập nguyên liệu thô là cần thiết.

Anh dẫn tôi đến xưởng, tôi học tập được một số điều quanh quy trình sản xuất tơ lụa. Tôi đến tận máy quay sợi xem người ta làm việc. Philip rất vui mừng khi chứng kiến mối quan tâm của tôi đến công việc ngày một tăng lên.

Anh đưa tôi đến những shop thời trang trong đó họ trưng bày những mẫu quần áo do Miss Dalloway vẽ kiểu, đó là một nhân vật quan trọng trong giới thời trang ở London. Rồi tôi lại được xem những chiếc váy do Ngoại thiết kế. Gặp lại chúng như gặp lại những người bạn cũ và nom chúng ấn tượng hơn là khi được khoác lên người Emmeline, quý bà Ingleby và công nương xứ Malfi trong phòng may của Ngoại.

Tôi bị các cửa hàng thời trang này thu hút, hỏi Miss Dalloway rất nhiều điều. Kể từ khi xuất hiện lụa Sallon, cửa hàng thời trang của bà đã trở nên bận rộn. Nó đã trở thành một thương hiệu mà thương hiệu là tất cả những gì quan trọng nhất trong ngành dệt may. Cái nhãn bên trong giá trị bằng cả một gia tài. Người ta thích một cái váy vì nó được xuất xưởng từ Sallonger. Tạo ra một cái áo tương tự mà không có cái nhãn hiệu màu nhiệm kia thì chỉ còn một nửa giá trị.

Tôi lý luận rằng nếu hai cái áo giống nhau, chúng phải có giá trị ngang nhau. Miss Dalloway mỉm cười với tôi vẻ hiểu biết.

“ Đại đa số mọi người muốn người khác nghĩ giùm cho họ”, bà giảng giải. “ Bảo cho họ biết cái gì là tuyệt vời và họ tin vào điều đó. Nếu cô vào cuộc làm ăn cô sẽ hiểu ngay lời tôi muốn nói.”

Sau đó tôi nói lại với Philip và anh đồng ý với Miss Dalloway.

“ Nếu em thành công trong đời”, anh nói, “ có một chân lý mà em cần thấu hiểu. Em phải hiểu con người, cái cách mà đầu óc họ vận hành và cái mà họ quan tâm”.

Ồ vâng, đây là những ngày hạnh phúc dù tôi vẫn cảm thấy lo ngại khi sống trong cùng một nhà với Charles. Thực ra hắn cũng tỏ ra rất lịch thiệp nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chịu nếu phát hiện thấy ánh mắt của hắn trên người tôi.

Bao giờ hắn cũng sẽ ở đây, tôi tự nhủ. Đấy là nhà của hắn cũng như nhà của chúng tôi vậy.

Chắn chắn là sự có mặt của hắn làm vẩn đục niềm vui của tôi khi ở London.

Philip của tôi rất sáng suốt. Anh biết màn kịch Aldrringham, việc Drake đã đánh Charles và ném hắn xuống hồ vì những gì hắn đã làm với tôi.

Anh nói, “ Chúng ta phải sắp xếp mọi chuyện, không được chậm trễ trong việc tìm nhà, có lẽ phải tiến hành ngay. Anh đã có trong đầu một vài cái có thể xem qua.”

Sao tôi thích những ngày này đến thế! Chúng tôi đi xem một vài cái nhà- nhưng chưa có cái nào vừa ý. “ Chúng ta cần phải tìm đúng cái cả hai đều thích”, chồng tôi nói. “ Nó phải ở đâu đây gần nhà này”.

Có một nỗi buồn vương vấn trong tôi khi tôi đi tìm nhà. Nhà của chúng tôi. Và tôi nghĩ đến bà ngoại thân yêu vẫn còn làm việc ở Nhà Tơ lụa. Tôi biết bà sẽ cảm thấy nhớ tôi da diết vì cả đời tôi đã sống bên bà. Vậy mà bà không hề đề cập đến chuyện này, bà cũng không hề tỏ ra buồn bã trước viễn cảnh sống xa tôi, bà hoàn toàn hy sinh vì tôi, cho tôi. Bà tin rằng cuộc hôn nhân của tôi và Philip là điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra với tôi và bà không còn một mong muốn nào cho bản thân nữa.

Philip hiểu rõ tâm trạng của tôi. Anh biết tôi không thích sống chung dưới một mái nhà với Charles và hiểu rõ lý do dù rằng tôi chưa bao giờ kể rõ những chuyện xảy ra trước cái màn Drake ném hắn xuống hồ và giải thích vì sao hắn rất tức tôi.

Các ngôi nhà chúng tôi xem đều tuyệt. Tôi có thể đi lang thang giữa các căn phòng trống trải, hình dung ra những người đã từng sống ở đây, tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với họ và giờ đây họ đi đâu. Chúng tôi tìm được một ngôi nhà không xa bờ sông bao nhiêu. Nhà có tám phòng, mỗi tầng hai phòng, vì thế mỗi phòng hơi nhỏ so với chiều cao của nó. Có một phòng ở tầng trên cũng có mái bằng kính và những ô cửa sổ rất rộng. Người ta bảo rằng ngôi nhà này thuộc về một họa sĩ và căn phòng này là xưởng vẽ của ông ta.

“ Căn phòng này dễ thương quá, nó làm em nhớ đến phòng may của Ngoại.”

“ Nó sẽ là một phòng làm việc lý tưởng”, Philip nói. “ nó sẽ hợp với bà lắm. Mà em thấy chưa, căn phòng thông với nó sẽ là phòng ngủ của bà ngoại.”

Tôi quay lại nhìn anh. “ Ý anh là Ngoại sẽ đến đây sống chung với chúng mình?”

“ Phải, đó là điều em muốn có đúng không?”

“ Ôi Philip, anh làm cho em hạnh phúc quá đi mất.” tôi kêu lên, nhảy lên ôm cổ chàng.

“ Đó là điều anh cũng muốn nữa.”

Thế là tôi nói cho anh biết tôi lo lắng cho Ngoại như thế nào. Bà sẽ cảm thấy rất trống trải khi sống ở Nhà Tơ lụa mà không có tôi.

“ Anh biết mà, anh biết đó là điều làm em lo lắng.”

“ Anh tính toán tất cả mọi chuyện cho em?”

“ Cũng thực tế nữa. Bà có thể làm việc ở đây. Như thế tiện hơn ở Nhà Tơ lụa.”

“ Em sẽ nói cho Ngoại nghe điều này. Ôi, Philip, em muốn quay về... ngay bây giờ, không thể chờ được.”

*

* *

Chuyến về thăm nhà mới vui làm sao. Tôi nghĩ điều đó cũng thật tự nhiên.

Việc đầu tiên tôi làm là chạy đến chỗ Ngoại. Bà đang trong phòng làm việc và còn chưa biết gì về chuyến trở về của chúng tôi.

“ Ngoại ơi, ngoại ở đâu?” Thế là tôi nằm gọn trong vòng tay của Ngoại.

Bà chăm chú nhìn tôi, nhận ra niềm vui sướng trong mắt tôi.

“ Ôi Ngoại, chúng con săn lùng nhà và đã tìm ra được một cái.”

Tại sao người ta cứ muốn giữ lại những tin tốt lành? Tại sao tôi không để niềm vui tuôn trào? Có lẽ ta cảm thấy do dự khi đưa ra một cái tin gây chấn động, có lẽ ta muốn chuẩn bị cho người kia hưởng một niềm vui trọn vẹn. Ngoại không lộ ra nỗi buồn mặc dù việc chúng tôi có nhà ở London có nghĩa là bà cháu tôi sẽ xa cách nhau hơn bởi vì chúng tôi sẽ không thường xuyên về Nhà Tơ lụa.

Tôi không còn giữ lâu hơn được nữa. “ Điều khiến chúng cháu quyết định là căn phòng trên cùng. Cũng giống như phòng này. Mái lợp bằng kính. Có rất nhiều ánh sáng. Ánh sáng đến từ phương Bắc. Nó được một họa sĩ thiết kế để ông ấy vẽ tranh. Điều đầu tiên mà Philip nói là căn phòng này hợp với bà ngoại.”

Bà nhìn tôi ngỡ ngàn, không nói.

“ Bà có vui lòng không?”

Bà lắp bắp. “ Nhưng cháu và Philip... sẽ không muốn...”

“ Cả hai chúng cháu đều muốn mà. Xa bà, cháu sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn.”

“ Cháu của bà... tình yêu của bà...”

“ Đúng đấy ngoại. Bà cháu ta đã ở bên nhau suốt đời. Cháu không thấy có gì phải thay đổi... chỉ bởi vì cháu đi lấy chồng.”

“ Nhưng cháu cũng không cần phải hy sinh.”

“ Hy sinh! Bà muốn nói gì vậy? Philip là người thực tế nhát khi nói đến công việc. Hầu như anh ấy chỉ nói chuyện công việc, chẳng nghĩ gì nhiều ngoài công việc. Và cháu cũng trở nên giống như thế. Anh ấy nói mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bà ở London. Việc gửi vải vóc xuống đây cũng gây ra nhiều phiền phức. Bà sẽ ở trong tay những người chăm làm... và bà sẽ phải làm việc... và làm việc... trong căn phòng có ánh sáng từ phương Bắc.”

“ Ôi Lenore”, bà tôi lẩm bẩm và bắt đầu sụt sịt.

Tôi nhìn bà, không hiểu. “ Đây là một cuộc hội ngộ mà sao bà lại khóc?”

“ Những giọt nước mắt vui mừng, tình yêu của bà ạ. Những giọt lệ mừng vui.”

*

* *

Chúng tôi ở nhà đựoc ba ngày. Điều xảy ra vẫn nằm lại trong tâm trí của tôi dù tôi hy vọng có thể gột sạch cơn ác mộng kinh hoàng đó.

Philip và tôi cưỡi ngựa đi dạo chơi buổi sáng. Cánh rừng tuyệt đẹp vào độ tháng Năm. Đây là mùa hoa dạ lan hương nở và chúng tôi thường đi ngang qua những cụm hoa xanh biếc nở rộ dưới các gốc cây.

Vừa đi ngựa, chúng tôi vừa nói chuyện về ngôi nhà, vợ chồng tôi sẽ trang trí nó như thế nào và ước mơ cháy bỏng sẽ tìm ra một loại lụa mới sánh ngang với thành công của lụa Sallon.

“ Thật tuyệt vời khi có thể nói với em về tất cả những chuyện này Lenore ạ. Hầu hết những phụ nữ không hiểu lấy một chút...”

“ ơ kìa, em là cháu gái của André Clerement mà.”

“ Khi anh nghĩ mình may mắn như thế nào anh...”

“ Em cũng hết sức may mắn.”

“ Chúng ta là một đôi may mắn nhất thế gian.”

Một buối sáng chỉ có niềm vui trong trẻo của một ngày tháng Năm! Nó làm những chuyện xảy ra sau đó trở nên không thể nào chịu đựng nổi.

Phu nhân Sallonger gặp chúng tôi vào bữa trưa. Vợ chồng tôi đã bàn bạc với nhau là tạm thời chưa nên để bà biết gì về ngôi nhà hết. Bà sẽ không muốn tôi đi. Bà có vẻ như nghĩ rằng giờ đây khi tôi đã là dâu con trong nhà, bà có thêm quyền đòi hỏi sự phục vụ ở tôi.

Hôm ấy, bà nhõng nhẽo hưon một chút vì một cơn đau đầu. Tôi gợi ý rằng bà nên về phòng mình thay vì nằm dài trên ghế sofa ở phòng khách. Tôi đặt một chiếc khăn ướt có tẩm một chút nước hoa lên trán bà. Phu nhân có vui lên một chút và khi bà đi về phòng tôi đi theo bà.

Tôi ở với bà lâu hơn thường lệ bởi vì khi tôi làm bà đỡ đau đầu, bà muốn tôi ở lại chuyện vãn cho đến lúc bà ngủ thiếp đi và phải gần một tiếng sau tôi mới có thể nhón chân đi ra ngoài.

Ngôi nhà hoàn toàn yên tĩnh. Tôi trở về phòng nghĩ rằng sẽ thấy Philip sốt ruột đợi tôi. Anh không có trong phòng. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì anh đã nói chúng tôi sẽ cùng nhau đi dạo trong rừng ngay khi tôi được giải phóng khỏi mẹ anh.

Có tiếng gõ cửa. Đó là Cassie.

“ Thế ra chị chỉ có một mình. Tốt lắm. Em muốn nói chuyện với chị. Dạo này thật khó mà gặp được chị. Chẳng bao lâu nữa chị lại đi London và ở luôn trên đó. Nó sẽ là nhà của chị... chứ không phải chỗ này.”

“ Cassie, em có thể đến ở với bọn chị bất cứ khi nào em muốn.”

“ Mama sẽ không chịu đâu. Bà đặc biệt đòi hỏi khi chị không có ở đây.”

“ Bà cũng đòi hỏi khi chị có ở đây.”

“ Em đã rất mừng là chị đã cưới anh Philip bởi vì nó làm cho chị thực sự là chị em. Vậy mà nó lại đưa chị đi xa.”

“ Một người đàn bà phải ở bên chồng mình, em cũng biết đấy.”

“ Em biết. Em không thể hình dung mọi chuyện sẽ như thếnào khi chị ở lại hẳn London. Em sẽ làm gì đây? Người ta sẽ không thử kiếm cho em một ông chồng đâu. Thậm chí người ta cũng không thể tìm một được một người cho Julia nữa là. Vậy thì em còn có cơ hội gì kia chứ?”

“ Không có ai biết được chuyện gì đang ở phía trước.”

“ Em biết chuyện gì đang đợi mình. Múa may mòng mòng quanh Mama cho đến khi em già và cũng khó chịu như bà.”

“ Không có chuyện em sẽ giống như mẹ đâu.”

“ Chị còn nhớ những lúc chúng ta tụ tập trong phòng may của bà chị nói về chuyện chúng ta cùng mở một cửa hàng... may những bộ áo quần thật đẹp không? Chẳng phải thật tuyệt nếu chúng ta mang Emmeline, Quý bà Ingleby và Công nương cùng đi à? Em thường mơ chúng ta làm điều đó và bây giờ khi chị lấy Philip thế là chấm dứt ước mơ đó.”

“ Cassie à, khi chị lên London, ngoại sẽ đi cùng bọn chị.”

Cô nhìn tôi thất vọng.

“ Chị đã nói rằng bất cứ lúc nào em cũng có thể đến ở chung với bọn chị.”

“ Em sẽ đi, mặc cho Mama nói gì cũng được.”

Tôi kể cho cô nghe về ngôi nhà và căn phòng trên cùng được thiết kế để một họa sĩ vẽ tranh. Cô lắng nghe vẻ thú vị và bởi vì tôi đã nhấn mạnh rằng bất cứ lúc nào ngôi nhà tôi ở cũng sẽ mở rộng cánh cửa đón cô, Cassie có vẻ bớt buồn vì chuyện ra đi của tôi.

Tôi vừa nói chuyện vừa ngóng ra cửa đợi Philip về nhưng vẫn chẳng thấy anh đâu. Tôi không hình dung được anh ở chỗ nào nữa. Nếu anh có việc đi ra ngoài chắc chắn anh đã cho tôi biết.

Đến giờ ăn tối anh vẫn chưa thấy về. Bữa ăn trễ lại một nửa tiếng để chờ anh.

Chúng tôi ăn quấy quá bởi vì mọi người đã bắt đầu lo ngại.

Buổi tối trôi qua nặng nề, chậm chạp. Tất cả mọi người ngồi trong phòng khách, tai căng ra chờ đợi tiếng động báo hiệu anh trở về. Ngoại cũng ra nhập bọn. Tất cả mọi người đều lo lắng.

Chúng tôi hỏi bọn đầy tớ xem có ai thấy anh không. Chả có ai thấy. Anh ở đâu? Chuyện gì có thể xảy ra với anh?

Thời gian trôi qua, nỗi lo lắng tăng dần.

Tôi rùng mình run rẩy vì một sự cảm đen tối. Ngoại quàng tay ôm tôi.

Tôi nói. “ Chúng ta phải làm một cái gì đó.”

Ngoại gật đầu.

Clarkson nghĩ có thể anh gặp một tai nạn trong rừng, bị gãy chân chẳng hạn. Anh có thể nằm lại ở đâu đó... vô phương kêu cứu. Ông ta nói sẽ tập hợp bọn đàn ông lại, tổ chức một đội tìm kiếm.

Tôi bủn rủn cả người. Trong thâm tâm tôi cảm thấy một chuyện gì thật kinh khủng đã xảy ra. Gần nửa đêm người ta tìm thấy anh, trong một góc rừng không xa nhà bao lăm.

Anh đã chết... một viên đạn xuyên qua đầu. Vũ khí là một trong những khẩu súng ở phòng để súng săn trong Nhà Tơ lụa.

*

* *

Tôi không thể chịu đựng được điều này cho đến tận bây giờ sau bao nhiêu năm đã qua. Cả người tôi tê dại vì đau khổ. Một thảm kịch phi lý nhất đã chụp xuống đời tôi. Tại sao? Tôi luôn tự hỏi mình.

Vừa làm vợ chưa được bao lâu tôi đã là góa phụ.

Với tôi ngày và đêm dường như hòa làm một. Ngoại luôn ở bên tôi còn tôi chỉ nằm bẹp trên giường. Ngoại hiểu biết nhiều về các loại cỏ cây, cách chữa trị của chúng và bà cho tôi uống những thứ làm cho tôi chìm vào một giấc ngủ triền miên. Mỗi khi tỉnh giấc tôi ngỡ cuộc đời là một cơn ác mộng và để không phải nghĩ gì, tôi lại trốn vào trong giấc ngủ.

Có một cuộc điều tra và tôi buộc phải trình diện. Tôi đi cùng với ngoại và Charles. Hắn vội vã về nhà ngay khi nghe tin xấu. Tôi chịu không hiểu được người ta đang nói gì. Ý nghĩ của tôi lang thang rất xa... ở trong rừng với những đóa hoa dạ lan hương... Chúng mới hạnh phúc làm sao... Chàng nói chúng tôi là cặp vợi chồng may mắn nhất thế giới và bây giờ... chuyện gì đã xảy ra? Có quá nhiều câu hỏi mà không có lời đáp và người ra đưa ra câu kết luận là hình như Philip đã lấy một khẩu súng từ phòng đi săn, đi thẳng vào rừng và bắn vào đầu mình một phát bởi vì có bằng chứng rõ ràng là vết thương tự nạn nhân gây ra.

Không thể nào... không thể như thế được... tôi cứ luôn miệng nói với mình như thế. Chúng tôi đang sống trong một giấc mơ tuyệt đẹp. Mọi cái đang phơi phới bay về phía trước. Làm sao một chuyện vô nghĩa lý như thế lại xảy ra được? Nếu anh gặp rắc rối, chắn chắn anh đã cho tôi biết. Nhưng làm gì có một chuyện phi lý như vậy. Anh đang hạnh phúc... Anh là người hạnh phúc nhất trên đời.

Phán quyết của tòa là “ nạn nhân tự sát trong một tâm trạng có vấn đề.”

Tôi không chấp nhận. Điều đó không đúng. Tôi muốn đứng giữa tòa hét vào mặt bọn họ. Ngoại không cho tôi làm thế.

Tôi để mọi người đưa thân xác tôi về nhà. Ngoại nói sẽ chăm nom tôi. Ngoại đưa tôi vào giường, thay đồ cho tôi và nằm xuống cạnh tôi.

“ Điều đó không đúng”, tôi cứ nói đi nói lại.

Ngoại không nói gì, chỉ ôm lấy tôi thật chặt.

Ngày giờ trôi qua... Những ngày đen tối, thê thảm nhất. Phu nhân nhỏ những giọt nước mắt chân thật tự hỏi bà đã làm gì nên tội mà bị trừng phạt kinh khủng đến thế. Charles tỏ ra rất được việc, hắn lo hoàn tất những thủ tục cần thiết. Chúng tôi phải biết ơn sự có mặt của hắn ở đây. Cassie cố hết sức an ủi tôi. Tội nghiệp cô bé, bản thân cô cũng chết nửa con người. Philip bao giờ cũng là người anh thân thiết ân cần của cô.

“ tại sao anh ấy lại làm thế?”

Không ai trong chúng tôi trả lời được câu hỏi ấy.

“ Anh ấy hạnh phúc là thế mà”, tôi nói.

“ Charles nói đó là một cơn cuồng loạn. Người ta cũng có lúc bị như thế và thường làm những chuyện điên rồ.”

“ Anh Philip là người bình tĩnh nhất mà chị biết”.

“ Đôi khi cả người bình tĩnh nhất mà chị biết.”

“ Đôi khi cả người trầm tĩnh nhất cũng bị.”

“ Chắc phải có một lý do nào đó”, tôi nói. “ Nhưng là lý do gì? Anh ấy có thể bất hạnh đến nỗi muốn cướp đi cuộc sống của mình không?”

Không, tôi đã không tin điều đó. Nghe lố bịch quá đi. Người ta có thể bất hạnh như thế nào? cuộc sống đè nặng lên họ đến mức nào để phải đi đến cái nước ấy?

Thiên hạ bàn tán về chuyện này... xì xào về nó. Ở đây chắc phải có chuyện gì. Một đôi tiên đồng ngọc nữ vừa mới làm đám cưới. Người ta nhìn tôi nghi hoặc. “ Chắc phải có gì trong chuyện này.”

Thiên hạ say sưa đào xới bí mật của tôi và khi không thể đi đến kết luận họ bịa đặt ra mọi chuyện. Tôi là người gần gũi nhất với anh. Lại là cô vợ mới cuới. Chắc tôi phải biết chứ. Có một cái gì đó liên quan đến tôi?...

Philip yêu tôi say đắm như vậy. Tại sao anh muốn bỏ tôi một mình... trừ phi...

Tôi bắt đầu nghĩ về những điều bí mật mà họ gán cho tôi. Phu nhân Sallonger... Clarkson, bà Dillon... tôi có thể hình dung được sự bàn tán của những người đầy tớ trong nhà bếp.

“ Có lẽ cậu chủ tìm thấy một điều gì đó về cô ta... Mà thực ra cô ả là ai mới được chứ? Cô ta đâu phải người xứng đáng làm con dâu trong một gia đình mà bà ngoại cô ta cũng chỉ là một người làm công.”

Tôi cũng không thèm quan tâm đến những điều họ nói. Thế là họ mặc sức nói xấu. Tất cả vấn đề là ở chỗ Philip đã chế và tôi mất anh mãi mãi.

Nhiều ngày qua, tôi vật vờ trong tình trang của một kẻ mộng du. Không thể sống như thế này mãi. Phải có một cái gì thay đổi.

Một đêm tôi giật mình thức giấc. Toàn thân ướt đẫm mồ hôi và tôi vẫn còn run lẩy bẩy vì sợ. Đó là một giấc mơ. Tôi đang ở Florence đi bộ trên đường phố. Trước mặt tôi là một người đàn ông đội mũ opera và mặc áo khoác. Có một tên côn đồ chạy đến bên anh ta. Người đàn ông quay mặt lại. Đó là Lorenzo... và khi ngã xuống anh hóa thành Philip.

Phải mất mấy giây tôi mới nhận ra là tôi đang trong một cơn ác mộng. Vậy mà tất cả cứ y như thật. Tôi nằm yên một lúc rồi nhổm dậy khoác áo ngủ, tìm dép đi sang phòng ngoại tôi.

Bà giật mình, “ Lenore, có chuyện gì thế?”

“ Cháu vừa có một giấc mơ.”

Bà nhảy xuống giường, nắm tay tôi.” Cháu tôi run bắn lên kìa.”

“ Cháu không định đánh thức bà nhưng cháu phải nói chuyện. Cháu phải nói với bà một chuyện.”

“ Tất nhiên là thế. Lại đây. Lên giường nằm với bà.”

Tôi làm theo và bà nằm cạnh tôi kéo tôi sát vào người mình.

“ Cháu đã kể cho bà nghe về người đàn ông ở Ý... Lorenzo đã mặc áo và đội mũ của Philip khi anh ta bị giết. Có vẻ... có vẻ như mọi việc điều rõ ràng với cháu vào lúc này. Anh ta cao bằng Philip... nhìn đằng sau anh ta giống hệt như Philip. Đó không phải là một vụ cướp của... bởi vì chẳng có gì để cướp. Cái kẻ đến từ đằng sau lụi một nhát dao vào người anh... có thể đã không nhận ra cho đến lúc quá muộn là chúng đã giết nhầm người...”

“ Nhầm người. Cháu nói gì vậy?”

“ Philip không bao giờ tự sát. Cháu dám chắc là đã có người giết anh ấy.”

“ Nhưng khẩu súng...”

“ khó có thể căn cứ vào đó mà cho là một vụ tự tử. Bây giờ cháu tin là Lorenzo đã bị giết vì bị tưởng nhầm là Philip. Cháu biết anh ấy đã bị giết. Bây giờ thì cháu biết chắc là như vậy. Cháu biết rõ anh Philip mà.”

“ Không ai trong chúng ta biết hết những chỗ khuất trong đầu óc của người khác.”

“ Bà vẫn nghĩ có một cái gì đó về Philip mà cháu còn chưa biết?”

” Có thể, nhưng mọi chuyện đã qua rồi. Chẳng có ích gì khi đào bới những chuyện cũ. Cháu phải ngủ lại đi.”

“ Giấc mơ ấy... cơn ác mộng ấy... Ngoại à đã tiết lộ một điều. Cháu biết rõ mà. Có kẻ nào muốn giết Philip ở Florence. Nhưng lại giết nhầm phải Lorenzo. Và bây giờ chúng... thành công trong việc giết Philip.”

“ Ai muốn giết một con người như Philip nào?”

“ Cháu không biết nhưng có một kẻ nào đó muốn giết.”

Ngoại vuốt tóc tôi. “ bà sẽ làm cho cháu một loại trà để uống. Nó sẽ xoa dịu cháu tôi. Cháu cần phải ngủ.”

Tôi không đáp. Không gì có thể thuyết phục tôi nghĩ khác đi cái điều giờ tôi đã biết chắc.

Một cách ngoan ngoãn tôi uống ly trà ngoại đưa cho tôi.

“ Bây giờ Ngoại sẽ đưa cháu về phòng riêng. Ở đấy cháu sẽ ngủ thoải mái hơn. Sáng ra đừng vội dậy cho đến khi bà gọi.”

Tô quay về giường.

Ly trà thảo dược có tác dụng, chẳng mấy chốc tôi đã ngủ thiếp đi ngay, nhưng sáng hôm sau khi thức dậy có một cái gì đó thuyết phục tôi rằng cái chết của Lorenzo có một cách thức bí ẩn nào đó liên quan đến Philp.

Thật lạ lùng ý nghĩ này đã giúp tôi đứng vững.

Tôi hết lòng muốn tìm ra câu trả lời. Như thế nào? Tôi ôn lại mọi chuyện trong đầu. Cái đêm ấy ở Florence. Thời gian chúng tôi đã sống ở đấy. Thật là tan nát cả cõi lòng khi nhớ lại những ngày hạnh phúc đã qua. Lorenzo đã lợi dụng tình thế tranh thủ mặc áo và đội mũ của Philip. Một kẻ nào đó đã lảng vảng quanh khách sạn, chờ đợi... theo chân anh trên các đường phố và rồi... phóng vào anh một nhát dao. Hắn nhận ra khi đã quá muộn là hắn đã giết nhầm người. Nhưng tại sao hắn lại đuổi theo một người để giết cho bằng được? Đó có phải là lý do Philip lại chết trong rừng... và có phải bằng súng của hắn? Mà chuyện đó xảy ra như thế nào?

Đây là một giả thuyết có một vài điểm bất hợp lý. Mỗi khi tôi lật đi lật lại vấn đề tôi lại gặp trở ngại. Và cũng chẳng có ai để tôi có thể thảo luận những nghi vấn của mình. Ngoại ư? Cassie ư? Tất cả đều xoay quanh một vấn đề: Philip lấy một khẩu súng trong phòng săn ở Nhà Tơ lụa, ngoài anh ra, kẻ tấn công vô danh nào có thể vào đấy lấy được? Rõ ràng là anh đã đi bộ vào rừng, tự bắn vào đầu mình.

Chỉ có một cách giải thích như vậy, nhưng tôi bướng bỉnh không chịu chấp nhận điều đó.

Ban ngày tôi triền miên suy nghĩ. Nửa đêm tôi thức dậy và có một kết luận, sau đó ánh sáng ban ngày lại chứng minh nó hoàn toàn vô nghĩa.

Tôi cảm thấy mình trượt dần khỏi cuộc sống. Không thể cứ kéo dài tình trạng mãi. Ngoại rất lo lắng cho tôi.

“ Cần phải có một sự thay đổi”, bà nói.

Và quả là có.

Một khả năng vụt đến trong đầu tôi. Khó mà có thể tin vào điều đó. Nhưng sau đấy nó trở nên chắc chắn.

Tôi sắp có một đứa con.

*

* *

Đầu tiên, đó là tia sáng bừng lên trong thế giới đen tối của tôi. Có vẻ như tôi không mất Philip hoàn toàn. Anh sẽ sống trong đứa con của chúng tôi.

Khi tôi nói với Ngoại, bà rất mừng rỡ sau đó lại trở nên lo âu.

“ Chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến cháu.”

Cassie rất vui. “ Một đứa bé, một đứa bé thân yêu. Ôi, đó chẳng phải là một điều tuyệt vời sao?”

Mà đúng thế. Chuyện một con người sắp ra đời đã thay đổi tôi. Nó giúp tôi quên lãng. Thời gian bây giờ đựoc tập trung cho việc chuẩn bị cho một đứa trẻ ra đời và những câu chuyện xoay quanh nó. Ngoại nhớ về việc sinh ra mẹ tôi. Thái độ của bọn người làm thay đổi. Họ mong ngóng một con người mới ra đời.

Sự thiêng liêng của việc làm mẹ đã làm cho tôi ổn định, vững vàng. Đầu óc tôi bây giờ chỉ có những chuyện như là quần áo tã lót và kiểu nôi mà con tôi cần. Tôi bị thu hút vào tất cả những chuyện như thế. Bây giờ tôi sắp làm mẹ.

Phu nhân Sallonger có phần khó chịu. Bà không thích có những chuyện xáo trộn trong nhà và việc tôi mang thai làm cho bà nhớ lại cái giai đoạn kinh khủng khi bà mang thai Cassie. Những kiểu ta thán như thế không phải chuyện tế nhị, có sức động viên với một người sắp làm mẹ.

Mùa hè trôi qua và mùa thu đã tới. Cuối cùng Julia cũng lấy đựoc chồng. ông ta già hơn cô 30 tuổi và mắc chứng nát rượu, nhưng ông ta có một đặc điểm có tính chất quyết định: Ông ta giàu. Bá tước phu nhân vui như điên. Cuối cùng thì nhiệm vụ của bà cũng hoàn thành và bà có thể chuyển sang khách hàng mới.

Giờ đây tôi khó mà nghĩ rằng cuộc sống có cái gì như men rượu say như ngày tôi và Philip từng sống chung. Tôi thường ngồi ngoài vườn nếu thời tiết cho phép khi thì với Ngoại khi thì với Cassie và tất cả đầu đề trong câu chuyện của chúng tôi là về đứa bé.

Bác sĩ nói sức khoẻ của tôi rất tốt. Mọi chuyện đều suôn sẻ.

Một bà đỡ được mời đến, bà ta sẽ ở nhà cho đến khi tôi lâm bồn. Tôi đếm từng ngày, biết chắc rằng mọi thứ sẽ khác đi khi con tôi ra đời.

Và vào một ngày tháng Hai đầy sương mù, Katharine của tôi ra đời. Khó có thể coi bé là đẹp, khuôn mặt trông như cây thánh giá nhăn nhúm, lơ thơ vài cọng tóc và một cái mũi to. Nhưng tôi nghĩ con mình đã là hoàn hảo, bé thay đổi hàng ngày, một tuần sau bé đã trở nên xinh đẹp.

Ít khi tôi thấy Ngoại hạnh phúc như vật. Cassie nghĩ được phép ẵm bé vào lòng là một vinh dự lớn lao. Phu nhân Sallonger nói tôi phải mướn một vú em để có thời gian dành cho mình nhiều hơn- có nghĩa là cho bà nhiều hơn, tất nhiên. Nhưng tôi muốn tự tay chăm sóc con mình.

“ Ngớ ngẩn”, phu nhân Sallonger phán. “ Chỉ có bọn đầy tớ và tiện dân mới làm như vậy.”

Nhưng tôi không thay đổi ý định, Đây là đứa con của tôi, niềm an ủi của tôi và nó hoàn toàn là của tôi. Có bao nhiêu điều cần học hỏi và thời gian của tôi kín mít hết. Tôi cảm thấy sung sướng. Chúng tôi gọi bé là Katie- cái tên Katharine nghe quá long trọng đối với một đứa trẻ sơ sinh. Khi tôi bế Katie vào lòng, ngắm nhìn bé thay đổi hàng ngày , nhìn thấy nụ cười đầu tiên của bé và cái nhận thức bảo cho tôi biết rằng bé biết tôi là ai và rằng bé cảm thấy an toàn và hạnh phúc khi tôi ở gần... tôi nghĩ cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi 18. Katie là sự cứu rỗi của tôi. Với Katie, tôi có thể thoát ra khỏi đau thương tang tóc. Bé là một cái gì còn hơn là đứa con thân yêu của tôi; bé là lý do để tôi tiếp tục sống.

Bình luận





Chi tiết truyện