chương 10/ 88

Táng Thiên Ông trầm ngâm một lúc rồi nói :

- Hừ! Lưới trời lồng rộng, tuy thưa mà khó lọt. Chỉ còn là vấn đề thời gian chưa hiểu lúc nào mà thôi.

Người áo đen đảo mắt nhìn quanh, phát giác ra Từ Văn đứng ngoài xa mấy trượng, hắn liền lên tiếng gọi :

- Địa Ngục thư sinh! Mối ân tình của tiểu hữu, sau này sẽ xin báo đáp.

Táng Thiên Ông hắng giọng một tiếng rồi nói :

- Thằng lỏi này hành động kỳ dị khó mà lường được. Vừa rồi gã lại toan giết ngươi đó...

Từ Văn không nói nửa lời, trở gót đi luôn. Chàng ngẫm nghĩ tới mấy câu của hai người vừa nói chuyện với nhau, nhận thức rằng trong bảo đã phát sinh biến cố, mà phụ thân chàng không phải là đối thủ của người áo đen tên gọi Thượng Quan Hoành kia. Như vậy là chàng đã bảo toàn tính mạng cho kẻ thù ghê gớm. Nhưng bản tính ngang ngạnh, chàng vẫn không hối hận. Chàng cũng biết rằng nếu mình ra tay hạ sát người áo đen thì Táng Thiên Ông quyết chẳng buông tha.

Chàng tự nghĩ :

- Giả tỷ người áo đen không được thuốc giải độc môn của mình, thì hắn nhất định phải chết không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu mình không trót lỡ lời thì chẳng khi nào lại cấp thuốc giải cho hắn. Mặt khác, nếu đối phương biết rõ lai lịch của mình thì hậu quả khó mà biết trước được. Thượng Quan Hoành và Táng Thiên Ông đã là những nhân vật cùng phe, thì dĩ nhiên hắn cũng chẳng phải hạng tầm thường. Hắn nói là có mối thù đoạt thê, diệt tự với phụ thân mình thì hành vi của phụ thân quả là không thể tha thứ được. Nhưng đạo làm con biết hành động thế nào cho phải?

Từ Văn bỗng động lòng cố hương. Chàng quyết định trở về nhà. Thế rồi chàng nhắm đường Thất Tinh bảo mà tiến.

Từ Văn chạy luôn mấy ngày đêm về đến quê hương cố thổ mà trong lòng một khỏi hồi hợp lo âu. Chuyến này chàng đi Khai Phong để cầu thân, nhưng giữa đường thay đổi ý định, đình chỉ việc cầu hôn, bây giờ một biết về nói thế nào với phụ thân.

Nhưng dù sao chàng cũng chẳng thể không ra mắt phụ thân được.

Tòa Thất Tinh bảo đồ sộ đã hiện ra trước mắt Từ Văn. Chàng tiếp tục chạy đến trước cổng vào, trong lòng xao xuyến vô cùng!

Từ Văn rất lấy làm kỳ là sao trước bảo lại không thấy bóng người. Chàng đinh ninh ít ra trong phạm vi mười dặm ngoài Thất Tinh bảo, phải gặp người ra đón mình rồi.

Cánh cổng vẫn bỏ ngõ, mà bên trong tịch mịch không có tiếng người. Một linh cảm bất tường đè nặng lên đầu óc chàng.

Trống ngực đánh thình thình, Từ Văn đột nhiên xông vào trong bảo như người phát điên. Mùi hôi thối của tử thi xông vào mũi. Bất giác chàng hồn lạc phách bay, chạy nhanh vào nhà. Trên ngõ đi vào, xác chết ngổn ngang, vết máu tím bầm đóng lại thành một bức tranh thương tâm thảm mục.

Thất Tinh bảo đã xảy ra một cuộc đổ máu hãi hùng. Mắt Từ Văn trợn lên cơ hồ rách cả mí ra. Chân chàng bước lảo đảo chạy về phía nhà chính sảnh...

Lại một thảm cảnh nữa lọt vào mắt chàng. Chàng cảm thấy trời đất quay cuồng.

Phần hồn như đã lìa khỏi xác, chàng đứng ngẩn người ra ở trước thềm, người chàng lảo đảo muốn té.

Hai bên tả hữu, mỗi bên ba cột hành lang lớn hai người ôm không xuể, đã cột sáu xác chết tất cả. Sáu xác chết này đều là những tay cao thủ bậc nhất trong bảo mà phụ thân chàng đã lựa làm tâm phúc, gọi là Thất Tinh bát tướng. Xác chết nào mắt cũng trợn ngược.

Trong viện, ngoài hiên, chỗ nào cũng rãi rác có xác chết, và toàn là người chấp sự trong bảo. Từ Văn lẩm bẩm :

- Đây là một tấm thảm kịch kinh hồn, một cuộc đồ sát có kế hoạch.

Chàng cất tiếng gọi :

- Mẫu thân! Mẫu thân!

Rồi chạy vào hậu viện. Phía ngoài hậu viện trái lại không có một vết máu nào, mà cũng không một xác chết, song cũng tịch mịch quạnh quẽ.

Từ Văn tự hỏi :

- Chẳng lẽ mẫu thân mình đã may mà thoát nạn? Nhưng còn bọn nha hoàn bộc phụ đâu?

Từ Văn thẫn thờ đi sục tìm khắp các phòng nhỏ, viện lớn, trong vườn hoa cũng như các lối đi mà chẳng phát giác ra điều chi mới lạ. Nước mắt bây giờ mới trào ra...

Trời tối, rồi trời lại sáng...

Từ Văn bi thương đến cùng cực rồi kế tiếp đến mối căm hận vô biên. Chàng la lên mấy tiếng :

- Phải báo thù! Phải báo thù...

Kẻ thù, theo chàng nghĩ, chính là Thượng Quan Hoành mà chàng đã cứu sống một cách phản tình lý. Dĩ nhiên còn một thiểu số viện thủ nữa, không chừng Táng Thiên Ông cũng là một người trong bọn này.

Từ Văn rời khỏi bảo chưa đầy một tháng đã xảy ra biến cố khủng khiếp này, thì ai mà lường được?

Phụ thân chàng, theo chỗ Táng Thiên Ông cùng Thượng Quan Hoành nói chuyện với nhau, hiển nhiên hãy còn sống ở nhân thế. Còn mẫu thân thì chưa rõ sinh tử thế nào? Lạc lõng nơi đâu? Cốt nhục tình thâm, nỗi bi thống trong lòng Từ Văn không bút nào tả xiết!

Từ Văn rất lấy làm kỳ ở chỗ bang chúng Thất Tinh rất đông, số người bị nạn nhiều lắm là một hai phần. Vậy mà sao không ai mai táng cho những người xấu số?

Chàng cố nén cơn bi thiết để mai táng hết cho các tử thi, rồi rời khỏi mảnh đất thương tâm này. Chàng đem theo một mối cừu hận rất thâm trọng.

Công việc đầu tiên của Từ Văn là chàng tìm đến phụ thân để cùng nhau mưu cuộc báo thù.

Dọc đường, chàng nghĩ bụng :

- Tuy Thất Tinh bảo cũng là một Bang, nhưng mấy năm nay ít tham dự vào những chuyện hoạt động trên chốn giang hồ. Bữa trước chàng ra đi, phụ thân đã ra nghiêm lệnh là không được thố lộ thân thế. Vì vậy trên chốn giang hồ chỉ nghe tên Địa Ngục thư sinh mà chẳng ai hiểu lai lịch chàng. Chàng quyết định tìm kế báo thù.

Quyết định rồi, chàng chưa vội điều tra tin tức của phụ thân, mà nóng lòng báo thù trước. Chàng liền dấu kín thân thế mình, đồng thời biến đổi cả tính cách, tìm đường thân cận với kẻ thù, để nhằm chờ cơ hội hạ thủ.

Đêm đã hầu tàn, trong một giang phòng nhà lữ quán, đèn lửa sáng trưng, một chàng thiếu niên thư sinh cụt một tay ngồi bên cửa sổ, có lúc chau mày nghiến răng, có lúc cúi đầu thở dài, vẻ mặt rất khô khan lạnh lẽo. Chàng chính là Địa Ngục thư sinh Từ Văn, gia đình vừa gặp cơn thảm biến.

Mấy bữa nay chàng không biết đói khát là gì, mà ngủ cũng không yên giấc. Lòng chàng se lại. Nỗi bi phẫn hành hạ chàng đến mất cả vẻ tinh anh. Chàng tựa hồ cái xác không hồn.

Tinh lực của con người có hạn. Tâm linh bị hao mòn còn khổ hơn là nhục thể bị hành hạ.

Bất giác Từ Văn gục xuống bàn mà ngủ. Vì mỏi mệt quá độ, mà tai chàng mất cả minh mẫn.

Một bóng người cao lớn như ma quỷ hiện hình đứng ở phía sau chàng.

Dưới ánh đèn sáng có thể nhìn rõ người đó mình mặc cẩm bào, che mặt bằng tấm khăn lụa màu. Trên đỉnh đầu để lộ mớ tóc đã hoa râm.

Từ Văn hơi thở trầm trọng, tiếng ngáy pho pho. Chàng đang ngủ say. Có người đứng đằng sau mà chàng không phát giác ra.

Người che mặt mặc áo cẩm bào từ từ đưa tay lên, nhằm sau lưng Từ Văn toan đánh xuống, dường như hắn do dự điều gì nên chưa hạ thủ ngay. Tình trạng này kéo dài đến nửa khắc. Trong thời gian này, người che mặt mặc áo cẩm bào đưa tay lên rồi lại buông xuống có đến mười lần.

Từ Văn vẫn chưa biết một tí gì.

Sau cùng người che mặt mặc áo cẩm bào dường như đã quyết định, phóng chưởng đánh xuống.

Từ Văn không kịp kêu lên một tiếng đã ngã lăn xuống đất, miệng trào máu tươi ra.

Nhưng chàng chưa chết, mở bừng mắt ra. Toàn thân chàng co rúm lại trông mà phát khiếp. Cặp mắt chàng trố lên như muốn vọt ra ngoài. Chàng thu hết tàn lực run lên cất tiến goi :

- Gia gia!... Sao gia gia lại muốn giết hài nhi?

Người che mặt mặc áo cẩm bào không trả lời. Người hắn run lẩy bẩy, nhưng bàn tay lại đưa lên...

Từ Văn chợt nhớ tới những lời Thiên Đài Ma Cơ, đột nhiên chàng tỉnh ngộ về vụ người che mặt mặc áo cẩm bào đã một lần toan giết mình. Chàng nghĩ ngay người này không phải phụ thân, tuy thân hình và y phục hắn không có chỗ nào khác...

Chàng quát hỏi :

- Ngươi là ai?

Đối phương vẫn không mở miệng.

Từ Văn gắng gượng trằn mình đi, chỉ muốn tiến lại gần vài thước. Nếu chàng tiếp xúc được bất cứ một bộ phận nào trong thân thể đối phương, là lập tức có thể kiềm chế hắn được ngay.

Nhưng chàng lại nghĩ rằng thế cũng chẳng ích gì, vì mình chỉ chuyển động thân hình một cái là phát chưởng của đối phương đã phóng tới nơi.

Từ Văn rú lên được một tiếng “Úi chao” phá tan bầu không khí tĩnh mịch trước lúc bình minh. Ngũ quan chàng ứa máu ra. Chàng giẫy giụa mấy cái rồi nằm yên.

Người che mặt mặc áo cẩm bào cúi xuống sờ mạch trái tim thấy chàng đoạn khí rồi. Hắn lại lặng lẽ ra đi cũng như lúc hắn đến.

Tiếng rú của Từ Văn đã kinh động đến phòng khách bên cạnh, mọi người hấp tấp mở cửa ra xem. Một người la hoảng :

- Xảy ra án mạng rồi!

Lát sau, một tiếng bước chân nhộn nhịp, tiếng người nói xôn xao đều đổ đến căn phòng này.

Chủ quán cũng la thất thanh :

- Nhân mạng chí trọng! Tiểu nhị! Ngươi mau đi đến báo quan khám nghiệm.

Rồi y chắp tay xin các vị lữ khách rút lui để y đóng cửa phòng lại.

Các khách điếm liền giải tán, nhưng lại ra chỗ khác, túm năm tụ ba, thì thầm bàn tán.

Cứ bề ngoài mà coi thì Từ Văn chỉ là một chàng thư sinh phiêu bạt, đồng thời lại cụt một tay, cái chết của chàng thất khiếu ứa máu tựa hồ trúng độc, chứ không phải là cái chết vì có kẻ mưu đồ tài lợi hay vì thù hằn. Thật là một án mạng đầy bí ẩn.

Một biết thời gian trôi qua đã bao lâu, Từ Văn hồi tỉnh lại, chàng phát giác ra mình nằm ở cửa phòng, đầu gối lên vũng máu. Đột nhiên chàng nhớ lại màn kịch bị người che mặt mặc áo cẩm bào đánh ngã.

Ánh sáng ban ngày đã chui qua cửa sổ vào phòng, khiến cho ánh đèn trở nên ảm đạm.

Từ Văn trở mình ngồi nhổm dậy. Người chàng cũng không thấy đau đớn gì cho lắm. Đó là một chuyện lạ chàng không thể ngờ tới được. Vì chàng nhớ rõ phát chưởng thứ nhất của đối phương đã đánh chàng hộc máu miệng, ngã lăn ra không dậy được.

Phát chưởng thứ hai tuy vừa phóng ra chàng đã hôn mê bất tỉnh, nhưng trong lúc chớp nhoáng này, chàng nhớ lại tình trạng đó là một đòn trí mạng.

Chàng lại nghĩ :

- Đối phương đã cố ý hạ sát mình thì dĩ nhiên chẳng chịu nương tay. Mình chưa uống thuốc mà cũng chưa trị thương, cớ sao thương thế lại không trầm trọng? Đúng là trong vụ này có điều gì ngoắt ngoéo.

Chàng tự hỏi :

- Phải chăng lại là nàng?

Từ Văn chợt nhớ đến Thiên Đài Ma Cơ. Lần trước nàng đã vận công trị thương cho chàng trong khi bị đột kích. Theo lẽ ra chàng không tài nào sống được nữa, thế thì phải gặp kỳ tích gì, chàng mới phục hồi sanh mạng được. Lần trước chàng đã tưởng Thiên Đài Ma Cơ vì có sự mưu đồ, mà bịa ra chuyện động trời. Bây giờ chàng vừa trải qua sự thực đủ chứng minh lời nàng chẳng có điều chi giả trá.

Từ Văn nghĩ vậy rồi lẩm bẩm :

- Ngoài nàng ra, còn ai có bản lãnh khiến cho mình sống lại được? Nhưng nàng đâu?

Rồi chàng chợt cảm thấy mình đối với nàng bằng một thái độ lạnh lẽo tàn khốc...

Từ Văn nghĩ tới nghĩ lui, vẫn chưa có điều gì chứng minh vụ này. Ý niệm chàng lại chuyển tới người che mặt mặc áo cẩm bào. Chàng tự nhủ :

- Dĩ nhiên hắn không phải phụ thân mình. Trong thiên hạ, người cha nào dù độc dữ đến đâu cũng chưa từng có ai giết con. Huống chi mình lại không có lý do làm cho phụ thân nổi sát khí. Vậy đối phương là nhân vật thế nào? Tại sao hắn lại trá hình làm phụ thân? Vì lẽ gì hắn muốn giết mình?

Bao nhiêu câu hỏi rất nhiêu khê, chàng không nghĩ ra được, liền lắc đầu đứng dậy.

Toàn thân chàng có một thứ cảm giác nhẹ nhàng. Chàng rửa mặt mặc quần áo, toan mở cửa...

Đột nhiên ngoài cửa phòng có tiếng người huyên náo. Một người nói :

- Trình đại gia! Vào khoảng canh năm, trong căn phòng này có người thất khiếu ứa máu mà chết.

Tiếp theo là tiếng người khác hỏi lại :

- Sự thực có đúng thế không?

Người trước lại lên tiếng :

- Tiểu nhân khi nào dám nói dối?

Tiếng người nói sau lại cất lên :

- Hãy mở cửa cho ta khám nghiệm tử thi rồi sẽ liệu.

Từ Văn sửng sốt. Chàng không muốn để những người này làm phiền nhiễu, liền mở cửa sổ phía sau, nhảy vọt lên mái nhà, nhẹ nhàng rời khỏi quán trọ.

Chủ quán mở khóa đẩy cửa phòng ra, bọn sai dịch ngõ tác [1] ùa vào. Bất giác họ đều thộn mặt ra. Trong phòng trống không chẳng có một ai, chỉ còn mầy vũng máu đọng trên mặt đất tím bầm.

Tên đứng đầu bọn sai dịch là sư gia Tam Giác Nhãn quay lại quát hỏi chủ quán :

- Vụ này là thế nào đây?

Chủ quán run cầm cập đáp :

- Tiểu nhân không biết. Rõ ràng... xác chết vẫn ở trong phòng lúc khóa lại... Các vị lữ khách đều chứng kiến.

Tam Giác Nhãn cười gằn hỏi :

- Theo lời ngươi thì người chết rồi, sống lại trốn đi hay sao?

Chủ quán ấp úng :

- Cái đó... cái đó...

Tam Giác Nhãn lại quát :

- Phải chăng ngươi đã hủy thi thể cho mất tích?

Chủ quán hai đầu gối nhủn ra quỳ ngay xuống, sắc mặt lợt lạt, mồ hôi nhỏ giọt. Gã run lên đáp :

- Xin đại gia minh xét. Tiểu nhân một biết vụ này ra sao?

Tam Giác Nhãn quát đồng bọn :

- Trói gã lại đem về nha môn thẩm vấn.

Một tên sai dịch dạ một tiếng, tay cầm xiềng sắt rung lên một cái, toan quàng vào cổ chủ quán...

Giữa lúc ấy một người đàn bà xinh đẹp lạ thường xuất hiện ngoài cửa phòng, cất giọng trong trẻo nói :

- Hãy khoan! Làm gì mà vội thế?

Tên sư gia Tam Giác Nhãn quay đầu nhìn lại, đột nhiên biến sắc.

Người đàn bà này chính là Thiên Đài Ma Cơ. Thiệt là một chuyện ngẫu nhiên rất ly kỳ. Nàng cùng Từ Văn, kẻ trước người sau vào trọ một gian phòng trong quán. Bao nhiêu việc xảy ra từ ban đầu, nàng hoàn toàn biết rõ. Nhưng nàng không muốn chạm mặt Từ Văn, vì lòng tự tôn. Tấn kịch mấy bữa trước khi nào đã phai lạt được.

Thiên Đài Ma Cơ có một sắc đẹp kiều mỵ và vô cùng hấp dẫn, khiến cho mọi người đều ngây mặt ra.

Thiên Đài Ma Cơ thấy sư gia chân tay luống cuống liền bảo :

- Thẩm Bá Cương! Kính mừng các hạ đã đổi làm nghề sư gia. Người khác không biết đã đành, chẳng lẽ các hạ lại còn không hiểu những chuyện kỳ bí trên chốn giang hồ? Sao các hạ còn đốt lửa tự thiêu làm chi? Chủ quán là kẻ vô tội, các hạ liệu đó mà làm việc.

Nàng nói xong thoăn thoắt bỏ đi.

Gã sư gia họ Thẩm định thần lại, rồi vẫy tay bảo thuộc hạ :

- Về Nha thôi!

Nhắc lại Từ Văn rời khỏi lữ quán, chàng chạy một mạch ra khỏi tòa thị trấn. Trong đầu óc chàng vẫn lập lờ bóng người che mặt mắc áo cẩm bào giả mạo làm phụ thân, đã mấy phen định giết chàng mà chàng chẳng hiểu là ai?

Chàng chỉ có một đường lối giải thích là mình đã vô ý gây nên cừu hận với người nào đó, hắn sợ mình hạ thủ tàn sát, nên mới cải trang làm phụ thân để dễ bề động thủ.

Rồi chàng lại tự hỏi :

- Sao đối phương biết rõ thân thế mình mà bí mật cải trang làm phụ thân? Đây là một điều bí mật khó hiểu...

Bất thình lình phía sau lưng chàng có thanh âm một người đàn bà rất quen tai cất lên gọi :

- Địa Ngục thư sinh! Khoan rồi hãy chạy!

Từ Văn bất giác dừng bước, quay đầu nhìn lại. Chàng không khỏi phát ớn, vì người này chính là Thiên Đài Ma Cơ. Nàng chẳng khác một oan hồn một tiêu tan, cứ lẩn quất ám ảnh chàng. Chàng không nhìn nàng, song chợt nhớ ra trong mình mang nặng mối huyết cừu, tự mình đã quyết tâm cải biến tác phong, thay đổi thành người khác để tiện việc báo thù. Thế thì Thiên Đài Ma Cơ cũng có giá trị để mà lợi dụng.

Người ta thường nói, thay đổi bộ mặt giang sơn còn dễ hơn biến cải tính nết một con người. Biến đổi tính cách con người quả là khó thật. Nhưng Từ Văn đã gặp hoàn cảnh phi thường đả kích, vì muốn đạt tới mục đích đặc biệt nên không thể theo thường tình mà nói được.

Chàng liền chậm rãi hỏi lại :

- Cô nương có điều chi chỉ bảo?

Thiên Đài Ma Cơ đã dự bị cách tiếp đãi với con người lạnh nhạt. Nàng không ngờ thái độ của Từ Văn bữa nay lại ra ngoài sự tiên liệu của mình. Nàng mỉm cười đáp :

- Bữa nay dường như ngươi khác hẳn mọi ngày.

Từ Văn cười nói :

- Tại hạ chợt nhớ tới thái độ đối xử với cô nương có điều quá tệ.

Thiên Đài Ma Cơ hỏi :

- Tại sao vậy?

Từ Văn ngập ngừng :

- Việc đã qua tại hạ có chỗ hiểu lầm.

- Ngươi muốn nói về điều chi?

- Vụ người che mặt mặc áo cẩm bào.

- Bây giờ ngươi đã tin chưa?

- Tại hạ tin rồi! và thề rằng quyết điều tra cho rõ người ấy là ai? Hắn hạ thủ giết tại hạ với mục đích gì?

Thiên Đài Ma Cơ trầm ngâm một chút rồi hỏi :

- Dường như lần trước ngươi bảo ta người đó là phụ thân ngươi thì phải?

Từ Văn đáp :

- Đúng thế. Đó là tại hạ theo lời cô nương miêu tả, nhưng đến sáng sớm hôm nay...

Thiên Đài Ma Cơ ngắt lời :

- Ngươi chứng thực đối phương không phải là lệnh tôn chứ?

Từ Văn ngạc nhiên la lên :

- Ô hay! Cô nương cũng biết ư?...

Thiên Đài Ma Cơ cười đáp :

- Vụ này ta đã nhìn rõ toàn bộ.

- Ủa! Thảo nào...

- Thảo nào làm sao?

- Tại hạ đã tự liệu tất mình phải chết...

- Mà rồi ngươi lại sống phải không?...

Từ Văn trong lòng nổi lên mối tình cảm kích, nhưng vẫn không để lộ ra ngoài mặt. Chàng xá dài nói :

- Tại hạ kính cẩn tạ ơn cô nương đã cứu viện cho.

Thiên Đài Ma Cơ nở một nụ cười bí mật nói :

- Ta chỉ đứng bàng quan thôi chứ không ra tay. Sự thực ta không phải là đối thủ của người che mặt mặc áo cẩm bào...

Từ Văn ngắt lời :

- Nhưng tại sao tại hạ đã chết rồi mà sống lại được?

Trên môi Thiên Đài Ma Cơ vẫn giữ nụ cười bí mật, nàng ngắt lời :

- Chắc rồi đây ngươi còn gặp nhiều trường hợp tương tự.

- Tại hạ vẫn không hiểu...

- Thôi... Không nói chuyện đó nữa. Say này ngươi sẽ rõ.

Từ Văn trong lòng ôm mối hoài nghi, chàng không thể đoán được ý nghĩa trong lời nói của đối phương. Nguyên người chàng rất tuấn tú, có điều trên mí mắt chàng thỉnh thoảng lại nổi gân guốc vì tính khí quật cường, khiến cho vẻ đẹp bị giảm bớt đi. Ngày nay chàng vì muốn báo thù, đã quyết tâm cải biến tính cách, tranh thủ mối hảo cảm với người ngoài. Bao nhiêu tính chất lạnh lùng cáu kỉnh, chàng thu hết lại. Tuy lúc này chàng cực kỳ tiều tụy mà vẫn không che lấp mất vẻ phong lưu tự nhiên. Chỉ có điều đáng tiếc duy nhất là chàng cụt một tay.

Thiên Đài Ma Cơ dĩ nhiên đã ngó thấy chỗ tàn khuyết của chàng, mà vẫn say mê điên đảo. Đó là một điều khiến cho người ta khó lòng hiểu được. Vả lại thiên hạ sự nhiều khi ra ngoài đạo lý thông thường, nhất là mối tình yêu nam nữ càng khó nỗi đo lường. Những người này đổ cho chữ duyên là hết. Đáng tiếc Từ Văn đối với nàng không một chút lòng luyến ái, chàng còn chán ghét nàng vì thái độ lãng mạng.

Bỗng nàng cất tiếng hỏi :

- Huynh đệ! Ngươi có tiếp nhận cách xưng hô này chăng?

Từ Văn tuy trong lòng mắng thầm con người vô sĩ, nhưng ngoài miệng niềm nở đáp ngay :

- Được chứ!

- Thế thì sao ngươi không kêu ta là đại thư.

Từ Văn dè dặt đáp :

- Kể về niên canh, thì cách xưng hô như vậy cũng chẳng có điều chi trái với tình lý.

- Thế thì ngươi ưng thuận rồi.

- Dạ

Thiên Đài Ma Cơ lại hớn hở trong lòng. Hai má ửng hồng, mày xinh như vẽ, khóe thu ba dễ làm say đắm lòng người, về điểm này chính Từ Văn cũng không phủ nhận.

Thiên Đài Ma Cơ bỗng ngẩn người ra rồi hỏi :

- Huynh đệ! Dường như ngươi có tâm sự gì trầm trọng phải không?

Từ Văn có tật, giật mình. Chàng hơi nhíu cặp lông mày hỏi lại :

- Sao đại thư lại hỏi thế?

Thiên Đài Ma Cơ không trả lời câu hỏi của chàng, nàng hỏi lại :

- Đêm qua ngươi ở trong lữ quán, lúc thì nghiến răng nghiến lợi, khi lại thở ngắn thở dài. Huynh đệ không phủ nhận đều đó chứ?

Từ Văn chạm phải vết thương lòng, cơ hồ sa lệ, nhưng chàng cố nín nhịn, nở một nụ cười gượng gạo đáp :

- Đó là tiểu đệ nhớ đến mấy việc bất như ý gần đây...

---------------------------------------------------------------------------

[1] Công sai chuyên khám nghiệm tử thi.

Bình luận





Chi tiết truyện