chương 10/ 10

Những ngày sau đó là những ngày nặng nề. Tôi đã kịp trấn tĩnh để hiểu rằng những lời nói của Hà Lan là những phán quyết khắt khe của định mệnh. Những phán quyết đó, tôi không mong gì thay đổi. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi biết Hà Lan hẳn đã hiểu rõ lòng tôi từ lâu. Nó cũng biết tình tôi dành cho nó không bến không bờ. Nhưng nó thích xa đi, tôi thích quay về, hai người hai thiên hướng khác nhau, đời chia hai ngả, gần hai mươi năm qua khổ ai nấy chịu. Hà Lan đã tự chọn lấy con đường riêng cho mình, con đường đó không có tôi. Bây giờ, sau hai lần gãy đổ, mộng ước không thành, chút duyên lỡ nó không nỡ dành cho tình tôi vằng vặc. Hèn gì đôi mắt nó đêm nào nhìn tôi chan chứa. Nhìn một lần rồi mãi mãi quay lưng. Tình bạn thuở thiếu thời bao năm qua vẫn chỉ là tình bạn, lòng tôi cứ hoài trinh bạch quạnh hiu.

Tôi nhớ Hàn Mặc Tử:

Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ

Một thời gian dài, tôi tưởng tôi đã chết. Nhưng tôi không chết được. Trà Long đã học xong lớp chín, chuẩn bị ra thành phố, tôi cố nén buồn thương để lo cho nó.

Trà Long không học tiếp lớp mười. Nó thi vào trường trung học sư phạm, ba năm sau quay về làng dạy học. Nó bảo:

- Cháu sẽ về lại. Cháu sẽ ở bên chú.

Ý định của Trà Long giúp tôi khuây khỏa. Nó luôn luôn làm tôi ngạc nhiên. Đôi khi tôi có cảm tưởng Trà Long sinh ra là để thực hiện những điều tôi đã hoài công chờ đợi ở Hà Lan.

Thành phố lúc này đã mở trường sư phạm. Trà Long khỏi phải đi Qui Nhơn. Ngày Trà Long lên đường, tôi cùng đi với nó. Đó là một chuyến đi lý thú. Tôi đã đưa Trà Long ra thành phố nhiều lần nhưng chưa lần nào nó tỏ ra phấn khích và vui vẻ như vậy. Dọc đường, Trà Long cứ ríu rít luôn miệng. Lớn rồi, mà sao nó giống như một chú chim non. Phải chăng đó là tâm trạng của một thiếu nữ sắp trở thành người lớn và chuyến đi này đối với nó là chuyến đi vào tương lai mong đợi, nơi những giấc mơ xanh một sớm mai kia sẽ thức thức dậy bên người.

*****

Trà Long không ở chung với Hà Lan. Nó ở nhà bà cô, lặp lại chặng đường xưa của mẹ. Hãng sản xuất vỏ xe ô-tô của ông dượng đã giải tán từ lâu. Hai vợ chồng già bây giờ chẳng làm gì, sống nhàn nhã bằng tiền tiết kiệm. Ông dượng tiêu tháng ngày vào thú chơi hoa và cây kiểng, lúc nào cũng cặm cụi tỉa lá bắt sâu. Bà cô giết thì giờ trong sòng tứ sắc, đêm đi nằm cứ than vãn đau lưng.

Cũng giống như Hà Lan xưa, Trà Long được vợ chồng bà cô cưng chiều hết mực. Nhưng nó chẳng ham chơi, suốt ngày chỉ biết chúi đầu vào tập, mong chóng ra trường về lại Đo Đo.

Tôi ở lại làng, ngày ngày dạy học, thỉnh thoảng mơ màng ngồi ôn lại tình qua. Hy vọng không còn, nỗi đau cũng lặn. Tình yêu năm nao như ngọc đã bụi mờ, chỉ phát sáng những đêm nằm trằn trọc.

Trà Long ít về thăm. Hai, ba tháng, nó mới về làng một lần. Tôi buồn rầu hỏi:

- Sao cháu ít về ?

Nó cười:

- Cháu bận học. Cháu ráng học thật giỏi. Cháu sợ ở lại lớp.

Trà Long chỉ nói vậy thôi, nhưng tôi hiểu. Tôi âu yếm nhìn nó, lòng bồi hồi cảm động. Hóa ra nó cũng bồn chồn mong mỏi như tôi. Nó cũng nôn nao đợi ngày ra trường để sớm về với quê làng, với ngoại. Và với tôi, hẳn thế. Nó sợ học hành kém cỏi, đúp lại thêm vài năm, ngày trở về sẽ xa lăng lắc.

Tôi dịu dàng nói:

- Ừ, cháu ráng lo học. Đừng về làng thường xuyên làm gì !

Trà Long tròn mắt nhìn tôi:

- Chú nói thật không?

Tôi ngạc nhiên:

- Sao cháu lại hỏi thế ?

Trà Long cắn môi:

- Tại cháu thấy chú buồn buồn.

Tôi mỉm cười:

- Đó là khi nãy. Bây giờ chú hết buồn rồi.

Trà Long nhìn tôi chăm chăm:

- Chú cười giả vờ.

- Đâu có. Chú cười thật mà.

Trà Long vẫn chưa chịụ Nó nói:

- Cười thật là phải cười thành tiếng kìa !

Tôi đành phải bắt mình cười thành tiếng. Chắc tiếng cười của tôi nghe kỳ cục lăm nên Trà Long che miệng cười theo. Rồi nó gật gù nhận xét:

- Bây giờ cháu mới tin là chú đã thôi buồn...

Đang nói, bỗng nhiên Trà Long quay phắt người đi, mái tóc dài bay tung trong gió. Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã nghe đằng sau suối tóc lững lờ kia có ai đó đang nói với tôi những lời thì thầm êm ái, những lời thì thầm tôi tưởng gặp trong mơ:

- Nhưng thôi, chú đừng buồn nữa. Mùa hè sắp đến rồi. Hè này cháu sẽ về làng. Cháu sẽ sống suốt ba tháng hè bên cạnh... bà ngoại, chú không vui sao ?

Trong một thoáng, tôi bỗng ngỡ ngàng, tôi biết rằng Trà Long đã lớn. Và tự dưng tôi nghe lòng xao xuyến, có phải trong vườn tôi vừa nở một nụ hồng?

*****

Mùa hè tươi đẹp của tôi, Hà Lan đánh mất, gần hai mươi năm sau Trà Long đem về lại, đủ đầy biếc thắm hồng tươi.

Mùa hè phượng vĩ ra hoa, hoa thôi giống như tim vỡ. Hoa phượng nở khắp đường làng, tôi đi dưới hạ hồng, lòng như tết sớm. Những nôn nao một thời thơ dại, tưởng như ký ức ngủ vùi, nay bỗng dưng theo về bỡ ngỡ.

Suốt ba tháng hè, tôi đến với Trà Long, hai chú cháu không rời nhau nửa bước. Ngày ngày, tôi dẫn Trà Long đi câu trên suối Lá, nơi ngày nào thầy Cải vẫn lang thang. Tôi và Trà Long ngồi im lặng bên nhau trên bãi cỏ ven suối, tai lơ đãng nghe chim kêu trong lá, mắt dõi theo những cánh hoa rụng đang lững lờ trôi theo dòng nước, thỉnh thoảng lại vướng vào chiếc phao điên điển đang bập bềnh chờ cá cắn câu. Hai chú cháu cứ ngồi thinh như đá, có khi suốt buổi không nói với nhau một tiếng nào. Mà sao, trong lặng lẽ, ánh mắt mỗi người đều ấm áp, long lanh.

Đi câu chán, tôi và Trà Long lại đạp xe vào rừng Sim. Trà Long đã lớn, nó chẳng khoái hái lá sim nhét đầy hai túi như ngày nào. Nó cũng chẳng buồn bắt tôi hái trâm cho nó ăn tím miệng, hái chà là cho gai chích đau tay. Trong những niềm vui thời niên thiếu, bây giờ Trà Long chỉ còn thích mỗi trò hái bông dủ dẻ bỏ trong túi áo, để cho hương đượm ba ngày. Vậy thôi. Rồi hái hoa sim, đóa cầm trên tay, đóa cài trên tóc và đi thơ thẩn qua các nẻo rừng chiều, chẳng có ý định gì rõ rệt, chỉ để bồi hồi nghe gió lướt qua vai, tóc bay như khói.

Tôi đi bên, lòng vui không tiếng, tưởng như thế giới vừa được sửa sang. Tâm hồn tôi ai vừa trang hoàng lại, để bên cạnh nỗi đau vơi kịp có nỗi vui đầy, để tiếng chuông mùa phục sinh reo leng keng trong ngực, suốt ba tháng phượng hồng không một bóng mây giăng. Chỉ có những ngày cuối cùng, mây mùa thu chớm vắt ngang cành phượng và trên những ngọn cây cao tiếng ve thi nhau khản giọng dần, tôi mới buồn chút chút.

Trà Long biết tôi buồn, nó chẳng nói gì, chỉ thở dài. Ánh mắt nó cũng buồn như tôi vậy.

Trước lúc rời làng, Trà Long chỉ nói mỗi một câu:

- Vậy là chỉ còn hai năm nữa thôi!

Câu nói bình thường sao tôi nghe như lời ước hẹn. Tôi ngỡ tôi vừa mới sinh ra.

*****

Mùa hè năm sau lặp lại một cách tuyệt vời niềm hân hoan rạng rỡ của mùa hè năm trước. Với những niềm vui không hề biết dè sẻn. Với những giấc mơ đẹp đẽ, đầy ắp hoa hồng.

Trước đó, tôi đã sống những ngày dài mong đợi. Tôi không dám ra thành phố hoài, sợ ảnh hưởng đến chuyện học tập của Trà Long. Tôi xách cần câu lần mò lên suối Lá ngồi, ngồi bên bãi cỏ hôm nào, câu kỷ niệm. Tôi vào rừng Sim, hái bông dủ dẻ nhét đầy túi áo, nghe hương thơm tưởng mùa hạ đang về.

Tôi ôm đàn, nối dây tơ đứt, hát khúc chờ mong. Từ ngày Hà Lan gạt lệ ra đi, tôi chẳng tưởng đến đàn tôi im tiếng. Bây giờ tôi nhớ Trà Long, tiếng đàn tôi thức giấc, thầm thì:

Khoác chiếc ào vàng mùa thu

Tôi đứng đợi mùa hè

Ngậm nhánh rêu mùa đông rét mướt

Tôi ngồi đợi mùa hè

Rồi cùng mùa xuân, dưới bờ mi thảo mộc

Tôi nằm đợi mùa hè

Đi cùng các mùa đi

Tôi đi gặp mùa hè

Bằng trái tim mảnh như tiếng ve

Tôi đi tìm mùa hè mà mùa hè trốn đâu mất biệt. Tôi giận nó ghê. Và tôi hát:

Biết tôi đợi mùa hè

Sao thời gian nhuộm màu trắng xóa

Sao hoa phượng bỏ đi đâu

Không về trên nhánh lá

Để tôi nhớ mong người xa xôi quá

Cắn môi mình bật máu

Tưởng mùa sang...

Tôi cắn chặt môi cho lòng bớt nhớ. Môi tôi rướm máu, tôi thấy màu đỏ, tưởng phượng báo tin hè. Hóa ra mùa hè ở xa lăng lắc. Buồn ghê, tôi cứ phải đợi dài cả cổ. Trà Long ở xa, nó có đợi như tôi ?

Yêu mến ơi,

Ở bên kia thời gian và khoảng cách

Khi nhớ tôi

Em có đợi mùa hè ?

Tôi hỏi và tôi tự trả lời. Rằng Trà Long cũng đợi. Nó đợi giống như tôi.

Thấy tôi suốt ruột, mùa hè lại trở về, dắt Trà Long theo. Tôi bồi hồi hát cho Trà Long nghe bài tình tôi chờ đợi. Nghe xong, Trà Long im lặng. Lát sau, nó chép miệng:

- Chú đừng làm nhạc nữa!

Tôi ngẩn ngơ:

- Sao vậy ?

Trà Long đáp, giọng thẫn thờ:

- Nhạc chú buồn quá. Cháu sợ.

Lập tức tôi buông đàn, không hát nữa. Sự lo lắng không đâu của Trà Long khiến tôi cảm thấy hoang mang. Tôi bỗng nhớ đến tình tôi ngày nào, những bản nhạc trong đời tôi đều dành cho Hà Lan duy nhất, sao cuối cùng tình lạt duyên phai ? Những khúc hát của tôi buồn đến thế sao ?

Kể từ hôm đó, tôi chẳng mảy may rớ đến cây đàn. Tôi và Trà Long chỉ dạo chơi qua đường xưa lối cũ, mải mê cỏ nội hương đồng, mỗi ngày qua mỗi ngày thêm quyến luyến.

Lần này, hè đi vội vã. Nó về như rùa bò, sao đi tựa chim bay. Lúc chia tay, Trà Long lại nói:

- Chỉ còn năm nay nữa thôi.

Rồi nó nhìn tôi, cười:

- Sang năm cháu về luôn rồi. Chú đừng cắn dập môi mình nữa.

Tôi cũng cười. Và hiểu rằng những tháng ngày trống trải sắp trôi qua.

*****

Năm đó, Hà Lan lấy chồng. Tôi nhận được tin nhưng không đi dự đám cưới, chỉ gửi quà mừng. Chắc Hà Lan hiểu rõ lòng tôi, nó không nỡ trách.

Đối với tôi, mối tình ngày xưa đã lần giở đến trang cuối cùng. Đám cưới của Hà Lan chỉ là dấu chấm hết đặt lên dòng chữ cuối. Lòng tôi ngậm ngùi, nhưng dẫu sao tôi cũng mừng cho nó. Tôi chỉ mong từ đây Hà Lan sẽ chia tay với những ngày lận đận, như nỗi ước mong trong câu hát đêm nào:

Anh chỉ mong xua được mùa đông

Ra khỏi trái tim em

Cùng với những âu lo và phiền muộn

Để mai đây trên con đường dài dẫu nhiều trắc trở

Em chỉ gặp toàn niềm vui

Và những chàng trai thật thà và tốt bụng

Yêu em

Chỉ cần bằng một nửa anh thôi

Chàng trai mà Hà Lan đã gặp hẳn là một chàng trai như thế, thật thà và tốt bụng, không giống chút nào với Dũng và Linh xưa.

*****

Sáu tháng sau ngày đám cưới Hà Lan, Trà Long ra trường. Nó về làng trên đôi chân sáo, mặt mày rạng rỡ xinh tươi. Ngày hôm đó, trời đẹp lạ lùng. Như có một mùa xuân trong một mùa hè. Làng Đo Đo tưng bừng lễ hội, hay lòng tôi hoa lá reo mừng. Mà sao, khi gặp Trà Long, tôi xúc động chẳng nói nên lời. Ngay cả khi Trà Long mừng rỡ nắm lấy tay tôi, nói:

- Chú ơi, cháu về đây nè ! Lần này, cháu về luôn.

Tôi cũng chỉ biết hắng giọng đứng im. Trà Long ngó tôi:

- Chú làm sao thế ?

Tôi đỏ mặt như con trai mới lớn:

- Chú... chú...

Thấy tôi ấp úng khổ sở, Trà Long không hỏi nữa. Chắc nó hiểu tâm trạng của tôi. Chắc nó biết tim tôi đang quá chừng rộn rã.

Hai chú cháu vào nhà. Ngày hội tụ diễn ra đầm ấm, vui vẻ. Ba Hà Lan hôm nay ở nhà đón cháu. Ông ngồi lặng lẽ nơi góc ván, chẳng nói gì, như trước nay. Nhưng tôi bắt gặp trên gương mặt khắc khổ của ông ánh mắt long lanh và nụ cười hiếm hoi ít khi xuất hiện.

Mẹ Hà Lan ngắm cháu, gật gù:

- Cháu bà lớn quá ! Con người ta tuổi này đã đi lấy chồng rồi !

Tự nhiên Trà Long đưa mắt nhìn tôi khiến tôi bất giác đỏ mặt. Mẹ Hà Lan lại nói:

- Ừ, cháu về đây dạy học cho vui.

Bà nói lấp lửng, tôi giật mình. Vui ai, sao bà không nói ? Vui bà, vui Trà Long hay vui tôi ? Chẳng lẽ ba năm qua, bà cũng âm thầm ngóng đợi ngày này ?

Những câu hỏi quay cuồng trong đầu khiến tôi đâm ra bối rối. Thừa lúc mọi người hỏi han nhau, tôi lẳng lặng bỏ ra khỏi nhà. Ở thêm một khoảnh khắc, tôi sẽ hóa điên. Con chim xanh hạnh phúc, mày về đậu trên vai tao, sao mày không báo trước?

*****

Tôi và Trà Long đều hân hoan đón chờ năm học mới. Chỉ một tháng nữa thôi, hai chú cháu sẽ trở thành đồng nghiệp, cô bé Trà Long xưa thành cô giáo trường làng.

Làng Đo Đo thêm một người con về lại, làng tươi tắn hẳn ra. Trên ngọn bàng già giữa chợ, trời xanh vời vợi và trong suốt như pha lê. Hoa dâm bụt chói chanh trước nhà lão Tứ, cây thị trong vườn ông Cửu Hoành nhiều trái chín hơn xưa. Hoa phượng vẫn đỏ dọc đường làng, mùa hè chưa qua hết. Hoa phượng năm nay sao giống như pháo cưới, tim vỡ năm xưa ai đã gắn lại rồi.

Tôi và Trà Long đi chơi trong rừng Sim, ngạc nhiên thấy rừng Sim đã khác. Hoa lá cỏ cây bỗng dịu dàng và thân thiết hơn xưa. Mà tím hoa sim thôi còn là màu hoa tuổi nhỏ, bây giờ trông chúng bâng khuâng như muốn nói điều gì.

Tôi liếc Trà Long, thấy nó đang trầm tư bên cạnh. Phải nó đang nghĩ như tôi, rằng rừng lá đổi thay hay ấy chính lòng mình đã khác ? Mang tình yêu trong lòng, thấy thế giới tinh khôi như sinh thành trở lại, ai mà chẳng ngẩn ngơ ?

Lúc này, chuyện tình cảm giữa tôi và Trà Long chẳng còn là điều bí mật. Chúng tôi đã đợi chờ nhau, mặc dù chưa ai nói với ai một lời nào về những điều thầm kín. Đối với tôi, Trà Long chính là người con gái tôi đã gặp trong những giấc mơ đẹp đẽ và không ngừng lặp đi lặp lại suốt quãng đời hiu quạnh, người con gái đã đem lại cho tôi hạnh phúc ngọt ngào ngay trên mảnh đất của tuổi thơ rực rỡ. Trà Long còn là hiện thân của tình yêu tôi xưa, một mối tình đã được thượng đế sắp xếp lại để hạnh phúc được đặt vào tay tôi, như một quà tặng muộn màng của số phận.

Thượng đế muốn vậy, mẹ Hà Lan cũng muốn vậy. Với tấm lòng đầy yêu thương và trắc ẩn, hẳn bà muốn cuộc đời tôi được đền bù. Bà xót xa chứng kiến cảnh ngộ trái ngang giữa tôi và Hà Lan, bà không muốn nỗi đau xưa lặp lại.

Hà Lan dường như chẳng để có ý kiến gì khác. Nó cũng muốn tôi và Trà Long ở bên nhau, nó biết Trà Long gần gũi với tôi hơn nó ngày xưa nhiều. Trong những lần gặp gỡ hiếm hoi, Hà Lan không giấu diếm sự mong mỏi của mình bằng những lời bóng gió xa xôi. Cuộc đời Hà Lan bây giờ yên ổn, hẳn nó rất nóng lòng lo cho hạnh phúc của tôi.

Mẹ tôi là người mừng rỡ nhất. Mẹ lo con mẹ suốt đời héo khô như cây mục, từ ngày có Trà Long về, tôi bỗng tốt tươi như cây gặp nước, mẹ thấy nhẹ lòng. Mỗi lần Trà Long đến chơi, mẹ cưng Trà Long hơn con mẹ. Những lúc đó, thấy mẹ cuốn quít mà tôi bật cười.

Trà Long mỉm cười nhận xét:

- Trong nhà, mẹ chú là người cưng cháu nhất.

- Không hẳn thế đâu! - Tôi âu yếm nói - Có một người cưng cháu hơn cả mẹ chú!

Trà Long bỗng dưng mắc cỡ. Bao giờ tôi nói những lời như vậy, Trà Long cũng đều mắc cỡ. Nó vừa cười khúc khích vừa chạy ra xa và kêu lên:

- Cháu biết rồi! Khỏi cần chú nói ra!

Tôi nhìn theo, ngẩn ngơ tự hỏi: Trà Long đã biết rồi sao lúc nào tôi cũng cứ muốn nói ra ?

Những tháng ngày này là những tháng ngày đẹp nhất đời tôi. Bây giờ chiều nào, tôi và Trà Long cũng dạo chơi tha thẩn trong rừng Sim hoa tím. Có lúc chúng tôi đi cạnh nhau, có lúc hai người đi lang thang hai ngả, chỉ nhìn thấy nhau thấp thoáng sau những nhánh sim già. Đôi khi, Trà Long nghịch ngợm trốn tôi. Nó nấp đâu đó trong bụi rậm, mặc tôi kêu khản giọng, nó cứ ngồi im, báo hại tôi tìm muốn chết. Đến khi tôi dọa bỏ về một mình, Trà Long mới ló đầu ra, cười ngặt nghẽo:

- Chú dở ẹc! Cháu nấp kế bên chú mà chú tìm cũng không ra!

Trong một lần trốn tôi như vậy, tôi chưa kịp gọi, Trà Long đã la thất thanh và đứng bật dậy khỏi chỗ nấp.

Tôi hốt hoảng chạy lại:

- Gì vậy cháu?

- Cháu chống tay phải bụi chà là!

Vừa nói, Trà Long vừa đưa tay ra trước mặt tôi, miệng không ngừng xuýt xoa. Tôi cầm lấy bàn tay Trà Long, nghiêng ngó, và phát hiện trên ngón út có hai chỗ bị gai đâm rỉ máu. Tôi liền nói:

- Cháu ngậm ngón tay trong miệng, một lát hết chảy máu liền!

Nói xong, bất giác tôi đưa ngón tay Trà Long lên miệng mình. Thú thật lúc đó tôi không hiểu sao tôi lại làm như vậy. Hành động của tôi đột ngột đến mức tôi cũng không ý thức rõ mình đang làm gì.

Thoạt đầu, Ttà Long sửng sốt định rụt tay lại nhưng rồi cuối cùng nó để yên và quay mặt đi chỗ khác.

Tôi cảm nhận được sự xúc động của Trà Long. Tôi cảm thấy bàn tay nó đang run lên trong tay tôi. Tôi xúc động cũng chẳng kém gì. Tôi cũng thấy tay mình run lên. Đôi lúc tôi không biết được thực sự là tay ai đang run rẩy. Chắc là tay tôi. Bởi vì tôi nghe trái tim mình đang đập thình thịch trong ngực. Nó muốn nhảy ra ngoài. Nó đang dậm chân và la hét. Đã bao lần tôi định cắn chặt răng để trấn tĩnh cơn xúc động nhưng tôi sợ sẽ nghiến đứt ngón tay của Trà Long. Ngón tay của nó đã hết chảy máu chưa, sao tôi cứ ngậm hoài trong miệng. Chắc máu vẫn còn chảy ri rỉ, tôi nghĩ và thầm mong rừng Sim quê tôi sẽ mọc lắm chà là. Chà là sẽ mọc um tùm và sinh sôi nảy nở bất tận, hệt đám rau dền quỉ quái trong vườn bà Năm Tự. Lúc ấy, ngón tay của Trà Long sẽ gai chích ngàn lần và tôi sẽ ngàn lần ngậm ngón tay xinh xinh kia trong miệng.

Tôi đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì Trà Long bỗng quay mặt lại. Nó chẳng nói gì, chỉ mỉm cười nhìn tôi, ánh mắt long lanh, bồi hồi và xao xuyến. Chỉ trong khoảnh khắc, tôi hiểu rằng, tôi và Trà Long sinh ra trong cuộc đời này là để sống bên nhau.

*****

Tình yêu làm quên thời gian, có ai đó đã nói như vậy. Trong trường hợp tôi, câu nói đó mới đúng làm sao! Từ ngày Trà Long về làng, tôi không nhớ trái đất đã quay quanh mặt trời như thế nào. Ngày và đêm nối tiếp nhau lướt qua như ảo ảnh. Bên trời lá rụng, tôi chẳng hay. Lòng tôi chỉ ngập đầy hoa nở.

Dạo này, mỗi khi vào rừng Sim, tôi không quên mang theo cây đàn. Tôi muốn nghe tình tôi ca hát. Tôi muốn nghe sáu dây đàn reo vang những bản tình ca ngọt ngào và trong trẻo. Trà Long đã thôi trách tôi nhạc chú sao buồn.

Một hôm cao hứng, tôi dẫn Trà Long đi xuyên qua mé rừng bên kia, đến chỗ tảng đá dưới gốc bàng bìa rừng, nơi ngày xưa tôi và Hà Lan thường ngồi ngắm mặt trời xuống bên kia thung lũng. Không hiểu sao, từ trước đến nay, tôi vẫn ngại rủ Trà Long đến chỗ này. Chắc là tôi sợ hồn tôi lần về kỷ niệm. Kỷ niệm dẫy đầy dưới từng bước chân tôi.

Tôi ngồi trên tảng đá, bâng khuâng ngắm Trà Long đang nhởn nhơ bên mấy bụi sim già, trên tay ôm một chùm hoa tím. Giữa rừng chiều nhạt nắng, Trà Long bỗng đẹp lạ lùng. Nó như nàng tiên đọa, bước ra từ cổ tích, xuống trần gian làm bạn để tôi vui.

Lòng dạt dào, tôi so dây và khẽ hát:

Có phải em vừa mới hiện ra

Từ trong xa thẳm của hôm qua

Y như cô Tấm ngày xưa ấy

Tiếc nuối làm chi trái thị già

Trà Long lần theo tiếng hát, đến ngồi bên tôi. Nghe tôi hát, nó cười bảo:

- Chú lại nhớ đến những trái thị trong vườn ông Cửu Hoành rồi! Chú cứ nhắc kỷ niệm hoài!

Giọng Trà Long êm ái bên tai, nghe như tiếng chiều đi xào xạc. Hạnh phúc dâng ngập lòng tôi khiến tim tôi như thót lại. Cuộc đời sao như một giấc mơ. Có phải Trà Long ngồi bên, hay đó chỉ là khói sương mộng mị ? Tiếng đàn tôi nhắn hỏi với mây chiều:

Hay chính em là một giấc mơ

Len trong nắng sớm hỡi sương mờ

Em đang bên cạnh mà như thể

Một bóng hình ai khéo giả vờ

Tiếng đàn cuối cùng tự nhiên chùng xuống như một tiếng thở dài. Trà Long dịu dàng đặt tay lên cánh tay tôi, giọng xao xuyến:

- Cháu không phải là giấc mơ đâu! Lúc nào cháu cũng ở bên chú!

Tôi quay lại, lòng xốn xang khôn tả. Và không ngăng được lòng mình, tôi bồi hồi vòng tay ôm lấy Trà Long. Trong một phút, tôi tưởng như tôi đang ôm cả thế giới vào lòng. Tôi nghe thấy bờ vai Trà Long dang run rẩy trong cánh tay tôi run rẩy. Tôi nghe thấy trái tim Trà Long đang đập bồn chồn trong ngực tôi. Em khẽ ngước nhìn tôi, bờ môi đang chờ đợi điều gì, sao ánh mắt em nồng nàn đến vậy, có phải đây là phút giây tôi đã đợi chờ suốt tuổi xuân xanh. Em ra đi, em bỏ mặc hồn tôi hoa khế rụng, nỗi đau tôi ngấm trong mỗi cung đàn. Em ra đi, em bỏ mặc rừng sim xao xác, những nẻo đường làng không có dấu chân qua. Tôi đợi em, hồn run như nến lụi, trong giấc mơ tôi thấp thoáng bóng em về. Chiều nay, em về thật đấy sao, mắt biếc em nhìn tôi sâu thẳm, hai mươi năm qua đôi mắt em vẫn đẹp tựa ngày nào. Tôi cúi xuống hôn em, môi tôi cháy bỏng và trái tim tôi như tan ra trong kỷ niệm dạt dào.

Tôi như người mộng du. Tôi nghe trong đầu tôi vang lên lời xúc động nghẹn ngào: "Hà Lan ơi, bao nhiêu năm qua anh đã đợi ngày này!". Ý nghĩ trong đầu mãnh liệt đến nỗi tôi chợt rùng mình và suýt nữa bật lên thành tiếng.

Trà Long chớp mắt, nhìn tôi ngơ ngác:

- Chú làm sao thế ?

Tôi ngẩn ngơ như kẻ mất hồn:

- Không... không... chú...

Trà Long nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra và nhìn tôi lo lắng:

- Chắc chú bị trúng gió rồi! Mặt chú thất thần thế kia!

Tôi gật đầu, giọng thẫn thờ:

- Ừ, chắc là trúng gió!

Trà Long giục tôi về.

Hai chú cháu băng qua những lối mòn quen thuộc, sao tôi thấy quanh co như lạc giữa sương mờ. Cho đến khi về tận nhà, hồn tôi vẫn còn bàng hoàng, váng vất.

Tôi nghe tiếng Trà Long văng vẳng đâu đây:

- Sáng mai chú khỏe, chú dẫn cháu lên suối Lá đi câu nghen!

Tôi nghe tiếng tôi "ừ" xa thẳm. Trà Long lại nói:

- Sao chú "ừ" nhỏ xíu vậy ? Hôm trước chú đã hứa với cháu rồi kia mà!

Tôi lại ừ. Lần này tôi nghe tiếng tôi "ừ" lớn hơn. Và tôi thấy thấp thoáng trước mắt mình nụ cười rạng rỡ của Trà Long. Nhìn cháu vui mà lòng chú thêm xót xa, cay đắng-tôi nghe ý nghĩ của mình run lên trong đầu - Cháu biết không, chú thương cháu nhất trên đời. Chú thương cháu bằng tất cả tình thương trong đời chú cộng lại. Mọi ý nghĩ của chú từ nay sẽ thuộc về cháu, chỉ một mình cháu thôi!

*****

Đêm đó, tôi lặng lẽ và ngậm ngùi thu xếp đồ đạc. Ngày mai tôi sẽ ra đi. Tôi sẽ rời làng.

Hẳn mẹ tôi sẽ buồn. Mẹ Hà Lan sẽ buồn. Và Hà Lan, khi biết được, chắc cũng sẽ buồn. Nhưng tôi biết làm gì khác hơn. Tôi cứ ngờ tình tôi xưa đã tắt, chiều hôm qua tôi bỗng thảng thốt nhận ra nó vẫn cháy trong lòng. Tôi đã tê tái hiểu ra mối tình tôi với Trà Long chẳng qua chỉ là sự nối dài của mối tình tôi với Hà Lan qua một hình bóng khác. Cứ nghĩ đến cảnh ôm Trà Long trong tay mà lòng cứ ngỡ đang hôn Hà Lan đắm đuối, tôi rùng mình, nghe lạnh toát sau lưng.

Trà Long, cháu hiểu cho chú không? Ngày mai chú ra đi, chú biết mọi người sẽ buồn. Và cháu sẽ là người buồn nhất. Tình yêu của cháu dành cho chú trong sáng, ấm áp và chân thành xiết bao! Cháu giống bà ngoại cháu, tình cảm của cháu bao giờ cũng sâu lắng, đầy tin cậy và nhân ái. Mặc dù cháu không nói ra, nhưng chú biết, với tình yêu đằm thắm của mình, cháu những muốn băng bó vết thương lòng của chú, nỗi đau ngày nào do mẹ cháu gây ra.

Những ngày cháu đi học xa, chú nhớ cháu biết bao. Chú mong ngóng cháu từng giờ từng phút. Hơn mười năm về làng dạy học, chú đã chứng kiến bao nhiêu người con gái rủ nhau rời bỏ làng. Họ đi ngang qua mắt chú, lũ lượt và lầm lũi. Làng quên dần dà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Chỉ có cháu là người duy nhất ở lại. Cháu yêu làng, cũng như chú. Cháu yêu làng vì ở đó có tuổi thơ và kỷ niệm. Vì ở đó có những người thân. Và vì ở đó, có chú. Những năm tháng đi xa, cháu đã mỏi mòn chờ ngày về lại. Cháu đã đếm từng ngày, từng tháng, từng mùa phượng nở. Làm sao chú có thể quên hôm mới về làng, cháu đã reo lên hớn hở: "Chú ơi, cháu về đây nè! Lần này cháu về luôn!". Ánh mắt cháu hôm đó vui mừng biết mấy. Vậy mà, ngày cháu về, chú lại ra đi.

Tôi thở dài nhìn qua song cửa. Đêm nay, trăng xanh vời vợi. Trăng lung linh trên tàu lá chuối sau vườn. Ở dưới nhà Trà Long, hẳn giờ này trăng đang rụng từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý. Có giọt nào rơi vào giấc ngủ cháu không?

Tôi lại quay vào và thẫn thờ sờ tay lên mặt ván mát lạnh, mặt ván ngày xưa tôi đã biết bao lần leo lên nằm sấp người chờ ngọn roi ba tôi dánh xuống. Trà Long, làng mình bao giờ cũng đẹp. Cháu hiểu rõ điều đó hơn mẹ cháu. Làng mình đẹp, nhưng buồn. Hồi chú còn nhỏ, làng vui hơn. Cũng có thể làng vẫn thế thôi, nhưng bây giờ chú thấy khác. Khi lớn lên, người ta thường thấy mọi thứ khác đi, cháu ạ! Chúng ít rực rỡ hơn và ít trong suốt hơn. Nhưng dù sao chú vẫn tin rằng trong mắt cháu, thế giới vẫn còn nguyên vẹn, dù ngày mai khi cháu đến đây thì chú đã đi rồi...

Trà Long, bây giờ thì chú phải đi. Đã đến giờ rồi, tiếng gà gáy vọng lại từ cuối làng, trong cơn mơ cháu có bồn chồn nghe thấy ? Hay cơn mơ cháu đêm nay đầy ắp hoa hồng, cháu thấy cháu cùng chú đi câu trên suối Lá và ngay vào lúc chú lặng lẽ rời bỏ cháu thì cháu đang mỉm cười với chú trong giấc ngủ thơ ngây ?

Tôi bước chân đi mà lòng như thắt lại, hồn tôi sao quá đỗi nặng nề. Tội nghiệp Trà Long, tôi nghiệp cháu vô cùng! Ngày mai khi cháu nghe thấy tiếng còi tàu thì chú đã ở xa ngoài năm trăm dặm. Có một bài hát đã hát như thế. Chú đã nghe bài hát buồn bã này nhiều lần, nhưng không bao giờ chú nghĩ bài hát đó lại hát cho chú và hát cho người chú yêu dấu. Ngày mai, khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?

Thành phố Hồ Chí Minh 1990

Nguyễn Nhật Ánh

Bình luận





Chi tiết truyện