Còn nhớ một ngày, trong thời gian diễn ra chuyến du ngoạn đầu tiên của chúng tôi — vòng thiên đường đầu tiên của chúng tôi — khi để bình yên tận hưởng những ảo tưởng của mình, tôi đã cương quyết lờ đi điều mà tôi không thể nào không nhận ra, là với nàng thật ra tôi chẳng phải tình nhân, chẳng phải bạn thân, chẳng phải một quý ông hấp dẫn, thậm chí hoàn toàn chẳng phải là người, mà chỉ là hai con mắt và một cái chân tình ba mươi phân cơ bắp cương máu — ấy là chỉ nói đến những thứ đáng để nói đến. Còn nhớ một ngày, khi rút lại lời hứa thực dụng mà tôi đã nói với nàng vào đêm trước (bất cứ cái gì trái tim nhỏ bé tức cười của nàng ao ước — một sân trượt pa tanh có sàn nhựa đặc biệt nào đó hoặc suất phim chiều mà nàng muốn đi xem một mình), tôi tình cờ liếc thấy từ phòng tắm, qua sự phối hợp ngẫu nhiên của gương xiên và cửa hé, vẻ mặt nàng... vẻ mặt mà tôi không thể miêu tả chính xác... biểu hiện tình trạng bơ vơ không nơi nương tựa hoàn hảo đến mức dường như có thể xếp nó vào một dạng ngớ ngẩn phần nào cam chịu chỉ vì đây chính là giới hạn của cảm giác bất công và thất vọng — và mỗi giới hạn lại bao hàm một điều gì đó vượt ra ngoài nó — từ đó mà ra sự khai trí trung dung. Và khi nhớ ra rằng cặp lông mày nhướng lên và đôi môi hé mở này là của một đứa trẻ con, quý vị có thể đánh giá được rõ hơn, vực thẳm nhục dục được tính toán trước nào, nỗi tuyệt vọng được phản chiếu lại nào, đã ngăn tôi khỏi việc quỳ sụp xuống đôi chân thân thương của nàng và tan ra thành những giọt lệ người, và hy sinh lòng ghen tuông của tôi cho bất cứ lạc thú nào mà Lolita có thể hy vọng nhận được từ việc giao du với lũ trẻ bẩn thỉu và nguy hiểm ở thế giới bên ngoài, cái thế giới mà nàng cho là có thật.
Và tôi vẫn còn những hồi ức nghẹt thở khác, giờ đây tự chúng mở bung thành những con yêu quái không chân không tay hành hạ tôi. Một lần nọ, trên một con phố Beardsley vào lúc mặt trời lặn, nàng quay qua cô bé Eva Rosen (tôi đang đưa cả hai nymphet này đi xem hòa nhạc và đi sau hai bé sát đến mức gần như chạm người vào chúng), nàng quay qua Eva, và để trả lời về cái gì đó mà cô bé kia vừa nói về chuyện thà chết còn hơn nghe Milton Pinski, một thằng nam sinh địa phương nào đó mà bé quen, nói về âm nhạc, Lolita của tôi nhận xét một cách hết sức bình thản và nghiêm túc thế này:
"Cậu biết không, điều hết sức kinh khủng ở cái chết là cậu hoàn toàn đơn độc"; và lời nàng làm tôi sửng sốt, trong khi hai đầu gối người máy của tôi vẫn lên lên xuống xuống, rằng tôi đơn giản là không biết tí gì về tâm tư của người tôi yêu và rằng, hoàn toàn có thể đằng sau những lời nói khuôn sáo khó nghe của lứa tuổi choai choai, ở nàng còn có vườn cây, buổi hoàng hôn, và cổng vào cung điện — những vùng mờ mờ đẹp mê hồn mà tình cờ lại trở nên rõ ràng và tuyệt đối cấm kị với tôi, mặc bộ quần áo nhơ bẩn rách tả tơi và mắc chứng co giật khốn khổ; bởi lẽ tôi thường để ý thấy rằng sống như chúng tôi đang sống, nàng và tôi, trong một thế giới hoàn toàn xấu xa, chúng tôi hay trở nên ngượng nghịu một cách kỳ lạ mỗi khi tôi thử thảo luận điều gì đó mà nàng và một người bạn lớn tuổi hơn, nàng và cha mẹ, nàng và một người tình chân chính lành mạnh, tôi và Annabel, Lolita và ông Harold Haze uy nghi, thanh khiết, được phân tích, được tôn sùng, có thể thảo luận — một ý niệm trừu tượng, một bức tranh, Hopkins lốm đốm hay Baudelaire trọc đầu, Chúa trời hoặc Shakespeare, bất cứ đề tài thứ thiệt nào. Hảo ý! Nàng sẽ bọc điểm yếu của mình vào lớp giáp xấc láo lặp đi lặp lại và nỗi buồn chán, trong khi tôi, sử dụng cho những lời bình luận khách quan một cách liều lĩnh của mình một giọng nói giả tạo đến nỗi nó làm cho những chiếc răng cuối cùng cũng phải nhức nhối, khiêu khích thính giả của mình nổi khùng lên đến mức làm cho bất cứ cuộc nói chuyện nào xa hơn nữa đều không thể thực hiện được, ôi con bé tội nghiệp, bị tổn thương của tôi.
Anh yêu em. Anh là con quái vật năm chân, nhưng anh yêu em. Anh hèn hạ, hung ác, lười biếng, và sao cũng được, mais je t'aimais, je t'aimais![1] Có những lúc anh biết đích xác em đang cảm thấy thế nào, và anh không thể chịu đựng được việc ấy, cô bé của anh. Lolita của anh, Dolly Schiller dũng cảm của anh.
Tôi hồi tưởng lại một số phút giây như thế, ta hãy gọi chúng là những núi băng trôi ở thiên đường, vào lúc sau khi đã thỏa thuê với nàng — sau những nỗ lực phi thường, điên cuồng, những nỗ lực đã bỏ lại tôi mềm oặt dưới những vạch sáng màu thanh thiên — tôi thường riết chặt nàng trong vòng tay mình với, rốt cuộc, một tiếng rên câm lặng và dịu ngọt tình người (da nàng lấp lánh dưới ánh đèn neon lọt vào từ cái sân lát đá, qua những khe mành mành, những hàng mi đen như bồ hóng của nàng bết lại, đôi mắt xám sẫm của nàng trống rỗng hơn bao giờ hết — hệt như một bệnh nhân nhí vẫn còn đờ đẫn vì thuốc mê sau ca đại phẫu) — và dịu ngọt lắng đọng thành ngượng ngùng và tuyệt vọng, và tôi lại đu đưa ru ngủ nàng Lolita nhẹ bỗng, bơ vơ của tôi trong vòng tay cẩm thạch, rên lên trong mái tóc nàng nồng ấm, vuốt ve nàng bừa bãi và thầm lặng xin nàng ban phước, và ngay tại đỉnh của sự dịu ngọt tình người đầy đau đớn và vị tha này (vào lúc hồn tôi đang thực sự treo trên tấm thân trần truồng của nàng và sẵn sàng sám hối), thì bỗng nhiên, trớ trêu thay, khủng khiếp thay, dục vọng lại cương lên — và "ôi, không," Lolita lại thốt lên với tiếng thở dài thấu trời, và ngay khoảnh khắc sau đó, cả sự dịu ngọt cả sắc thiên thanh — tất cả lại tiêu tan.
Vào giữa thế kỷ hai mươi này, những ý niệm liên quan đến mối quan hệ cha-con đã bị bôi nhọ đáng kể bởi những câu chuyện huyên thuyên giáo điều và những biểu tượng được chuẩn hóa của các mánh lới phân tâm học, nhưng tôi hy vọng mình hướng được những dòng sau đây đến các độc giả không có định kiến. Một lần nọ, khi cha của Avis bấm còi xe bên ngoài nhà để báo hiệu ông bô đã đến đón đứa con cưng về nhà, tôi thấy mình buộc phải mời ông ta vào phòng khách, và ông ta ghé vào ngồi một lát, lúc chúng tôi đang trò chuyện, Avis, một đứa trẻ nặng cân, vô duyên, rất tình cảm, lại gần ông ta và cuối cùng ngồi phịch xuống đầu gối ông. Giờ thì tôi chẳng còn nhớ tôi đã nhắc đến chuyện Lolita luôn có nụ cười tuyệt đối mê hoặc dành cho người lạ hay chưa, một cái nheo mắt âu yếm rậm mi, vẻ rạng rỡ ngọt ngào mơ màng tỏa ra từ mọi nét trên mặt nàng, một nụ cười thật ra thì chẳng có chút ý nghĩa nào, nhưng vẫn đẹp làm sao, vẫn đáng yêu làm sao, đến nỗi người ta thấy khó mà quy gọn sự dịu dàng như vậy chỉ vào một gen thần kỳ tự động làm gương mặt nàng bừng sáng bằng những dấu hiệu lại giống từ nghi lễ đón tiếp cổ xưa nào đó — tệ mãi dâm hiếu khách, độc giả thô lỗ có lẽ sẽ nói thế. Ừ, nàng đứng đó trong khi ông Byrd vừa xoay xoay cái mũ của mình vừa nói chuyện, và — vâng, hãy xem tôi mới ngốc làm sao, tôi đã để sót đặc điểm chính ở nụ cười trứ danh của Lolita, ấy là: trong khi vẻ rạng rỡ dịu dàng, ngọt như mật, với những lúm đồng tiền ấy đang đong đưa, nó lại chẳng bao giờ nhằm vào người lạ trong phòng mà cứ lửng lơ trong sự trống rỗng thờ ơ hoa lá, là nói thế, hoặc lang thang thơ thẩn cùng sự khờ khạo cận thị trên những vật thể tình cờ — và đấy chính là cái hiện đang diễn ra: lúc Avis béo len lén ngồi lên người bố nó, Lolita dịu dàng cười với con dao gọt hoa quả mà nàng đang mân mê trên cạnh bàn, nơi nàng đang dựa vào, xa tôi hàng vạn dặm. Đột nhiên, lúc Avis níu lấy cổ và tai cha mình, còn người đàn ông, bằng cánh tay hững hờ, choàng lấy đứa con ruột to béo nần nẫn của mình, tôi nhìn thấy nụ cười của Lolita tắt ngấm và biến thành cái bóng nhỏ đờ đẫn của chính nó, và con dao gọt trái cây trượt khỏi bàn và tình cờ đập cái cán màu bạc của nó trúng mắt cá chân nàng, làm nàng thở hổn hển, cúi gập đầu về phía trước, và sau đó, nhẩy lò cò một chân, gương mặt nàng thật dễ sợ với những nét mếu máo xấu xí mà trẻ con cố giữ cho đến khi nước mắt tuôn ra, nàng ra khỏi phòng — và được Avis bám theo ngay để an ủi trong bếp. Avis có ông bô béo hồng thật tuyệt vời và đứa em trai mũm mĩm, cô em gái mới chào đời, một tổ ấm, hai con chó biết cười nhe răng, còn Lolita thì chẳng có gì sất. Và tôi có sẵn một cảnh phụ trang nhã cho cái lớp kịch nhỏ ấy — cũng trong khung cảnh ở Beardsley. Lolita, đang đọc sách gần lò sưởi, bỗng duỗi người, khuỷu tay giơ lên cao, và sau đó cằn nhằn hỏi: "thật ra thì bà ấy được mai táng ở đâu?" "Ai?" "Ồ, anh biết mà, người mẹ đã bị giết của em chứ ai." "Còn em thì thừa biết mộ bà ấy ở đâu," tôi vừa nói vừa tự kiếm chế, và sau đó tôi nói tên nghĩa trang ấy — ngay ngoại ô Ramsdale, giữa đường sắt và Đồi Lakeview. "Vả lại," tôi bổ sung, "bi kịch của một tai nạn như vậy có phần bị rẻ rúng bởi cái tính ngữ mà em thấy phù hợp để áp cho nó. Nếu em thật sự mong muốn chiến thắng trước ý niệm về cái chết trong tâm trí em —" "Ô." Lo nói thay cho hoan hô, uể oải rời khỏi phòng, và hồi lâu, tôi đăm đắm nhìn vào ngọn lửa bằng cặp mắt nhức nhối. Sau đó tôi nhặt cuốn sách của nàng lên. Nó là một thứ rác rưởi nào đó dành cho thanh niên. Có cô gái u sầu Marion, và có bà mẹ kế của cô ta, người hóa ra lại là, ngược lại mọi mong đợi, một phụ nữ tóc đỏ, trẻ trung, vui tươi, biết cảm thông, và là người giải thích cho Marion hiểu rằng bà mẹ đã chết của Marion là một phụ nữ anh hùng vì bà đã cố ý che giấu tình yêu vĩ đại bà dành cho Marion do bà sắp chết, và không muốn con gái bà nhớ thương bà. Tôi không khóc lóc phi vội lên phòng nàng. Tôi luôn ưa phép vệ sinh tinh thần bằng cách không can thiệp. Lúc này, quằn quại và van lơn ký ức của chính mình, tôi hồi tưởng lại rằng trong dịp này hoặc những dịp tương tự, thì cách thức tôi quen bao giờ cũng là lờ đi tâm trạng của Lolita hòng an ủi bản chất đê hèn của chính mình. Khi mẹ tôi, mặc bộ đầm xám xịt ướt đẫm, trong màn sương mù cuồn cuộn (tôi hình dung mẹ một cách sống động như vậy), mê man chạy, thở hổn hển, lên đỉnh núi ấy trên vùng Moulinet để rồi bị đốn gục tại nơi đó bởi một tia sét, thì tôi chỉ là đứa bé còn ẵm ngửa, và sau này nhìn lại, tôi chưa bao giờ ghép được nỗi khát khao mong mỏi nào thuộc loại được người ta thừa nhận lên bất cứ thời điểm nào trong tuổi xuân của tôi, cho dù các nhà tâm lý trị liệu đã cật vấn tôi dã man ra sao vào những giai đoạn muộn hơn của bệnh trầm cảm. Nhưng tôi thừa nhận rằng một kẻ có năng lực tưởng tượng của tôi thì không thể vin vào sự thiếu hiểu biết mang tính chất cá nhân về những xúc cảm chung của nhân loại. Cũng có thể là tôi đã dựa quá nhiều vào những mối quan hệ lạnh nhạt một cách khác thường giữa Charlotte và con gái thị. Nhưng điểm đáng sợ trong toàn bộ luận cứ là thế này. Một điều dần dần trở nên rõ ràng với nàng Lolita khuôn phép của tôi trong thời gian chung sống kì quặc và đồi trụy của chúng tôi là thậm chí những cuộc sống gia đình bất hạnh nhất cũng vẫn tốt hơn trò giễu nhại loạn luân, là thứ, về lâu dài, tốt đẹp nhất mà tôi có thể mang lại cho đứa trẻ bơ vơ ấy.
[1]. Tiếng Pháp. Nhưng anh yêu em, anh yêu em.
Bình luận
- Chương 66
- Chương 65
- Chương 64
- Chương 63
- Chương 62
- Chương 61
- Chương 60
- Chương 59
- Chương 58
- Chương 57
- Chương 56
- Chương 55
- Chương 54
- Chương 53
- Chương 52
- Chương 51
- Chương 50
- Chương 49
- Chương 48
- Chương 47
- Chương 46
- Chương 45
- Chương 44
- Chương 43
- Chương 42
- Chương 41
- Chương 40
- Chương 39
- Chương 38
- Chương 37
- Chương 36
- Chương 35
- Chương 34
- Chương 33
- Chương 32
- Chương 31
- Chương 30
- Chương 29
- Chương 28
- Chương 27
- Chương 26
- Chương 25
- Chương 24
- Chương 23
- Chương 22
- Chương 21
- Chương 20
- Chương 19
- Chương 18
- Chương 17
- Chương 16
- Chương 15
- Chương 14
- Chương 13
- Chương 12
- Chương 11
- Chương 10
- Chương 9
- Chương 8
- Chương 7
- Chương 6
- Chương 5
- Chương 4
- Chương 3
- Chương 2
- Chương 1