Sau cùng, tôi không cần phải lo lắng. Những ngày còn lại của tuần trôi đi trong sự bình thường im lìm và hoàn hảo, mờ đục như nước trong mương. Sự chán nản đeo bám tôi dai dẳng. Đó không phải phản ứng có chừng mực, nhưng tôi không thể ngăn được bản thân. Sự kiên nhẫn, như toàn thể gia đình tôi chứng thực, chưa bao giờ là điểm mạnh của tôi, và giờ tôi đã được chuẩn bị - thậm chí còn hăm hở - để trải nghiệm thêm một cảnh khác từ cuộc đời của Mariana Farr, tôi thấy thật bứt rứt nếu từ chối cơ hội này. Ngay cả kẻ cưỡi ngựa theo dõi cũng ruồng rẫy tôi. Nơi đó, dưới tàn cây sồi già, mỗi lần tôi đủ can đảm để nhìn, cũng trống rỗng.
Sáng thứ Sáu, tôi trở nên sốt ruột và bứt rứt không ngừng, đành lấy công việc để làm xao nhãng tâm trí. Dù sao bắt đầu công việc vào thời điểm này cũng đã hơi chậm so với tiến độ rồi, tôi lấy giọng cương quyết để nhắc nhở bản thân. Ngồi vào tư thế quen thuộc trước bàn vẽ, với trang bản thảo đánh dấu có nếp gấp ở vạch trên cùng và một tờ giấy vẽ trải rộng bên dưới chiếc bút chì, ngay khi đó tôi cảm thấy tập trung và thư thái hơn nhiều.
Đã hơn một tháng kể từ lần vẽ tranh minh họa cho cuốn sách trẻ em gần đây nhất. Tôi quá hưng phấn sau khi mua được ngôi nhà, quá bận rộn trong quá trình chuyển nhà và quá điên cuồng bởi những sự kiện trước đó để có thể lên khung vẽ cho các yêu tinh và nữ hoàng của mình. Các nhân vật nhỏ bé đã đợi, túm tụm vào với nhau trong suốt khoảng thời gian đó, và giờ đây đương nhiên chúng đã chạy từ tâm trí tôi ra đầu cây bút chì và trên trang giấy mới tinh, thổi sự sống vào câu chuyện phỏng theo cổ tích Hàn Quốc về một con rồng xấu tính.
Câu chuyện cần tất thảy bốn hình minh họa. Đến đầu giờ chiều, tôi đã hoàn thành các phác thảo bằng bút chì với hầu hết các chi tiết cầu kỳ là thương hiệu của tôi. Các phác thảo vẫn cần phải được tô màu nước, nhưng việc này có thể đợi đến ngày mai. Tôi ngả lưng lên phần ghế đặc biệt lót bông của bàn vẽ, đan hai tay rồi duỗi ra sau đầu để thả lỏng các múi cơ trên xương bả vai và thỏa mãn nhìn quanh căn phòng.
Tôi không thể chọn nơi nào thích hợp hơn để làm việc. Căn phòng này nhỏ, vuông vức và có trần thấp, nhưng các bức tường được sơn màu hoàng hôn nhạt và lôi kéo thêm được ánh sáng rực rỡ từ ván sàn rộng bóng loáng. Đây là một căn phòng nhỏ nhắn, vui tươi và ấm cúng.
Chỉ cần xoay ghế lại là tôi có thể có một tầm nhìn bao quát rõ ràng qua cửa sổ, nhìn bóng hàng cây in trên dòng sông uốn lượn chầm chậm chảy về phía tây khu đất của mình, và phía xa là những ô đất trồng trọt ngang dọc cùng đồng cỏ rì rào rõ nét bên dưới. Phía tây nam, ngay trong giới hạn tầm nhìn, ngọn tháp có lỗ châu mai của nhà thờ đứng gác cho ngôi làng và những ống khói bằng gạch lừng lững của lâu đài Crofton uy nghi vươn lên vòm lá xanh tươi.
Tôi không nghe nhiều tin tức từ Geoffrey de Mornay và cho rằng anh vẫn đang đi công tác xa. Đâu đó trên phương bắc, Iain đã bảo thế. Có lẽ là Lancashire, tôi suy đoán, hoặc Northumberland. Hãng điện tử Morland đều có nhà máy ở cả hai địa điểm trên.
Nhưng dù sao đi nữa, tôi tự nhắc bản thân, tôi sẽ không nín thở đợi cuộc điện thoại từ anh. Sau cùng, tôi không còn là cô nhóc hay tương tư nữa và đã có vô vàn những thứ khác choán hết thời gian của tôi rồi. Bên cạnh đó, tôi nghĩ, khi bước xuống cầu thang để pha một tách trà, mình mới chỉ biết người đàn ông đó một tuần.
Không thể lý giải tại sao, khi chiếc điện thoại cuối cùng cũng reo, tôi xém chút nữa nhảy qua bàn bếp để lao đến trả lời. Hoặc vì sao giọng nói của tôi đột nhiên trở nên nghèn nghẹn, gợi lên những hình ảnh của Greta Garbo[1] thời kỳ hoàng kim. “A lô?”
[1] Nữ diễn viên người Mỹ gốc Thụy Điển nổi tiếng nhất thời kỳ vàng son của Hollywood.
“Julia?”
“Ôi, là anh”, tôi nói, thất vọng thấy rõ.
“Xin lỗi nhé.” Giọng Tom có vẻ sửng sốt. “Anh nên là ai thế?”
“Không ai cả.” Tôi lấy lại giọng bình thường.
“Sao vậy?” Anh tôi ngưng lại, quyết định không theo đuổi vấn đề thêm nữa và thận trọng đổi sang chủ đề nào đó nghiêm túc hơn. “Anh vừa từ thư viện về”, anh thông báo, “và nghĩ em có thể hứng thú với những gì người thủ thư lục tìm cho anh”.
“Xong rồi á? Anh ta nhanh nhẹn thật đấy.”
“Cậu ta là một thằng nhóc siêng năng kinh khủng. Đại khái là”, Tom tiếp tục, “ngoài đào bới một danh sách dài dằng dặc những người nổi tiếng tin vào sự đầu thai - tất thảy từ Plato đến Voltaire - cậu ta cũng xoay xở tìm được một dòng tôn giáo chính thống về vấn đề này, cả trong đức tin của các tín đồ đạo Phật và đạo Hindu. Hàng trang thông tin, thật đấy. Học thuyết nền tảng diễn giải linh hồn con người được gửi đến cuộc sống trên trái đất hết lần này đến lần khác cho đến khi học được những bài học cần thiết để thăng cấp thành một thực thể vượt trội.”
“Và những bài học đó là gì?”
“Không cụ thể. Có quy luật nhân quả, nói rằng những hành động của em trong kiếp này sẽ ảnh hưởng đến những điều sẽ xảy ra trong các kiếp sau, cho nên nếu kiếp này em thực sự là một kẻ đáng khinh thì em sẽ có một cuộc sống khốn cùng ở kiếp sau. Nhưng đương nhiên”, Tom dè dặt, theo lối suy nghĩ thận trọng thường thấy ở anh, “đó chỉ là một góc tín ngưỡng. Có rất nhiều điều tra nghiên cứu ở đây chứng tỏ hiện tượng đầu thai không đặt nặng các khía cạnh của tôn giáo”.
“Điều tra nghiên cứu?” Tôi lặp lại. “Anh đang đùa em đấy à?”
“Không, thật đấy.” Tôi có thể nghe thấy tiếng giấy tờ loạt soạt từ đầu kia vọng lại. “Vài người đã thực sự chết vì vấn đề này. Ví dụ, một giáo sư tâm thầm học ở đại học Virgina đã thu thập một nghìn bảy trăm trường hợp những người vẫn có ý thức về những ký ức của kiếp trước. Hầu hết là trẻ nhỏ, chúng đột ngột nói mình là người này người kia trong kiếp trước, có thể miêu tả những ngôi nhà, bạn bè và những người chồng, người vợ trước kia của chúng. Thật kỳ quái. Có một trường hợp đáng kể hơn cả ở Ấn Độ…” Anh ho, và giấy tờ lại sột soạt. “Nhưng anh lạc đề mất rồi. Phần nghiên cứu chính khác dường như có được từ những người sử dụng thuật thôi miên, nếu em tin vào các phương pháp ấy. Họ chuyển dịch hàng nghìn người theo đúng nghĩa đen về quá khứ và phát hiện hầu hết những con người này đều chỉ là những thường dân. Ồ, có cái này thú vị một chút này. Ở đây có một bài báo chứng minh việc triệu hồi kiếp trước và nó nói rằng những người trong cuộc nghiên cứu này đều thuật lại có nghe thấy tiếng chuông vọng bên tai, kèm theo cảm giác hoa mắt chóng mặt, ngay trước khi sự việc xảy ra. Nghe đã quen chưa?”
“Nghe có vẻ anh có kha khá tài liệu rồi đấy”, tôi bình luận, cố gắng lờ đi cơn run rẩy quét khắp da.
“Hàng tập giấy tờ”, Tom đồng ý. “Anh bảo, sao anh không đóng gói chỗ này gửi cho em để em tự đọc, thay vì huyên thuyên qua điện thoại nhỉ?”
“Được rồi. Anh có địa chỉ của em rồi, đúng không?”
“Để chỗ nào rồi ấy.”
Không tin tưởng trí nhớ của anh trai, tôi đọc lại lần nữa và lắng nghe tiếng cây bút cào trên mặt giấy khi anh ghi chép. Lúc chúng tôi lại bắt đầu cuộc nói chuyện, anh có vẻ thất vọng khi thấy tôi kể chẳng có chuyện gì xảy ra từ lúc trở về nhà.
“Không gì luôn?” Anh hỏi. “Không cả một giấc mơ khác thường?”
“Em còn chẳng mơ tí nào, theo những gì em nhớ.”
“Có lẽ em đang cố gắng quá sức.”
“Em không chủ ý làm gì hết, Tom à.” Giọng nói của tôi giật cục và bực bội. “Anh biết em chỉ háo hức đợi nó xảy ra như anh thôi.”
“Anh hiểu. Xin lỗi” Ngay cả qua đường dây điện thoại, tôi có thể cảm nhận nụ cười của anh. “Hài hước cái là em bắt đầu trăn trở vì nó rồi.”
“Cái gì?”
“Ừ thì vào thứ Hai, em còn đang buồn bực bởi những việc đang xảy ra, và giờ cả hai chúng ta đều buồn bực vì chúng không xảy ra còn gì.”
“Ồ, em hiểu. Nhưng cuối cùng em chẳng thấy hài hước gì cả. Đáng lo ngại hơn thì có, dù anh có miễn cưỡng muốn biết hay không.”
“Gió lặng trước cơn bão à?”
“Giống như... em đang bị theo dõi thì đúng hơn”, tôi bảo anh. “Giống như ai đó đang đứng sau lưng em, theo dõi em. Và chờ đợi.”
“Em nghĩ là chờ đợi cái gì?”
Tôi lắc đầu, không quan tâm anh không thể nhìn thấy điệu bộ đó. “Em không biết nữa. Em nghĩ chắc anh cũng không tìm ra gợi ý nào hữu dụng từ mớ thông tin ở chỗ người thủ thư phải không?”
“Ừ, thực sự là không có.” Anh lại lật giở đám giấy tờ. “Ồ, nhưng có hai tuyên bố khác anh nghĩ em sẽ thấy hứng thú...”
“Vâng?”
“Dường như có rất nhiều bằng chứng chứng minh ở mỗi đời người đều có chừng ấy con người vây quanh chúng ta - rằng cha em ở kiếp này có thể trở thành bạn của em ở kiếp sau, vân vân. Họ đôi khi có liên quan đến một nửa của em, những người em sẽ yêu thích ngay lập tức mà không thực sự biết lý do vì sao.”
“Cho nên anh có thể từng là anh trai của em ở kiếp trước.”
“Hoặc chồng của em”, Tom trêu ghẹo. “Hoặc con trai em. Có khi là cả con gái em cũng nên. Qua nhiều kiếp thì giới tính có vẻ cũng không phải là thứ bất biến.”
“Thôi được rồi.” Tôi chấp nhận thông tin. “Và điểm còn lại là?”
“À”, Tom nói. “Để xem, điểm còn lại hơi bị hấp dẫn, nhưng... hầu hết những người liên quan đến một trong số những cuộc nghiên cứu này đều nói họ thực sự đã chọn được tái sinh; rằng họ đã sống trong minh giới, nếu muốn, cho đến khi cơ hội hiện thân tự nó xuất hiện.”
“Cho nên?”
“Cho nên em nói hồn ma này, hồn ma Thiếu Phụ Xanh trong khu vườn nhà em, ba mươi năm rồi chưa có ai nhìn thấy phải không?”
“Đấy là những gì em đã nói.”
“Và em chưa bao giờ nghĩ”, Tom chậm rãi nói, “rằng ba mươi năm trước là khoảng thời gian em đã được sinh ra sao?”.
Bước chân nhẹ nhàng, nàng gần như... Những từ ngữ nảy lên, tự nhiên và tùy ý, trong trí óc hỗn loạn của tôi khi đứng một mình trong nghĩa trang nhà thờ có tường bao quanh, nhìn chằm chằm xuống nấm mộ cỏ mọc xanh rì của Mariana Farr. Đây là một bài thơ cổ, của Oscar Wilde. Tôi từng phải học thuộc nó thời đi học, và thậm chí giờ đây, bao nhiêu năm trời đã trôi qua, tôi vẫn có thể nhớ dòng chữ ám ảnh cuối cùng: Vùi lấp sinh mệnh nơi đây, Bên dưới đống chất đầy.
Nhưng chắc chắn, tôi tự nhủ, điều đó không hề đúng. Tôi nên đào xới quá khứ để ngỏ, chứ không phải lấp đất để bao phủ nó lại. Nhíu mày, tôi nhét hai bàn tay sâu hơn vào túi quần jean và trừng mắt nhìn phiến đá đơn sơ nhỏ nhắn. Vùi lấp sinh mệnh nơi đây...
Cơn gió giá buốt thổi bay tóc khỏi trán lúc tôi quay người, cúi gằm đầu trầm ngâm và lê từng bước chân nặng nề về phía nhà thờ. Như lúc trước, cánh cửa bằng gỗ lớn dễ dàng mở ra trước cái chạm nhẹ của tôi. Đứng giữa không gian lạnh lẽo và im lìm bên trong, tôi thêm lần nữa bị kinh ngạc bởi sự tĩnh mịch tinh tế và hương thơm lãng mạn tự do lan tỏa của nơi này. Giống như tu viện Glastonbury Abbey đổ nát, với cỏ mọc trên đỉnh những bức tường cao không có mái, nhà thờ nhỏ bé này cho người ta ấn tượng rằng tất cả mọi người đã bỏ quên nó một thời gian rất dài.
Thật ngớ ngẩn, tôi nghĩ, bởi cứ đến Chủ nhật là các hàng ghế dài sẽ đầy ắp tín đồ ở Exbury. Tuy vậy, cái ấn tượng ấy vẫn cứ rơi rớt lại trong tôi. Tôi định ngồi xuống một trong những hàng ghế dài sứt sẹo bóng loáng kia một lát, tận hưởng bầu không khí yên bình, dễ thỏa mãn, nhưng một âm thanh bên ngoài nhà thờ vang lên khiến tôi chú ý. Đầu tiên, nó chỉ là một âm thanh mờ nhạt, qua những bức tường đá dày chỉ như một tiếng va đập không dứt, va đập của một cành cây lên khung cửa sổ, nhưng âm lượng mỗi lúc một gần và trở nên đều đặn hơn, cho đến khi tôi có thể nghe thấy rõ ràng vó ngựa nện trên nền đất chắc nịch của con đường quanh co phía sau nhà thờ - con đường dẫn về tòa trang viên.
Tò mò, tôi lại ra ngoài và vòng qua bức tường phía tây nhà thờ, đi bộ một quãng ngắn qua thảm cỏ đến cánh cổng thấp dẫn vào con đường đến tòa trang viên. Mặc dù có thể nghe tiếng con ngựa khá rõ ràng, nhưng không nhìn thấy gì trong tầm mắt, tôi bước xuống con đường để có tầm nhìn tốt hơn.
Cơn váng vất đột ngột tấn công tôi. Tôi hầu như chỉ kịp đưa những ngón tay lên hai thái dương đập rộn, nhắm chặt đôi mắt trước ánh sáng nổ tung chói lòa. Khi nghe thấy một tiếng chửi thề hét lên sau lưng, tôi quay lại để thấy một cặp móng vuốt đồ sộ cắt lẹm qua không khí chỉ cách mặt tôi vài centimet. Kinh hãi, tôi giật lui, đập hông lên một tảng đá. Bị mắc kẹt bởi mớ váy lùng nhùng vướng vào chân, tôi chỉ có thể đứng yên đó, nửa ngồi nửa nằm trên mặt đất, ngước lên nhìn trân trân người đàn ông cưỡi ngựa điêu luyện không nghi ngờ vừa cứu sống mình.
Tôi không thể nhìn thấy gương mặt anh ta - anh ta đưa lưng về phía mặt trời và tôi chỉ có thể nhìn thoáng qua gương mặt nghiêng của anh ta khi anh ta trấn an con ngựa xám đang nhảy chồm chồm. Nhưng trong lúc không thể nhìn thấy biểu cảm của anh ta, tôi vẫn chắc chắn anh ta không hề mỉm cười.
“Chết tiệt, cái cô kia!” Anh ta lại chửi thề, chứng thực sự ngờ vực của tôi. “Cô không biết nhìn trước ngó sau sao? Cô thích chết đấy à?”
Trợn tròn mắt im thin thít, tôi lắc đầu, không chắc nên trả lời câu nào trong hai câu được hỏi. Đường nét trên cằm nghiến chặt, như thể đang chuẩn bị cho tôi một bài thuyết giảng, nhưng anh ta chỉ khó khăn trút một hơi điên tiết và nhìn ra chỗ khác trong một chốc, cho tôi cơ hội nhìn thấy gương mặt nghiêng quyến rũ tuyệt đẹp và rắn rỏi ấy kỹ càng hơn. Khi quay lại nhìn tôi và nói, giọng anh ta đã trở nên nhã nhặn hơn và gần như ân cần.
“Cô có bị thương không?”
Một lần nữa, tôi lắc đầu và cảm nhận được nụ cười của anh ta.
“Cô không thể nói sao, Mariana Farr?” Anh ta hỏi. “Tôi nghe đồn khoản ăn nói của các cô gái ở Luân Đôn đặc biệt giỏi cơ mà nhỉ.”
Máu tôi đông hết lại vì lo lắng. “Tôi không đến từ Luân Đôn, thưa ngài. Tôi đến từ Southampton.”
“Thật lạ lùng”, anh ta khẽ nói. “Không đầy một tuần trước, tôi đã đứng uống bia với một người đàn ông tự nhận là đánh xe đến từ Luân Đôn. Anh ta bảo không chở gì đến đây ngoài một hành khách và cô gái đó có mái tóc vàng như lúa mạch chín. Sau vài ly, anh ta có thể nói huyên thuyên, nhưng không cho tôi ấn tượng là một kẻ nói dối.” Thấy tôi lặng im, anh ta tiếp tục nói, vẫn cái giọng nhẹ nhàng và vô tâm ấy. “Cô cần thôi cái dáng vẻ sợ hãi ấy đi - tôi sẽ không kể với ai. Tôi không phải nông dân, thưa cô, để làm dấu thập và lẩm bẩm những lời cầu nguyện khi ai đó thì thầm về ‘bệnh dịch’ và cũng sẽ không nhìn cô bị tống ra khỏi thị trấn vì mấy kẻ đần độn cho rằng cô đang mang theo mầm bệnh.”
Tôi chống chân đứng dậy, phủi bụi đất khỏi chiếc váy với những ngón tay còn hơi run rẩy. “Ngài đẩy tôi vào thế bất lợi, thưa ngài”, tôi nói với anh ta, với hết thảy sự trang nghiêm có thể có, và nheo mắt nhìn anh ta giữa ánh nắng chói chang. “Ngài biết tên tôi.”
“À, ừm, khoảng thời gian này chúng tôi rất hiếm có khách quý ở Exbury”, anh ta giải thích, “và những người thu hút được sự chú ý của tôi lại càng hiếm hơn”. Ánh nhìn tăm tối của anh ta thiêu đốt nơi tôi đang đứng và nét cười trong tiếng nói của anh ta thậm chí còn chứng minh rõ ràng hơn. Có lẽ lấy làm thương hại ánh nhìn của tôi, anh ta thúc con ngựa vòng lại để ánh mặt trời không chiếu thẳng vào lưng anh ta nữa và màu mè nâng chiếc mũ lên khi cúi đầu chào một cách giễu cợt.
“Richard de Mornay, hân hạnh được phục vụ tiểu thư”, anh ta tự giới thiệu.
“Thưa ngài.” Tôi cúi đầu đáp lại, một phần vì không thể hoàn toàn bỏ quên lối cư xử phải phép của mình, một phần không thể chịu đựng việc nhìn vào gương mặt anh ta lâu hơn được nữa. Đó là một khuôn mặt tuyệt đẹp, góc cạnh và đẹp trai một cách ma mị, thêm một bộ râu đen cắt tỉa gọn gàng và những lọn tóc đen bồng bềnh tự nhiên, không phải một trong số những bộ tóc giả chau chuốt tôi đã quá quen thuộc trong thành phố.
Bộ trang phục của anh ta cũng không phải loại hợp mốt ẻo lả. Anh ta mặc một chiếc áo gi lê và quần ống túm đơn giản màu đen, với chiếc áo khoác dài và bốt da tiệp màu. Chất vải anh ta mặc là thượng hạng, lớp thêu dày đặc, nhưng không hề lòe loẹt, vì thế hết thảy đều trông rất đắt tiền. Tôi thấy bản thân thắc mắc về Richard de Mornay. Anh ta dường như rất khác so với những người nông dân thẳng thắn và nhà buôn tôi gặp từ khi mới đến đây.
“Cô có chắc mình không bị thương không?” Anh ta lại hỏi.
“Tôi chắc chắn. Cảm ơn ngài.” Tôi giữ đầu thật thấp, chờ anh ta đi. Lúc anh ta vẫn đứng yên, tôi đánh liều nhìn một cái và phát hiện anh ta đang quan sát mình.
“Vậy chúc cô một ngày tốt lành, thưa cô”, anh ta chậm rãi nói, gật đầu thêm cái nữa trước khi đặt lại mũ lên đầu và hướng con ngựa về phía ngôi làng. “Mong trong tương lai cô sẽ cẩn thận hơn khi đi trên con đường này.”
Tôi lại có ấn tượng rằng anh ta đang cảnh báo tôi điều gì đó khác chứ không phải việc lao ra trước mặt một con ngựa thế này, nhưng trước khi tôi có toàn bộ thời gian ghi nhớ lời nhắc nhở trong tâm trí thì anh ta đã đi mất. Tôi chỉ còn lại một mình đứng giữa đường như một con ngốc. Nỗ lực tập hợp lại sức lực, tôi rời khỏi con đường và băng qua cánh đồng về nhà, không mong ước sẽ gặp Richard de Mornay thêm lần nào nữa trên những con đường làng.
Ngôi nhà của bác tôi, nhìn từ phía sau qua cánh đồng rì rào, là một cảnh tượng ảm đạm và thiếu đón chào. Trong vài ngày ít ỏi tôi ở đây, tôi đã biết kinh sợ nơi này, giống cảnh tượng gớm ghiếc về tòa tháp Luân Đôn khiến tôi khiếp hãi thời thơ ấu. Cả hai nơi, theo từng cách riêng, đều là những nhà tù.
Song cảm tưởng của tôi không dựa trên căn cứ logic nào, mà cũng không phải vì nỗi sợ bác trai ngày một lớn trong tôi. Tôi không hề bị ngược đãi, tôi được chấp nhận vô điều kiện vào các hoạt động thường nhật của gia đình và thái độ của bác Jabez với tôi lúc nào cũng nhã nhặn, dù có chút xa cách. Tuy vậy, tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn không yên, giống một đứa trẻ đi lang thang trong những hành lang của một ngôi nhà xa lạ giữa đêm đen mịt mờ, cho rằng trước mỗi lối rẽ sẽ gặp phải một con quái vật vô cùng gớm ghiếc nào đó. Quả vậy, khi nhiều ngày qua đi, tôi bắt đầu dần nhận thức được sự hiện diện của con quái vật này; tôi hầu như có thể cảm nhận được nó, với vẻ bề ngoài thường ngày, luồn lách hệt như con rắn độc ác trong Vườn Địa Đàng. Và dù vẫn chưa đối diện được với nó, tôi cũng chắc chắn về sự tồn tại của nó.
Lê từng bước chân, tôi bước vào ngôi nhà qua cửa sau và thấy Rachel trong nhà bếp, xắn tay áo để nhào bột. Cô ấy ngước lên, mỉm cười vì lớp bột vương vãi đầy trên người.
“Chuyến đi dạo dễ chịu chứ?” Cô ấy hỏi tôi và tôi gật đầu, “Tôi bắt đầu lo cho chị rồi này, chị đi lâu quá”.
“Tôi đến nghĩa trang nhà thờ, thăm mộ của ông ngoại tôi”, tôi giải thích, giọng lơ đãng. “Rachel à, cô biết gì về người đàn ông tên Richard de Mornay không?”
Cô ấy ngẩng phắt lên, do dự, đôi mắt lướt qua tôi, rồi đột ngột nới rộng e dè. Tôi không nghe thấy bác mình vào phòng, nhưng có thể cảm nhận được ông đang đứng sau lưng trước khi ông cất giọng.
“Richard de Mornay”, ông lặp lại, giọng nói kéo dài từng chữ khó nghe. “Làm sao chị biết anh ta?”
“Chúng cháu chạm mặt nhau trên đường hôm nay”, tôi thành thực trả lời, “và anh ta nói chuyện với cháu”.
“Anh ta... nói chuyện với chị. Thế thôi?”
“Vâng.”
“Và rồi chị hỏi thăm về anh ta.”
Sự thẩm vấn đang cào ác liệt lên những dây thần kinh của tôi, nhưng tôi dùng sức kiềm lại cơn giận và giữ giọng nói bình thản hết mức có thể. “Cháu hỏi thăm về anh ta vì hiếu kỳ”, tôi nói, vênh cằm lên một chút. “Quần áo anh ta đặc biệt sang trọng và anh ta cũng cưỡi một con ngựa đáng yêu.” Tôi nuốt nước bọt, nhìn thẳng vào mắt bác. “Cháu hiếu kỳ thôi”, tôi nhắc lại.
Jabez Howard giữ chặt ánh mắt tôi một lúc lâu trước khi hạ mắt xuống và mỉm cười, buông tha cho tôi.
“Richard de Mornay”, ông nói với chất giọng bình thường, “là lãnh chúa trẻ tuổi của lâu đài Crofton. Anh ta là con một gia đình quý tộc và được giữ chức hiệu Nam tước từ cha của anh ta, người qua đời năm năm trước. Anh ta được kính trọng, nhưng”, ông lại giữ ánh mắt của tôi, “anh ta không phải một quý ông. Có một con quỷ ngụ trong người Richard de Mornay. Chị không được nói chuyện với anh ta nữa”. Ông quay người và đi vào phòng ăn, bỏ tôi đứng cạnh lò sưởi trong cơn ớn lạnh đột nhiên xâm chiếm. Tiếng ồn ã lạ lùng xé rách không gian im ắng ngột ngạt, tiếng chuông đinh tai mỗi lúc một rền vang, theo sau tiếng vó ngựa phi nước đại đứt đoạn giật cục. Căn phòng rung chuyển, mờ ảo như đường chân trời vào một chiều hè nóng nực, những bức tường cùng đồ nội thất tự mình co rút lại trước khi quy tụ, một cách rõ ràng và thống nhất.
Tôi đang đứng trong phòng chứa đồ ăn ở ngôi nhà của chính mình, đối diện với cửa phòng bếp, lắng nghe tiếng chuông điện thoại reo không ngừng trong sảnh phía trước. Tôi mặc kệ nó tiếp tục reo, đờ đẫn nhìn vào khung cửa mở, cho đến khi âm thanh cuối cùng câm bặt. Thực tại nhỏ giọt từng chút một vào dòng chảy suy nghĩ rời rạc, cứ như kéo dài đến muôn đời trước khi tôi có thể triệu hồi quyết tâm di chuyển khỏi chỗ đứng hiện tại cạnh vách phòng chứa thức ăn để ra sảnh ngoài rộng rãi và thoáng đãng, nơi tôi đứng nhìn xuống chiếc điện thoại đen bóng như thể nó đến từ một hành tinh khác.
Khi tôi đứng đây, nhìn chằm chằm xuống chiếc điện thoại, với bàn tay ngập ngừng vươn ra, nó lại bắt đầu đổ chuông.
Bình luận
- Chương 34
- Chương 33
- Chương 32
- Chương 31
- Chương 30
- Chương 29
- Chương 28
- Chương 27
- Chương 26
- Chương 25
- Chương 24
- Chương 23
- Chương 22
- Chương 21
- Chương 20
- Chương 19
- Chương 18
- Chương 17
- Chương 16
- Chương 15
- Chương 14
- Chương 13
- Chương 12
- Chương 11
- Chương 10
- Chương 9
- Chương 8
- Chương 7
- Chương 6
- Chương 5
- Chương 4
- Chương 3
- Chương 2
- Chương 1