chương 22/ 36

Hoàng Thiên Vũ đứng trước Vĩnh An khách điếm chờ Hồng Cẩm.

Lúc đó trời chưa sáng hẳn nên trên phố chỉ lẻ tẻ vài khách bộ hành, dáng vẫn còn ngái ngủ.

Phương đông ánh lên ngũ sắc trông rất mỹ lệ.

Trong Hoàng Thiên Vũ có hai tình cảm trái ngược nhau, vừa muốn gặp Trương Nhược Huyền, lại vừa không muốn!

Sau khi bị trúng phải độc chất, chàng không thể dự liệu trước tương lai của mình. Biết đâu chàng sẽ bị tàn phế suốt đời? Nếu thế thì sao lại đi làm liên lụy đến người khác?

Hơn nữa, mối hiềm nghi còn chưa giải, gặp nhau lúc này chỉ càng thêm khó xử mà thôi, cứ chờ đến khi phân rõ trắng đen rồi mọi chuyện thế nào sẽ nói.

Bây giờ đã có thể khẳng định hung thủ hãm hại Đồ Tử Yến, mặc dù đó chưa phải là tên đầu sỏ. Thế nhưng từ nay đến khi bắt hắn thú nhận tội lỗi để lấy lại sự thanh bạch của mình là một quãng đường gay go không đơn giản.

Qua thời gian chừng một tuần trà, Hồng Cẩm mới từ khách điếm đi ra.

Nàng bận bộ y phục màu hồng, vai đeo túi nhỏ, nhưng trên mặt lại không còn vẻ phấn khởi trước đây.

Hoàng Thiên Vũ nghĩ rằng Hồng Cẩm bị Trương Nhược Huyền rầy la liền hỏi :

- Cẩm muội sao thế?

Hồng Cẩm đáp :

- Quái sự!

Hoàng Thiên Vũ kinh ngạc hỏi dồn :

- Quái sự gì?

- Huyền thư thư không có trong phòng! Đêm qua ngủ say, tại sao vừa bảnh mắt đã đi đâu chứ?

- Có thể cô ấy có việc ra ngoài một lúc...

Hồng Cẩm lắc đầu :

- Không! Chị ấy ra khỏi khách điếm.

Hoàng Thiên Vũ nhíu mày hỏi :

- Sao muội biết?

- Bởi vì chị ấy hầu như mang theo mọi vật tùy thân. Nếu chỉ đi đâu chốc lát thì mang theo làm gì?

Hoàng Thiên Vũ lo lắng hỏi :

- Vậy... làm sao bây giờ?

Hồng Cẩm khoát tay nói :

- Chúng ta cứ đi! Muội đã để lại một mảnh giấy viết rõ rồi.

- Như vậy làm sao yên tâm được? Nếu Trương cô nương xảy ra chuyện gì bất trắc thì sao?

- Vũ đại ca yên tâm đi! Huyền thư thư chẳng sao đâu. Chúng ta cứ đi thôi!

Thấy Hồng Cẩm tỏ ra kiên quyết như vậy, Hoàng Thiên Vũ biết không thể buộc nàng ở lại được, tuy trong lòng vẫn lo lắng không yên.

Vừa rồi do quá nhiều sự cố xảy ra nên bây giờ đứng trước việc gì Hoàng Thiên Vũ cũng suy tính, cân nhắc và lo lắng.

Hồng Cẩm lại cất tiếng giục :

- Vũ đại ca! Đi thôi chứ? Sao cứ đứng ngẩn ra mãi?

Hoàng Thiên Vũ miễn cưỡng nói :

- Nào thì đi!

* * * * *

Núi.

Có người cho rằng núi rất đẹp, hùng tráng và mỹ lệ, là đề tài vô tận của những nguồn thơ điệu nhạc, là đối tượng của thi ca, hội họa.

Có người cho núi rừng là kho tài nguyên vô tận, là nguồn sống của thiên nhiên, ẩn tàng bao nhiêu bạc vàng, của cải, chim muông và hầu như tất cả mọi nhu yếu phẩm của con người, khai thác ngàn đời không hết.

Có người lại thấy núi rừng là nơi đùm bọc chở che mình, nếu gặp phải họa nạn gì thì có thể ẩn thân trong đó một cách an toàn.

Những người hiếu kỳ thì cho rằng nó bí ẩn, thâm trầm, là đề tài hấp dẫn vào bậc nhất cho những khám phá.

Lại có người cho núi rừng là nơi hiểm ác, đáng sợ, tiềm tàng vô số hiểm nguy và muôn loài độc vật...

Tóm lại, mỗi người có một quan niệm riêng về rừng núi, tất cả đều thống nhất một điểm rằng đó là kiệt tác hùng vĩ nhất của thiên nhiên.

* * * * *

Bây giờ Hoàng Thiên Vũ và Hồng Cẩm đang đến trước Tung Sơn.

Hoàng hôn đang buông xuống, núi non hùng vĩ chìm trong màn sương tối thẳm.

Hồng Cẩm phụng phịu nói :

- Vũ đại ca! Muội đã khuyên hãy ghé vào trấn nghỉ lại, thế mà huynh không nghe. Bây giờ trời đã tối, trước không có quán xá, sau không thấy thôn làng, biết làm sao giờ?

Giọng nàng có vẻ trách móc.

Hoàng Thiên Vũ nghe giọng nói :

- Hồng Cẩm! Chúng ta vào núi tìm người, lại mò mẫm không biết địa chỉ, biết mất bao nhiêu thời gian mới tìm được? Trước mắt có quá nhiều việc phải làm, làm sao ngu huynh không vội được?

Chàng vừa nói vừa đi, chân không chậm bước.

Hồng Cẩm vẫn không chịu :

- Nhưng ban đêm thì tìm người thế nào được?

Hoàng Thiên Vũ vẫn bảo vệ ý kiến của mình :

- Không phải là chúng ta tìm người ban đêm, mà tranh thủ ban đêm để đi đường. Muội thấy đấy, ở trấn chúng ta đi từ trưa tới giờ mới đến đây...

Chàng chỉ tay vào ngọn núi sừng sững trước mặt nói tiếp :

- Trông vậy chứ đến được đó không phải nhanh đâu. Nếu chúng ta trú lại, sáng mai có xuất hàng sớm chăng thì ít nhất phải quá trưa mai mới lên núi, chẳng phải là mất thêm một ngày nữa hay sao?

Chàng đứng lại một lát, nhìn Hồng Cẩm vẻ quan tâm :

- Muội mệt rồi sao?

Hồng Cẩm nhoẻn miệng cười đáp :

- Không... muội chỉ nói thế thôi...

Hoàng Thiên Vũ nói tiếp :

- Hơn nữa huynh còn lo một điều. Hiện chúng ta luôn nằm trong sự theo dõi của địch nhân. Nếu dừng lại ở khách điếm sẽ có thêm cơ hội cho chúng thi hành độc kế, huynh lại đang bị độc chất trong người không thể giao thủ được...

Hồng Cẩm gật đầu nói :

- Vũ đại ca nghĩ thế là phải... Cứ cho là muội trách sai.

Hoàng Thiên Vũ nói không sai.

Ngọn núi trông sừng sững trước mặt, nhưng càng đi nó càng lùi xa tưởng như không bao giờ tới được.

Hai người đi thêm hơn một canh giờ mà vẫn chưa tới chân núi.

Vầng trăng lên cao dần, tỏa ánh sáng huyền ảo mông lung xuống núi rừng hoang vắng nhìn càng thêm hoang lạnh.

Đang đi, Hồng Cẩm bỗng dừng lại nói :

- Nhìn kìa!

Nói xong đưa tay chỉ sang bên trái đường.

Hoàng Thiên Vũ theo hướng ta chỉ nhìn tới, thấy có ánh đèn le lói chiếu ra, bụng mừng thầm nói :

- Đó chắc là nơi ở của một nhà hoặc một xóm thợ săn nào đó. Chúng ta tới đó xin nghỉ lại thì vừa khéo!

Hồng Cẩm nói :

- Vừa rồi Vũ đại ca nói rằng lo địch nhân tập kích ám toán mà?

Hoàng Thiên Vũ cười đáp :

- Bây giờ đã vào núi rồi, đương nhiên cơ hội địch nhân tiếp cận giảm đi nhiều. Nhưng lo thì lo vậy chứ đâu tránh được mãi? Chúng ta cứ vào nghỉ lại một đêm, sáng mai lên đường sớm, tinh thần sẽ phấn chấn hơn.

Hồng Cẩm gật đầu cười, nói :

- Tuân lệnh!

Hai người cùng phì cười.

Họ rẽ sang trái đi về hướng ánh đèn.

Đi chừng nữa dặm, đã thấy hai căn nhà nhỏ. Ánh đèn từ trong cửa sổ ngôi nhà chính phát ra.

Ngôi nhà được xây bằng đá khá kiên cố, bên ngoài có hàng rào bằng gỗ, quanh nhà có vườn cây ăn trái.

Họ vừa tới cửa thì chợt có tiếng chó sủa vang :

- Gâu gâu gâu!

Nghe tiếng sủa ồm cũng biết đó là loại chó rừng rất dữ, hơn nữa không phải chỉ có một con.

Hai người cùng đứng lại.

Tiếng sủa vang lên từng hồi không dứt, không chỉ sủa mà chúng còn gầm gừ, cào vào liếp cửa.

Hồng Cẩm lo lắng nói :

- Vũ đại ca! Làm thế nào bây giờ? Muội rất ghét chó!

Hoàng Thiên Vũ cười hỏi :

- Sao không nói thẳng ra là sợ chó?

Hồng Cẩm biện bạch :

- Nói chung là ghét. Nếu một vài con thì không sao, giả dụ cả chục con chó dữ lao vào tấn công, ai không sợ? Chỉ e đến cả đại ca...

Nói dừng một lát, nói thêm :

- Hơn nữa chúng ta tới đây xin trú lại, chẳng lẽ đánh chó người ta?

Hoàng Thiên Vũ nói :

- Thế càng hay! Chúng ta đỡ phải gọi cửa. Chủ nhân nghe tiếng chó sủa, có ngủ say cũng thức dậy.

Quả nhiên có tiếng người mắng chó, rồi tiếng bước chân bước ra phía cửa, hẳn là chủ nhân ghé qua khe cửa nhìn xem khách không mời là ai.

Hoàng Thiên Vũ nhận ra giọng của nữ nhân, nghĩ thầm: “Chắc đây là nhà thợ săn. Có khi người đi săn ở mãi trong núi mấy ngày mới về một lần, không biết trú lại có tiện không?”

Tiếng chó lặng đi, sau đó là tiếng hỏi vọng ra :

- Ai đó?

Hoàng Thiên Vũ đi trước tiến vào hiên, cao giọng đáp :

- Huynh muội chúng tôi lỡ đường tới đây xin làm phiền đại nương cho nghỉ nhờ lại một đêm...

Người trong nhà nhìn qua khe cửa rồi hỏi :

- Hai vị là huynh muội?

Nghe giọng thì nữ nhân đó không còn trẻ.

Hoàng Thiên Vũ vội đáp :

- Dạ!

Người trong nhà hỏi tiếp :

- Hai vị hình như... không phải người ở trong vùng này?

Hoàng Thiên Vũ vội đáp :

- Vâng...

Hồng Cẩm tiếp lời :

- Đại nương! Chúng tôi từ nơi khác tới. Đại ca tôi làm nghề y nên thường đi xa tìm thuốc, hôm nay tới đây lỡ đường...

Nàng nói dối mà cứ hoạt bát như thật khiến Hoàng Thiên Vũ không nhịn được cười thầm, nghĩ bụng: “Cô ả này đến là hỏng sự! Nếu lỡ ra người ta hỏi mình về y thuật thì há chẳng lòi đuôi nói dối ra ư?”

Nữ nhân “à” một tiếng nói :

- Thì ra là vị lang trung tiên sinh! Vậy thì tốt lắm! Xin chờ cho một lúc để tôi buộc mấy con chó lại đã!

Tiếng dây xích loảng xoảng, sau đó “két” một tiếng, cánh cửa gỗ mở ra.

Một trung niên phụ nhân tuổi ngoài bốn mươi, ăn mặc giản dị theo kiểu người miền núi đứng trước cửa nhìn khách nói :

- Hai vị vào đi!

Nói xong đứng sang một bên cửa tránh đường.

Hoàng Thiên Vũ chắp tay đáp :

- Dám phiền đại nương!

Rồi cùng Hồng Cẩm bước vào cửa.

Trung niên phụ nhân đóng cửa, chốt lại cẩn thận.

Đó là thói quen của người miền núi, đề phòng thú dữ thừa cơ đột nhập vào nhà.

Căn nhà gồm ba gian, bên phải có buồng riêng ngăn bằng ván và lối đi thông ra nhà bếp, bên trái kê một chiếc giường gỗ, phòng giữa đặt một bộ bàn ghế, cây đèn bão treo trên xà giữa phòng soi sáng cả gian nhà.

Trên tường treo cung nỏ và một số dụng cụ đi săn khác.

Đồ đạc tuy đơn sơ nhưng bày biện khá ngăn nắp.

Trung niên phụ nhân đóng cửa xong quay lại chỉ tay vào bàn nói :

- Mời hai vị ngồi!

Hồng Cẩm đáp :

- Cảm ơn đại nương!

Nói xong cùng Hoàng Thiên Vũ ngồi xuống một bên.

Trung niên phụ nhân vẫn đứng hỏi :

- Xung quanh đây không có dân cư, quán xá gì, chắc hai vị còn chưa dùng bữa tối đúng không?

Hồng Cẩm ngập ngừng đáp :

- Dạ...

Hoàng Thiên Vũ không muốn làm phiền chủ nhân, cười nói :

- Đại nương ngồi đi! Xin được hỏi quý danh...

Trung niên phụ nhân đáp :

- Tiên phụ họ Triệu.

Hoàng Thiên Vũ chắp tay nói :

- Triệu đại nương!

Hai tiếng tiên phu nghĩa là trượng phu của bà ta đã chết. Bấy giờ Hoàng Thiên Vũ mới nhận thấy trên bàn thờ đất một tấm linh vị, nhưng không đọc rõ.

Giọng Hoàng Thiên Vũ tỏ ra thông cảm :

- Triệu đại thúc gặp chuyện bất hạnh gì?

Triệu đại nương trầm giọng kể :

- Tiên phu tên là Triệu Nhị, ngoài nghề chính là đi săn còn làm thêm nương rẫy. Ba năm trước trong một chuyến đi săn lỡ sa chân xuống vực nên bị thương, tuy về được đến nhà nhưng bệnh liệt giường rồi không gượng dậy được nữa...

Tới đó bà ta đưa tay áo chấm nước mắt, kể tiếp :

- Nghề đi săn gặp rủi ro như vậy là chuyện thường, nào rơi chết, rắn độc cắn, thú dữ ăn thịt... nhiều người còn mất xác, tiên phu về được tới nhà còn may!

Bà ta chợt cười qua làn nước mắt, thở dài nói :

- Ài! Không nói đến chuyện đó nữa! Hai vị đi đường vất vã, nên nghỉ ngơi sớm. Để tôi chuẩn bị thức gì ăn tạm rồi dọn phòng...

Vừa lúc đó chợt có tiếng la kinh hãi :

- Ui chao!

Tiếng la thất thanh đến nỗi làm cho cả Hoàng Thiên Vũ và Hồng Cẩm cùng giật nảy người.

Một hài tử từ trong buồng bước ra, không hiểu vì sao kêu ré lên rồi chạy tới nép chặt vào góc chái, người co rúm lại, giương đôi mắt hoảng loạn nhìn Hoàng Thiên Vũ và Hồng Cẩm.

Nhìn đứa bé, người ta lập tức nghĩ đến một người yếu bóng vía đi đêm đột nhiên gặp phải ác quỷ, mất cả hồn vía.

Căn cứ vào tầm vóc và nét mặt thì hài tử đó chừng mười ba, mười bốn tuổi.

Hoàng Thiên Vũ ngơ ngác nhìn Triệu đại nương dò hỏi, không biết xảy ra chuyện gì mà hài tử kia sợ hãi đến thế?

Triệu đại nương bước đến gần, hài tử liền bổ tới ôm chầm lấy bà ta.

Triệu đại nương vỗ nhẹ vào lưng hài tử, dịu dàng nói :

- Tiểu Bảo! Đừng sợ! Đây là những người tốt. Họ là khách nhân của chúng ta, trong đó có một vị lang trung nữa, vị đó sẽ...

Tiểu Bảo vẫn la lên :

- Quỷ! Máu! Người chết...!

Triệu đại nương an ủi :

- Tiểu Bảo! Con ngoan nào! Có mẹ ở đây, sợ gì chứ?

Bà ta vừa dỗ dành Tiểu Bảo, vừa nhìn Hoàng Thiên Vũ cất giọng thê lương nói :

- Tiên sinh! Hài tử này gần đây mắc phải một chứng bệnh rất lạ lùng, tôi thật đến khổ vì nó...

Bà ta đưa tay lau nước mắt, nghẹn ngào nói tiếp :

- Trong thôn gần đây có một vị thầy bói bảo rằng nói bị trúng tà, nhưng cúng bái phù phép bao nhiêu cũng không đỡ. Cứ thấy một đôi nam nữ đi với nhau là nó sợ chết khiếp đi. Ban ngày thì cứ tha thẩn như người mất hồn, thỉnh thoảng vừa chạy vừa la như vừa rồi, có khi còn vùng chạy khỏi giường như bị ma đuổi!

Bà ta ngừng lại lau nước mắt, thở dài nói :

- Ài! Nếu Tiểu Bảo có mệnh hệ nào thì tôi còn sống làm gì?

Hoàng Thiên Vũ nhíu mày hỏi :

- Đại nương! Việc đó phát sinh thế nào?

Triệu đại nương đáp :

- Ở sườn núi sau nhà cách đây nửa dặm có một biệt viện, không biết đó là dinh thự của vị phú gia nào, tuy nhỏ bé nhưng rất mỹ lệ, nhưng thường bỏ hoang rất ít khi có người đến ở. Tiểu Bảo thích tới đó chơi. Chừng nửa tháng trước, Tiểu Bảo ở đó chạy về, dọc đường không nói một tiếng nhưng tới nhà thì òa khóc, mặt co rúm lại như vừa chứng kiến một sự việc gì rất đáng sợ, tóc tai rối bù, áo quần bị gai cào rách nát, cả người bê bết máu...

Tiểu Bảo lại cất tiếng rên rĩ.

Triệu đại nương ôm chặt cậu ta, kể tiếp :

- Từ đó nó biến thành thế này...

Hoàng Thiên Vũ lại hỏi :

- Có lúc nào hài tử tỉnh táo không?

Triệu đại nương lắc đầu :

- Có lúc đỡ hơn, nhưng không hoàn toàn tỉnh táo. Nó thường ẩn mình trong bóng tối và những lùm cây rậm rạp để không ai nhìn thấy. Cũng từ hôm đó, nó không bao giờ bước chân ra khỏi nhà nửa bước.

Hồng Cẩm chợt lên tiếng :

- Chắc rằng hài tử đã chứng kiến một chuyện gì hết sức đáng sợ nên tinh thần bị khủng hoảng mới đến nông nỗi đó.

Triệu đại nương gật đầu.

Tiểu Bảo chợt chỉ tay vào Hoàng Thiên Vũ và Hồng Cẩm, mắt trợn tròn, mặt co rúm, kêu lên :

- Các người giết ông ta! Làm thịt, lột da...

Triệu đại nương vừa khóc vừa nói :

- Lang trung tiên sinh! Ngài là lang trung nhưng còn đeo kiếm, tất là một vị hiệp khách. Xem có thế cứu chữa cho Tiểu Bảo không? Nếu ngài có thể giúp Tiểu Bảo bình phục, mẹ con tôi xin nguyện suốt đời làm trâu ngựa để hầu hạ...

Nói xong quỳ sụp xuống.

Hoàng Thiên Vũ vội vàng chạy tới đỡ bà ta đứng lên nói :

- Đại nương đừng làm thế!

Chàng thấy rất khó xử.

Vừa qua chỉ do Hồng Cẩm buột miệng nói chàng là lang trung nên mới xảy ra cơ sự thế này.

Bình luận





Chi tiết truyện